Vì thế, sau nhiều năm thực hiện, mảng văn học địa phương vẫn còn nhiều bất cập khi áp dụng ở THCS.
Làm thế nào để văn học địa phương khẳng định được đặc trưng và ưu thế của nó trong bối cảnh đổi mới dạy học tiếng Việt và văn học ở trường phổ thông hiện nay là quan tâm, trăn trở của không ít giáo viên và đội ngũ quản lí giáo dục đào tạo.
Từ cơ sở lí luận và thực tiễn của việc dạy học văn học địa phương trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam, TS Bùi Thanh Truyền đề xuất các quan điểm xây dựng chương trình và nội dung dạy học mảng văn học này ở các trường phổ thông sau năm 2015. Bên cạnh đó, tác giả cũng dự liệu một số giải pháp để hiện thực hoá ý tưởng trên.
Sự cần thiết của chương trình văn học địa phương
Nét đột phá trong định hướng xây dựng chương trình phổ thông mới là ngoài những yêu cầu, nội dung mang tính bắt buộc trong toàn quốc, còn có phần dành cho các địa phương chủ động xác định, vận dụng phù hợp với điều kiện và đặc điểm dạy học của đơn vị, của thầy và trò.
Các hoạt động giáo dục chủ yếu giúp học sinh gắn bó với đời sống xã hội, tăng cường những hiểu biết chung về cộng đồng và những vấn đề thời sự của địa phương, đất nước, rèn luyện đạo đức, kĩ năng sống, phát huy các tiềm năng của cá nhân nhằm chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học.
TS Bùi Thanh Truyền cho rằng, theo đó, văn học địa phương sẽ là một nhân tố quan trọng tạo ra đặc trưng trong nội dung và phương pháp dạy học của mỗi đơn vị…
Ngoài ra, dạy văn học địa phương cũng là cách giúp học sinh tri nhận những điều gần gũi, thiết thực nhất để hình thành bản lĩnh, nhân cách con người Việt Nam trong thời đại mới.
Nhờ thế, người học sẽ thoát khỏi tình trạng biết những điều rất cao siêu, nhưng không làm được những việc rất đơn giản, thiết thực trong cuộc sống thường nhật.
Từ việc trang bị cho học sinh vốn ngôn ngữ, văn học nơi mình sinh sống, người dạy sẽ góp phần kích gợi, hình thành ở các em niềm yêu thích, hứng thú tìm tòi, lưu giữ và phát huy văn hoá cộng đồng, dân tộc.
Xây dựng, triển khai dạy học văn học địa phương còn là dịp tốt để tận dụng môi trường thông tin phong phú trên địa bàn, tạo sự gắn kết giữa nhà trường và xã hội, nâng cao ý thức, năng lực tiếp cận đời sống của người dạy, thực tiễn hoá, sinh động hoá hoạt động dạy học của thầy và trò.
TS Bùi Thanh Truyền nhấn mạnh thêm, xây dựng chương trình văn học địa phương sẽ là một phương án thích hợp để cụ thể hoá quan điểm dạy học tích hợp.
Trên phương diện giáo dục, chương trình văn học địa phương ở phổ thông cũng thuận tiện để tích hợp vào nhiều nội dung như: giáo dục thẩm mĩ, giáo dục môi trường, giáo dục đạo đức,...
TS Bùi Thanh Truyền nhấn mạnh thêm, xây dựng chương trình văn học địa phương sẽ là một phương án thích hợp để cụ thể hoá quan điểm dạy học tích hợp.
Trên phương diện giáo dục, chương trình văn học địa phương ở phổ thông cũng thuận tiện để tích hợp vào nhiều nội dung như: giáo dục thẩm mĩ, giáo dục môi trường, giáo dục đạo đức,...
Tính thiết thực, ứng dụng cao của văn học địa phương thích ứng với xu hướng mới của giáo dục phổ thông là tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn, chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng để vừa phát triển năng lực cá nhân vừa đảm bảo chất lượng giáo dục chung cho mọi học sinh.
Với đặc trưng vùng miền, tính trực quan của ngữ liệu này cũng tạo điều kiện thuận lợi để thầy và trò ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong dạy học - một giải pháp quan trọng để hiện đại hoá giáo dục đào tạo Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
Đề xuất xây dựng chương trình văn học địa phương theo hướng phát triển năng lực
Theo TS Bùi Thanh Truyền, là ngữ liệu dạy học văn và tiếng, văn học địa phương ở trường tiểu học, THCS, THPT trước hết phải đảm bảo các phẩm tính khoa học, sư phạm, giáo dục. Nó vừa phù hợp với mục tiêu giáo dục ở từng cấp học, với đặc điểm tâm - sinh lí, nhận thức của học sinh, vừa có tính khu biệt của văn hóa vùng miền.
