Nguyên tắc hệ thống
Theo PGS.TS Trần Thị Quỳnh Nga Như vậy, nguyên tắc quan trọng hàng đầu khi xây dựng chương trình là phải xác định chương trình VHNN như một hệ thống, trong đó mỗi nền văn học đóng vai trò như một yếu tố, có quan hệ bổ sung qua lại, tác động và qui định lẫn nhau.
Để từ sự giới thiệu một cách tối thiểu từng nền văn học, cung cấp cho học sinh cái nhìn toàn cảnh về kho tàng văn học nhân loại vô cùng phong phú, đa dạng.
Theo nguyên tắc này, khi lựa chọn, phân bố, sắp xếp các tác giả, tác phẩm của một nền VHNN, không nên chỉ bó hẹp quan điểm lựa chọn trong từng nền văn học, hoặc chỉ chú ý đến từng nền văn học một cách cục bộ.
Phải có cái nhìn tổng thể, đặt tất cả các tác giả, tác phẩm được chọn vào một hệ thống lớn.
Đến lượt mình, các tác giả, tác phẩm của chương trình VHNN cũng lại phải được giới thiệu trong mối quan hệ qua lại, tác động lẫn nhau với các tác giả, tác phẩm của chương trình văn học Việt Nam và với các kiểu văn bản, các loại và thể loại văn học trong một hệ thống lớn hơn: chương trình Ngữ văn trong nhà trường để thực hiện và đạt được mục tiêu môn học.
Đó là cách thức định hướng học sinh bước đầu có ý thức so sánh, đối chiếu những tác giả, tác phẩm có quan hệ gần gũi về thể loại, đề tài giữa các nền văn học với nhau, giữa VHNN với văn học dân tộc.
PGS.TS Trần Thị Quỳnh Nga nhấn mạnh: Chương trình VHNN, vì thế phải hết sức chú ý giới thiệu: Những nền văn học lớn, tiêu biểu nhất của nhân loại, cũng như các tác giả, tác phẩm tiêu biểu nhất;
Những nền văn học có quan hệ giao tiếp, giao lưu, ảnh hưởng rõ nhất đối với văn học Việt Nam, trên cơ sở quan hệ địa lí, giao lưu lịch sử - văn hoá, có nhiều tương đồng về loại hình văn hoá, ngôn ngữ.
Những hiện tượng văn học, những vấn đề văn học tiêu biểu nhất có thể làm sáng tỏ, hiểu sâu thêm nhiều hiện tượng của văn học Việt Nam.
Các yêu cầu nêu trên đòi hỏi một cái nhìn tổng thể, chi tiết, liên thông để đề ra một khung chương trình VHNN hợp lí, tránh trùng lặp, nặng nề, quá tải.
Việc lựa chọn tác giả phải được tính toán nghiêm ngặt
Nói về nguyên tắc lựa chọn tác giả, PGS.TS Trần Thị Quỳnh Nga cho rằng, trong khuôn khổ của chương trình Ngữ văn (nhất là phần VHNN) ở phổ thông, do không có điều kiện giới thiệu tất cả các nhà văn lớn, việc lựa chọn tác giả cần phải được tính toán nghiêm ngặt.
Để có thể, thứ nhất, trong một thời lượng hạn chế, giới thiệu được nhiều tác giả hơn; và thứ hai, những tác giả được giới thiệu không những là đỉnh cao của văn học thế giới mà còn phải thật sự là người đại diện xứng đáng cho nền văn học của đất nước, dân tộc đó.
Theo yêu cầu thứ nhất, theo PGS.TS Trần Thị Quỳnh Nga: Chương trình VHNN không nên xây dựng theo nguyên tắc đồng tâm theo cách hiểu thông thường hiện nay, mà nên xây dựng theo nguyên tắc tuyến tính.
Ở đây đòi hỏi một cái nhìn chiến lược, xuyên suốt giữa chương trình của các cấp học, lớp học.
PGS.TS Trần Thị Quỳnh Nga đưa ví dụ: Ở lớp 6 THCS, học sinh đã được học văn bản Ông lão đánh cá và con cá vàng do Puskin - đại thi hào Nga - kể lại bằng 250 câu thơ trên cơ sở truyện dân gian.
Lên lớp 11 THPT, học sinh chính thức được học về tác gia Puskin và văn bản Tôi yêu em - một trong những bài thơ tình nổi tiếng nhất của ông. Như vậy, ở đây có một cấu trúc đồng tâm nhưng theo chúng tôi, sự đồng tâm này là không cần thiết.
Puskin dù là tác gia rất xứng đáng, tiêu biểu cho văn học Nga thì cũng chỉ nên giới thiệu sự nghiệp của ông ở lớp 11. Phần VHNN ở lớp 6 nên dành cho một tác giả khác của một nền văn học khác, chẳng hạn: những truyện cổ dân gian Đức của anh em Grim hay truyện cổ của Anđecxen…
Nguyên tắc lựa chọn tác phẩm
Quan điểm của PGS.TS Trần Thị Quỳnh Nga, chương trình văn học trong nhà trường phải giới thiệu các tác phẩm có tính tư tưởng, nghệ thuật cao, phù hợp với lứa tuổi học sinh, nhưng bên cạnh đó, tác phẩm được chọn cũng lại phải là tác phẩm tiêu biểu nhất cho sự nghiệp của tác giả, tức là tác phẩm thuộc thể loại mà tác giả đạt được thành công lớn nhất.
Chọn tác phẩm không tiêu biểu cho phong cách, tư tưởng tác giả, sức hấp dẫn của tác phẩm sẽ không cao, và học sinh sẽ không có được ấn tượng đúng về bản thân tác giả đó.
Để xác định rõ hơn nguyên tắc lựa chọn tác phẩm, PGS.TS Trần Thị Quỳnh Nga đặt vấn đề: Một là, tác phẩm phải được giới thiệu qua một bản dịch chuẩn; hai là, tác phẩm, văn bản lựa chọn phải hấp dẫn, phù hợp với hứng thú và khả năng tiếp nhận của học sinh.
Nhìn lại nguyên tắc xây dựng chương trình, theo PGS.TS Trần Thị Quỳnh Nga, có thể lí giải được phần nào sự “kém lửa” của chương trình VHNN.
Ngoài việc lựa chọn tác giả, tác phẩm (và đoạn trích) đôi khi còn chưa được cân nhắc đúng mức, chương trình VHNN đã dành hơi nhiều thời lượng cho các văn bản nghị luận, trong khi đúng ra, phải ưu tiên giới thiệu càng nhiều càng tốt những tác phẩm nghệ thuật ngôn từ để tạo hứng thú, nâng cao năng lực đọc thẩm mĩ cho học sinh, hướng học sinh đến việc phát hiện và rung động trước vẻ đẹp của tác phẩm.
“Chúng tôi tin rằng nếu cấu trúc lại chương trình VHNN, chuyển một số văn bản nghị luận như:
Đấu tranh cho một thế giới hoà bình (G.Macket), Bàn về đọc sách (Chu Quang Tiềm), Chó sói và cừu non trong thơ ngụ ngôn của La Phông-ten (H.Ten) trong chương trình Ngữ văn THCS, Điếu văn đọc trước mộ Các Mác trong chương trình Ngữ văn THPT sang chương trình làm văn để giới thiệu kiểu bài văn nghị luận;
Và, thay vào đó bằng những tác phẩm nghệ thuật đích thực, tính hấp dẫn của việc dạy học văn trong nhà trường sẽ được cải thiện đáng kể” - PGS.TS Trần Thị Quỳnh Nga khẳng định.