Ngành Giáo dục - Đào tạo chuyển trạng thái, thích ứng với tình huống Covid-19 còn ảnh hưởng lâu dài

GD&TĐ - Cần ưu tiên mọi biện pháp để toàn ngành chuyển trạng thái, thích ứng với tình huống Covid-19 còn ảnh hưởng lâu dài và giảm thiểu các tổn thương, tác động tiêu cực tới giáo dục.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh điều này trong phát biểu kết luận tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục tiểu học diễn ra sáng 12/8.

Bộ trưởng nhận định, năm học mới diễn ra trong bối cảnh diễn biến dịch bệnh khó lường. Cần phải nhận định đầy đủ, thấu đáo, thực tiễn về tình hình dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội, ý thức đầy đủ các khó khăn và thách thức.

“Không như các lĩnh vực khác, một khi nền giáo dục bị tổn thương, thời gian để phục hồi sẽ rất dài. Vì thế, phải cố gắng hết sức để giảm thiểu những tổn thương đối với giáo dục” - Bộ trưởng nói, đồng thời nhấn mạnh, cần ưu tiên mọi biện pháp để toàn ngành chuyển trạng thái, thích ứng và giảm thiểu các tổn thương, các tác động tiêu cực.

Chuyển sang trạng thái bình thường mới, theo Bộ trưởng, là tùy vào từng nơi, bối cảnh, để hạn chế thấp nhất những tổn thương, ảnh hưởng; chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới trong chỉ đạo, điều hành, kế hoạch, mục tiêu, phương pháp, cách thức.

“Chuyển trạng thái phải tính tới lâu dài chứ không chỉ tạm thời. Mọi sự điều chỉnh linh hoạt để thích ứng với dịch bệnh, đảm bảo an toàn trên cơ sở không thay đổi mục tiêu đảm bảo chất lượng. Lương tâm và trách nhiệm không thay đổi. Bất biến vấn đề chuẩn đầu ra và chất lượng, vạn biến về phương pháp” - Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng làm rõ thách thức lớn với tiểu học và cho rằng, trong nguy cơ tổn thương và chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là bậc tiểu học. Bởi vậy, trong thách thức chung của ngành, phải nhìn thấy thách thức riêng của bậc tiểu học, như các hạn chế về sức khỏe, thể lực, hạn chế trong sử dụng thiết bị công nghệ, khó khăn trong trong tương tác học tập trực tuyến… Bậc tiểu học cũng có số lượng trường, điểm trường lớn, phân tán, còn nhiều khó khăn, đang trong quá trình sắp xếp dồn ghép các điểm trường.

Bên cạnh đó, cần tính tới cả những ảnh hưởng khó khăn từ các phương diện xã hội khác có thể ảnh hưởng đến môi trường giáo dục: biến động về nghề nghiệp, nơi ở, sinh kế, của các gia đình; kinh tế khó khăn, từ đó tăng nguy cơ trẻ em không đến trường, bỏ học.

Đưa ra những lưu ý cho giáo dục tiểu học, Bộ trưởng cho biết: Bộ GD&ĐT đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học; từ đó, các địa phương triển khai sao cho linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với tình hình thực tiễn. Tận dụng “thời gian vàng” dạy trực tiếp. Đồng thời, cần phải linh hoạt trong quá trình thực hiện nội dung; linh hoạt trong thực hiện chương trình và triển khai nội dung dựa theo chuẩn đầu ra và yêu cầu nội dung cốt lõi chương trình học tập.

Bộ trưởng yêu cầu Vụ Giáo dục tiểu học ban hành hướng dẫn những nội dung giảng dạy cốt lõi, căn bản. Cần tập trung vào chương trình cốt lõi (trên cơ sở chương trình chung) ưu tiên giải dạy trực tiếp nếu có thể. Cân nhắc về kiểm tra, đánh giá sao cho phù hợp. Cùng với đó, địa phương đề xuất điều chỉnh về cơ chế chính sách cho phù hợp và chuẩn bị cơ sở vật chất, điều kiện cho sự chuyển hướng này.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đánh giá, năm học 2020-2021 đã đạt được những kết quả bước đầu; là kinh nghiệm để triển khai tiếp theo trong năm học 2021-2022.

Nhấn mạnh thêm một số nội dung chỉ đạo, Thứ trưởng lưu ý việc rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp học, quan tâm đến các đối tượng chính sách, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục; chủ động xây dựng kịch bản triển khai năm học phù hợp với thực tiễn địa phương; quan tâm nhiều hơn nữa đội ngũ giáo viên; tiếp tục quan tâm đến đổi mới phương pháp, xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; tăng cường công tác kiểm định chất lượng giáo dục; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học; quyết tâm thực hiện chuẩn hóa trong giáo dục; đổi mới công tác quản lý giáo dục.

Hội nghị ghi nhận 11 ý kiến phát biểu từ lãnh đạo các Sở GD&ĐT; trong đó chia sẻ kết quả đạt được của năm học 2020-2021 và các giải pháp để triển khai năm học mới 2021-2022 . Các ý kiến đều cho thấy kết quả tích cực của việc triển khai Chương trình GDPT mới với lớp 1, cũng như sự chủ động, linh hoạt của địa phương triển khai nhiệm vụ năm học trong bối cảnh dịch bệnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.