Học sinh lớp 1 học theo chương trình mới nổi trội hơn về một số mặt

GD&TĐ - Năm học 2020-2021, các trường tiểu học hoàn thành chương trình đúng kế hoạch. Chất lượng HS lớp 1 bảo đảm theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình; 1 số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị.

Thông tin này được đưa ra tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục tiểu học sáng 12/8. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì hội nghị.

Hội nghị tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu tại Bộ GD&ĐT, 63 điểm cầu tại 63 sở GD&ĐT và hơn 700 điểm cầu đến các phòng GD&ĐT cấp quận, huyện. 

Một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Năm học 2020-2021 là năm đặc biệt với ngành Giáo dục nói chung và giáo dục Tiểu học nói riêng, khi lần đầu tiên cả nước thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới đối với lớp 1.

Năm học diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19; học sinh lớp 1 không có 2 tuần làm quen nền nếp, môi trường học tập như các năm học trước. Trước đó, suốt nhiều tháng kể từ học kỳ II năm học 2019-2020, không ít địa phương vì ảnh hưởng của dịch đã phải cho học sinh tạm dừng đến trường; thầy trò từng bước làm quen và chuyển dần sang dạy học trực tuyến.

Triển khai nhiệm vụ năm học trong bối cảnh khó khăn và khác biệt, ngành Giáo dục cả nước đã chung tay nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép: vừa tích cực phòng chống dịch Covid-19, vừa triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1 và Chương trình GDPT 2006 đối với các lớp 2, 3, 4, 5.

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, thời gian qua các địa phương đã tích cực thực hiện sắp xếp lại mạng lưới, quy mô trường, lớp phù hợp để tạo thuận lợi cho người dân, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh. Việc duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố và giảm số phòng học tạm, mượn được chú trọng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, chuẩn bị sẵn sàng thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở cấp tiểu học.

Thực hiện Quyết định số 1436/QĐ-TTg, hầu hết các địa phương đã xây dựng đề án cụ thể về chuẩn bị cơ sở vật chất để tổ chức thực hiện, các nguồn vốn hỗ trợ đã được phân bổ cho các địa phương. Trên cơ sở nguồn vốn được giao, địa phương đã triển khai đầu tư xây dựng các công trình đáp ứng nhu cầu dạy học theo yêu cầu của Chương trình GDPT 2018 đối với cấp tiểu học.

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục tiểu học.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm học 2020-2021, triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục tiểu học.

Triển khai thực hiện kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt kết quả tích cực. Mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay tại trường qua mạng với sự hỗ trợ của đội ngũ giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt của các trường đại học sư phạm tham gia Chương trình ETEP đã bước đầu được triển khai hiệu quả.

Các địa phương đã hoàn thành bồi dưỡng giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý cốt cán về hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với các mô đun: 1, 2, 3 (đang chuẩn bị thực hiện mô đun 4, mô đun 5 trong tổng số 9 mô đun) và bồi dưỡng giáo viên đại trà cho 100% giáo viên dạy lớp 1 kịp thời trước khi bắt đầu năm học mới.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa (SGK) theo Nghị quyết 88, đã có 5 NXB với đội ngũ các nhà khoa học, giáo viên, cán bộ quản lý tham gia biên soạn và trình thẩm định 5 bộ SGK lớp 1 đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục theo Chương trình GDPT 2018 bảo đảm chất lượng được Bộ GD&ĐT phê duyệt.

Tất cả các SGK Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được các nhà trường tổ chức cho giáo viên, tổ bộ môn nghiên cứu đề xuất, thành lập hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại trường. Điều này cho thấy thành công bước đầu của chủ trương xã hội hóa biên soạn SGK, ngăn ngừa sự độc quyền trong xuất bản, phát hành SGK.

Riêng kết quả triển khai thực hiện chương trình, SGK GDPT 2018 đối với lớp 1, Bộ GD&ĐT cho biết: Các nhà trường đã chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong thực hiện Chương trình cấp tiểu học đối với lớp 1.

Đồng thời, khai thác, sử dụng SGK, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn. Vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị hoạt động giáo dục của nhà trường; bảo đảm tính dân chủ, công khai, thống nhất giữa các tổ chức trong nhà trường. Phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1 bảo đảm theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành.

Cụ thể, học sinh lớp 1 năm nay mạnh dạn, tự tin hơn, biết nêu quan điểm cá nhân và cơ bản là đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1, sau đó được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2.

