Gặp gỡ Cricket One, doanh nghiệp xã hội Việt nuôi dế vừa được vinh danh tại Singapore

GD&TĐ - Hướng tới mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, Cricket One của Đặng Cao Nam và Bicky Nhung là 1 trong 7 mô hình doanh nghiệp xã hội được vinh danh và gọi vốn thành công trong chung kết Chương trình Doanh nhân Xã hội Trẻ (YSE) do Quỹ Quốc tế Singapore (SIF) tổ chức cuối tháng 10.

Bicky Nguyễn và Đặng Cao Nam (từ phải qua) vinh dự nhận giải thưởng từ Ngài Đại sứ Ong Keng Yong, Chủ tịch Quỹ Quốc tế Xing-ga-po (SIF). Nguồn ảnh: SIF
Bicky Nguyễn và Đặng Cao Nam (từ phải qua) vinh dự nhận giải thưởng từ Ngài Đại sứ Ong Keng Yong, Chủ tịch Quỹ Quốc tế Xing-ga-po (SIF). Nguồn ảnh: SIF

Cùng gặp gỡ đại diện Cricket One để biết thêm về một mô hình doanh nghiệp xã hội đầy triển vọng, không chỉ trên phương diện kinh doanh, mà còn cả trên phương diện xã hội.

- Chào Nhung & Nam, chúc mừng hai bạn với chiến thắng tại Chung kết YSE diễn ra tại Singapore vừa qua. Hãy giới thiệu một chút về doanh nghiệp của mình và cơ duyên nào đã đưa các bạn đi đến quyết định thành lập Cricket One?  

Năm 2016, chúng tôi vô tình đọc được một ấn bản của FAO. Trong ấn bản đó FAO đề cập tới các thách thức nhân loại gặp phải khi dân số thế giới đạt 9.5 tỷ người năm 2050, điển hình là các vấn đề an ninh lương lực và đói kém. FAO đặc biệt nhấn mạnh vai trò của dế trong việc giải quyết các vấn đề lớn nhờ vào đặc tính năng suất cao, rất ít khí thải, cần rất ít đầu vào trong sản xuất… Ngay lúc đó, ý tưởng đã đến với chúng tôi.

Chúng tôi đã đi thăm quan nhiều trại dế lớn nhỏ ở Việt Nam và đúc rút ra rằng: chúng ta có đầy đủ điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, con giống để phát triển ngành dế - một ngành công nghiệp xanh của tương lai. Cricket One đã ra đời từ đó.

- Các bạn có thể chia sẻ thêm cách thức triển khai mô hình của Cricket One? Các bạn làm như thế nào để tối ưu hóa hoạt động vận hành?

Chúng tôi chủ động tham gia vào nhiều khâu trong chuỗi cung ứng ngành dế để tối ưu hóa năng suất, giá thành và các sản phẩm giá trị gia tăng từ dế. Trước tiên, Cricket One hoàn thiện hệ thống và quy trình nuôi dế, từ thiết kế chuồng trại đến ứng dụng các thiết bị thông minh để đảm bảo dế có được tỉ lệ sống cao, cho năng suất tốt.

Anh Đặng Cao Nam – Đồng sáng lập Cricket One. Nguồn ảnh: YouTube
Anh Đặng Cao Nam – Đồng sáng lập Cricket One. Nguồn ảnh: YouTube 

Thứ hai, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với các trường đại học để phát triển chương trình thức ăn chuyên biệt cho dế sử dụng các phụ phẩm nông nghiệp. Thứ ba, chúng tôi xây dựng liên kết bền vững với chính người nông dân, từ đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp vật tư chính và con giống cũng như đảm bảo đầu ra.

Hiện tại chúng tôi triển khai mô hình nuôi dế trên quy mô 200m2, mỗi tháng có thể sản xuất được 2-2.5 tấn dế. Bột dế là sản phẩm đầu tiên, trong thời gian tới chúng tôi sẽ đưa ra các sản phẩm thực phẩm công nghệ từ dế.

- Bột dế của Cricket One hiện được phân phối như thế nào? Người tiêu dùng hiện có thể mua trực tiếp sản phẩm này để chế biến đồ ăn tại nhà hay chưa?

Bột protein từ dế được ứng dụng vào nhiều mặt hàng như một nguyên liệu thực phẩm bổ sung đạm, tuy nhiên hiện chúng tôi mới chỉ cung ứng sản phẩm cho các công ty thực phẩm chuyên về Energy bar (thanh năng lượng), mì pasta, mì Nhật, burger hay các công ty làm xúc xích.  

Bicky Nguyễn đại diện đội Cricket One tham gia thuyết trình trước Hội đồng Ban Giám khảo YSE 2018. Nguồn ảnh: SIF
 Bicky Nguyễn đại diện đội Cricket One tham gia thuyết trình trước Hội đồng Ban Giám khảo YSE 2018. Nguồn ảnh: SIF
- Đâu là những khó khăn, thách thức mà các bạn đã phải đối mặt từ những ngày đầu tiên thành lập.

Khó khăn đến từ 3 chữ “Thiếu”. Thứ nhất là thiếu kiến thức, thứ hai là thiếu nguồn kinh phí. May mắn là từ năm 2017, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam và khu vực phát triển mạnh hơn, và Cricket One đã được hưởng lợi.

Cuối cùng là thiếu con người, hay đúng hơn là khó thu hút người tài. Tìm được một nhân sự yêu nông nghiệp, yêu nền sản xuất xanh và muốn giúp đỡ nông dân không dễ. Cách làm hiện tại của chúng tôi là tận dụng lao động địa phương, và thu hút sinh viên ra trường trở về xây dựng quê hương.

- Lý do nào khiến Cricket One quyết định tham gia chương trình Doanh nhân Xã hội trẻ 2018 (YSE) do Quỹ Quốc tế Singapore (SIF) tổ chức? Sau chương trình này, Cricket One có dự định gì?

Lúc nộp đơn tham gia YSE, chúng tôi cũng chưa biết điều gì chờ đợi. Chúng tôi bị thu hút bởi sử mệnh của chương trình “Better Together”, và đương nhiên là phần thưởng nữa.

Chúng tôi đặc biệt ấn tượng với tâm huyết của đội ngũ ban tổ chức YSE. Suốt hành trình 8 tháng, chúng tôi được dìu dắt bởi các cố vấn viên đến từ McKinsey & Company, cũng như giao lưu học hỏi với các đội bạn đến từ khắp nơi trên thế giới. Từ ngày đầu tham gia chương trình đến ngày cuối, mô hình và cách vận hành của chúng tôi có khá nhiều thay đổi. Và sự thay đổi đã đem đến thành công cho chúng tôi.

Phần thưởng từ YSE đến đúng vào giai đoạn chúng tôi cần tài chính để tăng trưởng, cụ thể là tiến vào thị trường châu Âu.

- Cricket One nghĩ mình sẽ đóng góp được gì cho Việt Nam, cho các nước trong khu vực và rộng hơn nữa là cho toàn cầu với mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực?

Sứ mệnh chúng tôi là sản xuất protein bền vững với giá cả phải chăng thông qua việc hợp tác với người nông dân. Kỳ vọng trong một tương lai gần sẽ có nhiều người tiêu dùng được tiếp cận các sản phẩm từ dế, phần nào thay thế thịt heo hay thịt gà.

Cảm ơn hai bạn rất nhiều với cuộc trò chuyện này!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