Giao lưu trực tuyến: Đồng hành cùng tân sinh viên

GDTD - Các khách mời là đại diện trường đại học, trung ương Đoàn, cựu sinh viên sẽ giải đáp mọi băn khoăn của tân sinh viên cuộc giao lưu trực tuyến với chủ đề “Đồng hành cùng tân sinh viên”, do Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức từ 09h đến 10h30 ngày 14/10/2020.

Giao lưu trực tuyến: Đồng hành cùng tân sinh viên

Thời điểm này, hàng nghìn sinh viên trúng tuyển các trường đại học, cao đẳng trên cả nước bắt đầu nhập học. Nhiều tân sinh viên đến từ các vùng quê xa, lần đầu đến với thành phố lớn để bắt đầu cuộc sống trọ học xa nhà, với nhiều bỡ ngỡ, mới lạ.

Trước khi thực sự bước chân vào giảng đường đại học, các tân sinh viên đều phải trải qua những ngày ổn định cuộc sống sinh hoạt. Môi trường mới với nhiều thử thách và cám dỗ cần các sinh viên có đủ bản lĩnh để vượt qua. Để đến được bến bờ thành công sau những năm tháng trên giảng đường Đại học, sinh viên cần bắt đầu từ những việc nhỏ ngay từ những ngày đầu nhập học.

Khách mời tham gia chương trình gồm:

  • TS Phạm Huy Cường – Phó Trưởng phòng Chính trị và Công tác HSSV, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - ĐHQG Hà Nội.
  • Anh Nguyễn Nhất Linh - Ủy viên Ban Chấp hành, Phó Trưởng Ban Thanh niên Trường học Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Việt Nam.
  • Chị Vũ Thị Hồng Nhung, Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc ĐH Xây dựng, niên khóa 2015-2020

Để nhận được những chia sẻ hữu ích từ các khách mời, ngay từ bây giờ, bạn đọc có thể gửi câu hỏi về Chương trình theo form dưới đây, hoặc gửi email của Báo Giáo dục và Thời đại: gdtddientu@gmail.com, hoặc tương tác qua facebook của Báo www.fb.com/giaoducthoidai.

Giao lưu trực tuyến: Đồng hành cùng tân sinh viên ảnh 1
TS Phạm Huy Cường

TS Phạm Huy Cường

Phó Trưởng phòng Chính trị và Công tác HSSV - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội)

Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc ĐH Xây dựng, niên khóa 2015-2020

Anh Nguyễn Nhất Linh

Anh Nguyễn Nhất Linh

Ủy viên BCH, Phó Trưởng Ban Thanh niên Trường học Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Việt Nam

Bạn đọc

Bạn baotram172@...:

Thưa thầy, ở nhiều quốc gia phát triển, công dân 18 tuổi, dù là sinh viên thì gia đình vẫn cắt tiền chu cấp và yêu cầu họ tự lập. Trong khi đó, ở Việt Nam, nhiều vùng quê còn khó khăn nhưng phụ huynh vẫn cố hết sức, vay mượn để chu cấp cho con. Thậm chí cấm con đi làm thêm vì sợ con cái sa ngã vào cạm bẫy hoặc ảnh hưởng tới sức khỏe. Thầy đánh giá về ưu, nhược điểm của tư duy trên?
TS Phạm Huy Cường

TS Phạm Huy Cường

Đó là khác biệt văn hóa cũng như phương pháp giáo dục của mỗi cộng đồng, quốc gia. Đối với các quốc gia phương Tây, sự tự lập được đề cao xuyên suốt quá trình giáo dục và trưởng thành của mỗi thành viên.

Đối với các quốc gia phương Đông, trong đó có Việt Nam, giá trị tự lập mặc dù đang từng bước được quan tâm nhưng dường như vẫn đang bị lấn át bởi giá trị “gắn bó với gia đình”.

Khó có thể nói đâu là cách giáo dục hay ứng xử phù hợp hơn. Sự phát triển của xã hội cũng có thể xem là quá trình biến đổi không ngừng của các hệ giá trị khác nhau, và giá trị nào không còn nhiều ý nghĩa sẽ dần dần mất đi ảnh hưởng của nó.

Bạn đọc

Bạn Trần Thị Thúy, Phú Thọ:

Theo chị, sinh viên cần được trang bị những kiến thức thế nào để tránh những thói hư tật xấu, những cám dỗ của cuộc sống nơi thành phố?
Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Theo mình, sinh viên nên được trang bị những kiến thức xã hội đầy đủ từ những nguồn thông tin đúng đắn và đáng tin cậy, ví dụ như một số trang báo uy tín, các trang web của Bộ giáo dục,... Các kiến thức này rất đa dạng, các bạn nên có sự chọn lọc để có thông tin hữu ích nhất cho bản thân mình.

Bạn đọc

Bạn Mai Trang:

Thầy ơi, hiện tại em đang học ngành công tác xã hội của trường mình. Nhưng do em phải lo trang trải cuộc sống nên phải nợ môn. Mong thầy xem xét, tạo điều kiện giúp em có thể học tiếp.
TS Phạm Huy Cường

TS Phạm Huy Cường

Chào em! Theo quy chế đào tạo, em có thể giãn thời gian học tập bằng cách xin bảo lưu nếu cần có thời gian để giải quyết các việc cá nhân của mình (như việc đi làm để "trang trải cuộc sống"). Trên thực tế, nhiều bạn sinh viên vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập khi bố trí thời gian một cách khoa học giữa việc làm thêm và học tập. Để tư vấn tốt hơn cho em, thầy mời em lên trực tiếp Phòng Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Phòng 102 Nhà E) gặp thầy nhé!

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Ngọc Long, Quảng Ninh:

Theo chị, sinh viên có nên tham gia các hoạt động đoàn thể, hoạt động ngoại khóa hay không? Vì nhiều người cho rằng tham gia các hoạt động này rất mất thời gian.
Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Theo mình nếu có thể cân đối thời gian giữa việc học và tham gia các hoạt động ngoại khóa thì các bạn nên tham gia. Có rất nhiều lợi ích và nhiều điều các bạn có thể học hỏi từ các hoạt động đoàn thể. Tuy nhiên, các bạn nên sắp xếp thời gian thật hợp lý để khi tham gia các hoạt động này cảm thấy vui vẻ và thoải mái nhất, cũng không ảnh hưởng nhiều tới việc học tập.

Bạn đọc

Bạn ngobaominh@...:

Đôi khi, cạm bẫy không chỉ xuất hiện ở bên ngoài mà còn trong chính môi trường nhà trường, hoặc nơi lưu trú. Nhiều sinh viên bị bạn bè lôi kéo, nhiều phòng trọ, ký túc có tệ nạn xã hội... Vậy thầy có thể cho biết, trường ĐH KHXHNV đã thể hiện trách nhiệm bảo vệ sinh viên như thế nào ạ?
TS Phạm Huy Cường

TS Phạm Huy Cường

Trong phạm vi nhà trường và các không gian nội trú, việc hỗ trợ bảo đảm an toàn cho sinh viên được quan tâm và triển khai thuận lợi nhờ sự phối hợp thường xuyên giữa các bộ phận chức năng và bên liên quan.

Vấn đề khó khăn chủ yếu nằm ở một bộ phận sinh viên ngoại trú không sống cùng gia đình với đặc thù phân tán và thay đổi chỗ ở thường xuyên.