Đây là thành quả từ những nỗ lực, tâm huyết của từng cá nhân nhà giáo, học sinh, phụ huynh, và tập thể nhà trường, các địa phương, cũng như toàn ngành Giáo dục

Đối với các lớp đang thực hiện Chương trình GDPT 2006, từ chỉ đạo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các địa phương tiếp tục chỉ đạo nhà trường thực hiện đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và hình thức tổ chức, phương pháp đánh giá học sinh. Chuyển từ truyền thụ kiến thức sang tổ chức hoạt động học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh.

Bộ GD&ĐT thực hiện rà soát lại nội dung chương trình, SGK, đặc biệt là đối với các môn học bắt buộc theo hướng tinh giản những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của từng lớp. Tinh giản những nội dung trùng lặp trong môn học và giữa các môn học. Tích hợp một số nội dung trong cùng môn học và giữa các môn học thành các chủ đề học tập trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình.

Nhà trường bước đầu sử dụng các hình thức dạy học trực tuyến trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông; tăng cường các hoạt động trải nghiệm để học sinh vận dụng kiến thức, phát triển năng lực. Thực hiện nghiêm túc việc xây dựng ma trận đề kiểm tra định kỳ, tăng cường hướng dẫn giáo viên thực hiện đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ đúng quy trình ra đề kiểm tra, đánh giá định kỳ các môn học.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Nhiệm vụ mới với giáo dục Tiểu học

Tuy nhiên, triển khai nhiệm vụ năm học 2020-2021 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, biên soạn SGK theo chương trình mới lần đầu tiên được áp dụng nên gặp nhiều khó khăn từ khâu thiết kế đến khâu tổ chức thực hiện. Lần đầu tiên thực hiện một chương trình, nhiều SGK nên việc lựa chọn, sử dụng SGK ở các địa phương rất đa dạng, khó khăn trong việc in ấn, phát hành.

Những khó khăn khác liên quan đến nội dung giáo dục địa phương; đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; cơ sở vật chất; sự chưa đồng đều trong thực hiện đổi mới chương trình, SGK tại các địa phương...

Kế thừa kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, khó khăn, giáo dục tiểu học đã đặt ra 5 nhiệm vụ với nhiều giải pháp cụ thể cho năm học 2021-2022. Trong đó, tiếp tục triển khai bảo đảm chất lượng chương trình GDPT 2018 đối với lớp 1, lớp 2 và thực hiện hiệu quả chương trình GDPT 2006 từ lớp 3 đến lớp 5.

Tiếp tục xây dựng kế hoạch, phương án tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học các môn học bắt buộc theo chương trình, đặc biệt là môn Tin học, môn Ngoại ngữ; bảo đảm 100% giáo viên dạy học lớp 3 được bồi dưỡng theo quy định của Bộ GD&ĐT và được hướng dẫn sử dụng SGK lớp 3 từ năm học 2022-2023.

Rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục và bố trí quỹ đất để xây dựng trường, điểm trường, lớp học phù hợp, thuận lợi và đáp ứng nhu cầu người học, vẫn là nhiệm vụ được chú trọng thực hiện trong năm học này. Song song với đó là tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng thực hiện chương trình GDPT cấp tiểu học, khắc phục tình trạng trường lớp có quy mô lớp học và sĩ số học sinh vượt quá quy định.

Đặc biệt, năm học 2021-2022, giáo dục tiểu học đặt ra 2 nhiệm vụ mới. Một là chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Khai thác, sử dụng SGK, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn. Vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Nhiệm vụ mới thứ hai là đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch Covid-19. Chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục và điều kiện thực tế của người học. Tổ chức xây dựng kho học liệu điện tử phù hợp để sẵn sàng cho việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình...

Năm học 2020-2021 toàn quốc có 14.786 cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình GDPT cấp tiểu học với 16.323 điểm trường, giữ ổn định so với năm học trước.

Tỷ lệ phòng học/lớp đạt trung bình cả nước là 0,98; trong đó phòng học kiên cố đạt 79,5%; phòng học bán kiên cố đạt 18,5%; phòng học tạm, mượn chiếm 2%; số phòng học còn thiếu và đang học nhờ, mượn là 2.081 (0,75%) phòng.

Cả nước có tổng số 8.736.033 học sinh tiểu học, tăng 152.301 em so với năm học trước. Tổng số lớp là 280.274 (tăng 4.325 lớp so với năm học trước); tỷ lệ trung bình học sinh/lớp là 31,27.

Hiện nay, toàn quốc có 406.636 giáo viên cấp tiểu học, tăng 6.140 so với năm học trước. Tỷ lệ trung bình giáo viên/lớp là 1,41, cơ bản bảo đảm thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