Tập trung nguồn lực cơ sở vật chất cải thiện chất lượng giáo dục vùng cao

GD&TĐ -Là tỉnh rộng nhất cả nước với 10 huyện miền núi cao, nhưng năm học 2020 – 2021, trong điều kiện dịch bệnh khó khăn, Nghệ An triển khai CTSGK lớp 1 hiệu quả, tạo tiền đề triển khai CTSGK lớp 2 và lớp 6 năm học tới.

Nhiều đơn vị, địa phương tại Nghệ An tập trung đầu tư máy chiếu, tivi phục vụ dạy học chương trình mới
Nhiều đơn vị, địa phương tại Nghệ An tập trung đầu tư máy chiếu, tivi phục vụ dạy học chương trình mới

Đặc biệt là công tác tăng cường, bổ sung cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, không chỉ dựa vào tiên đầu tư của nhà nước, của tỉnh, mà cần vai trò xã hội hóa giáo dục, chung tay giúp sức của gia đình, xã hội.

Vận động xã hội hóa góp sức cho giáo dục          

Huyện Anh Sơn là một huyện miền núi khó khăn, với nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa. Điều kiện cơ sở vật chất chương đồng bộ, khiến việc triển khai chương trình GDPT 2018 còn nhiều vướng mắc, thiếu thốn.

Năm học 2020 – 2021, để bổ sung thiết bị dạy học cho lớp 1, Phòng GD&ĐT chỉ đạo các trường tổ chức họp phụ huynh để trao đổi về vấn đề sử dụng sách mềm, các kênh hình, hình ảnh trực quan…

Việc vận động ban đầu gặp một số trở ngại, do đời sống kinh tế phụ huynh còn vất vả. Nhưng sau khi vào năm học 2 – 3 tháng, nhờ học hỏi các làm hay và kinh nghiệm từ nhiều địa phương, các trường đã vận động được 64 tivi/70 lớp 1 để phục vụ dạy học, (trừ 6 lớp 1 ở điểm trường lẻ), đạt tỉ lệ 91.4%.

Giờ học của cô trò Trường Tiểu học Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ Nghệ An
Giờ học của cô trò Trường Tiểu học Nghĩa Đồng, huyện Tân Kỳ Nghệ An

Tương tự, huyện Tân Kỳ nằm giáp ranh với Anh Sơn, cũng là vùng miền núi cao, có bà con DTTS (Thái, Thổ) sinh sống. Trước khi triển khai chương trình sách giáo khoa mới dành cho học sinh lớp 1, nhiều trường học chưa bố trí đủ giáo viên, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn.

Để huy động các nguồn lực để phát triển giáo dục – đào tạo, huyện đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác vận động tài trợ. Qua nhiều hình thức vận động, các đơn vị đã huy động được nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Đặc biệt là lắp đặt bảng thông minh và ti vi để phục vụ cho việc dạy học chương trình, sách giáo khoa lớp 1.

Đến nay, có 10/22 trường tiểu học của Tân Kỳ lắp đặt bảng thông minh, 21/22 trường lắp ti vi có kết nối Intenert cho các phòng học lớp 1 và một số trường còn lắp đặt bảng thông minh, ti vi cho các lớp trên.

Phòng học đa chức năng tại Trường THCS Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An
Phòng học đa chức năng tại Trường THCS Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An

Năm đầu tiên triển khai dạy học SGK lớp 1, Tân Kỳ lại là một trong những địa phương đi đầu của tỉnh trong sinh hoạt chuyên môn cấp Phòng GD&ĐT. Qua đó chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ vướng mắc kể cả trong phương pháp dạy học lẫn bổ sung cơ sở vật chất, thiết bị.

Ông Nguyễn Xuân Nam – Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Kỳ đánh giá: Việc chuẩn bị đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị giúp nhà trường, giáo viên thực hiện dạy học theo chương trình mới hiệu quả và phát huy được những thành tố tích cực. Từ đó, thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, ứng dụng CNTT để cải tiến phương pháp dạy học theo hướng hiện đại. Mục đích phát huy tính chủ động, tích cực và sáng tạo của học sinh, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Tiền đề cho dạy học SGK lớp 2, lớp 6

Theo thống kê của Sở GD&ĐT Nghệ An, năm học 2020-2021, có 1.374/2.202 lớp được lắp đặt ti vi (tỷ lệ 62,3%); có 330/531 trường, tỷ lệ 62,1% có đủ tivi hoặc máy chiếu để phục vụ dạy học và các hoạt động giáo dục của nhà trườn. Ngành cũng đã trang bị lắp đặt 620 phòng học ngoại ngữ cho 501 trường tiểu học, đạt tỷ lệ 94,3%. 