Bên cạnh từng bước tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin với chính quyền địa phương, đặc biệt trên địa bàn trường hoạt động, Nhà trường duy trì các kênh thông tin thuận lợi để sinh viên cũng như gia đình có thể liên hệ để nhận được sự hỗ trợ khi cần thiết.

Bạn đọc

Bạn Vulinh20...@gmail.com:

Những buổi chào tân sinh viên ở các trường tổ chức với mục đích là gì, thưa anh Linh?
Anh Nguyễn Nhất Linh

Anh Nguyễn Nhất Linh

Các chương trình chào tân sinh viên được Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên các trường tổ chức nhằm: hỗ trợ, tư vấn, giải đáp các thắc mắc của tân sinh viên trong thời gian đầu mới nhập học; tạo môi trường để tân sinh viên làm quen với môi trường học tập mới, bạn bè mới; tổ chức các hoạt động hỗ trợ sinh viên rèn luyện kỹ năng; các chương trình, hoạt động nhằm giới thiệu về tổ chức Đoàn, Hội và các câu lạc bộ, đội nhóm trực thuộc tới tân sinh viên, từ đó thu hút sinh viên tham gia các hoạt động. Tại nhiều trường, tại các chương trình chào tân sinh viên, Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên tham mưu với cấp ủy, lãnh đạo trường đối thoại với sinh viên để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của tân sinh viên, từ đó có những định hướng và hỗ trợ phù hợp…

Bạn đọc

Bạn Phan Kim Thoa, Thái Nguyên:

Theo chị, sinh viên năm thứ nhất thì nên ở trọ, ở kí túc xá hay ở nhà người quen?
Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Theo mình, sinh viên năm nhất nên ở kí túc xá. Vừa có thể làm quen với cuộc sống sinh viên, vừa có thêm nhiều kinh nghiệm từ các anh chị và bạn bè cùng trường. Bên cạnh đó, ở kí túc xá rất an toàn, và tránh được nhiều vấn đề phức tạp.

Bạn đọc

Bạn vuthuy2k@...:

Em đang sống đời sống sinh viên, em cảm thấy mỗi nhà trường cần có các đội xung kích, tình nguyện để sâu sát hơn trong hoạt động bên ngoài lớp học như: ăn ở, sinh hoạt, công việc làm thêm... nhưng trên thực tế nhiều trường đã có mà hoạt động chưa hiệu quả, nguyên do từ đâu, thưa thầy?
TS Phạm Huy Cường

TS Phạm Huy Cường

Trên thực tế, các đội sinh viên xung kích do sinh viên tự quản đã có những đóng góp tích cực đối với các hoạt động của nhà trường. Tuy nhiên, mục đích cốt lõi của các đội hình này là xây dựng môi trường để  các thành viên sinh viên có cơ hội trau dồi, rèn luyện bản thân trong quá trình tham gia các hoạt động đóng góp, cống hiến. Vì vậy, việc đánh giá hiệu quả của các đội hình này bên cạnh công tác tổ chức còn là cảm nhận về sự phát triển, tiến bộ của bản thân từng cá nhân sinh viên.

Bạn đọc

Bạn Trần Thanh Thủy, Hà Nội:

Em nhận xét thế nào về chương trình tuyên dương thủ khoa tốt nghiệp của thành phố Hà Nội?
Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Là một sinh viên được tham dự lễ tuyên dương thủ khoa xuất sắc do thành phố Hà Nội tổ chức, em cảm thấy rất vui và vinh dự. Chương trình được tổ chức công phu, hoành tráng. Mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng ban lãnh đạo vẫn tổ chức buổi lễ vinh danh cho chúng em, để chúng em có kỉ niệm đẹp kết thúc thời sinh viên.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Thanh Bình, Hưng Yên:

Anh có biết về quỹ tín dụng sinh viên không ạ? Em muốn vay tiền của quỹ này thì làm thế nào?
Anh Nguyễn Nhất Linh

Anh Nguyễn Nhất Linh

Hiện nay một số trường đại học có Quỹ tín dụng sinh viên, tuy nhiên mỗi trường sẽ có quy định khác nhau và dành cho sinh viên đang theo học tại nhà trường.

Đối với các bạn sinh viên nói chung thì chung ta có thể tiếp cận Chương trình tín dụng sinh viên.

Chương trình tín dụng sinh viên ở Việt Nam bắt đầu được thực hiện từ năm 1994 nhưng đến năm 2007 mới thực sự được triển khai rộng rãi với Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam (NHCSXH) là cơ quan đại diện Chính phủ thực hiện chính sách này. Đây là một chủ trương, chính sách đúng đắn được toàn xã hội quan tâm, theo dõi, đặc biệt là những HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình góp phần đảm bảo cơ hội được đi học đại học của người dân trong bối cảnh giáo dục đại chúng, đồng thời cũng phù hợp với xu thế chung của giáo dục đại học thế giới. Theo quy định tại Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, mức cho vay tối đa đối với một HSSV là 800.000 đồng/tháng (8.000.000 đồng/năm học - năm 2007) và hiện nay mức vay là 1,5 triệu/tháng. NHCSXH căn cứ vào mức thu học phí của từng trường, sinh hoạt phí và nhu cầu của người vay để quyết định mức cho vay cụ thể đối với từng HSSV, nhưng tối đa mỗi HSSV được vay không quá 1,5 triệu đồng/tháng.  Các bạn có thể chủ động liên hệ với Chi nhánh của Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam tại địa phương để được hướng dẫn thủ tục.

Bạn đọc

Bạn Phúc Hoàn – Hà Tĩnh:

Thành phố là môi trường nhiều cơ hội nhưng cũng đầy cạm bẫy, làm thế nào để những bạn trẻ vừa rời thôn quê có được bản lĩnh, sự hiểu biết để phân biệt được cơ hội hay cạm bẫy, thưa thầy?
TS Phạm Huy Cường

TS Phạm Huy Cường

Đúng như cảm nhận của bạn. Ý thức được điều này, các trường đại học luôn quan tâm tới công tác định hướng để tân sinh viên có thể sớm hòa nhập và tham gia an toàn vào môi trường sống và học tập ở thành phố.

100% sinh viên năm thứ nhất được tham gia vào các hoạt động định hướng, trong đó bên cạnh các nội dung hướng dẫn về nội quy, quy chế, cơ hội học tập, một thời lượng quan trọng được dành để chia sẻ đến các bạn về những nguy cơ, rủi ro có thể gặp phải (các hoạt động tôn giáo không đúng quy định, các tổ chức kinh doanh đa cấp không lành mạnh, các nguy cơ mắc tệ nạn xã hội…).

Nhà trường cũng có các hoạt động gặp gỡ, trao đổi, đối thoại với sinh viên toàn trường để tư vấn, giải đáp các vấn đề các bạn gặp phải trong suốt thời gian học tập ở đại học. Ngoài ra việc duy trì một đội ngũ cố vấn học tập, trợ lý công tác sinh viên và các Trung tâm/ Tổ/ Nhóm tư vấn – hỗ trợ sinh viên cũng góp phần hỗ trợ thường xuyên hơn đối với các bạn sinh viên.

