Bí quyết tổ chức học sinh làm tiểu luận khoa học

GD&TĐ - Chia sẻ kinh nghiệm giúp phát triển khả năng tự nghiên cứu của học sinh, cô Nguyễn Thị Năm (Trường THPT chuyên Hưng Yên) đưa ra quy trình rèn luyện học sinh làm báo cáo tiểu luận. Những chia sẻ này đặc biệt hữu ích cho giáo viên, học sinh các trường THPT chuyên.

Bí quyết tổ chức học sinh làm tiểu luận khoa học

Lựa chọn đề tài

Lựa chọn đề tài có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của một công trình nghiên cứu khoa học. Lựa chọn đề tài và lập đề cương thực chất là những khâu xác định vấn đề cần nghiên cứu.

Đề tài nghiên cứu cần phải đáp ứng được những yêu cầu của thực tiễn và phát triển khoa học, kỹ thuật, phải có tính chất mới mẻ, phải hướng vào những vấn đề chưa được giải quyết.

Việc lựa chọn đề tài, tự chọn hoặc do giáo viên (GV) đưa ra, thường phụ thuộc vào những yêu cầu và điều kiện sau: Phù hợp với yêu cầu học tập và nghiên cứu của năm học, môn học;

Phù hợp với trình độ và năng lực của người học, nếu có thể là cả với những hứng thú và sở trường của người học nhờ đó mà phát huy được tính độc lập trong quá trình nghiên cứu và đề tài đạt được kết quả mong muốn.

Phù hợp với thời gian cho phép và điều kiện để thực hiện đề tài. Đề tài cần có giá trị thực tiễn nhất định, góp phần giải quyết một nhiệm vụ cụ thể do cuộc sống đặt ra.

Có nhiều loại đề tài khác nhau, thông thường với người học, có thể có các loại đề tài nghiên cứu sau :

Loại đề tài vận dụng lý luận chung vào việc phân tích một vấn đề cụ thể.

Loại đề tài điều tra phát hiện tình hình, phân tích nguyên nhân, đề xuất phương hướng giải quyết.

Loại đề tài nhằm cải tiến cái cũ và sáng tạo cái mới.

Đề tài nghiên cứu của người học có thể phát triển theo mức độ từ thấp đến cao.

Trong thực tế dạy học ở lớp 10 chuyên Sinh, cô Nguyễn Thị Năm thường hướng học sinh (HS) đi sâu vào loại đề tài thứ nhất vì nó giúp HS vận dụng kiến thức đã học một cách tốt hơn và không nhất thiết phải thực hành mà chỉ cần làm việc trên nguồn tài liệu tham khảo.

Loại đề tài này phù hợp với thực tế là điều kiện trang thiết bị cho thực hành của chúng ta còn yếu (cho cả lớp thực hành chung chứ chưa nói đến cho từng cá nhân hoặc nhóm HS tiến hành thí nghiệm độc lập), kĩ năng làm thực hành của GV và HS của chúng ta còn yếu.

Để giúp HS lựa chọn đề tài, giáo viên có thể đưa cho các em một danh sách các tên đề tài.

Trong nhiều trường hợp, để gây hứng thú đồng thời gợi ý cho các em, có thể không đưa tên đề tài cụ thể mà thường đưa ra những câu hỏi tình huống, câu hỏi nêu vấn đề và thường những câu hỏi này có tính khái quát cao (câu hỏi khái quát hoặc câu hỏi bài học) đồng thời chứa đựng những mâu thuẫn trong quá trình nhận thức ở một chủ đề nào đó liên quan tới nội dung bài học hoặc hoặc chương.

Dựa trên câu hỏi của giáo viên, HS hoặc nhóm HS sẽ phân tích để lựa chọn một đề tài phù hợp. Nếu câu hỏi đề cập một vấn đề quá rộng thì HS có thể lựa chọn loại đề tài giải đáp một phần của câu hỏi nhưng cần biện luận được lí do cho sự lựa chọn đó.

Xây dựng đề cương nghiên cứu - lập dàn ý - cho tiểu luận

Đề cương nghiên cứu (dàn ý) có vai trò vô cùng quan trọng, giúp cho người học có được thế chủ động trong qua trình nghiên cứu, định hướng cho cả quá trình làm việc. Đó là một công việc hết sức khó khăn, phức tạp nhằm tạo một bản kế hoạch tỉ mỉ cho toàn bộ quá trình nghiên cứu. Vì vậy, một đề cương được chuẩn bị kĩ lưỡng , đúng đắn là sự đảm bảo chắc chắn cho kết quả của công trình.