Ông Nguyễn Hồng Hoa – Trưởng phòng GD Tiểu học, Sở GD&ĐT Nghệ An thông tin, qua 1 năm triển khai, các trường tiểu học trên địa bàn đảm bảo đủ phòng học để dạy học 2 buổi/ngày. Nhiều địa phương, đã huy động nguồn tài trợ và các nguồn lực hợp pháp tập trung ưu tiên mua sắm trang thiết bị như tivi thông minh, lắp đặt hệ thống Internet, wifi,…  cho lớp 1 năm đầu thực hiện CTGDPT 2018.

Nghệ An vẫn còn nhiều điểm trường lẻ, lớp học bán kiên cố. Trong ảnh là điểm bản Huồi Tố, Trường Tiểu học Mai Sơn, huyện Tương Dương
Nghệ An vẫn còn nhiều điểm trường lẻ, lớp học bán kiên cố. Trong ảnh là điểm bản Huồi Tố, Trường Tiểu học Mai Sơn, huyện Tương Dương

Về triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các nhà trường đánh giá có nhiều điểm ưu việt so với các chương trình trước đây. Cuối năm học, học sinh đạt được nhiều kỹ năng vượt trội như: kỹ năng đọc, giao tiếp, tự chủ, tự học, tư duy phản biện; học sinh năng động, tự tin hơn nhiều.

Đây là tiền đề thuận lợi để Nghệ An tiếp tục triển khai dạy học SGK lớp 2 và lớp 6 cho năm học tới.

Bậc tiểu học của Nghệ An mới chỉ có 85,9% trường có phòng học ngoại ngữ, 45,8% trường có phòng học tin học, 56,8% trường có phòng giáo dục nghệ thuật và 18% có phòng học đa năng. Ở cấp THCS, tỷ lệ trên cũng thấp với 64,8% đơn vị có phòng học ngoại ngữ, 57,8% có phòng tin học, 62,1% có phòng âm nhạc, 54,5% có phòng công nghệ và chỉ 10% trường học có nhà đa chức năng.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Nghệ An, năm học 2021-2021 cũng còn nhiều thách thức. Nhiều địa phương đã dành ưu tiên đầu tư cả về đội ngũ lẫn cơ sở vật chất cho lớp 1. Vì vậy, đối với lớp 2 và lớp 6 việc huy động các nguồn lực sẽ vất vả hơn.

Một bất cập khác đó theo chương trình mới, Tin học và Tiếng Anh là môn bắt buộc (từ lớp 3 trở lên). Nhưng việc dạy các môn học này, đặc biệt là với bậc tiểu học đang là bài toán nan giải vì không tuyển được giáo viên và cơ sở vật chất không đủ đáp ứng.

Đặc biệt khi Nghệ An còn hơn 440 điểm trường lẻ, nhiều trường học có từ 3 – 7 điểm. Toàn tình có khoảng 1.000 phòng học tạm, bán kiên cố, trang thiết bị dạy học tối thiểu còn thiếu nhiều. Không ít trường học chưa chủ động, còn trông chờ vào ngân sách cấp trên phân bổ về.

Triển khai chương trình GDPT 2018 trong những năm tiếp theo, ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: "Ngành giáo dục đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kinh phí và cấp về cho các địa phương để kịp thời mua sắm đử thiết bị dạy học thiết yếu để đáp ứng đủ cho năm học mới và chương trình thay sách giáo khoa lớp 2, lớp 6".

Sở cũng chỉ đạo các phòng GD&ĐT rà soát quy mô mạng lưới trường lớp, dồn dịch, sáp nhập các điểm lẻ phù hợp để tập trung nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, cùng với việc ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất từ ngân sách nhà nước, của tỉnh, các trường học, địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, huy động nguồn lực xã hội hóa, chung tay, đầu tư cho giáo dục từ gia đình, tổ chức và toàn xã hội.

Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.