Giáo dục nghề nghiệp: Tự chủ nhưng "bó" chỉ tiêu

GD&TĐ - Cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) là cần thiết để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, tự chủ như thế nào là hợp lý?

Sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh trong các tiết học kỹ thuật. Ảnh: NVCC
Sinh viên Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh trong các tiết học kỹ thuật. Ảnh: NVCC

Tự chủ trong khuôn khổ

Tự chủ đã được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội khẳng định là chìa khóa để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. 

Theo đó, ngoài việc tự chủ hơn trong thực hiện đào tạo, lựa chọn và phát triển nhân sự, Nhà nước sẽ cấp tài chính theo cơ chế đấu thầu và đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo dạy nghề. Dẫu thế, việc đổi mới cơ chế hoạt động, đẩy mạnh tự chủ của cơ sở GDNN còn gặp nhiều khó khăn cần sớm được tháo gỡ. Đặc biệt là vấn đề mở mã ngành nghề hay công tác tuyển sinh.

Theo đó, khi được giao quyền tự chủ, một số trường học đã phối hợp với doanh nghiệp xây dựng chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu người học, sử dụng lao động theo chuẩn kỹ năng. Chất lượng đào tạo và tuyển sinh từng bước được nâng cao, dần tạo được uy tín, thương hiệu của nhà trường.

Ông Nguyễn Quốc Huy là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh. Theo ông Huy, không có ai bó hẹp về chỉ tiêu tuyển sinh. Trường có nhu cầu bao nhiêu thì đăng ký số lượng bấy nhiêu. Tuy nhiên, để đáp ứng được số lượng học viên tuyển hàng năm, trường phải bảo đảm hội tụ đủ các yếu tố về cơ sở vật chất, giáo viên, giáo trình, trang thiết bị người học… Các trường cần bảo đảm đầy đủ điều kiện theo quy định của pháp luật mới được cho phép tuyển sinh theo đúng nguyện vọng.

Như vậy, tự chủ vẫn phải trong khuôn khổ quản lý. Các cơ sở GDNN phải bảo đảm được các yêu cầu đã quy định mới có thể tự chủ thành công. Đây cũng là bài toán không dễ đối với một số nhà trường.

Năm 2020, trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, tuyển sinh vẫn có những tín hiệu tốt và có thể đạt chỉ tiêu kế hoạch. Theo báo cáo của Bộ LĐ,TB&XH, trước đây, các sơ sở GDNN tuyển sinh chỉ đạt 60 - 70% kế hoạch. Nhưng giai đoạn 2017 - 2019 đều tuyển sinh vượt kế hoạch. Đối với các trường có uy tín và thương hiệu, tuyển sinh đầu vào đã có sự lựa chọn bằng điểm sàn. Tuy nhiên, vấn đề tuyển sinh phải bảo đảm với các điều kiện khác khiến việc tự chủ còn hạn chế.

Cần hành lang pháp lý cho tự chủ GDNN

Ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng, tự chủ được xác định là nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao chất lượng GDNN. Tuy nhiên, bất cập lớn hiện nay là đang thiếu cơ chế, hành lang pháp lý để thực hiện. Muốn tự chủ được, cơ sở đào tạo phải tự cân đối được nguồn thu chi và phải đầu tư theo định hướng của Nhà nước. Bởi việc đào tạo vẫn phải bảo đảm nhu cầu nhân lực của địa phương, của xã hội.

Vấn đề đặt ra lúc này là chúng ta có mạng lưới cơ sở GDNN bao phủ cả nước, nhưng còn thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao, doanh nghiệp còn gặp khó trong tuyển dụng... Vì vậy, không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo, các trường cần có hành lang pháp lý cho việc tự chủ trong tuyển sinh hay mở mã ngành nghề theo xu thế chung của xã hội.

Ông Đồng Văn Ngọc cho biết thêm, hiện nay, quy định Nhà nước cho tự chủ tuyển sinh trong năm. Nhưng các cơ sở GDNN không được tự mở chương trình đào tạo, không cho tự xác định chỉ tiêu để tuyển sinh mà phải theo các căn cứ. 

Về nguyên tắc các trường phải bảo đảm đầy đủ chương trình đào tạo, giáo trình, con người, giảng viên, đội ngũ quản lý, trang thiết bị... mới được phép lập hồ sơ báo cáo lên cơ quan quản lý Nhà nước để xin mở mã nghề, đăng ký hoạt động dạy nghề. Sau đó mới được xác định quy mô chỉ tiêu theo hồ sơ đã đăng ký đó để xác định tương đương với bao nhiêu thí sinh được tuyển sinh hàng năm. 

Đây là vấn đề còn bất cập, bởi có những nội dung bắt buộc phải báo cáo Nhà nước trước. Nhưng có những nội dung cần phải có sự linh hoạt cho cơ sở đào tạo. Cụ thể, nhiều ngành nghề phải mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất đến tiền tỉ để báo cáo số lượng cần tuyển sinh đầu vào. Tuy nhiên, một số cơ sở không phải lúc nào cũng tuyển sinh được đủ chỉ tiêu. Như vậy là làm khó cho các cơ sở đào tạo. 

Ngược lại, khi tuyển sinh, trường có thể chưa đủ cơ sở vật chất tốt nhưng bằng liên kết với doanh nghiệp đưa người học ra thực tập sẽ không chỉ tăng các tiết học thực hành, trải nghiệm thực tiễn mà còn giảm được chi phí trang thiết bị đồ dùng…

Nêu ra đề xuất, ông Đồng Văn Ngọc cho rằng, Nhà nước phải quản lý để bảo đảm nguyên tắc và quy định của pháp luật. Nhưng trong vấn đề mở mã ngành nghề đào tạo, cơ quan quản lý cần phân tích, đưa ra những điều kiện cơ bản để các cơ sở GDNN bắt buộc phải báo cáo và thực hiện. Đồng thời, cần linh hoạt trong một số chỉ tiêu và yêu cầu các trường chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý Nhà nước. 

Thứ hai, khi các trường và doanh nghiệp thực hiện liên kết đào tạo thì doanh nghiệp cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề liên quan đến việc mở ngành nghề và xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Từ đó Nhà nước sẽ hậu kiểm và thanh tra. 

Có một số ngành nghề không nhất thiết phải đào tạo tại nhà trường mà có thể dạy tại doanh nghiệp. Ví dụ, nếu cơ sở GDNN mở nghề chế biến món ăn. Nhà trường cần chương trình, giáo trình, điều kiện cơ sở vật chất… còn lại trang thiết bị phục vụ thực hành, đội ngũ giảng viên có thể sử dụng từ doanh nghiệp…

Nhà nước cần cụ thể hơn cho từng ngành nghề, tránh trường hợp đánh đồng các tiêu chuẩn cho mọi mã ngành. Một số ngành liên quan trực tiếp tới con người, sức khỏe thì phải siết chặt và liên tục thanh tra, giám sát như điều dưỡng, phẫu thuật thẩm mỹ… Còn một số ngành vẫn cần linh hoạt khi giao tự chủ cho các trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.