Sẵn sàng triển khai chương trình mới lớp 6

GD&TĐ - Năm học 2021 - 2022 đối với cấp THCS diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt: Dịch Covid-19 diễn biến khó lường, đây cũng là năm đầu tiên thực hiện SGK mới ở lớp 6.

Dạy và học trực tuyến đã được thực hiện hiệu quả trong thời gian giãn cách phòng dịch. Ảnh minh họa
Dạy và học trực tuyến đã được thực hiện hiệu quả trong thời gian giãn cách phòng dịch. Ảnh minh họa

Về cơ bản, đến lúc này ngành Giáo dục ở các địa phương đã có những chỉ đạo khá cụ thể để triển khai năm học mới đạt hiệu quả. Tuy nhiên, không ít trường vẫn có khó khăn cần tháo gỡ.

Nhận diện khó khăn

Năm học 2021 - 2022, Trường THCS Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An có 1.300 học sinh (HS); trong đó có 8 lớp 6 với 325 HS. Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Hồ Tuấn Anh, Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đòi hỏi rất cao về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những trường, đặc biệt ở nông thôn, thiếu phòng học, phòng chức năng và thiết bị dạy học. Đơn cử, tại Trường THCS Quỳnh Phương, HS vẫn phải học hai ca.

Về đội ngũ, khó khăn nhất là tổ chức dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Trải nghiệm - hướng nghiệp; phân công giảng dạy các môn này nhà trường còn lúng túng. Một số trường vùng khó còn có mối lo nguy cơ HS bỏ học. Một số HS mới theo bố mẹ từ các tỉnh miền Nam về cũng chưa sẵn sàng cho con tới trường khi năm học mới đã cận kề…

“Nhận diện tất cả khó khăn đó, nhà trường đưa ra giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn. Về cơ sở vật chất, trường bố trí học hai ca (sáng/chiều) để huy động một số phòng học làm phòng chức năng. Phân công giáo viên (GV) làm đồ dùng dạy học để bổ sung cho những thiết bị còn thiếu. Đặc biệt, phát huy hiệu quả tốt nhất các thiết bị dạy học đã có. Về đội ngũ, một mặt trường đề xuất với các cấp có thẩm quyền bổ sung đủ biên chế; trước mắt tham mưu với phòng GD&ĐT tăng cường GV từ các trường bạn đến dạy một số tiết.

Với các môn tích hợp, động viên GV viên vừa dạy, vừa học để bố trí mỗi GV dạy được tất cả các phân môn. Khi có kế hoạch bồi dưỡng của sở/phòng GD&ĐT, nhà trường sẽ bố trí thời gian, kinh phí cho GV tham gia. Khó khăn lớn nhất là động viên HS đến trường, duy trì sĩ số, nhà trường đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các đoàn thể ở địa phương rà soát, giúp đỡ HS có hoàn cảnh khó khăn vận động các em tới trường” - thầy Hồ Tuấn Anh cho hay.

Học sinh Trường THCS Nhật Tân (Hà Nội) thực hiện tiết chào cờ trên lớp.
Học sinh Trường THCS Nhật Tân (Hà Nội) thực hiện tiết chào cờ trên lớp.

Công tác chuẩn bị cho năm học mới, đặc biệt triển khai chương trình mới với lớp 6 đã và đang được Trường THCS Nam Từ Liêm, Hà Nội chuẩn bị tích cực. Cô Hoàng Thị Yến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Căn cứ kế hoạch thời gian năm học, các tổ chuyên môn xây dựng chương trình dạy theo tuần, chủ đề.

Riêng lớp 6, ngoài việc xây dựng chương trình, trường còn tổ chức dạy thử nghiệm từng môn học nhằm giúp GV chia sẻ những khó khăn, vướng mắc và thống nhất phương án giải quyết các nội dung kiến thức khó. Việc phân công chuyên môn, nhiệm vụ phù hợp trình độ, năng lực đội ngũ cũng đã được nhà trường thực hiện. Tuy vậy, dù là một trường chất lượng cao, nhưng công tác triển khai chương trình mới với lớp 6 tại THCS Nam Từ Liêm không phải không có khó khăn. 

Sẵn sàng phương án dạy học trực tuyến

Tại Vĩnh Long, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trịnh Văn Ngoãn thông tin: Công tác chuẩn bị năm học mới được các cấp chính quyền, ngành Giáo dục đặc biệt quan tâm thực hiện ngay từ trong hè và đến thời điểm này đã khá chu đáo; đặc biệt với các lớp triển khai chương trình mới. Tuy nhiên, do đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các hoạt động chuẩn bị năm học mới cũng gặp khó khăn nhất định.

Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương chủ động, sáng tạo đổi mới hình thức chuẩn bị, các hoạt động bồi dưỡng tập huấn, hội họp được chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến và từ xa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giải quyết công việc; đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng giải quyết thủ tục bằng hình thức trực tuyến, làm thủ tục nhập học trực tuyến cho HS đầu cấp… Các cơ sở giáo dục xây dựng phương án, kịch bản tổ chức giảng dạy từ xa khi HS không thể đến trường do dịch bệnh.

Các phương án dạy và học trực tuyến đã được xây dựng và thực hiện từ năm học trước. Ảnh minh họa
Các phương án dạy và học trực tuyến đã được xây dựng và thực hiện từ năm học trước. Ảnh minh họa

Tại Bắc Ninh, ứng phó với tình huống HS không thể đến trường, ông Nguyễn Minh Nhiên - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học và Giáo dục Thường xuyên, Sở GD&ĐT Bắc Ninh trao đổi: Sở đã tiến hành rà soát trang thiết bị học, thi trực tuyến của HS toàn tỉnh để lựa chọn phương án tổ chức, quản lý lớp học; thực hiện kiểm tra, đánh giá theo Thông tư 09/2020 của Bộ GD&ĐT.

Phối hợp với Viettel, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức tập huấn về cách tổ chức, quản lý dạy và học trực tuyến. Triển khai xây dựng ngân hàng đề kiểm tra, chuyên đề ôn tập, kho bài giảng phục vụ việc dạy học và kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp. Các phương án triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 theo từng tình huống: Dịch bệnh đã được khống chế trong toàn tỉnh; dịch bệnh xảy ra tại một số địa phương; dịch bệnh trong toàn tỉnh, cũng được Bắc Ninh chuẩn bị sẵn sàng.

Kịch bản dạy học trực tuyến để ứng phó với dịch Covid-19 cũng đã được  Trường THCS Quỳnh Phương xây dựng. Theo thầy Hồ Tuấn Anh, phát huy kinh nghiệm từ năm học 2019 - 2020, 2020 - 2021, trường chỉ đạo GV chủ nhiệm lập nhóm Zalo để chuyển tải thông tin đến HS, cha mẹ HS kịp thời.

Cùng với đó, trang bị các phần mềm dạy học trực tuyến, bố trí phòng quay để GV dạy trực tuyến. Với HS khó khăn chưa được trang bị máy tính, điện thoại thông minh, nhà trường xây dựng kịch bản in và gửi đề cương nội dung học tập để các em tự học… bảo đảm nguyên tắc “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”.

“Việc bố trí, phân công chuyên môn GV ở một số môn, hoạt động giáo dục mới ở lớp 6 còn một số vướng mắc do GV chưa có trải nghiệm thực tế để dạy các môn này. Tổ chức, biên chế lớp khối 6 gặp khó khăn do dịch bệnh. GV, HS không được gặp mặt tương tác trực tiếp, vẫn có những khoảng cách nhất định trong quá trình tổ chức dạy học” - cô Hoàng Thị Yến chia sẻ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...