Rời xa phố thị về chốn điền viên
Nguyễn Khắc Điệp là người con Hoài Ân, Bình Định. Sau khi tốt nghiệp đại học ra trường, anh làm cho công ty dịch vụ vận chuyển, lương khởi điểm gần 10 triệu đồng/ tháng, mức thu nhập đó thật đáng mơ ước đối với nhiều người trẻ muốn bám trụ lại thành phố. Thế nhưng chưa đầy một năm sau, anh quyết định bỏ việc về quê để tìm lại cảm giác từ ruộng đồng và thử sức mình bằng những trải nghiệm mới mẻ.
Trải qua một năm ròng rã ngược xuôi làm dịch vụ, luôn trong trạng thái căng thẳng và áp lực, cuối cùng anh cũng quay trở về với mảnh vườn nhỏ bé thân thuộc tầm 500m2 ở miền Trung quê nhà. Nhìn khoảnh vườn tươi tốt, màu mỡ, Nguyễn Khắc Điệp bắt đầu nghĩ ra cách tạo dựng chuỗi giá trị chăn nuôi theo phong cách thuần nông.
Xuất phát từ cơ sở vật chất vô cùng hạn chế, vườn tược um tùm cỏ dại, chuồng trại heo gà bỏ hoang, dụng cụ nông nghiệp sứt mẻ và lăn lóc, anh Điệp đã lên ý tưởng và thiết kế tại nơi đây một hệ sinh thái khép kín.
Đối với người nông dân đi cấy lấy công thì con trâu là đầu cơ nghiệp. Nhưng Nguyễn Khắc Điệp lại nghĩ khác, anh xem rắn mối mới là vật nuôi chủ đạo. Sở dĩ anh chọn nuôi rắn mối vì địa phương anh chưa ai biết khai thác giá trị kinh tế của loài bò sát này. Rắn mối cung cấp nguồn dinh dưỡng cao, thịt ngon hơn thịt gà, giá đầu ra tương đối ổn định, dao động từ 300-400 nghìn đồng/kg. Vào mùa cao điểm, giá sẽ đội lên trên 500 nghìn đồng/kg.
Khi được hỏi vì sao không nuôi heo, bò như mô hình trang trại truyền thống, Anh Điệp cho biết: “Giá heo thường hay bất ổn. Bò và heo phải nuôi tập trung, không phù hợp với diện tích nhỏ. Kỹ thuật và công chăn nuôi rất lớn nhưng doanh thu không bù đắp ngay được”.
Tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trên chính mảnh vườn, anh nuôi rắn mối kết hợp với ngỗng sư tử, gà, cá trê, cào cào, giun quế… Những loài vật này được nuôi đa dạng, làm nguồn thức ăn xoay vòng cho nhau, tạo thành chuỗi thức ăn khép kín. “Ví dụ như giun quế làm thức ăn nuôi rắn mối và gà, chiếm đến 70% lượng đạm, giúp giảm chi phí thức ăn công nghiệp. Rắn mối chết đi thì trở thành nguồn cung cho cá trê ăn. Vòng quay sinh học này tạo ra nguồn thu rất lớn và giảm quá trình tác động phi tự nhiên đến chăn nuôi” – Nguyễn Khắc Điệp chia sẻ.
Anh Điệp cũng cho biết, khi quyết định trở về quê, anh phải lắng nghe nhiều lời ra tiếng vào. Nhiều người trọng bằng cấp không chấp nhận một cử nhân quản lý mà suốt ngày đi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Nhưng theo anh, dù làm bất cứ công việc gì cũng có thể ứng dụng tri thức và kỹ năng quản lý. Anh Điệp nhấn mạnh: “Người ta làm vườn theo truyền thống không hiệu quả, còn mình được đào tạo bài bản phải biết quản trị và phòng ngừa rủi ro tốt hơn”.
