Kinh nghiệm quý rèn học sinh kỹ năng tự nghiên cứu tài liệu

GD&TĐ - Việc hình thành năng lực tự học, trong đó có kĩ năng tự nghiên cứu tài liệu cho học sinh, đặc biệt là với đối tượng học sinh chuyên là tất yếu. Tuy nhiên, hình thành kĩ năng đó như thế nào? Đó là câu hỏi mà không ít nhà giáo dục đang đi tìm lời giải.

Kinh nghiệm quý rèn học sinh kỹ năng tự nghiên cứu tài liệu

Qua kết quả nghiên cứu thực tiễn tại cơ sở, cô Nguyễn Thị Năm (Trường THPT chuyên Hưng Yên) đã đưa ra các biện pháp rèn kĩ năng tự nghiên cứu tài liệu bằng cách tổ chức cho học sinh (HS) làm báo cáo tiểu luận (TL) khi dạy phần Cơ sở vật chất - Cơ chế di truyền (CSVC – CCDT) ở lớp 10 chuyên Sinh.

Cô Nguyễn Thị Năm cho rằng, để viết được một bài TL tốt, buộc HS phải có kĩ năng khai thác và xử lí thông tin từ các nguồn tài liệu khác nhau.

Bên cạnh đó, viết TL như là một bài tập lớn để các em luyện tập, khai thác tối đa khả năng này của bản thân. Trên cơ sở đó mà kĩ năng tự nghiên cứu tài liệu cũng sẽ được củng cố, hoàn thiện, nâng cao và dần trở thành năng lực, phẩm chất nhân cách của các em, thứ mà các em cần trong suốt cuộc đời.

Từ điều tra thực tiễn, nhận thấy kĩ năng tự học, tự nghiên cứu tài liệu của HS khi mới bước vào lớp 10 chuyên Sinh còn ở mức trung bình và kém, cô Nguyễn Thị Năm đã xây dựng quy trình rèn kĩ năng tự nghiên cứu tài liệu bằng cách tổ chức cho HS 10 chuyên Sinh làm báo cáo TL làm hai giai đoạn. Hai giai đoạn này không tách rời mà luôn đan xen, bổ trợ cho nhau.

Trong đó: Giai đoạn 1 là rèn kĩ năng tự nghiên cứu tài liệu trang bị cho người học những kĩ năng tự nghiên cứu tài liệu cơ bản. Giai đoạn 2 là tổ chức HS làm báo cáo TL.

Thực chất, ở giai đoạn 1, việc tổ chức rèn HS các kĩ năng tự nghiên cứu tài liệu, sử dụng các câu hỏi ngắn, thực chất bài trả lời cho các câu hỏi đó đã là các bài tiểu luận rất ngắn. Những kỹ năng cần rèn ở giai đoạn này cụ thể như sau:

Rèn kĩ năng xác định vấn đề cần nghiên cứu

Kĩ năng này đóng vai trò quan trọng, định hướng toàn bộ mọi hoạt động của HS. Với HS phổ thông, việc vấn đề cần nghiên cứu thường do GV giao cho hoặc các em tự xác định được thông qua các câu hỏi, các bài tập và tình huống có vấn đề mà GV đưa ra.

Các em cũng có thể độc lập xác định được vấn đề cần nghiên cứu trong quá trình tự học mà không cần sự định hướng hay gợi ý của GV.

Để rèn kĩ năng xác định vấn đề nghiên cứu cho HS, trong quá trình dạy hai chuyên đề về CSVC – CCDT, cô Nguyễn Thị Năm giao cho các em các câu hỏi, bài tập dựa trên các tình huống có vấn đề rồi hướng dẫn các em cách xác định các yêu cầu của câu hỏi, bài tập (phân tích đề).

Giáo viên cũng có thể lựa chọn cùng một nội dung phù hợp, đặt các câu hỏi khai thác vấn đề theo các hướng khác nhau, yêu cầu HS trả lời.

Qua quá trình phân tích các câu hỏi này HS sẽ xác định được với cùng một vấn đề, với những cách hỏi khác nhau , thậm chí chỉ một vài từ thì nội dung câu trả lời sẽ khác.

Việc làm này sẽ góp phần đắc lực trong quá trình rèn kĩ năng xác định vấn đề cần nghiên cứu của học sinh. Kĩ năng rất cần cho các em trong quá trình học, thi cử, cuộc sống nói chung và viết báo cáo TL nói riêng.

