LTS: Năm học 2020-2021 kết thúc trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát ở nhiều địa phương. Học sinh tạm dừng đến trường khi chưa kịp hoàn thành bài thi học kỳ II. Học trò cuối cấp bước vào giai đoạn ôn tập nước rút cho kỳ thi vào 10 và thi tốt nghiệp THPT.
"Dĩ bất biến, ứng vạn biến", ngành GD các địa phương đã nhanh chóng thay đổi hình thức dạy học, hỗ trợ học sinh diện cách ly ôn tập, đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng. Một số tỉnh/thành lùi thời gian thi vào 10. Nơi đẩy nhanh tiến độ kiểm tra cuối kỳ, kết thúc sớm năm học…
Năm học này lần đầu triển khai chương trình mới với lớp 1 cùng nhiều đổi mới trong kiểm tra đánh giá, công nhận kết quả dạy, học trực tuyến là động lực để thầy trò cùng đổi mới, địa phương tập trung đầu tư, tạo tiền đề vững chắc cho năm học 2021-2022 và những năm tiếp theo.
Bài 5: Ưu tiên nguồn lực, tiền đề vững chắc cho lớp 2, lớp 6
Tập trung nguồn lực, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học triển khai Chương trình GDPT mới là ưu tiên hàng đầu của các địa phương. Đến nay, việc đầu tư cho lớp 1 đã cơ bản hoàn tất, riêng lớp 2 và lớp 6 đang được địa phương tăng tốc đầu tư, mua sắm.
Dồn lực cho cơ sở vật chất
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết: Về cơ bản điều kiện cơ sở vật chất cho công tác dạy học lớp 2, lớp 6 đã hoàn thành. Bởi từ năm học 2019 - 2020, sở đã yêu cầu mỗi trường phải xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển giai đoạn 2020 - 2025 gắn với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
Năm học 2019 - 2020, TPHCM triển khai Chương trình GDPT mới lớp 1. Tuy nhiên, đội ngũ, cơ sở vật chất đã được các trường chuẩn bị từ 3 - 4 năm trước. Vấn đề của thành phố chỉ là phòng học, đáp ứng sĩ số học sinh, vì đây là vấn đề không thể kêu gọi xã hội hóa.
“Năm học 2020 - 2021, với quyết tâm lớn, thành phố xây mới và đưa vào sử dụng 90 dự án trường lớp, với 1.371 phòng học mới. Trong đó, tiểu học tăng thêm 240 phòng, THCS tăng thêm 237 phòng. Đây là nền tảng vững chắc để thành phố thực hiện Chương trình GDPT mới cho lớp 2 và lớp 6”, ông Hiếu nói.
Theo ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng GD&ĐT TP Biên Hòa (Đồng Nai), triển khai Chương trình GDPT mới, thành phố có thể yên tâm về đội ngũ giáo viên vì đã chuẩn bị từ 2 - 3 năm trước. Khó khăn chủ yếu và lớn nhất là chưa đáp ứng về trường lớp, cơ sở vật chất. Biên Hòa có rất ít trường đáp ứng được tiêu chuẩn dạy học 2 buổi/ngày. Tất nhiên, việc dạy học 1 buổi/ngày vẫn được Bộ GD&ĐT chấp nhận, trên tinh thần các trường phải dạy đúng, dạy đủ chương trình bắt buộc.
Để tháo gỡ khó khăn, ông Võ Văn Minh cho biết: Chúng tôi đã tham mưu UBND TP Biên Hòa lộ trình xây dựng phòng học trên địa bàn đến năm 2025. Dự kiến sẽ có 34 trường xây thêm phòng học trong giai đoạn này phục vụ việc dạy và học theo Chương trình GDPT mới. Trước mắt, TP Biên Hòa tiến hành rà soát toàn bộ trường học trên địa bàn.
Phòng GD&ĐT đã đề xuất chủ trương thành phố cho xây dựng thêm phòng học trên diện tích đất hiện hữu của các trường. Với những trường gặp khó khăn về quỹ đất sẽ làm theo phương án kiên cố hóa trường lớp, xây thêm tầng lầu để sử dụng cho hội trường, các phòng chức năng nhằm tăng tỉ lệ dạy học 2 buổi/ngày cho lớp 2.
Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT Quận 12 (TPHCM), chuẩn bị trang thiết bị dạy học cho học sinh lớp 2 và lớp 6 không quá quan ngại. Lo nhất là không gian và môi trường chuẩn để triển khai, vận dụng các trang thiết bị. Năm học 2020 - 2021, Quận 12 có khoảng 11.800 học sinh lớp 1, trong đó khoảng 39% học sinh được học 2 buổi/ngày. Các khối lớp còn lại của cấp tiểu học, tỷ lệ học 2 buổi/ngày rất thấp.
Theo ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT Quận 12, năm học tới, quận sẽ ưu tiên và cố gắng giữ tỷ lệ học sinh lớp 2 được học 2 buổi/ngày (bằng tỷ lệ của lớp 1 năm học 2020 - 2021 là 39%) vì không có thêm trường tiểu học nào được xây mới. Quận sẽ giữ vững phương án học 6 buổi/tuần để đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT mới.
Huy động nhiều nguồn lực
Triển khai Chương trình GDPT mới năm học 2020 - 2021, tỉnh Tiền Giang đã đầu tư cơ sở vật chất trường học, với tổng kinh phí trên 2.500 tỷ đồng. Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Tiền Giang, khó khăn về cơ sở vật chất là vấn đề còn tồn tại của ngành Giáo dục tỉnh trong nhiều năm.
Để giải quyết khó khăn, trong mỗi năm học, các phòng GD&ĐT lập báo cáo, xem xét ưu tiên đầu tư với những trường học khó khăn về cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tăng cường công tác xã hội hóa, kêu gọi cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, tổ chức xã hội ủng hộ, đóng góp để xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học đồng bộ với lộ trình xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia…
Theo ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, một trong những nhiệm vụ then chốt ngành Giáo dục tỉnh đặt ra trong năm học 2020 - 2021 là tiếp tục thực hiện tốt việc rà soát hệ thống trường lớp, xây dựng kế hoạch duy tu, bảo dưỡng, bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đối với các trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày…
Trao đổi về công tác triển khai Chương trình GDPT mới, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Trà Vinh Nguyễn Thị Bạch Vân cho biết: Toàn tỉnh đã tích cực chuẩn bị, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy, học. Hệ thống mạng lưới trường, lớp học tiếp tục được củng cố, phát triển phù hợp với quy hoạch. 100% trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày đối với lớp 1 và khối lớp tiếp theo.
Tỉnh Sóc Trăng cũng xây dựng, triển khai Đề án đảm bảo cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 gắn với triển khai xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Theo ông Châu Tuấn Hồng, Giám đốc Sở GD&ĐT, tỉnh đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, tích cực huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và các điều kiện phục vụ dạy và học cho các trường ở vùng sâu, xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc Khmer...
Bài 1: Dạy và học thời đại dịch, biến nguy thành cơ
Bài 2: Đổi mới kiểm tra, đánh giá: Cải thiện hiệu quả giáo dục
Bài 3: Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo
Bài 4: Chương trình Giáo dục phổ thông mới: Hướng đi đúng trong đổi mới giáo dục