Bạn đọc

Bạn Đỗ Bích Ngọc, Hà Nội:

Sau khi tốt nghiệp đại học, bạn có dự định gì trong tương lai? Có định học thêm lên thạc sĩ hay sẽ đi làm luôn?
Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Trong tương lai, mình có dự định tiếp tục học lên thạc sĩ và theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực kĩ thuật xây dựng.

Bạn đọc

Bạn Trần Ngọc Hà, Thái Nguyên:

Học ở ngôi trường “nhiều nam ít nữ”, chị có được các bạn trong lớp “cưng chiều” hay không?
Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Giao lưu trực tuyến: Đồng hành cùng tân sinh viên ảnh 31

 

Ở môi trường mà các bạn nam chiếm đa số, thì các bạn nữ sẽ được ưu ái rất nhiều. Các bạn nữ sẽ nhận được sự quan tâm và giúp đỡ rất nhiều từ các bạn nam, theo lời bạn nói thì có thể hiểu "cưng chiều" đó.

Bạn đọc

Bạn Minh Tú – Thanh Hoá:

Thưa thầy, là sinh viên thường xuyên hoạt động phong trào, đi tình nguyện… gần đây qua các phương tiện thông tin đại chúng, em thấy cũng có những rủi ro có thể xảy đến trong quá trình di chuyển, lưu trú ngoài nhà trường. Vậy nhà trường có phải là đầu mối duy nhất chịu trách nhiệm cho vấn đề này không và cụ thể trách nhiệm tới đâu?
TS Phạm Huy Cường

TS Phạm Huy Cường

Chào bạn. Trong quá trình tham gia học tập cũng như các hoạt động tình nguyện xã hội được tổ chức tại trường đại học, trách nhiệm quản lý đối với sinh viên thuộc về trường đại học.

Tuy nhiên, để giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra đối với sinh viên, kể cả trong quá trình di chuyển, lưu trú ngoài nhà trường, cũng đòi hỏi sự nghiêm túc tuân thủ các nội quy, quy định về nội dung hoạt động, bảo đảm an toàn từ chính các bạn sinh viên.

Bạn đọc

Bạn Kimthanh...@gmail.com:

Xin hỏi anh Linh, thời gian vừa qua, Hội sinh viên đã có những chương trình gì để đồng hành cùng tân sinh viên nhập học?
Anh Nguyễn Nhất Linh

Anh Nguyễn Nhất Linh

Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Hội Sinh viên các tỉnh, thành phố, Hội Sinh viên các trường thời gian qua đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ tân sinh viên bắt nhịp với cuộc sống ở thành phố, trong đó chuỗi các hoạt động chương trình “Chào tân sinh viên” tại các trường đã giúp các bạn sinh viên nhanh chóng hòa nhập, được tư vấn và tham gia các hoạt động của Hội Sinh viên, giới thiệu các câu lạc bộ, tổ, đội trong nhà trường, được giới thiệu về các dịch vụ hữu ích cho sinh viên, được hỗ trợ kiến thức, kỹ năng trong thời gian đầu nhập học.

Anh Bùi Quang Huy - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó của trường THPT Cần Thạnh.
Anh Bùi Quang Huy - Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó của trường THPT Cần Thạnh.
Bạn đọc

Bạn Phạm Thu Thảo, Thái Nguyên:

Đọc bài về chị trên báo, em thấy rất khâm phục chị. Chị có thể chia sẻ bí quyết học tập trong những năm THPT và cả những năm đại học không ạ?
Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Trong thời gian cấp THPT và cả đại học, mình không có bí quyết gì nhiều. Mình nghĩ điều quan trọng là cách bạn sử dụng thời gian sao cho hiệu quả. Mình tận dụng tối đa thời gian để học, tranh thủ giải quyết các vấn đề thắc mắc và bài tập bất cứ khi nào có cơ hội. Cân đối giữa thời gian học và tham gia các hoạt động để thư giãn. Khi làm bài thi, nên có tâm lý tốt và chú ý cách trình bày đề đạt kết quả tối đa.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Phương (Tiền Hải, Thái Bình):

Sinh viên nhập học ở nhiều tỉnh lên thành phố học, Hội sinh viên có những hoạt động gì để định hướng cho các bạn trẻ bắt nhịp với cuộc sống ở thủ đô?
Anh Nguyễn Nhất Linh

Anh Nguyễn Nhất Linh

Thời gian vừa qua, gắn với chương trình công tác Hội và phong trào sinh viên năm học, Hội Sinh viên Việt Nam đã tổ chức nhiều chương trình đồng hành với tân sinh viên, cụ thể như:

- Thông qua Quỹ Hỗ trợ và Phát triển sinh viên Việt Nam, Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam vận động nguồn lực xã hội trao học bổng hỗ trợ tân sinh viên, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi; phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp trao học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt vào dịp đầu năm học. Mỗi năm có tối thiểu 100 suất học bổng trị giá 5 triệu đồng/ 1 suất được trao cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

- Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp tổ chức Chương trình “Chào tân sinh viên” và trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho sinh viên.

- Hội Sinh viên các trường tổ chức các chương trình hỗ trợ tân sinh viên làm thủ tục nhập học, giải đáp thắc mắc của tân sinh viên; giới thiệu và hỗ trợ sinh viên đăng ký ở ký túc xá, đăng ký thành viên và tham gia hoạt động tại các câu lạc bộ, đội, nhóm.

- Các cấp bộ Hội tiếp tục tổng hợp nhu cầu và vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Bên cạnh đó Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cũng phát hành các Infographic hướng dẫn các bạn Tân sinh viên học cách thích nghi với môi trường mới thông qua website: http://hoisinhvien.com.vn/ và Fanpage: https://www.facebook.com/hoisinhvien.com.vn.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Ngọc Bích, Hải Dương:

Chị ơi, khi nhập học thì cần chuẩn bị những gì?
Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Khi nhập học, các bạn tân sinh viên sẽ rất háo hức, nhiều bạn lại lo lắng. Lúc trước mình cũng như vậy, tuy nhiên các bạn hãy giữ tinh thần thoải mái, và chuẩn bị đầy đủ những đồ cần thiết. Tất cả mọi thứ đều có thể chuẩn bị dần dần trong quá trình học, các bạn sẽ học được nhiều kinh nghiệm, nên cứ thư giãn và bước vào cuộc sống sinh viên.

Bạn đọc

Bạn Xuân Trường – TP. HCM:

Chương trình sinh viên học trong nhà trường có kiến thức cơ bản và thực tế nhưng em nhận thấy khi đi làm thì kỹ năng ứng xử nơi công sở, kỹ năng xử lý công việc, tình huống… là rất quan trọng. Theo thầy, có cần phải đưa nội dung này để sinh viên tiếp cận từ lúc còn ở giảng đường không?
TS Phạm Huy Cường

TS Phạm Huy Cường

Giao lưu trực tuyến: Đồng hành cùng tân sinh viên ảnh 45

 

Trên thực tế, nội dung này đã được quan tâm và đưa vào chương trình đào tạo của trường đại học. Đơn cử như tại Đại học Quốc gia Hà Nội: Để đủ điều kiện xét tốt nghiệp sinh viên cần hoàn thành và được cấp chứng chỉ kỹ năng mềm.

Bên cạnh đó, các khóa đào tạo chuyên đề, các hoạt động phong trào do Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên trường tổ chức mục đích cuối cùng bên cạnh rèn luyện tư tưởng đạo đức cũng là tạo môi trường thực hành, hoàn thiện các kỹ năng mềm cho đoàn viên sinh viên. Do đó, vấn đề hiện nay là tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác này từ sự chủ động từ cả hai phía: nhà trường và người học.

