CEO Khôi Nguyễn và quan niệm về sự thành công

GD&TĐ -WeFit - ứng dụng kết nối hàng trăm phòng tập thể dục cùng hàng ngàn bài tập với người dùng sau hơn 1 năm ra mắt, dự án đã kết nối với gần 600 đối tác, thu hút khoảng 4.000 người tham gia, cung cấp hơn 20.000 lượt tập/tháng. Tuy nhiên, CEO Khôi Nguyễn chưa xem đó là sự thành công, anh cho rằng trước khi khởi nghiệp hãy xét lại quan niệm về sự thành công.

CEO Khôi Nguyễn: Tôi không có khái niệm về sự thành công cá nhân.
CEO Khôi Nguyễn: Tôi không có khái niệm về sự thành công cá nhân.

Trước khi khởi nghiệp - Hãy xét lại quan niệm về sự thành công

Mỗi người có một quan niệm sống khác nhau. Rất khó để phân định đúng sai bởi vấn đề nào cũng có tính 2 mặt của nó. Điều quan trọng là trước khi xác định con đường cần đi, chúng ta hãy đánh giá lại quan niệm về sự thành công - kim chỉ nam trong cuộc sống của mỗi người.

Chỉ sau hơn 1 năm ra mắt, dự án này đã kết nối với gần 600 đối tác, thu hút khoảng 4.000 người tham gia và cung cấp hơn 20.000 lượt tập/tháng. Thành công này chứng minh tính đúng đắn của kinh tế chia sẻ (sharing economy) và khai thác các tài nguyên dư thừa. Nó cũng giúp CEO & Founder Khôi Nguyễn được vinh danh top 3 start-up Việt trẻ tiềm năng năm 2016 và được cộng đồng khởi nghiệp đánh giá là một hiện tượng, chấm sáng tích cực trong bối cảnh tỷ lệ thất bại của các start-up đang tăng cao đến hơn 90%.

Nhiều người không khỏi khâm phục Khôi Nguyễn (SN 1991, Hà Nam) nhưng anh vẫn cho rằng đó chưa phải là thành công

“Tôi không có khái niệm về sự thành công cá nhân bởi khi nghĩ mình đã OK rồi thì sẽ mất động lực để cố gắng. Tôi chỉ có khái niệm về những dự án/mục tiêu thành công nhưng đến giờ này, dự án của tôi cũng không thể nói là đã thành công vì so với vòng đời của 1 dự án start-up, nó vẫn còn quá ngắn.

Nhiều người đang dùng tiền làm thước đo cho sự thành công. Tôi thừa nhận tiền bạc là một giá trị quan trọng nhưng nếu chỉ vì mục tiêu tiền bạc thì rất khó làm việc lớn. Tôi cũng muốn tự do tài chính, thoát khỏi vòng rat race để sang vòng rat track nhưng với tôi đó là hệ quả chứ không phải là kim chỉ nam dẫn đường… “, Khôi Nguyễn chia sẻ.

“Những người quá đặt nặng mối lo cơm áo gạo tiền thì đừng nên khởi nghiệp”

Theo Khôi, khởi nghiệp không phải là con đường trải thảm. Trước khi dấn thân vào lĩnh vực start-up, bạn cần xác định rõ mục tiêu mình mong muốn.

“Trước khi làm start-up, bạn hãy tự nghĩ xem nếu mình bắt đầu đi theo con đường này, có thể trở thành gánh nặng cho gia đình hay không? Nếu bạn buộc phải cung cấp một khoản tiền hàng tháng lo phụng dưỡng cha mẹ thì có lẽ, start-up chưa phải là con đường phù hợp”.

Hậu thuẫn từ gia đình là một nền tảng quan trọng của start-up

Trước khi thực hiện dự án ứng dụng giúp kết nối khách hàng với các phòng tập và chăm sóc sắc đẹp, Khôi Nguyễn từng thất bại với một dự án ngay khi mới ra trường. Lúc này, nhận thấy mình còn thiếu quá nhiều kiến thức, kinh nghiệm để trở thành một start-up, Khôi quyết định “đầu quân” cho một công ty khác. Tại đây, Khôi xây dựng sản phẩm về lĩnh vực giáo dục. Dự án này từng thành công nhưng sau đó lại thất bại.