Thông thường một bản đề cương gồm một số phần cơ bản sau: Xác định lí do chọn đề tài; xác định khách thể và đối tượng nghiên cứu, đề xuất giả thiết khoa học; xác định đối tượng và cơ sở nghiên cứu;

Lựa chọn phương pháp nghiên cứu; vạch dàn ý hay nội dung của công trình nghiên cứu; vạch kế hoạch và thời gian nghiên cứu

Bản đề cương trên được người hướng dẫn sửa chữa và thông qua trước khi tiến hành nghiên cứu. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đề tài, người thực hiện có thể thay đổi một số nội dung của đề cương nếu cần thiết.

Để HS có thể xây dựng một đề cương tốt, từ câu hỏi để xác định tên đề tài, giáo viên đưa ra những câu hỏi nhỏ hơn nhằm gợi ý cho các em trả lời câu hỏi tổng quát. Quá trình các em tự đi tìm lời giải cho các câu hỏi nhỏ chính là quá trình xây dựng đề cương (dàn ý) cho tiểu luận (TL) của các em.

Sau khi lập được đề cương dưới sự hướng dẫn của giáo viên, HS trong nhóm sẽ phân công nhau công việc. Thông thường, HS sẽ phân công nhau theo từng nội dung sau đó tập hợp lại.

Cũng có nhóm sẽ yêu cầu tất cả cùng làm sau đó mới tập hợp lại. Việc này sẽ do bản thân nhóm tự quyết và GV không can thiệp mà chỉ yêu cầu nộp kèm theo TL là bản phân công công việc của nhóm.

Sau một hai bài đầu tiên, các em sẽ tự rút ra cách làm hiệu quả nhất. Với những đề tài nhỏ, GV có thể giao cho từng HS làm việc một cách độc lập.

Để HS không quá lúng túng, GV có thể đưa kèm hệ thống câu hỏi, đề tài một danh mục các tài liệu tham khảo gợi ý và lưu ý các em không bắt buộc phải sử dụng nguồn tài liệu này mà có thể khai thác các nguồn khác.

GV có thể cung cấp cho HS một số từ khoá quan trọng để các em có thể tìm kiếm thông tin trên mạng.

Khi HS có kĩ năng xây dựng đề cương tốt với các đề tài TL thì rõ ràng là khi gặp một câu hỏi nhỏ hơn, việc lập dàn ý cho câu hỏi đó cũng không quá khó khăn.

Mặt khác, kĩ năng xây dựng đề cương cũng rèn cho HS kĩ năng làm việc có kế hoạch, có tính khoa học, một phẩm chất rất cần không chỉ cho công tác NCKH sau này mà còn cho cả cuộc sống của các em.

Tiến hành nghiên cứu dựa trên bản đề cương đã được duyệt và xử lý tài liệu

Quá trình này gồm các bước sau đây: Tập hợp và trình bày tài liệu, giải thích tài liệu đã trình bày, nhận xét, đánh giá các tài liệu đó. Đây cũng là khâu rèn luyện và hoàn thiện kĩ năng tự nghiên cứu tài liệu cao nhất trong dạy học bằng tổ chức cho HS viết TL.

Để HS làm được việc này, GV cần thiết phải trang bị trước cho các em các kĩ năng tự nghiên cứu tài liệu từ làm việc trên thư viện, tìm tài liệu trên Internet, thu thập và xử lý thông tin,…

Việc thu thập thông tin để viết TL chính là một giai đoạn thực hành các kĩ năng tự nghiên cứu tài liệu đã được trang bị từ trước, nhờ đó mà các kĩ năng này sẽ được hình thành một cách vững chắc, được nâng cao và hoàn thiện hơn.

Viết công trình nghiên cứu

Sau khi tập hợp và xử lý tài liệu, HS bắt tay vào viết TL. Khâu này đóng vai trò vô cùng quan trọng, thể hiện thành quả lao động của HS trong khâu trước.

GV cần lưu ý HS cần viết các thông tin thu được bằng ý hiểu của riêng mình, tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau chứ không được chép nguyên xi từ một tài liệu nào và cần có trích dẫn tài liệu tham khảo.

Thông tin đó có thể được trình bày, hệ thống hoá, cụ thể hoá dưới dạng sơ đồ, bảng biểu. Để có một bài viết tốt, các em cần viết đi viết lại nhiều lần nên tốt nhất là sử dụng máy tính để trình bày.

Bảo vệ

ở khâu này, tuỳ thuộc vào thời gian cho phép, GV có thể lựa chọn các phương án dưới đây

Phương án 1: GV chấm bài, đánh giá và lựa chọn bài tốt nhất để đọc trước lớp. Việc này sẽ tốn ít thời gian hơn và phù hợp với cách bố trí thời khoá biểu trong nhà trường là theo từng tiết riêng lẻ, đặc biệt với bộ môn Sinh học có số tiết ít (3 tiết chính khoá trong một tuần ở lớp 10 chuyên Sinh).