Bạn đọc

Bạn Ý Thơ (Bắc Ninh):

Để những phong trào Đoàn, Hội được hoạt động tốt, Hội sinh viên có những chỉ đạo, phối hợp như thế nào với các trường Đại học để thu hút tân sinh viên vào các hoạt động này?
Anh Nguyễn Nhất Linh

Anh Nguyễn Nhất Linh

 Hàng năm, vào dịp đầu năm học, Hội Sinh viên các trường chủ động phối hợp với Đoàn Thanh niên trường tham mưu với Đảng ủy, Ban Giám hiệu tổ chức các hoạt động đầu khóa cho tân sinh viên, như: tuần sinh hoạt công dân đầu khóa, chương trình “Chào tân sinh viên”, các chương trình, các buổi sinh hoạt giới thiệu hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm…Thông qua các hoạt động này, Hội Sinh viên các trường thu hút sự quan tâm của tân sinh viên, kết nạp các sinh viên có nguyện vọng trở thành hội viên, đồng thời tạo môi trường cho hội viên, sinh viên mới tham gia, hòa nhập vào các hoạt động của Hội, góp phần tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn của các hoạt động Hội dành cho sinh viên.

Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam Bùi Quang Huy (thứ 4, từ trái qua) trao học bổng cho sinh viên khó khăn.

Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam Bùi Quang Huy (thứ 4, từ trái qua) trao học bổng cho sinh viên khó khăn. 

Bạn đọc

Bạn Hoàng Ngọc Anh, Hà Tĩnh:

Chị ở kí túc xá hay ở trọ ạ? Nếu ở trọ thì chị có gặp khó khăn gì không?
Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Giao lưu trực tuyến: Đồng hành cùng tân sinh viên ảnh 51

 

Trong 2 năm đầu mình có ở kí túc xá, sau đó thì mình chuyển ra ở trọ. Ở đâu thì cũng có khó khăn và thuận lợi nhất định. Khi ở trọ bên ngoài, một số khó khăn mình gặp như khi đau ốm thì phải tự mình đi khám và mua thuốc, tự giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình ở như hư hỏng đồ đạc, các vấn đề với chủ nhà,...

Bạn đọc

Bạn Hoanglinhphan@...:

Theo anh, tân sinh viên ra thủ đô nhập học cần lưu ý những gì?
Anh Nguyễn Nhất Linh

Anh Nguyễn Nhất Linh

Theo tôi, các bạn tân sinh viên cần lưu ý những điều sau:

- Trước hết, các bạn cần học cách thích ứng với môi trường đại học, cao đẳng, môi trường tương đối khác biệt so với trung học phổ thông mà các bạn vừa trải qua.

- Mục tiêu quan trọng của các bạn là học tập tốt, tránh tâm lý xả hơi sau quãng thời gian ôn tập và thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Bên cạnh đó, việc tham gia các hoạt động Đoàn, Hội sẽ giúp các bạn rèn luyện và học hỏi thêm nhiều kỹ năng, tạo lập nhiều mối quan hệ cần thiết.

- Các bạn tân sinh viên cần chú ý rèn luyện thể lực, thể thao và tự tạo thói quen sinh hoạt hợp lý, đảm bảo sức khỏe để học tập.

- Bên cạnh đó, các bạn tân sinh viên cần chủ động nắm bắt thông tin, tránh sự dụ dỗ, lôi kéo của các loại hình kinh doanh đa cấp, các hành vi trục lợi, lừa đảo lợi dụng sự cả tin, thiếu kinh nghiệm và vốn sống của tân sinh viên.

Một số lời khuyên:

-       Xác định mục tiêu học tập và lập kế hoạch, quyết tâm đạt mục tiêu.

-       Tìm một nhóm bạn hoặc một câu lạc bộ chính thống của nhà trường để gia nhập.

-       Tham gia các hoạt động ngoại khoá và tình nguyện do Nhà trường hoặc các tổ chức uy tín triển khai.

-       Học cách lập kế hoạch và quản lý thời gian.

-       Tập trung ghi chép và nghiêm túc học tập trên lớp.

-       Tìm kiếm có hội làm thêm liên quan đến chuyên ngành học tập.

-       Chủ động học hỏi, rèn luyện thói quen đọc sách và đọc thông tin trước khi triển khai công việc.

Bạn đọc

Bạn Linh Anh (Thanh Hóa):

Chào anh Linh, em là sinh viên mới nhập học trường Đại học Mỏ - Địa chất. Quê em ở miền núi Thanh Hóa, với kinh nghiệm của người công tác trong Ban Thanh niên, trường học, anh có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình để nhắn nhủ những điều cần làm đối với sinh viên xa nhà không?
Anh Nguyễn Nhất Linh

Anh Nguyễn Nhất Linh

Chào bạn, đối với sinh viên xa nhà, trước hết bạn phải làm quen và thích nghi với cuộc sống tự lập, tự trang bị cho mình những kỹ năng căn bản, cần thiết, bắt đầu từ những việc giản đơn như đi chợ, nấu cơm, giặt quần áo, dọn dẹp nhà cửa…, những việc mà có thể trước đây các bạn được bố mẹ, anh chị ở nhà làm hộ hoặc phụ giúp. Cuộc sống xa nhà khiến các bạn phải tự lập nhiều hơn, phải thích nghi với cuộc sống tự mình xoay xở nhiều hơn.

Mục tiêu quan trọng của các bạn là học tập tốt, tránh tâm lý xả hơi sau quãng thời gian ôn tập và thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Bên cạnh đó, việc tham gia các hoạt động Đoàn, Hội sẽ giúp các bạn rèn luyện và học hỏi thêm nhiều kỹ năng, tạo lập nhiều mối quan hệ cần thiết.

Các bạn tân sinh viên cần chú ý rèn luyện và tự nâng cao sức khỏe của bản thân, có sức khỏe tốt mới có thể học tập tốt và tham gia các hoạt động xã hội khác.

Tham gia các hoạt động của các câu lạc bộ, đội, nhóm, các hoạt động của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên trường cũng là cách để các bạn học thêm nhiều kỹ năng cần thiết, đồng thời giúp đời sống sinh viên phong phú hơn.

Các thói quen đọc sách, học tập và rèn luyện ngoại ngữ, tìm kiếm việc làm thêm… cũng là những việc làm tốt mà các bạn nên lựa chọn, sắp xếp để thực hiện.

Bạn đọc

Bạn vuviet102@...:

Em thấy nhiều bạn sinh viên vì thiếu tiền sinh hoạt mà vay nặng lãi, lâm vào cảnh nợ nần, bị o ép nên phải bỏ trốn, bỏ học… Nên chăng, cần có những giải pháp kiểm soát tình trạng này trước khi xảy ra những hệ lụy đáng tiếc?
TS Phạm Huy Cường

TS Phạm Huy Cường

Chào em, thực tế cũng có một số sinh viên rơi vào tình huống như em đã nêu. Trong các chính sách hỗ trợ giáo dục của Nhà nước cũng như của mỗi trường đại học đều có sự quan tâm đối với các bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, trong đó, liên quan tới vấn đề tài chính có các chính sách miễn – giảm – hỗ trợ - gia hạn học phí.