Không chỉ gắn với những con người, địa danh, sản vật, phong tục tập quán, cách sống,. tiêu biểu của mỗi địa phương, mảng sáng tác này còn phải có giá trị cả về nội dung biểu hiện lẫn hình thức nghệ thuật.
Cái đích của việc dạy học văn học địa phương ở trường phổ thông là thu hút, lôi cuốn học sinh, khơi dậy trong các em hứng thú tiếp nhận văn học nói chung và mĩ cảm đối với những tác phẩm ngôn từ ở quê hương mình nói riêng.
Từ đó, hướng người học đến những cảm xúc, thái độ và hành động tích cực về nhân dân, đất nước.
Cùng với việc bám sát các mục tiêu về kiến thức, kĩ năng, thái độ ở mỗi cấp học, chương trình, ngữ liệu dạy học văn học địa phương cần được xây dựng trên nguyên tắc đồng tâm và phát triển từ tiểu học đến trung học phổ thông.
Độ dài văn bản, nội dung, phương pháp, mục đích dạy học,. cũng sẽ biến chuyển qua từng khối lớp.
Có như thế mới tạo nên tính liên thông và phát triển, vừa tích hợp vừa phân hoá, hạn chế sự trùng lặp, chồng chéo trong ngữ liệu, nội dung, mục tiêu dạy học.
Ngoài những tri thức văn học của địa phương sở tại, TS Bùi Thanh Truyền đề xuất nên dành một thời lượng phù hợp để giới thiệu những bài thơ, bài văn đậm đà bản sắc văn hoá của các vùng miền khác trên toàn quốc.
Đây là cơ sở tạo nên hoạt tính, hướng mở, sự cấp tiến của chương trình, giúp đơn vị đào tạo và giáo viên có điều kiện trao đổi, học hỏi các tài liệu phục vụ dạy học khác. Học sinh cũng được mở rộng kiến văn, có sự liên hệ, đối sánh để càng thêm gắn bó, trân quý quê hương, đất nước mình.
Ở cấp tiểu học và THCS, để đáp ứng quan điểm tích hợp trong dạy học, chương trình nên ưu tiên lựa chọn ngữ liệu văn học dân gian (tục ngữ, ca dao, truyện cổ, vè,.) và văn học viết gắn với những con người, địa danh, lễ hội, ngành nghề, cách ứng xử,... của mỗi địa phương.
Ngữ liệu này cũng sẽ là tài liệu bổ ích để nhà trường, thầy cô triển khai các môn học hoặc hoạt động giáo dục (tự chọn và bắt buộc) khác như tự nhiên, xã hội - nhân văn, đạo đức, đọc văn, nghệ thuật.
THPT nên chọn tác phẩm viết về những mẫu người, vùng đất văn hoá, những phong cách sống tiêu biểu của mỗi vùng miền qua từng thời đại (như Một người Hà Nội - Nguyễn Khải, Ai đã đặt tên cho dòng sông? - Hoàng Phủ Ngọc Tường,.), giới thiệu những sáng tác đậm sắc thái địa phương để học sinh tiếp cận…
Ngữ liệu này cũng đáp ứng được yêu cầu phân hóa sâu cũng như nhu cầu học lên cao của người học, đặc biệt là những học sinh có thiên hướng thi vào các ngành khoa học xã hội.
Cùng với kiến thức cung cấp là hệ thống bài tập tương ứng. Ví như ở tiểu học, nên hướng học sinh nắm được các địa danh, sản vật, tình cảm, lối sống,. của quê hương mình qua sáng tác văn thơ.
Ở cấp THCS có thể yêu cầu các em trình bày nhận thức, cảm tưởng về những bài văn, bài thơ cụ thể, bước đầu biết sưu tầm, thi tìm hiểu văn học địa phương theo cá nhân, nhóm.
Cảm nhận một mảng đề tài như: con người, cảnh vật, làng quê, gia đình, tình yêu,.; so sánh bản sắc văn hóa của các vùng miền thông qua những tác phẩm cụ thể; ý thức cá nhân đối với việc giữ gìn, phát triển văn học địa phương, … sẽ là những dạng bài tập phù hợp với đối tượng học sinh THPT.
Dạy học văn học địa phương ở trường phổ thông không thực hiện tuỳ tiện, loạn chuẩn mà tất cả đều phải căn cứ vào mục tiêu giáo dục và chuẩn kết quả cần đạt của chương trình chung trong toàn quốc.
Từ nội dung chương trình đã xây dựng, mỗi đơn vị có thể biên soạn tài liệu hướng dẫn dạy và học phù hợp với đặc điểm của địa phương mình. Các tài liệu này phải được thẩm định bởi Hội đồng cấp cơ sở và được Bộ GD&ĐT phê duyệt.