Không nản chí, Khôi xây tiếp dự án siêu thị khóa học trực tuyến. Sản phẩm này đã tăng trưởng mạnh mẽ ở thị trường Việt Nam và Thái Lan. Sau dự án này, Khôi rời khỏi công ty và thành lập công ty riêng.

26 tuổi, đã kết hôn nhưng Khôi Nguyễn nhiều khi vẫn rơi vào tình trạng không một xu dính túi. “Rất may là Khôi có một ngôi nhà để về, có cơm ăn, áo mặc. Điều ấy làm Khôi nhận ra mình may mắn hơn rất nhiều người và cuối cùng thì nhu cầu cơ bản của con người ta cũng chỉ có như thế.

Gia đình là nền tảng quan trọng, giúp Khôi có thể vững vàng trên con đường start-up. Gần như chưa bao giờ, Khôi phải lo lắng về vấn đề tiền bạc. Khôi có thể trắng tay và chỉ cần không mang nợ về nhà là được”.

CEO Khôi Nguyễn cũng cho rằng, là một start-up, bạn phải đương đầu với nhiều rủi ro. Vì thế, điều quan trọng nhất là phải đứng dậy thật nhanh sau những vấp ngã và biết rút kinh nghiệm, học được từ đó những bài học quý giá.

“Hãy học kỹ thuật tạo ra bánh xe và đem nó đến nơi không có để dùng”

Theo Khôi Nguyễn, có 2 lựa chọn cơ bản trong lĩnh vực khởi nghiệp, đó là sáng tạo thứ hoàn toàn mới và học tập mô hình từ nước ngoài.

Nếu chọn khởi nghiệp ở Việt Nam, bạn nên học hỏi mô hình từ nước ngoài. Xã hội các nước phát triển đi trước chúng ta nhiều năm. Những bài toán Việt Nam gặp phải, họ cũng từng đối mặt và giải quyết thành công. Vì thế, chúng ta không việc gì phải mất công sáng tạo ra bánh xe mà hãy học cách làm cái bánh xe đó và đem nó đến nơi chưa có để dùng”, Khôi Nguyễn phân tích.

Giúp đỡ người khác mới là mục đích sống cuối cùng của chúng ta”

Từ khi bắt đầu dấn thân vào con đường start-up, lĩnh vực mà Khôi quan tâm là giáo dục và sức khỏe. Khôi mong muốn, việc mình làm đem lại giá trị cho cộng đồng.

“Nói ra thì nghe viển vông quá nhưng đó là sự thật. Điều Khôi muốn là giúp đỡ được nhiều người và giải quyết các rắc rối trong xã hội. Khôi cũng nghĩ đây mới là mục đích thực sự của các start-up. Chúng ta kiếm tiền, chúng ta khởi nghiệp… cuối cùng đều vì muốn đóng góp và được xã hội ghi nhận”.

Không đặt nặng mục tiêu tiền bạc, Khôi cho rằng 2 lý do quan trọng khiến anh đam mê start-up là mong muốn chinh phục thử thách, vượt qua bản thân mình và giúp đỡ mọi người. “Nếu đã chinh phục thử thách, thoát ra khỏi vũng an toàn thì tiền bạc, thành công sẽ tự khắc xảy đến như một hệ quả tất yếu“, Khôi nhấn mạnh.

Hiện tại, CEO Khôi Nguyễn mong muốn hệ thống của mình sẽ ngày càng mở rộng, kết nối được nhiều người đến phòng tập hơn nhằm giúp họ nâng cao sức khỏe, sắc đẹp. Ở phía các phòng tập, họ có cơ hội tận dụng nguồn tài nguyên đang bị dư thừa và có cơ hội tăng doanh thu. Đó chính là cách Khôi giúp đỡ mọi người và cống hiến cho xã hội ngày một phát triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ thuộc Đội chiến đấu Lữ đoàn 1, Sư đoàn Dù 82 của quân đội Mỹ.

Điều gì đã xảy ra với quân đội Mỹ?

GD&TĐ - Ngày thứ bảy lần ba của tháng 5 được Mỹ vinh danh là Ngày Lực lượng Vũ trang, một ngày lễ tôn vinh tất cả các thành viên của quân đội nước này.