Nhưng phương án này ít gây được hứng thú cho HS và không phát huy được vai trò đánh giá và tự đánh giá của các em đồng thời nó cũng không phát huy được kĩ năng diễn đạt trước đám đông, khả năng lập luận và bảo vệ ý kiến của riêng mình.

Phương án 2: GV tổ chức cho các nhóm báo cáo. Nếu không có nhiều thời gian có thể lấy tinh thần xung phong hoặc bốc thăm. GV cũng cần đưa ra tiêu chí, hướng dẫn chấm điểm và tổ chức cho HS tự đánh giá và đánh giá chéo.

Cách này sẽ tạo được hứng thú cho học sinh, tạo quyền tự chủ cho các em, kích thích hứng thú học tập và tăng khả năng diễn đạt, tranh luận trước đám đông cũng như khả năng nghe và ghi chép.

Với cách này, GV cũng không còn là người giữ độc quyền trong đánh giá mà chỉ là trọng tài, cố vấn mà thôi. Tuy nhiên phương án này đòi hỏi thời lượng nhiều không phù hợp trong một tiết học.

Song, nó có thể được vận dụng tốt ở trường chuyên vì ở hầu hết các trường chuyên đều học hai chiều trong đó có một đến hai buổi chiều (3 tiết/ 1 buổi) dành cho môn chuyên ngoài ba tiết học chính thức theo quy định của chương trình.

Để tăng hiệu quả của phương pháp này đồng thời tránh mất quá nhiều thời gian, GV có thể yêu cầu mỗi nhóm nộp thêm một số bản photô để đưa cho các nhóm khác đọc và đánh giá trước khi lên lớp. GV cũng cần đưa ra tiêu chí đánh giá cho HS ngay từ trước khi thực hiện tiểu luận.

Kiểm tra - đánh giá

Kiểm tra đành giá là khâu quan trọng trong quá trình dạy học, vừa có vai trò cung cấp thông tin liên hệ ngược trong để người học tự điều chỉnh việc học, vừa cung cấp thông tin liên hệ ngược ngoài giúp người dạy điều chỉnh quá trình dạy.

Với người nghiên cứu, kiểm tra đánh giá cung cấp thông tin để xác định tính khả thi của biện pháp đã đề ra. Với đề tài này, cần đánh giá được cả hai kĩ năng của học trò.

Kĩ năng thứ nhất lầ kĩ năng viết TL, kĩ năng thứ hai là kĩ năng tự nghiên cứu tài liệu. Tuy nhiên, kĩ năng tự nghiên cứu tài liệu được hình thành, hoàn thiện và nâng cao trong quá trình thực hiện tiểu luận.

Vì vậy, cô Nguyễn Thị Năm xây dựng quy trình kiểm tra đánh giá gồm hai giai đoạn:

Giai đoạn 1: Đánh giá trực tiếp sản phẩm của người học là các bài tiểu luận. Để làm được điều này, cần xây dựng các tiêu chí đánh giá nhằm đảm bảo độ khoa học, độ chính xác cao.

Dựa trên các tiêu chí này, bên cạnh việc GV đánh giá, người học cũng có thể tự đánh giá sản phẩm của mình, và đánh giá sản phẩm của bạn. Như vậy, xây dựng được tiêu chí đánh giá phù hợp sẽ đảm bảo được tính khách quan trong quá trình đánh giá, làm cho người thầy không còn giữ độc quyền trong đánh giá nữa.

Dựa vào các tiêu chí đánh giá một bài báo cáo dự án, giáo viên đưa ra các tiêu chí sau để đánh giá một bài báo cáo TL. Các tiêu chí này hướng vào mục đích của đề tài là rèn kĩ năng tự nghiên cứu tài liệu cho HS.

Dựa trên các tiêu chí đã xây dựng, tuỳ vào từng bài TL, giáo viên giao cho HS một bản “Hướng dẫn cho điểm báo cáo” cùng với lúc giao đề tài. Nội dung của bản đó cần phù hợp với cách thức tổ chức và đề tài TL nhưng sẽ có cả đánh giá của GV , HS tự đánh giá và đánh giá của nhóm bạn. Đánh giá của GV và của bạn sẽ được thực hiện trong quá trình báo cáo.

Giai đoạn 2: Đánh giá chất lượng lĩnh hội tri thức phần cơ sở vật chất và cơ chế di truyền đồng thời đánh giá mức độ hoàn thiện các kĩ năng tự nghiên cứu tài liệu của HS qua các bài kiểm tra sau một bài hoặc một chuyên đề.

Nội dung bài kiểm tra vừa nhằm kiểm tra, đánh giá được các mức độ về kiến thức nhưng cũng đánh giá khả năng vận dụng linh hoạt các kĩ năng tự nghiên cứu tài liệu vào giải quyết một tính huống cụ thể trong hoạt động nhận thức.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...