Sau khi HS đã thạo được kĩ năng này qua các câu hỏi nhỏ như trên, giáo viên có thể rèn các em xác định các vấn đề lớn hơn, tổng quát hơn qua các đề tài TL.

Nhờ kĩ năng này, HS có thể tự xác định được tên đề tài cũng như lập dàn ý cho câu trả lời hay đề cương cho bài TL.

Rèn kĩ năng lựa chọn tài liệu

Trước và sau khi xác định được vấn đề cần nghiên cứu, HS cần biết tìm nguồn tài liệu phù hợp. Khả năng tìm kiếm tài liệu sẽ góp sức đắc lực cho người học trong cả quá trình viết bài, làm cho bài viết có cả chiều sâu và độ rộng.

Nguồn tài liệu phù hợp cũng giúp HS kiểm tra lại khâu xác định vấn đề cần nghiên cứu của mình xem mình xác định vấn đề đã đúng và đủ chưa.

Nguồn tài liệu cơ bản nhất của HS là SGK và vở ghi. Tuy nhiên, với HS chuyên, nguồn đó nhiều khi là chưa đủ, các em cần biết lựa chọn các tài liệu bổ trợ khác. Nguồn tài liệu bổ trợ hay được dùng nhất ngoài sách tham khảo mà các em có là các sách tham khảo có trên thư viện.

Vì vậy, các em cần biết cách tra các tên sách từ các mục lục phân loại trên thư viện. Ngoài ra, các em có thể sử dụng nguồn thông tin từ internet.

Để các em khai thác tốt Internet, GV cần hướng dẫn các em biết cách sử dụng các công cụ tìm kiếm, các từ khóa (đôi khi phải dùng các từ khóa tiếng Anh thì các em cần biết các sử dụng từ điển Anh Việt hoặc Việt Anh, sử dụng các công cụ dịch một cách hợp lí).

Trong nhiều trường hợp, GV có thể đưa ra một số trang web tin cậy làm nguồn chỉ dẫn tài liệu tham khảo cho HS .

Rèn kĩ năng xác định mục đích đọc tài liệu

Khi đọc một tài liệu nào đó, người đọc cần xác định mục đích đọc của mình. Đầu tiên cần xác định thông tin mình cần có trong toàn bộ tài liệu đó hay không hay chỉ là một đoạn nhỏ.

Muốn vậy cần có thói quen đọc phần mở đầu và đọc qua mục lục, nếu không có mục lục cần đọc lướt qua các ý chính. Sau khi tìm được nội dung cần đọc, hãy đọc kĩ, vừa đọc vừa nghiền ngẫm để có thể hiểu sâu sắc.

Chẳng hạn, vẫn câu hỏi về việc dự đoán cơ chế thay thế đoạn mồi ở nhân sơ và nhân chuẩn, cô Năm có thể không yêu cầu HS về nhà đọc, không đưa câu hỏi gợi ý mà yêu cầu các em đọc ngay tại lớp với với chỉ dẫn:

“Cơ chế này được trình bày trong Sinh học 12 chuyên sâu, phần Di truyền học của tác giả Vũ Đức Lưu, các em hãy sử dụng cuốn tài liệu này để tìm nội dung cần thiết cho việc trả lời câu hỏi trên”.

Sau đó, hướng dẫn học sinh giở phần mục lục của cuốn sách, tìm nội dung về cơ chế nhân đôi ADN, sau đó giở nội dung về cơ chế nhân đôi ADN.

Tiếp theo HS được yêu cầu đọc lướt thật nhanh để xác định được nội dung nói về cơ chế thay thế đoạn mồi. Khi đó, các em mới được yêu cầu đọc kĩ nội dung này để trả lời câu hỏi.

Rèn kĩ năng ghi chép thông tin

HS khi đọc tài liệu cũng như khi nghe giảng cần phải ghi chép lại để đỡ tốn thời gian đọc lại cũng như sử dụng thông tin từ tài liệu để giải quyết vấn đề tốt hơn, ghi nhớ thông tin nhanh và lâu hơn.

Trong học tập, kĩ năng ghi chép của người học đóng vai trò quan trọng, nó thể hiện cách thu nhận, xử lý và định hướng quá trình ghi nhớ và sử dụng thông tin.