Vì vậy, khi gặp phải các vấn đề về tài chính trong quá trình học tập, sinh viên nên chủ động chia sẻ để nhà trường biết, phối hợp cùng gia đình hỗ trợ kịp thời trước khi tìm kiếm các giải pháp từ bên ngoài. Bởi vậy, có lẽ giải pháp từ phía nhà trường là tiếp tục thông tin, tuyên truyền để người học hiểu rõ quyền lợi của mình trong quá trình tham gia học tập ở đại học.

Bạn đọc

Bạn Công Tú (Tuyên Quang):

Em hiểu việc đồng hành cùng tân sinh viên không chỉ là hỗ trợ sinh viên mới bước vào trường mà còn có kế hoạch dài hạn trong thời gian học, anh có thể chia sẻ về việc này được không ạ?
Anh Nguyễn Nhất Linh

Anh Nguyễn Nhất Linh

Thời gian qua, các cấp bộ Hội đã có nhiều chương trình nhằm hỗ trợ tân sinh viên trong dài hạn, có thể kể đến như các học bổng toàn phần suốt khóa học cho các tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học tập tốt, có điểm thi đầu vào cao. Bên cạnh đó, phong trào “Sinh viên 5 tốt” được triển khai rộng rãi tại Hội Sinh viên các trường đại học, cao đẳng nhằm hỗ trợ sinh viên rèn luyện và phát triển toàn diện với 5 tiêu chí: đạo đức tốt, học tập tốt, thể lực tốt, tình nguyện tốt và hội nhập tốt; tham gia các hoạt động của Hội Sinh viên, các bạn sinh viên có điều kiện để tham gia nhiều hoạt động, được tổ chức Hội đồng hành, hỗ trợ trong học tập, rèn luyện suốt trong thời gian học tập tại trường, không chỉ là các nội dung hỗ trợ trong ngắn hạn.

Bạn đọc

Bạn Phantulinh...@gmail.com:

Anh Linh ơi, có phải tham gia hoạt động Đoàn, Hội thì mất rất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến việc học không anh?
Anh Nguyễn Nhất Linh

Anh Nguyễn Nhất Linh

Giao lưu trực tuyến: Đồng hành cùng tân sinh viên ảnh 62

 

Chào bạn, thực tế có rất nhiều bạn sinh viên học tập tốt, đạt thành tích cao và rất tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, có thể kể đến các tấm gương là các bạn sinh viên đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp Trung ương. Nếu các bạn biết cách phân bổ thời gian hợp lý, cân bằng giữa việc học tập và tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, bên cạnh việc học, các bạn còn có thể rèn luyện thêm nhiều kỹ năng cần thiết. Hoạt động Đoàn, Hội giúp các bạn tự tin và trưởng thành hơn, hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc học nếu các bạn có sự cân đối thời gian và sắp xếp hợp lý, làm việc một cách có kế hoạch.

Bạn đọc

Bạn Duy Khánh (Nam Định):

Có nhiều quan điểm cho rằng việc sinh viên tham gia vào các tổ chức ít vì nhiệt huyết mà vì mục đích nào đó như được ưu tiên, được cộng điểm, có phải vậy không ạ?
Anh Nguyễn Nhất Linh

Anh Nguyễn Nhất Linh

Thực tế có thể có điều đó nhưng tôi nghĩ đó không phải đại diện cho số đông. Hầu hết các bạn sinh viên tham gia vào các tổ chức, hoạt động của Đoàn, Hội bởi sự hấp dẫn, thu hút từ các hoạt động, chương trình và giá trị về mặt kỹ năng mà tổ chức Đoàn, Hội mang lại. Việc tham gia các hoạt động Đoàn, Hội giúp các bạn sinh viên có môi trường để rèn luyện nhiều kỹ năng thực hành xã hội cần thiết, giúp các bạn tự tin hơn trong giao tiếp xã hội. Đồng thời Đoàn, Hội cũng là người bạn đồng hành gần gũi với nhiều chương trình, hoạt động tư vấn, hỗ trợ sinh viên trong học tập và rèn luyện.

Bạn đọc

Bạn Trần Diệu Ly, Hải Phòng:

Em là sinh viên năm thứ nhất, vẫn chưa quen với cách học đại học, chưa quen với cách giảng của các thầy cô. Chị có thể chia sẻ bí quyết để chăm chú nghe giảng và vượt qua các kì thi được không?
Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Theo kinh nghiệm của mình, các bạn nên vừa nghe vừa ghi chép những ý chính, đặc biệt là những phần mở rộng, giảng thêm của thầy cô. Ghi bài giúp các bạn hiểu cấu trúc và nhiều điều cần nhớ trong buổi học đó, bên cạnh đó giúp các bạn tập trung tối đa vào bài giảng và đặc biệt hạn chế buồn ngủ trong giờ. Để vượt qua các kì thi thì không có cách nào khác là bạn phải chăm chỉ học, và học đúng những nội dung cần học. Nên tập trung thời gian và tâm sức vào những ngày ôn thi để có sự chuẩn bị tốt nhất và tự tin đi thi.

Bạn đọc

Bạn Xuân Bách – Lào Cai:

Xin thầy cho biết, các chương trình cho vay vốn, hỗ trợ việc làm, cộng tác thường xuyên… dành cho sinh viên đã thực sự đảm bảo số lượng và chất lượng chưa? Cụ thể, ở phạm vi các trường đại học thì khi triển khai vấn đề này sẽ gặp khó khăn, thuận lợi gì?
TS Phạm Huy Cường

TS Phạm Huy Cường

Giao lưu trực tuyến: Đồng hành cùng tân sinh viên ảnh 69

 

Về chương trình vay vốn hỗ trợ học tập, với chính sách của Nhà nước hiện nay, 100% sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đều được tạo điều kiện vay vốn hỗ trợ học tập từ quỹ của Ngân hàng chính sách xã hội. Các hoạt động tư vấn hướng nghiệp và hỗ trợ tìm kiếm việc làm, theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như định hướng đào tạo của các trường đại học cũng được quan tâm đầu tư nhân lực và vật lực cho công tác này.

Có lẽ khó khăn lớn nhất hiện nay là khoảng cách giữa nội dung chương trình đào tạo còn chưa sát với yêu cầu của thị trường lao động thực tế. Do đó, chúng tôi cho rằng vấn đề không nằm ở số lượng và chất lượng các hoạt động hỗ trợ sinh viên mà cần có giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.

Bạn đọc

Bạn tranmylinh2002@...:

Thưa thầy, học tốt chương trình học theo giáo trình, đảm bảo nền nếp ăn ở sinh hoạt luôn là nội dung sinh viên được khuyến khích, nhưng nếu để linh hoạt, có nhiều cơ hội về việc làm, trải nghiệm thực tế thì các thầy cô tư vấn gì giúp sinh viên chúng em không bỡ ngỡ khi rời giảng đường đại học để bước vào cuộc sống?
TS Phạm Huy Cường

TS Phạm Huy Cường

Thị trường lao động trong cách mạng công nghệ 4.0 với những biến đổi khó lường đòi hỏi ở người lao động những kiến thức, kỹ năng toàn diện và khả năng thích ứng nhanh chóng. Vì vậy, bên cạnh chăm chỉ học tập, nghiên cứu để có kiến thức chuyên môn tốt, sinh viên cần tự đọc, tự học để có kiến thức liên ngành.

