Giáo dục trung học nỗ lực, chủ động trong năm học ứng phó với Covid-19

GD&TĐ - Trong 2 ngày (12, 13/8), Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục trung học.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc hội nghị.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu khai mạc hội nghị.

Hội nghị tổ chức dưới hình thức trực tuyến với 1 điểm cầu tại Bộ GD&ĐT, 63 điểm cầu sở GD&ĐT, hơn 700 điểm cầu phòng GD&ĐT và khoảng 2.000 điểm cầu trường THPT. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì Hội nghị.

Kết quả tích cực cả giáo dục đại trà và mũi nhọn

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, năm học 2020-2021 là một năm “nhiều cảm xúc và nhiều thách thức” đối với ngành Giáo dục, diễn ra trong bối cảnh cả nước phải hứng chịu nhiều đợt dịch Covid-19 với những tác động to lớn đến toàn bộ nền kinh tế, xã hội, trong đó có giáo dục đào tạo. 

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị khối giáo dục trung học nhìn lại năm học 2020-2021 để đánh giá chính xác những điều đã làm được, điều còn tồn tại, phải rút kinh nghiệm và thảo luận về phương hướng, nhiệm vụ cho năm học sắp tới 2021-2022.

Đây sẽ tiếp tục là một năm nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 đã lan ra hầu hết các tỉnh thành và diễn biến phức tạp, khó lường. Thời gian “vàng” đối với giáo dục là thời gian học sinh được học trực tiếp ở trường theo đó có thể bị giảm đi. Vậy giải pháp nào, trong đó có việc kết hợp dạy trực tuyến với trực tiếp, có thể giúp ngành Giáo dục thực hiện được tốt 3 mục tiêu: an toàn về dịch, hoàn thành chương trình và đảm bảo chất lượng.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Năm học 2020-2021, các cơ sở giáo dục trung học tiếp tục thực hiện hiệu quả việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, đổi mới phương pháp dạy học/kiểm tra đánh giá, đổi mới quản trị nhà trường, theo hướng dẫn của công văn 4612/BGD&ĐT-GDTrH (ngày 03/10/2017). Theo đó, các nhà trường đã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện dạy học thực tế của cơ sở; điều chỉnh, tăng thời gian thực hành và vận dụng kiến thức vào thực tiễn cho học sinh.

Việc sinh hoạt chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học trong các nhà trường đã trở thành hoạt động thường xuyên; qua đó nhiều bài học/chủ đề minh họa qua sinh hoạt chuyên môn đã được xây dựng và tổ chức dạy học. Đến nay, số bài học/chủ đề minh họa thực hiện trong sinh hoạt chuyên môn cấp THCS là 193.528 bài (tỉ lệ 18,3 bài /trường), cấp THPT là 75.783 bài (29,01 bài/trường).

Trong bối cảnh phải ứng phó với dịch Covid-19, ngành Giáo dục nói chung và giáo dục trung học nói riêng đã chủ động, kịp thời điều chỉnh kế hoạch năm học, vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học, tinh giản chương trình giáo dục phổ thông học kỳ II, điều chỉnh quy định đánh giá cuối năm học.

Các cơ sở giáo dục trung học đã tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình phù hợp với điều kiện triển khai của nhà trường, giúp cho việc tiếp tục thực hiện chương trình trong thời gian phải tạm dừng đến trường vì dịch Covid-19.  Cũng nhờ đó, chất lượng giáo dục đại trà được giữ vững trước ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp; nhất là trong những tháng cuối năm học 2020-2021 vừa qua.

Kết quả giáo dục mũi nhọn của học sinh trung học cũng tăng đáng kể. Điều này thể hiện rõ nét qua kết quả học sinh tham gia các kỳ thi khu vực và quốc tế. Cụ thể, mùa Olympic khu vực và quốc tế năm 2021, Việt Nam có 37 lượt học sinh tham gia dự thi thì cả 37 em đều đoạt giải với: 12 Huy chương Vàng, 13 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen. Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế (ISEF), 1 dự án của học sinh Việt Nam đã đạt giải Ba - giải chính thức của Hội thi và 2 dự án đoạt 3 giải đặc biệt do các hiệp hội và tổ chức khoa học - công nghệ và doanh nghiệp trao tặng.

Chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 bắt đầu áp dụng từ năm học 2021-2022 đối với lớp 6 cấp THCS, các địa phương, cơ sở giáo dục đã ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, chủ động khắc phục khó khăn để triển khai công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên. Tính đến cuối năm học 2020-2021, đã có hơn 579.000 lượt giáo viên trung học được bồi dưỡng các modul 1,2,3 về Hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018; phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh.

Từ các sách giáo khoa lớp 6 biên soạn theo Chương trình GDPT 2018 được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt, 63 tỉnh thành phố đã tổ chức lựa chọn sách theo quy định của Thông tư số 25. Kết quả, tại mỗi tỉnh/thành phố, mỗi môn học/hoạt động giáo dục được chọn từ 1 đến 5 bộ sách trong đó tỉ lệ chọn 1 bộ/môn học khoảng 50%; 2 bộ/môn học khoảng 30%.  

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại hội nghị.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại hội nghị.

Chủ động ứng phó các tình huống, đảm bảo chất lượng giáo dục

Bên cạnh kết quả đạt được, giáo dục trung học năm 2020-2021 vẫn còn một một số hạn chế, như: chất lượng giáo dục còn chưa đồng đều giữ các vùng, miền; còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số vùng khó khăn, vùng sâu, vùng sa, vùng có nhiều khu công nghiệp, đặc biệt ở các môn học đặc thù như: Mỹ thuật, Âm nhạc, Tin học, Công nghệ, Trải nghiệm - Hướng nghiệp... Tỉ lệ giáo viên/học sinh tại một số địa phương chưa bảo đảm. Vẫn còn một số giáo viên chưa chú trọng đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và kiểm tra đánh giá. Công tác giáo dục hướng nghiệp chưa đạt được mục tiêu đã đề ra.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học và kiểm tra, đánh giá còn hạn chế ở một số nơi do hạ tầng và trang thiết bị còn thiếu, chưa đồng bộ. Việc lựa chọn sách giáo khoa và đăng ký mua sách giáo khoa tại một số địa phương còn thực hiện chậm so với thời gian quy định, làm ảnh hưởng đến công tác in ấn, phát hành sách tới tay học sinh.

Năm học 2021-2022 được xác định vẫn sẽ diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Do đó, nhiệm vụ đầu tiên mà giáo dục trung học đề ra cho năm học mới này là thực hiện tốt mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm trường học an toàn và nâng cao chất lượng giáo dục. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch năm học được đặt mục tiêu phải linh hoạt, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến khó lường, bất thường của thiên tai, dịch bệnh.

Năm học này, cấp THCS sẽ lần đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT đối với lớp 6. Do đó, nhiệm vụ quan trọng được đề ra là triển khai hiệu quả chương trình này và chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tiếp Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 7, lớp 10 cho năm học tiếp theo.

Việc phát triển đội ngũ nhà giáo; quy mô trường lớp, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục THCS và chất lượng giáo dục trung học; tiếp tục đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, quản trị trường học; thực hiện kỷ cương, nền nếp, chất lượng và hiệu quả giáo dục trong các cơ sở giáo dục trung học, cũng là các nhiệm vụ được giáo dục trung học đề ra cho năm học 2021-2022.

Năm học 2020-2021, cả nước có 8.257.154 học sinh trung học. Quy mô học sinh tương đối ổn định so với năm học 2019-2020.

Về trường lớp, cấp THCS có 10.644 trường, cấp THPT có 2.543 trường. Toàn quốc có 201 trường THCS và 373 trường THPT tư thục (tập trung trong cụm các thành phố trực thuộc trung ương).

Năm học 2020-2021, cả nước có 928 trường  dân tộc nội trú, dân tộc bán trú cấp THCS và 136 trường dân tộc nội trú, dân tộc bán trú cấp THPT.

Tất cả 63 tỉnh/ thành phố đều đã có trường chuyên (71 trường trực thuộc sở GD&ĐT, 5 trường thuộc cơ sở giáo dục đại học); số học sinh chuyên chiếm khoảng 2,1% số học sinh THPT.

Về đội ngũ, năm học 2020-2021 cả nước có 520.354 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên cấp trung học (358.670 cấp THCS và 161.684 cấp THPT).

Tỷ lệ giáo viên THCS đạt chuẩn và trên chuẩn năm học 2020-2021 đạt 82,40% (tăng 2,8% so với năm học 2019-2020). Tỷ lệ giáo viên THPT đạt chuẩn và trên chuẩn năm học 2020-2021 đạt 99,78% (tăng 0,8 % so với năm học 2019-2020).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.