Cấu trúc giáo dục nghề nghiệp đang kém hiệu quả

GD&TĐ - Theo chuyên gia, cấu trúc và vận hành giáo dục nghề nghiệp đang kém hiệu quả. Loại hình trường cao đẳng, tuy có phân cấp chương trình, nhưng phải là một phần của hệ giáo dục đại học thay vì phân theo hệ nghề

Đào tạo nghề tại Trung tâm Dạy nghề Thanh Xuân – một trong những cơ sở đào tạo có uy tín. Ảnh minh họa
Đào tạo nghề tại Trung tâm Dạy nghề Thanh Xuân – một trong những cơ sở đào tạo có uy tín. Ảnh minh họa

Phân định rõ cấu trúc từng loại chương trình

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bộ Lao động-Thương binh & Xã hội là cơ quan tổ chức lập Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có trách nhiệm bảo đảm việc triển khai thực hiện các bước theo đúng quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật khác có liên quan.

Ông Trần Đức Cảnh - nguyên Giám đốc Phát triển nguồn nhân lực bang Massachusetts (Mỹ), cố vấn Hội đồng tuyển sinh Đại học Havard, cho rằng: Giáo dục và giáo dục nghề nghiệp là những phần cốt lõi quan trọng trong kế hoạch phát triển nguồn nhân lực cấp quốc gia, vùng hay địa phương, cần phải được cấu trúc hợp lý thì mới mong mang lại hiệu quả.

Tại các nước phát triển, kế hoạch phát triển nguồn nhân lực vô cùng quan trọng cho nền kinh tế, được xây dựng từ nhiều năm và có thể điều chỉnh từng giai đoạn. Các nghiên cứu, báo cáo và dự báo về phát triển chung hay từng lĩnh vực ngành nghề giúp các trường, cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch cho riêng mình.

Ông Trần Đức Cảnh cho biết, cấu trúc và vận hành giáo dục nghề nghiệp đang bị kém hiệu quả. Nó cần phải được sắp xếp lại cho hợp lý hơn. Điển hình là loại hình trường cao đẳng, tuy có phân cấp chương trình, nhưng phải là một phần của hệ giáo dục đại học thay vì phân theo hệ nghề.

Ngoài ra, hệ và chương trình đào tạo nghề có thể từ 3 tháng cho đến 2 năm, đào tạo từ trình độ cấp I đến tốt nghiệp trung học phổ thông. Song song với việc tổ chức phân luồng sau trung học cơ sở theo hệ trung học nghề. Một khi đã phân định rõ cấu trúc từng loại chương trình sẽ không còn bị lúng túng trong việc quy hoạch.

Còn việc sắp xếp chương trình thì trong Quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã làm rõ, khung này khá rộng và linh hoạt để cho các cơ sở trường hoạt động.

Theo TS Lê Đình Kha - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng: Bối cảnh phát triển khoa học công nghệ đang đặt ra một yêu cầu cấp thiết cho các cơ sở sản xuất kinh doanh là phải đổi mới công nghệ đi đôi với nâng cao trình độ đội ngũ công nhân. Do vậy, việc phân bố các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) không hợp lý giữa các vùng miền như hiện nay, sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới công tác đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng tại chỗ, ảnh hưởng tới hiệu quả lao động cho các trung tâm lao động.

Các cơ sở GDNN đang phải đối mặt với nhiều thách thức về việc tuyển sinh khó khăn do tâm lý người học không muốn học nghề. Phần lớn người học nghề thuộc đối tượng gia đình có thu nhập thấp, khó quy định trần thu học phí ở mức cao dẫn đến nguồn thu từ học phí thấp. Trong khi chi phí đầu tư cho cơ sở vật chất, thiết bị, nguyên, nhiên vật liệu để dạy thực hành lớn.

Lấy hiệu quả đào tạo làm mục tiêu

Riêng về hệ thống trường nghề, ông Trần Đức Cảnh cho rằng, các cơ quan có trách nhiệm chậm trong việc chuyển đổi, thiếu linh động trong việc xây dựng các chương trình đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội và doanh nghiệp. Đến khi thay đổi thì có thể bị “nóng vội” hay lạc hướng. Quyết định phân bổ và xây dựng lại mạng lưới trường nghề sẽ giúp chấn chỉnh lại hệ thống, đồng thời mở ra hướng mới cho các trường nghề phát triển trong thời gian tới.

Theo thống kê thì cả nước hiện nay có 1.900 trường cao đẳng, trung cấp và trung tâm đào tạo nghề. Trung bình mỗi tỉnh thành có 30 trường (nếu lấy cao đẳng ra thì còn 23,8 trường). Ngoại trừ hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, số trường nghề các tỉnh và thành phố còn lại không quá lớn hay quá khó để địa phương không thể sắp xếp và quản lý hiệu quả.

Còn hệ thống trường nghề tư thục thì tự họ quản lý và chịu trách nhiệm cho hoạt động. Trường tư thì thường họ nhạy bén và thực tiễn với cung và cầu của thị trường lao động cũng như các ngành nghề cần.

Nêu ra các giải pháp trong vấn đề quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, chuyên gia Trần Đức Cảnh cho rằng, sự sắp xếp lại mạng lưới hiện nay là cần thiết. Trong quá trình chuyển đổi, ít nhiều cũng sẽ có sự xung đột về tư duy, cách nhìn, văn hóa tổ chức và không loại trừ quyền lợi nhóm… Quan trọng là những nhà quản lý và cổ đông xã hội nhìn được mục đích và hướng đi, như vậy mới thuyết phục xã hội được.

Đồng thời, quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp nên theo hướng mở và lấy hiệu quả đào tạo làm mục tiêu. Sự tham gia và hợp tác của doanh nghiệp địa phương cho loại hình trường nghề từ khâu thiết kế chương trình đến tiêu chí và chất lượng đào tạo cho từng loại ngành nghề là vô cùng cần thiết.

Với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với phát triển công nghệ trong giai đoạn mới, các chương trình giáo dục và đào tạo ngày nay cần đa dạng, linh hoạt và phong phú hơn mới thu hút được người học và mang lại hiệu quả.

“Theo tôi thì việc tổ chức lại hệ thống giáo dục nghề nghiệp, sắp xếp lại mạng lưới không phải là điều quá khó, một khi đã đánh giá được nhu cầu người học và doanh nghiệp cho công việc đào tạo. Bước tiếp theo là xây dựng kế hoạch và thực hiện chương trình đào tạo. Phần còn lại là tổ chức quản lý hiệu quả. Còn cụ thể thế nào thì mỗi địa phương tự sắp xếp nguồn lực và thời gian thực hiện, không nên quá máy móc các chương trình đào tạo nghề. Quan trọng là xây dựng trách nhiệm, gồm trách nhiệm giải trình, và tính minh bạch trong cơ sở trường nghề” - ông Trần Đức Cảnh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô trò Trường Tiểu học số 2 thành phố Lai Châu (tỉnh Lai Châu).

Tây Bắc tự tin bước vào năm học mới

GD&TĐ - Mặc dù còn bộn bề khó khăn, song các trường học vùng cao Tây Bắc đã nỗ lực vượt khó, sẵn sàng cơ sở vật chất, nhân lực cho năm học mới,