Ngoài học tập trên lớp, việc tham gia vào các hoạt động xã hội, xây dựng dự án, khóa đào tạo, câu lạc bộ năng khiếu – sở thích giúp các bạn phát triển các kỹ năng giao tiếp xã hội, nuôi dưỡng sự năng động, sáng tạo. Việc chú tâm vào thực hành các kiến thức, kỹ năng chuyên ngành cũng như liên ngành thông qua hoạt động thực tập và hoạt động xã hội cũng là điều không thể bỏ qua.

Và tất nhiên bạn sẽ không thể hội nhập nếu không sử dụng tốt ít nhất một ngoại ngữ (tiếng Anh) cũng như không thể giao tiếp, làm tốt công việc cũng mình nếu thiếu các kiến thức và kỹ năng tin học, phương tiện công nghệ và các ứng dụng thông minh. Cuối cùng, hãy chuẩn bị cho mình một tâm thế sẵn sàng đón nhận các cơ hội cũng như thích ứng với những thay đổi. Chúc bạn thành công!

Bạn đọc

Bạn Vũ Hồng Hạnh, Bắc Ninh:

Ngoài học trên trường, theo chị có cần học thêm các khóa học ngoại ngữ, tin học ở ngoài không?
Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Ngoài việc học ở trường, mình học thêm ngoại ngữ và tin học. Đặc thù của các trường kĩ thuật như ĐHXD thì không yêu cầu cao về ngoại ngữ đầu ra, nên mình dành thời gian tự học là chủ yếu. Tuy nhiên, yêu cầu cao về khả năng sử dụng các phần mềm trong tính toán và thiết lập bản vẽ, nên mình đầu tư thời gian để học thêm phần mềm chuyên ngành.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Thị Thảo, Đồng Nai:

Trong các năm học đại học, bạn có “xin” bố mẹ nhiều tiền không? Bạn có đi làm thêm ở đâu trong những năm học đại học không, như đi gia sư chẳng hạn?
Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Giao lưu trực tuyến: Đồng hành cùng tân sinh viên ảnh 76

 

Khi là sinh viên, bố mẹ vẫn chu cấp tiền học và sinh hoạt cho mình. Có rất nhiều bạn sinh viên dành thời gian đi làm thêm, vừa có thêm kinh nghiệm, vừa có thêm thu nhập lo cho bản thân. Với mình thì mình không đi làm thêm ở đâu cả. Mình tập trung vào việc học ở trường, vừa có kết quả tốt khi ra trường có CV đẹp, vừa có thể lấy học bổng để trang trải thêm cuộc sống sinh viên. Theo mình biết, số lượng học bổng ở các trường đại học rất nhiều, hàng năm có rất nhiều loại học bổng. Nên nếu có kết quả tốt, đạt được học bổng, các bạn sẽ không phải băn khoăn nhiều về vấn đề kinh tế.

Bạn đọc

Bạn Ducminh67@...:

Theo anh Linh, tân sinh viên nên tìm đến các địa chỉ nào để tham gia các hoạt động tập thể tăng cường kỹ năng sống?
Anh Nguyễn Nhất Linh

Anh Nguyễn Nhất Linh

Anh Nguyễn Nhất Linh - Ủy viên BCH, Phó Trưởng Ban Thanh niên Trường học Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Việt Nam
Anh  Nguyễn Nhất Linh - Ủy viên BCH, Phó Trưởng Ban Thanh niên Trường học Trung ương Đoàn, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Sinh viên Việt Nam

 

Trong thời gian đầu tiên, khi mới tiếp cận với môi trường mới, các bạn nên tìm đến các câu lạc bộ tổ, đội uy tín của nhà trường để hoạt động. Nơi đây sẽ có sự đồng hành của các thầy cô, giảng viên trẻ, các anh chị khóa trước trong việc tiếp cận với học tập cũng như sinh hoạt ở môi trường mới.

Các bạn không nên tham gia vào các câu lạc bộ không rõ đơn vị chủ quản, không chính thống, mục tiêu hoạt động không rõ ràng. Điều này có thể kiểm tra thông qua việc xác định tổ chức này có trực thuộc cơ quan, đơn vị nhà nước nào quản lý hay không?

Bạn đọc

Bạn Đặng Phương (Hưng Yên):

Xin thầy cho biết, giả sử trong trường hợp sinh viên bị tấn công, xâm hại hay lừa gạt thì chúng em cần báo cho bộ phận nào của nhà trường để giải quyết vì thực tế không nhiều trường học có đường dây nóng còn với học sinh ngoại tỉnh thì gia đình lại ở xa?
TS Phạm Huy Cường

TS Phạm Huy Cường

Chào bạn, nếu tình huống đáng tiếc như vậy xảy ra, các bạn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ Phòng Công tác sinh viên của các nhà trường. Các số điện thoại, địa chỉ thư điện tử và tài khoản trang xã hội luôn được công khai đến tất cả các bạn sinh viên.

Ở trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN), các bạn còn có thể tìm kiếm sự tư vấn hỗ trợ thêm từ Tổ Tư vấn và Hỗ trợ sinh viên (tên viết tắt là CASA) và Trung tâm tư vân tâm lý (trực thuộc trường).

Bạn đọc

Bạn lythuvan2k2@...:

Từ khi có chương trình đào tạo tín chỉ, có thể thấy mô hình lớp học đã thay đổi rất nhiều so với trước đây. Ví dụ, trước đây có sự gắn bó thường xuyên, liên tục giữa thầy cô chủ nhiệm và cán bộ lớp, sinh viên thì giờ các lớp học có thể thay đổi về số lượng sinh viên và thầy cô, cán bộ lớp thiên về tổ chức quản lý, điểm danh. Như vậy cũng tác động tới tình cảm gắn bó, mối liên hệ trong đời sống sinh viên. Làm cách nào để khắc phục tình trạng đó, thưa thầy?
TS Phạm Huy Cường

TS Phạm Huy Cường

Đúng là mô hình đào tạo theo tín chỉ, với việc cá nhân hóa tiến trình học tập của mỗi người học đã làm thay đổi rõ rệt mô hình lớp truyền thống (các bạn sinh viên cùng khóa luôn học cùng nhau dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của giáo viên chủ nhiệm).

Tuy nhiên, không vì điều này mà tương tác hay sự hỗ trợ đối với các bạn sinh viên bị hạn chế. Bằng việc ứng dụng các tiến bộ công nghệ (zalo, facebook, zoom, các nền tảng công nghệ nội bộ…) và sớm điều chỉnh mô hình dịch vụ hỗ trợ sinh viên (mô hình cố vấn học tập, mô hình trung tâm tư vấn – hỗ trợ, các câu lạc bộ sinh viên…) cơ hội tương tác giữa sinh viên với sinh viên cũng như tìm kiếm sự chia sẻ, tư vấn - hỗ trợ, thậm chí được gia tăng, đa dạng hơn.

