Từ hơn một tháng nay, các vườn đào ở làng Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) đã bắt đầu nở rộ. Có lẽ không đâu ở Hà Nội không khí Tết lại tới sớm và rộn ràng như ở đây.
Từ xa xưa, làng Nhật Tân đã nổi danh khắp đất kinh kỳ bởi truyền thống trồng đào nức tiếng xa gần. Những gốc bích đào trổ hoa, khoe sắc ngập tràn bên cạnh những luống hoa, rau màu khác trong vườn.
Ngày Tết ở Hà Nội, bên cạnh bánh chưng, cặp giò, chậu quất Quảng Bá thì luôn luôn không thể thiếu cành đào mang sắc hồng ấm áp, tươi vui cho ngày đầu xuân mới. Có thể nói, thấy đào Nhật Tân là đã thấy Tết.
Bên cạnh giống bích đào truyền thống, nhiều gia đình lại ưa chuộng cắm trong nhà cành đào phai với sắc hồng nhạt dịu dàng, tao nhã.
Để tới được một trong những vườn đào này, bạn đi tới ngõ 264 Âu Cơ (Hà Nội). Một số khu vườn người dân đầu tư để trở thành nơi chụp ảnh cho các bạn trẻ, có thu phí khoảng 30.000 đồng, miễn phí với trẻ em.
Tuy nhiên, cũng có nhiều khu vườn người dân mở cửa miễn phí cho du khách tới tham quan, chụp ảnh. Dù vậy, bạn cũng nên cố gắng có ý thức giữ gìn, đi vào giữa luống và không làm rụng hoa đào của gia chủ.
Những gốc đào thế mang hình dáng khỏe khoắn, bề thế thường được các doanh nghiệp, cơ quan công sở đặt từ khá sớm để trưng bày.
Hình ảnh cánh hoa đào hồng rực in trên nền trời xanh xám của những ngày giáp Tết se lạnh đã in sâu trong tâm trí người Hà Nội nhiều thế hệ.
Năm nay, từ đầu tháng Chạp, tiết trời khá ấm áp nên đa phần đào đã nở sớm, 80-90% các gốc đào đã trổ bông, gây ra ít nhiều thiệt hại cho người trồng đào Nhật Tân.
Các em nhỏ trường mẫu giáo được các cô dẫn đến tham quan và chụp ảnh ở vườn đào.
Một du khách đến từ Singapore cũng được "mách nước" để tới đây ghi lại những hình ảnh đặc trưng nhất của Tết Việt Nam.
Rất đông các bạn trẻ, các nhiếp ảnh gia đã tranh thủ thời điểm rực rỡ nhất của vườn đào để ghi lại những bộ hình đẹp mắt.
Do đào nở sớm nên nhiều gia đình đã thu hoạch từ trước ngày Rằm để bán trong các khu chợ Hà Nội với giá rất rẻ, từ 20.000 đồng một cành.
Một người dân cho biết, có những gốc đào năm ngoái có giá trị cả triệu đồng, nay chỉ bán sớm được vài trăm, số còn lại bán để làm thuốc.