Để rèn HS kĩ năng này, ngay từ đầu giáo viên yêu cầu HS chuyên Sinh sử dụng vở ghi có khổ A4, chia vở thành 4 cột:

Một cột (phía ngoài cùng tay phải) ghi nội dung chính thầy cô giáo dạy trên lớp, cột ngay bên cạnh ghi các câu hỏi thầy cô hỏi và những hướng dẫn của thầy cô, cột kế bên ghi nội dung đọc được trong sách giáo khoa tài tài liệu tham khảo, cột cuối cùng ghi tổng hợp lại những gì đã học và đọc được.

Các nội dung ghi trong vở cũng nên chú thích nguồn để sau này không mất nhiều công đọc lại nữa.

HS được rèn thói quen chủ động nắm bắt và ghi những vấn đề mà GV giảng, không thụ động ngồi chờ GV đọc cho chép. Do được yêu cầu chuẩn bị bài trước ở nhà nên chúng tôi kết hợp rèn cho HS kĩ năng ghi những vấn đề cần thiết, những vấn đề chưa rõ,…

Để làm được như vậy,chúng tôi hướng dẫn HS trong quá trình đọc trước ở nhà, cần xác định trọng tâm của bài, xác định nội dung nào mình đã hiểu kĩ, nội dung nào chưa hiểu để tập trung lắng nghe và ghi bài vào nội dung đó.

Giáo viên cũng hướng dẫn HS khi đọc tài liệu cần xác định ý chính , ghi lại một cách ngắn gọn nội dung chính cũng như thành bảng, sơ đồ, bản đồ khái niệm.

Rèn kĩ năng đặt câu hỏi

Khi đọc tài liệu, bên cạnh việc trả lời các câu hỏi của thầy cô, người học cũng cần luôn tự đặt các câu hỏi tại sao, như thế nào, để làm gì, là cái gì…

Các câu hỏi đó có thể được đặt khi HS không hiểu vấn đề mà tài liệu trình bày nhưng cũng có thể được đặt ra để tranh luận với bạn, với thầy. Cách làm này làm cho vấn đề được đào sâu hơn do nó được lật đi lật lại nhiều lần theo nhiều hướng khác nhau.

Đồng thời, trong quá trình tranh luận, người học được bổ sung thêm kiến thức từ bạn, kích thích thêm tính ham học của mỗi người. Khi vấn đề khó đi đến thống nhất có thể hỏi thầy.

Để HS có được kĩ năng này, vai trò của người thầy trong quá trình tổ chức dạy học vô cùng quan trọng. Trong quá trình đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi mà mình đặt ra, HS cũng tự rèn được cách xác định vấn đề cần nghiên cứu, kĩ năng đọc và tổng hợp tài liệu.

Trong quá trình HS viết báo cáo TL, GV có thể khuyến khích các em đặt các câu hỏi tình huống để đặt vấn đề, chuyển ý hoặc khắc sâu nhấn mạnh về một vấn đề nào đó trong bài viết của mình.

Kĩ năng này đặc biệt được nâng cao trong quá trình GV tổ chức báo cáo TL nếu GV yêu cầu các nhóm chú ý nghe, nhận xét đánh giá bài trình bày của bạn và hỏi bạn các nội dung mà em thấy là cần thiết.

Do tính cạnh tranh và tâm lí lứa tuổi là muốn khẳng định mình nên việc làm trên phát huy được sự tích cực của người hỏi và người được hỏi.

Rèn kĩ năng diễn đạt lại thông tin đã thu được theo ý hiểu của bản thân người học

Thông tin thu được có thể được người học ghi lại một cách vắn tắt, lập thành sơ đồ, bảng biểu,… Các sơ đồ, bảng biểu có thể được sử dụng để giúp người học ghi nhớ nhưng có thể là để hiểu, để củng cố hoặc mở rộng, nâng cao về một nội dung cụ thể hoặc để hệ thống hoá kiến thức.

Kĩ năng diễn đạt lại thông tin trong quá trình học theo ý hiểu của người học là một kĩ năng vô cùng quan trọng, nó giúp người học không chỉ biết mà còn phải hiểu và vận dụng được kiến thức đã học một cách linh hoạt.

Đó cũng là kĩ năng vô cùng quan trọng trong viết luận, nó quyết định tính thuyết phục của bài luận vì một trong những yêu cầu của bài tiểu luận là “ người học cần phải diễn đạt được kiến thức theo ý hiểu của bản thân mình”.

Và do đó, tất yếu là việc viết luận thường xuyên cũng góp phần rèn luyện, nâng cao và hoàn thiện kĩ năng này cho người học.

Kĩ năng này cũng chỉ được hình thành và hoàn thiện khi người học được rèn luyện một cách tỉ mỉ trong quá trình học.