Bạn đọc

Bạn Trần Quốc Hưng, Thái Nguyên:

Được biết bạn học THPT tại Thái Nguyên. Khi xuống Hà Nội học đại học, bạn có gặp khó khăn, bỡ ngỡ gì không?
Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Là một sinh viên tỉnh lẻ xuống thủ đô thì tất nhiên sẽ có nhiều bỡ ngỡ. Cuộc sống sinh viên sẽ có nhiều khó khăn, đặc biệt là ở thủ đô thì sẽ có nhiều cám dỗ và những việc các bạn sinh viên không thể lường trước, ví dụ các bạn có thể bị trộm đồ trên xe bus, trong khu trọ; có thể bị lừa tiền,... Ngoài ra, khi đau ốm hoặc gặp bất cứ chuyện gì trong cuộc sống, các bạn sẽ phải tự mình giải quyết. Từ đó, cũng rèn luyện cho các bạn sự tự lập.

Bạn đọc

Bạn Ánh Dương (Gia Viễn, Ninh Bình):

Cho em hỏi về việc hỗ trợ của Hội sinh viên để giúp sinh viên tìm được học bổng?
Anh Nguyễn Nhất Linh

Anh Nguyễn Nhất Linh

Nhiều thông tin hữu ích đối với sinh viên được anh Nguyễn Nhất Linh chia sẻ trong buổi GLTT
Nhiều thông tin hữu ích đối với sinh viên được anh Nguyễn Nhất Linh chia sẻ trong buổi GLTT

 

Bản thân Trung ương Hội SVVN có quỹ Hỗ trợ và Phát triển SVVN. Mỗi năm, sẽ có tối thiểu 100 suất học bổng trị giá 5 triệu đồng/ suất để hỗ trợ sinh viên nghèo vượt khó học giỏi. Quỹ cũng mong muốn kêu gọi các doanh nghiệp đồng hành với mục tiêu hỗ trợ sinh viên.

Ngoài ra, Trung ương Hội cũng phối hợp với các doanh nghiệp, các đơn vị bên ngoài để tạo ra các nguồn học bổng như: Tiếp sức đến trường, học bổng Canon, chắp cánh ước mơ,… Để có thể đáp ứng được tiêu chuẩn học bổng, nên có kế hoạch học tập để đạt được kết quả cao, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện cộng đồng là một điểm cộng ưu tiên khi xét học bổng.

Đối với sinh viên, việc đạt danh hiệu “SV 5 tốt” là một trong những tiêu chí hỗ trợ rất tốt cho các bạn đến gần hơn với các suất học bổng.

Bạn đọc

Bạn levanhung@...:

Ngay từ năm thứ nhất đại học, sinh viên đã nhận được nhiều lời mời, quảng cáo về cơ hội việc làm và thực tế chúng em cũng rất cần công việc để phụ giúp gia đình, chi trả một phần học phí, chi phí ăn ở. Vậy bằng cách nào để sinh viên có được công việc an toàn, phù hợp?
TS Phạm Huy Cường

TS Phạm Huy Cường

TS Phạm Huy Cường chia sẻ thông tin cùng độc giả Báo GD&TĐ
TS Phạm Huy Cường chia sẻ thông tin cùng độc giả Báo GD&TĐ 

 

Sinh viên đi làm thêm là một thực tế và các con số thống kê cho thấy, bên cạnh việc mang lại nguồn thu nhập thì các trải nghiệm thực tiễn trong các môi trường công việc có ý nghĩa tích cực với vơ hội việc làm sau này khi các bạn tốt nghiệp ra trường. Tuy nhiên việc quá tập trung vào việc làm thêm và thiếu kỹ năng quản lý thời gian cũng có ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập và kết quả học tập của các bạn.

Bên cạnh đó, cũng có những môi trường công việc không phù hợp tạo những hệ lụy tiêu cực cho sinh viên, đặc biệt là các hệ thống đa cấp. Để hỗ trợ tốt hơn cho sinh viên, ngay từ năm thứ nhất, Nhà trường cung cấp các thông tin về cơ hội cũng như nguy cơ khi các bạn tham gia vào các môi trường công việc, đặc biệt sinh viên năm thứ nhất được lưu ý cần ưu tiên nhiệm vụ hòa nhập môi trường sống, học tập, nghiên cứu trước tiên.

Nhà trường cũng tổ chức một bộ phận quan hệ doanh nghiệp – hỗ trợ tuyển dụng – hỗ trợ tìm kiếm việc làm, qua đó tổ chức thường xuyên các hoạt động giao lưu, tuyển dụng và cung cấp thông tin việc làm toàn thời gian cũng như bán thời gian cho các bạn sinh viên.

Bạn đọc

Bạn Phan Huyền (Hà Tĩnh):

Em nghe nói những sinh viên trẻ rất dễ bị lừa, làm thế nào để hạn chế vấn đề này vì sinh viên mới nhập học thường chưa có kinh nghiệm sống, nhất là ở thủ đô?
Anh Nguyễn Nhất Linh

Anh Nguyễn Nhất Linh

Đầu tiên, các bạn phải học cách tìm kiếm thông tin và chủ động hỏi các anh chị khóa trước. Hiện nay, có rất nhiều loại hình đánh vào tâm lý mong muốn được kiếm tiền, hoặc kêu gọi lòng trắc ẩn của mọi người để trục lợi.

Các bạn tân sinh viên cũng nên tiếp cận các câu lạc bộ uy tín, chính thống trong nhà trường. Đây sẽ nơi có các anh chị có kinh nghiệm, kỹ năng truyền đạt lại kinh nghiệm cho các bạn.

Đồng thời, các bạn nên tập trung vào mục tiêu chính là học tập và rèn luyện kỹ năng thông qua chương trình đào tạo của nhà trường.

Nếu muốn đi làm thêm hoặc tiếp cận ngoài xã hội, các bạn nên đợi đến giữa năm thứ hai trở đi. Khi đó các bạn đã có thể phân bổ được thời gian đảm bảo việc học tập, cũng như có kinh nghiệm để tiếp cận với những điều tốt, xấu ngoài xã hội.

Bạn đọc

Bạn Nguyễn Thế Anh, Hưng Yên:

Tại trường Đại học Xây dựng, nhiều bạn nam rất chật vật mới qua được các môn thi. Vậy tại sao một bạn gái lại có thể học giỏi như thế. Bạn có thể chia sẻ bí quyết được không?
Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Mình không có bí quyết nào cả. Mình nghĩ ở bất kì trường đại học nào, các bạn nên chăm chỉ và kiên trì thì mới có kết quả tốt. Bên cạnh đó, theo mình các bạn nữ thường cẩn thận hơn các bạn nam nên bài làm thường chỉn chu hơn.

Bạn đọc

Bạn Minh Đạt – Hải Dương:

Em thấy lực lượng sinh viên tình nguyện ở các trường Đại học hoạt động khá sôi nổi, hiệu quả nhưng chủ yếu vẫn trong phạm vi mùa thi, các phong trào bề nổi, còn việc tư vấn, hướng dẫn việc lưu trú, kỹ năng ứng phó tình huống bất ngờ trong học đường lại chưa cao. Các chuyên gia đánh giá gì về vấn đề này?
TS Phạm Huy Cường

TS Phạm Huy Cường

TS Phạm Huy Cường - Phó Trưởng phòng Chính trị và Công tác HSSV - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội)
TS Phạm Huy Cường - Phó Trưởng phòng Chính trị và Công tác HSSV - Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội)

 

Đây có lẽ là thực tế của một số năm về trước hoặc không còn phổ biến. Hiện nay, trong điều kiện đào tạo theo tín chỉ với xu hướng tăng cường sự tự chủ, sáng tạo cho người học đã mang lại những thay đổi không chỉ trong học tập, nghiên cứu mà cả các hoạt động phong trào, trong đó có hoạt động sinh viên – thanh niên tình nguyện.

