Giúp sinh viên phát triển kỹ năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp

GD&TĐ - Theo ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ (GD&ĐT), hiện nay có khoảng 40 trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp có trung tâm hướng nghiệp, tư vấn việc làm, hỗ trợ sinh viên quan hệ doanh nghiệp hoạt động độc lập hoặc trực thuộc nhà trường.

Phát triển kỹ năng cho sinh viên nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Ảnh minh họa/internet
Phát triển kỹ năng cho sinh viên nhằm đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Ảnh minh họa/internet

Đẩy mạnh tư vấn hỗ trợ nghề nghiệp cho HSSV

Hơn 160 trường đại học, cao đẳng đã thành lập bộ phận hướng nghiệp, tư vấn việc làm, hỗ trợ sinh viên quan hệ doanh nghiệp nằm trong/độc lập hoạt động với các phòng ban của nhà trường, còn lại các nhà trường đều bố trí các cán bộ chuyên trách thực hiện công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm cho học sinh, sinh viên.

Ông Bùi Văn Linh cho biết, các trung tâm và bộ phận làm công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các nhà trường đã tham mưu cho lãnh đạo các nhà trường, tổ chức triển khai được nhiều việc có hiệu quả trong công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ sinh viên như:

Tổ chức các hoạt động tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp, tư vấn hỗ trợ nghề nghiệp, kỹ năng phỏng vấn, xin việc làm cho sinh viên. Giúp sinh viên trong việc lập và kiểm soát kế hoạch học tập nhằm đạt mục tiêu, chuẩn đầu ra phù hợp với các ngành học của các trường.

Phối hợp với các doanh nghiệp ký kết các hoạt động thực hành, thực tập tại doanh nghiệp để sinh viên tìm hiểu, nắm bắt các kỹ năng cần thiết khi tham gia lao động, sản xuất kinh doanh cùng với doanh nghiệp. Mời các doanh nghiệp tham gia giảng dạy cho sinh viên các kỹ năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội sau khi tốt nghiệp.

Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ (GD&ĐT)
 Ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, Bộ (GD&ĐT)

Bồi dưỡng năng lực, kỹ năng nghề cho sinh viên

Cũng theo ông Bùi Văn Linh, Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 68/2008/QĐ-BGDĐT quy định về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp, trong đó tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp như:

Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý đến các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học. Có cơ chế để tổ chức và cá nhân sử dụng lao động tham gia vào việc đánh giá chất lượng của cơ sở đào tạo.

Coi sự chấp nhận của thị trường lao động đối với người học là tiêu chí quan trọng để đánh giá uy tín, chất lượng của cơ sở giáo dục đại học và là căn cứ để định hướng phát triển cơ sở giáo dục, đào tạo và ngành nghề đào tạo...

Có thể nói, công tác hướng nghiệp là một trong những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên, trực tiếp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội.

Về định hướng trong thời gian tới, ông Bùi Văn Linh cho biết, Bộ sẽ triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” (Quyết định số 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, tạo cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ, tạo động lực cho học sinh, sinh viên trong việc tự tạo việc làm cho bản thân và cộng đồng.

"Khuyến khích các nhà trường chủ động thiết lập cơ chế phối hợp giữa nhà nước, doanh nghiệp, cơ sở đào và người học trong việc nắm bắt nhu cầu sử dụng, đặt hàng đào tạo cung ứng cho người sử dụng lao động; tăng cường tư vấn, hướng nghiệp cho người học; tăng cường quản lý chất lượng đầu ra ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và GDĐH bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực theo yêu cầu của thị trường lao động đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4" ông Bùi Văn Linh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