Rèn HS kĩ năng tư duy đa chiều

Đó chính là cách nhìn nhận vấn đề theo nhiều chiều hướng, nhiều mặt khác nhau, thậm chí là đối lập nhau. Thực tế cho thấy, sách không phải lúc nào cũng đúng, cũng đủ. Tương tự như vậy, không phải mọi điều thầy nói ra đều đúng và đều là “khuôn vàng thước ngọc”.

Điều đó là tất yếu vì người viết sách, người thầy dù có tài mấy thì trình độ nhận thức cũng chỉ có hạn. Có những điều thầy, người viết sách nhận thức đúng, nhưng có điều chưa nhận thức được hoặc nhận thức còn chưa đúng.

Thứ nữa, có những điều, với trình độ nhận thức của nhân loại lúc đó là đúng nhưng chỉ cần một thời gian ngắn sau, nó là sai hoặc chưa đủ.

Trong quá trình dạy học, cô Nguyễn Thị Năm nhận thấy có rất nhiều HS quá thụ động (kể cả HS chuyên). Thậm chí nhiều khi giáo viên cố tình nói sai đi để thử phản ứng nhưng có nhiều em vẫn không tỏ thái độ gì.

Hiện tượng này có nguyên nhân từ cách dạy áp đặt của nhiều thầy cô giáo từ THCS. Với nhiều thầy cô, học trò đi ngược lại hoặc đi theo hướng khác hướng mình đã chỉ ra là học trò hư.

Cách học, cách dạy này dần làm thui chột tư duy độc lập, óc phán đoán của các em và rõ ràng những HS như vậy sẽ khó có thể có tố chất của một nhà khoa học.

Trong quá trình đọc tài liệu để viết luận, HS rất dễ gặp nhiều nguồn thông tin khác nhau thậm chí là trái chiều nhau làm cho các em rất lúng túng.

Đặc biệt, khi sử dụng Internet, đương nhiên HS sẽ có thể đọc được những nguồn thông tin không chính xác, nhiều khi là có hại cho các em. Đây cũng là khó khăn mà nhiều HS vấp phải khi đọc tài liệu để viết TL.

Vì vậy, trong quá trình thực hiện đề tài này, cô Năm quyết định đưa thêm việc rèn kĩ năng tư duy đa chiều vào quá trình rèn kĩ năng tự nghiên cứu tài liệu.

Trong quá trình rèn kĩ năng này, cô Nguyễn Thị Năm đã giúp học sinh chỉ ra những chỗ mà tài liệu viết chưa chính xác hoặc còn thiếu. Đôi chỗ, “giả vờ” nói sai để thử phản ứng của học sinh.

Hoặc đưa ra một tình huống trái ngược với tình huống được học và đặt câu hỏi “Điều gì xảy ra nếu ….”. Cách làm này kích thích ham muốn tìm tòi của HS rất nhiều vì các em được quyền đưa ra chủ kiến của mình, được giải thích rõ ràng tại sao ý kiến của mình còn chưa đúng, chưa đủ và được tự hào khi mình “thắng thầy” mình.

Đặc biệt, giúp HS tăng cường khả năng lập luận, hùng biện trước đám đông. Ngoài ra, nó cũng có ích cho cuộc sống sau này của HS do các em luôn tư duy về một vấn đề theo nhiều chiều hướng, dự đoán được nhiều tình huống có thể xảy ra để có thể giải quyết sớm hoặc chí ít là không quá bất ngờ.

Nó cũng kích thích thầy luôn tự đọc, tự tìm tòi để tăng cường chuyên môn nghiệp vụ. Đây cũng là việc làm vô cùng khó, do thói quen tin tưởng tuyệt đối vào thầy, vào sách đã ăn sâu vào các em từ lâu. Mặt khác, cũng ít người thầy chấp nhận thua hoặc “giả vờ thua” học trò vì sợ “mất thiêng”.

Vì vậy, theo kinh nghiệm của mình, cô Năm cho rằng, cách làm hữu hiệu nhất là hướng dẫn HS đọc về lược sử của một nghiên cứu hoặc của một nhà khoa học nào đó.

Khi thấy được quá trình phát hiện ra một sự kiện khoa học là cả một quá trình thử và sai, quá trình tranh luận trong đó có việc phải lật đi lật lại một vấn đề đã được người đi trước khẳng định, thậm chí được xem là đúng tuyệt đối, HS cũng sẽ dần hình thành kĩ năng này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