PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM: “Vào ĐH là học đại cho xong”: Sai!
Trong một dòng trạng thái gửi đến tân SV, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) chia sẻ: “Đậu vào một trường ĐH danh tiếng đã khó nhưng để thành công sau 4 năm học càng khó hơn. Các tân SV cần phải nỗ lực học tập, vượt qua nhiều trở ngại, thử thách và cám dỗ…”.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, các tân SV cần hoạch định cho mình kế hoạch 4 năm ngay từ những ngày đầu nhập học. “Nhiều em quan niệm sai lầm: Vào ĐH là học đại cho xong, có bằng rồi kiếm việc. Trên thực tế, bước chân vào ĐH là bạn trở thành thuyền trưởng của con thuyền tương lai của chính bạn. Phải biết đích đến và lộ trình (có kế hoạch học tập rõ ràng) trong 4 năm. Để bảo đảm chất lượng đầu ra, mỗi năm gần 1/10 SV nhập học bị đuổi và đa phần các em này đều không có kế hoạch học tập và đặc biệt là không tìm thấy đam mê” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.
Đồng thời, Hiệu trưởng HCMUTE khuyên các tân SV hãy đam mê học tập và nghiên cứu. “Muốn đi đến thành công trong quãng đường học ĐH không thể thiếu niềm đam mê. Các em hãy học vì tương lai của chính mình và vì kỳ vọng, niềm tin của gia đình. Để lo cho các em học ở TP này, gánh nặng đang đè lên vai cha, làm còng lưng mẹ. Hãy thương cha, thương mẹ vất vả vì mình mà cố gắng và đam mê học tập để sau 4 năm kiếm được việc làm tốt. Chúng ta học để thoát nghèo, để có tương lai tươi sáng hơn…” - PGS.TS Đỗ Văn Dũng chia sẻ.
Th.S Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM: Cần tự tìm hiểu về môn học
Để bắt kịp nhịp độ ở môi trường ĐH, ThS Phạm Thái Sơn (Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh & Truyền thông, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM) khuyên các tân sinh viên cần phải tự tìm hiểu về môn học, đặc biệt là cách học ở bậc đại học. Cách học ở đây là giảng viên hướng dẫn và sinh viên tự nghiên cứu, có gì không hiểu thì hỏi cố vấn học tập, giảng viên và bạn bè. Cách học này khác với thời phổ thông. Các em cần chủ động hơn nữa, phải tham gia nhiều câu lạc bộ, buổi sinh hoạt ngoại khóa…
“Các em cần phải định hướng công việc của mình, xác định rõ việc học để nghiên cứu hay học để làm việc. Bởi việc học để nghiên cứu sẽ khác với việc học để đi làm rất nhiều. Các em không rõ ràng trong việc này dễ dẫn đến “tẩu hỏa nhập ma” khi học tập” - ThS Phạm Thái Sơn chia sẻ.
Theo ThS Phạm Thái Sơn, đầu năm học nhà trường có chương trình sinh hoạt đầu khóa để sinh viên biết rằng việc học ở bậc đại học khác với học ở phổ thông thế nào. Các chương trình đi ‘Địa chỉ Đỏ’ (chương trình về nguồn cho tân sinh viên); gặp mặt các khoa; gala đầu khóa; tân sinh viên với nghiên cứu khoa học… sẽ giúp các em nắm bắt và tham gia suốt khóa học. Nhà trường còn có các câu lạc bộ của trường và các khoa để tân sinh viên tham gia và rèn luyện.
Th.S Nguyễn Thị Bích Ngọc - Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM: Vì sao tân SV bị “sốc”?
Là tác giả chủ biên sách “Tỏa sáng ở trường đại học”, đồng thời là diễn giả của talkshow cùng tên cho sinh viên nhiều trường ĐH, ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc (Trường ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng: Từ trường trung học chuyển qua bậc đại học, với hàng trăm điều khác biệt và nếu các bạn không kịp chuyển đổi nhận thức về tinh thần học tập, phương cách sống, sinh hoạt sẽ phải đối mặt với tình trạng tồi tệ trong khoảng thời gian đầu mang chiếc áo sinh viên: Sốc đại học.
Triệu chứng thứ nhất, sinh viên không làm chủ được thời gian, dù thời khóa biểu của trường đại học rất tự do chứ không theo kiểu “ngày hai buổi đến trường” đều đặn như thời phổ thông. Nhiều sinh viên không nhận thấy rằng ở trường đại học, họ có quyền hạn rộng hơn trong việc tự quyết định thời gian biểu của chính mình. Việc điều chỉnh từ học theo niên chế sang tín chỉ đã trao quyền tự chủ cho sinh viên nhiều hơn trên phương diện lập kế hoạch thời gian cho học tập, song nhiều sinh viên không coi đó là cơ hội mà xem đó là khủng hoảng và họ cứ mãi loay hoay vì không tìm được cách để chủ động thích nghi nên bị động, chạy theo khung thời gian áp đặt như trước đây.
Triệu chứng thứ hai, sinh viên cảm thấy nhiều môn “chẳng biết học để làm gì” và “thật vô bổ”, do đó họ không biết mình phải học những gì để được xem là giỏi. Họ mất hứng thú học tập cũng vì thế. Nhiều người trong số này cuối cùng loay hoay với việc học để kiếm điểm, cố gắng “tròn vai” một học trò chăm ngoan mà không phát hiện ra bất cứ năng lực mới mẻ nào của bản thân, cũng như không thể tìm thấy động lực nào mới đủ mạnh mẽ để họ vươn xa trên hành trình học tập suốt đời sau này.
Triệu chứng thứ ba, sinh viên giấu nhẹm tất cả những thắc mắc mà lẽ ra họ nên hỏi giảng viên hay bạn bè. Họ trở thành người “tự kỷ” theo cách nói của giới trẻ hiện nay. Nếu giảng viên không chủ động giảng giải, họ sẽ để mặc những câu hỏi quan trọng chìm vào lãng quên. Với cách đó, họ tự mình tháo lui khỏi nơi mà lẽ ra có quyền nói lên suy nghĩ, ý tưởng và đòi hỏi khám phá. Họ đã chọn cách sống cô lập và tự giam mình trên hòn đảo giữa đại dương, trong khi lẽ ra họ có thừa cơ hội để giong buồm đi về phía những bến bờ tươi sáng.
“Các bạn tân sinh viên phải hiểu rõ việc học là thế nào, lên đại học chỉ học không thôi chưa đủ. Hãy dành thời gian cho các hoạt động đội nhóm, bạn bè. Hãy tham gia các sân chơi cho sinh viên, dành thời gian cho sở thích cá nhân như đọc sách, nghe nhạc, xem phim… và tập thể thao. Chạy bộ là hoạt động dễ nhất và cũng tốt cho sức khoẻ, tiết kiệm chi phí. Hãy ăn uống lành mạnh, tránh các chất kích thích không cần thiết như thuốc lá, bia rượu… Hãy tham gia các khóa học kỹ năng, rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ, phục vụ việc học và giúp bản thân trưởng thành…” - ThS Nguyễn Thị Bích Ngọc chia sẻ.