Đề xuất 3 vấn đề cần được thay đổi trong dạy học văn học nước ngoài

GD&TĐ - PGS.TS Nguyễn Văn Hạnh (Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Vinh) chỉ ra những vấn đề của việc dạy học văn học nước ngoài ở trường THPT hiện nay; đồng thời, cho rằng có 3 vấn đề cần được quan tâm, thay đổi, đó là: Cấu trúc chương trình, bồi dưỡng giáo viên, kiểm tra đánh giá.

Đề xuất 3 vấn đề cần được thay đổi trong dạy học văn học nước ngoài

Những khó khăn trong dạy học văn học nước ngoài

So với văn học Việt Nam, việc dạy học văn học nước ngoài ở trường phổ thông có những thuận lợi, khó khăn riêng. Về thuận lợi, theo PGS.TS Nguyễn Văn Hạnh, các tác phẩm được chọn học đều là những tác phẩm đỉnh cao của văn chương nhân loại. Ở đó hội tụ nhiều tri thức văn hóa, văn học được chuyển tải trong những hình thức nghệ thuật mới, lạ, độc đáo.

 PGS.TS Nguyễn Văn Hạnh

Không có tham vọng khai thác hết các tầng ý nghĩa của tác phẩm, song chỉ cần những định hướng, gợi mở của giáo viên, học sinh đã được tiếp xúc với những tinh hoa văn học thế giới, mà rất nhiều giá trị đặc sắc của nó không thể tìm được ở bất cứ ở nơi nào.

Rất nhiều vấn đề, nhiều ý nghĩa không thể tìm thấy trong văn học Việt Nam. Đó vừa là ưu thế, vừa là thách thức đối với người dạy, người học.

Để hướng dẫn học sinh đọc hiểu được những tác phẩm như vậy, giáo viên phải được trang bị một vốn tri thức về lịch sử, văn hoá, văn học phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức không dễ vượt qua đối với giáo viên THPT.

PGS.TS Nguyễn Văn Hạnh cho rằng: Đội ngũ giáo viên văn đang trực tiếp giảng dạy môn văn ở trường THPT hiện nay có nhiều thế hệ.

Có những giáo viên đã đứng lớp gần 30 năm, bên cạnh đó là những giáo viên tuổi đời và tuổi nghề còn rất trẻ. Họ lại đựợc đào tạo từ nhiều nguồn, ở nhiều trường khác nhau.

Một thực tế là trong nhiều năm liền, có những trường đại học sư phạm chưa theo kịp sự thay đổi của chương trình THPT. Nhiều nội dung có trong chương trình phổ thông nhưng chưa được quan tâm nhiều trong chương trình đại học.

Vì vậy có giáo viên phải dạy những điều mình chưa được học, thậm chí là chưa từng biết. Họ chỉ còn biết dựa vào hướng dẫn giảng dạy, và chừng nào đó là một ít tài liệu tham khảo…

Ba vấn đề cần được quan tâm, thay đổi

PGS.TS Nguyễn Văn Hạnh cho rằng, trước thực tế như trên, có 3 vấn đề cần được quan tâm, thay đổi, đó là: cấu trúc chương trình, bồi dưỡng giáo viên, kiểm tra đánh giá.

Đề cập đến ý tưởng về một chương trình phổ thông linh hoạt, trong đó có môn văn, nhưng theo PGS.TS Nguyễn Văn Hạnh, dù có linh hoạt, "mở" đến đâu thì đều phải dựa trên một nguyên tắc cấu trúc cơ bản là phù hợp với mục tiêu giáo dục đã được luật định.

Về đội ngũ giáo viên làm công tác bồi dưỡng nên yêu cầu các trường đại học có đội ngũ giảng viên chuyên ngành văn học nước ngoài có trình độ cao, có kinh nghiệm sư phạm trực tiếp lên lớp, bồi dưỡng bổ túc kiến thức cho giáo viên, trước hết là những phần mới, khó trong chương trình. 

Xem đây không chỉ là bổ túc, bồi dưỡng kiến thức mà là đạo tạo lại hàng năm theo một kế hoạch tổng thế, mang tính chiến lược.

 Với cách nhìn ấy, chương trình môn Văn, trong đó có Văn học nước ngoài, cần giảm bớt những tri thức mang tính hàn lâm. Điều này vừa đáp ứng mục tiêu giáo dục phổ thông vừa phù hợp với tâm lý, khả năng tiếp nhận của học sinh THPT.

Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng dạy học văn học nước ngoài ở trường phổ thông, việc bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên là hết sức cần thiết. Việc này cần là một hoạt động thường xuyên, bắt buộc hàng năm đối với giáo viên.

Chương trình, nội dung bồi dưỡng phải có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải. Ưu tiên trước hết là những tác giả mới, khó trong chương trình văn học nước ngoài.

Sau mỗi đợt bồi dưỡng phải có kiểm tra đánh giá cụ thể bằng những bài thi. Nếu giáo viên nào không đạt yêu cầu bắt buộc phải bồi dưỡng lại.

“Để hỗ trợ cho giáo viên hoàn thành nội dung bổ túc, bồi dưỡng kiến thức, Bộ GD&ĐT nên hỗ trợ về kinh phí và có chế tài bắt buộc, xem đó là nhiệm vụ hàng năm của giáo viên” - PGS.TS Nguyễn Văn Hạnh kiến nghị.

Về nội dung kiểm tra đánh giá, PGS.TS Nguyễn Văn Hạnh cho rằng, trước hết, trong phần kiểm tra đánh giá thường xuyên nên có quy định bắt buộc phải có nội dung kiểm tra thuộc phần văn học nước ngoài. 

Thi kiểm tra cuối kỳ bắt buộc phải có nội dung văn học nước ngoài theo một tỷ lệ tương ứng với các nội dung khác trong chương trình môn học.

Để đảm bảo tính khách quan và tránh học trò học tủ, giáo viên dạy đối phó, các trường nên xây dựng ngân hàng đề thi cho môn học. Trong đó, các phân môn đều có nội dung kiểm tra đánh giá. Trong chương trình thi quốc gia ở môn Văn cũng nên có nội dung thi bắt buộc phần văn học nước ngoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh cùng phụ huynh Trường Tiểu học Phù Đổng tham gia chương trình “Ngày hội Vui Tết quê em”.

Tết yêu thương, Tết sẻ chia

GD&TĐ - Nguồn quỹ tặng quà Tết cho học sinh khó khăn chủ yếu từ những phong trào kế hoạch nhỏ của trường như nuôi heo đất, giấy vụn, sách báo cũ...

Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân trao quà Tết cho nhà giáo, người lao động tại Trường Đại học Mở Hà Nội.

Mọi nhà giáo đều có Tết

GD&TĐ - Với phương châm “Tất cả nhà giáo, người lao động đều có Tết”, Công đoàn Giáo dục Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa chăm lo thiết thực...