Quyết định khởi nghiệp từ chăn nuôi tự túc của anh còn mang theo những tình cảm và hoài bão lớn lao. Về quê nhà, anh muốn biến công việc mà mình đang làm trở thành bài học sinh động để truyền cảm hứng khởi nghiệp cho người trẻ nông thôn và những người bỏ lỡ cơ hội học hành. Ngoài ra, chăn nuôi trên đất nhà giúp anh có cơ hội gần gũi và phụng dưỡng bà ngoại nay đã 81 tuổi, giữa lúc các cậu, dì và mẹ đi làm ăn xa.
Chơi trò quản lý nông trại ngoài đời thực
Đó là cách mà Nguyễn Khắc Điệp tự trào về công việc của chính mình. Trước giai đoạn khởi sự, anh đi tham khảo học tập mô hình chăn nuôi ở trang trại Nguyễn Thuyết (tỉnh Bạc Liêu) và cơ sở nuôi rắn mối Kiều Hoa (tỉnh Khánh Hòa). Sợ các nông trại và cơ sở quá lớn không thể áp dụng kinh nghiệm phù hợp, anh tiếp tục khảo sát nhiều mô hình nhỏ lẻ khác. Anh Điệp bắt đầu lập ra kế hoạch, ghi nhận thời gian sinh trưởng và tập tính giống loài, tập hợp tất cả các tài liệu liên quan đến phương pháp và cách thức phòng ngừa bệnh tật trên vật nuôi. Cuối cùng, anh vẫn chọn Kiều Hoa là nơi để bắt giống.
Nông trại mini tự canh nên nguồn vốn cũng tự túc. Anh vay mượn từ gia đình và bạn bè 20 triệu. Ban đêm, anh mở võ đường dạy Vovinam, lấy thù lao bù vào chi phí cải tạo, bắt giống và mua nguyên liệu.
Các loài gia cầm nuôi thả tự nhiên |
Anh cùng một số bạn bè bỏ ra 2 tuần thiết kế và xây dựng “happy farm”. Họ tiến hành đổ nền chuồng trại, đào ao thả cá trê. Anh Điệp hằng ngày quảy gánh băng đồng lấy về từng bụi rơm phơi khô nhằm giữ ấm cho mùa mưa. Vào mùa mưa, miền Trung hay có lũ, mưa thường tầm tã trên dưới 10 ngày. Lúc này, rắn mối không được giữ lạnh tốt sẽ chết. Anh còn lấy vạt giường tre đặt lên bốn đầu gạch thẻ rồi đem rơm phơi khô phủ trên bề mặt, duy trì khoảng cách từ vạt giường đến mặt đất là 7-10 cm, tạo bóng râm cho đàn rắn mối chui vào giống như ở ngoài tự nhiên.
Để đối phó mưa lũ, Nguyễn Khắc Điệp lấy gỗ đóng thành thùng và “bắn” tôn lạnh bên ngoài, đề phòng khi lũ lụt đàn rắn mối có chỗ trên cao trú ẩn. Anh Điệp cũng nghiên cứu kỹ thuật đào ao. Ao cá trê được anh trải bạt chắn dưới đáy để giữ cho môi trường nước ổn định và hạn chế mầm bệnh, thuận tiện vệ sinh thường kỳ.
Rắn mối được đem về từ trại giống đã bước vào giai đoạn sinh sản. Sau 10 – 15 ngày sẽ sinh từ 8 – 10 rắn mối con. Giai đoạn từ lúc rắn mối con sinh ra đến trưởng thành kéo dài 6 tháng. Loài bò sát này vốn là động vật ưa nhiệt thuộc môi trường hoang dã nên cần duy trì nuôi dưỡng trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên. Nói về kỹ thuật chăm sóc, anh Điệp chia sẻ: “Tôi phải thay nước và thức ăn thường xuyên để tránh cho rắn mối bị bệnh về đường tiêu hóa. Lâu lâu, tôi lại ra thăm chuồng và quan sát xem có con nào tỏ vẻ lừ đừ là tách riêng ngay lập tức, hạn chế khả năng lây lan mầm bệnh”.