Thực tế cho thấy, các mô hình tình nguyện không chỉ còn tập trung cao điểm vào dịp hè, mùa thi mà trải dài trong suốt năm học (tình nguyện hè, tình nguyện đông ấm, mô hình tình nguyện gắn với các câu lạc bộ chuyên môn – sở thích – năng khiếu…).

Bên cạnh các mô hình tình nguyện xa đến với những người dân khó khăn thì các mô hình tình nguyện tại chỗ theo mô hình đồng đẳng sinh viên hỗ trợ sinh viên, sinh viên tham gia xây dựng giảng đường xanh – văn minh, các mô hình rèn luyện phát triển toàn diện cho sinh viên… cũng được tổ chức và thu hút sự hào hứng và tham gia của đông đảo các bạn sinh viên.

Bạn đọc

Bạn Hueluu728...@gmail.com:

Anh Linh ơi, sau này em cũng mong muốn được công tác tại Hội sinh viên, làm thế nào để đạt được điều đó ạ?
Anh Nguyễn Nhất Linh

Anh Nguyễn Nhất Linh

Chào bạn!

Trước tiên, bạn cần xác định là mong muốn được công tác tại Hội sinh viên ở cấp nào. Hiện nay, Hội sinh viên có các cấp: Trung ương Hội SVVN; cấp tỉnh, thành phố và cấp trường.

Nếu bạn đang tham gia học tập, bạn có thể đăng ký vào các câu lạc bộ tổ, đội trực thuộc Hội SV cấp trường để rèn luyện. Thông qua các câu lạc bộ này sẽ là cơ hội để các bạn thể hiện được năng lực của mình và tham gia ứng tuyển vào BCH Hội sinh viên cấp trường.

Sau khi đã vào BCH của trường, bằng nỗ lực và phấn đấu của mình, các bạn sẽ được giới thiệu lên các cấp Hội cao hơn.

Bạn đọc

Bạn Trần Ngọc Linh, Hà Nội:

Bạn có thể chia sẻ lí do chọn đại học Xây dựng được không? Tại sao bạn lại chọn ngôi trường này trong khi nghề xây dựng thường chỉ phù hợp với các bạn nam?
Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Mình chọn Đại học Xây dựng vì cảm thấy mình phù hợp với thứ gì đó mạnh mẽ. Lý do thứ 2, mình rất băn khoăn và rất ngưỡng mộ cách một công trình được tạo ra, muốn được hiểu về nó, nên chọn trường ĐHXD. Thực tế, một trường kĩ thuật mọi người thường nghĩ khô khan và chỉ phù hợp với các bạn nam, tuy nhiên không hẳn vậy. Ngành nghề nào cũng cần có cả nữ và nam, có rất nhiều ngành phù hợp với các bạn nữ.

Bạn đọc

Bạn umai8x@...:

Hầu hết sinh viên từ các tỉnh đều ở trọ và số sinh viên thuộc diện ở ký túc xá không nhiều. Vậy các nhà trường có đặt ra trách nhiệm định hướng về nơi ở trong điều kiện, phạm vi an toàn cho sinh viên hay không?
TS Phạm Huy Cường

TS Phạm Huy Cường

Các trường đại học xác định việc hỗ trợ sinh viên sớm ổn định chỗ ở là việc cần thiết, quan trọng để các em có thể sớm  hòa nhập với môi trường sống mới và học tập tốt.

Đối với trường ĐH KHXHNV (ĐHQGHN ), bên cạnh tăng cường quỹ phòng, chất lượng phòng ở kí túc xá nội bộ (Kí túc xá Mễ Trì), Nhà trường đã liên hệ với các kí túc xá bên ngoài (Kí túc xá Mĩ Đình, Kí túc xá Pháp Vân, Làng sinh viên HACINCO…) để bổ sung lựa chọn cho các em sinh viên. Hằng năm, vào thời điểm sinh viên nhập học, Tổ chức Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên trường luôn có đội sinh viên xung kích hỗ trợ các bạn tân sinh viên tìm kiếm nhà trọ uy tin, phù hợp.

Nhà trường cũng thường xuyên có liên hệ, trao đổi với Ban quản lý các kí túc xá và chính quyền sở tại nơi trường đặt cơ sở để bảo đảm các điều kiện an ninh, an toàn trong quá trình ăn ở, sinh hoạt, rèn luyện của các bạn sinh viên.

Bạn đọc

Bạn Thuý Anh – Nam Định:

Thưa thầy Cường, em vừa làm thủ tục nhập học và chuyển tới nhà trọ. Khi em và gia đình tìm phòng trọ trên mạng thì được tư vấn một nơi ở có đủ tiện nghi sinh hoạt, yêu cầu đóng trước 3 tháng tiền nhà nhưng em chuyển đến ở được ít ngày thì một người tự xưng là người lưu trú trước đó đã đến đưa hết đồ đạc đi, số điện thoại em từng gọi để thuê trọ không liên lạc được. Qua tìm hiểu, em thấy có rất nhiều sinh viên gặp tình huống éo le, bị những người môi giới lừa gạt như mình, vậy trong tình huống này em nên làm gì để đảm bảo an toàn và công bằng?
TS Phạm Huy Cường

TS Phạm Huy Cường

Trên thực tế, những tình huống đáng tiếc như vậy không phải là phổ biến. Để đảm bảo quyền lợi của mình, các bạn sinh viên nên tìm chỗ trọ bằng các thông tin đáng tin cậy (từ nhà trường, từ bạn bè, từ người dân sở tại, các kênh thông tin có đơn vị chủ quản rõ ràng…).

Khi quyết định thuê trọ cần yêu cầu bên cho thuê tiến hành các thủ tục đầy đủ như hợp đồng, giấy biên nhận, thủ tục khai báo tạm trú – tạm vắng (việc này giúp xác định rõ nhân thân hai bên cũng như có khai báo với cơ quan quản lý địa phương).

Trường hợp vừa nêu, bạn cần liên hệ với người cho thuê để trao đổi, nếu khó khăn hơn bạn có thể tìm sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương hoặc sự tham vấn, hỗ trợ từ Nhà trường thông qua Phòng Công tác sinh viên hoặc tổ chức Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên.

Bạn đọc

Bạn Mai Loan – Yên Bái:

Giả sử trong trường hợp sinh viên bị tấn công, xâm hại hay lừa gạt thì chúng em cần báo cho bộ phận nào của nhà trường để giải quyết vì thực tế không nhiều trường học có đường dây nóng còn với học sinh ngoại tỉnh thì gia đình lại ở xa?
Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Chị Vũ Thị Hồng Nhung

Chị Vũ Thị Hồng Nhung -Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc ĐH Xây dựng, niên khóa 2015-2020
Chị Vũ Thị Hồng Nhung -Thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc ĐH Xây dựng, niên khóa 2015-2020

 

Ở trường em, các bạn có thể lên báo cáo với Phòng Công tác Chính trị và Quản lí sinh viên. Nếu vào ngày nghỉ thì có thể gọi điện trực tiếp cho trưởng phòng Công tác Chính trị và Quản lí sinh viên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.