Mùa mưa đến, côn trùng sinh sôi rất nhiều. Anh Điệp thắp hai bóng đèn quang tỏa nhiệt rất lớn giữa chuồng, vừa tạo nguồn nhiệt giữ ấm vừa thu hút côn trùng bổ sung nguồn thức ăn cho rắn mối. Theo anh, khi thời tiết khắc nghiệt, thức ăn tự nhiên hạn chế, anh phải chủ động tạo ra chuỗi thức ăn như việc nuôi cào cào, giun quế… Anh quan niệm nông trại tự canh của mình là một hệ thống nuôi trồng khép kín, không sử dụng hóa chất và các sản phẩm công nghiệp mà vẫn hoàn toàn chủ động được.
Quả ngọt sau mùa mưa bão
Kỷ niệm làm anh Điệp không bao giờ quên là đợt miền Trung mưa lũ từ tháng 10/2017. Nước lũ tràn vào nhà, ngập đến một nửa trang trại, người và vật gồng gánh nhau di tản. Anh Điệp chuẩn bị thùng gỗ không đủ, rắn mối bị dồn ép trong các thùng nên chết ngộp rất nhiều. Một tuần sau khi lũ rút, việc vệ sinh chuồng trại quá tải cộng với nắng yếu, không khí lạnh đã khiến số lượng rắn mối tiếp tục suy giảm.
Trước áp lực phải xuất trại lứa thứ hai vào giữa tháng 12, anh huy động bạn bè, học trò, người thân đêm ngày cật lực xử lý chuồng trại, dọn dẹp ao tù nước đọng, đảm bảo nguồn sáng xuyên suốt. Sau một tháng ròng rã, tình hình mới trở lại bình thường.
Gà, ngỗng, cá trê là sản phẩm phụ của chuỗi chăn nuôi nên anh Điệp bán cho thương lái trả giá cao nhất. Riêng rắn mối, anh được nhà cung cấp giống bao tiêu đầu ra để bỏ mối cho các nhà hàng, vì vậy, không phải lo lắng về doanh số. May mắn là sau đợt bão lũ, tuy đàn rắn mối có giảm sút số lượng nhưng vẫn đảm bảo đủ nguồn cung theo hợp động bao tiêu.
“Happy farm” mất gần một năm tạo dựng và nay đã thu hoạch những quả ngọt đầu tiên. Dù có thiệt hại nhất định do thiếu kinh nghiệm ứng phó với thời tiết, nhưng sau khi lấy doanh thu đợt này trừ đi chi phí thì anh Điệp hoàn vốn thành công và sở hữu những đồng lợi nhuận đầu tiên, ước tính trên 10 triệu đồng.
Theo anh Điệp: “10 triệu đồng chia cho 8 tháng vất vả thực sự không là bao so với suy nghĩ của nhiều người. Nhưng nếu xét về chi phí rủi ro và tỷ lệ hoàn vốn thì nông trại đã thành công bước đầu. Mấy ai dám nghĩ làm chăn nuôi trên một diện tích rất nhỏ lại là công việc nghiêm túc và thu được lợi nhuận.Tuy nhiên, đây chỉ là thành công của một bước thử nghiệm. Sau đợt xuất trại này, chúng tôi sẽ chú tâm nhiều hơn vào công tác quản trị rủi ro, thuê thêm nhân công. Đặc biệt, tôi đang huy động nguồn tài chính để đầu tư mua thêm đất, mở rộng mô hình, nâng cao quy mô của hệ sinh thái nhằm đảm bảo vòng xoay lợi nhuận nhanh hơn”.
Bài học thành công từ trang trại mini của anh Nguyễn Khắc Điệp đã cho những người trẻ đang có ý định khởi nghiệp một lời khuyên hữu ích: Khởi nghiệp không phải là chuyện làm nên kỳ tích lớn lao, mà đó chính là khả năng quản trị một mô hình sao cho hiệu quả.