Theo Nghị quyết số 74/2022/QH15, Chính phủ cần phân loại, xây dựng kế hoạch, lộ trình, làm rõ trách nhiệm, xử lý các sai phạm, tiêu cực, tồn tại, hạn chế, thất thoát, lãng phí đối với các tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn Nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí.
13 dự án, chuỗi dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, than, dầu khí chậm tiến độ; 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn, vướng mắc để đất đai hoang hóa, lãng phí và 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.
Đến nay, theo báo cáo các bộ, ngành, địa phương đã chủ động rà soát, phân loại, làm rõ trách nhiệm đối với tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan dự án không hiệu quả hoặc lãng phí, chậm tiến độ, không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng. Các đơn vị cũng xây dựng kế hoạch, giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành dự án, tránh thất thoát, lãng phí.
Cụ thể, với 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn Nhà nước không hiệu quả, lãng phí, có khoảng 16/51 dự án, chiếm khoảng 30% tổng dự án được xử lý. Trong đó có 8 dự án khắc phục tồn tại và đưa vào hoành động; 1 dự án đã thực hiện thu hồi, thanh lý tài sản; 1 dự án gia hạn tiến độ thực hiện, 4 dự án điều chỉnh chủ trương đầu tư, 2 dự án đơn vị thực hiện bàn giao cho đơn vị khác sử dụng, các dự án khác đang rà soát, xem xét xử lý theo quy định.
Đối với 19 dự án chậm triển khai, có khó khăn vướng mắc, để đất đai hoang hoá, lãng phí đang triển khai thực hiện 2 dự án, gia hạn 3 dự án, chấm dứt 2 dự án, còn lại đang rà soát, xem xét xử lý. Với hơn 880 dự án, công trình không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng, đã chấm dứt hơn 22 dự án, thu hồi đất 126 dự án, gia hạn tiến độ 93 dự án, rà soát thu hồi đất 25 dự án, điều chỉnh 10 dự án, đưa vào hoạt động 41 dự án, còn lại đang rà soát, xử lý...
Về bản chất, đây có thể gọi là các dự án “treo”. Đáng chú ý hơn, tình trạng này đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương, gây nhiều hệ lụy, thiệt hại, khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, Nhà nước. Làm hạn chế quyền khai thác sử dụng đất, kìm hãm phát triển kinh tế - xã hội, thậm chí làm: “Méo mó” hình ảnh về môi trường đầu tư và niềm tin vào hệ thống, khả năng thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có ý kiến cho rằng, là do một số bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan thiếu trách nhiệm, năng lực yếu kém; buông lỏng quản lý, sử dụng đất đai hoặc cố tình thực hiện trái pháp luật.
Một số địa phương giao dự án cho các nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính dẫn đến dự án chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện. Có địa phương chưa thực hiện theo dõi, thống kê và báo cáo thực trạng sử dụng đất đai theo quy định, dẫn đến không quản lý và xử lý kịp thời sai phạm.
Phân tích rõ hơn về tình trạng này, một đại biểu Quốc hội cho rằng, có nhiều nguyên nhân nhưng suy cho cùng là bắt đầu từ khâu lập quy hoạch. Đó là lập quy hoạch nhưng đánh giá, nghiên cứu chưa kỹ, xác định nguồn lực chưa đúng; không lường trước được các vướng mắc phát sinh. Cái khó thứ hai là triển khai, khi đã có quy hoạch nhưng lại không có nguồn lực đầu tư. Và cuối cùng là khâu giải phóng mặt bằng.
Từ những phân tích trên có thể thấy, việc dự án treo, chậm tiến độ; dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng dù có nhiều nguyên nhân nhưng đáng chú ý là khâu chuẩn bị đầu tư dự án chưa bài bản, kỹ lưỡng. Chưa đánh giá cụ thể, toàn diện những vấn đề liên quan. Chưa lượng hóa được các tình huống, lường trước các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình thực hiện để có giải pháp xử lý từ sớm...
Vậy nên, cùng với việc “điểm tên” các dự án, công trình này, điều quan trọng sau đó là xác định rõ trách nhiệm của cá nhân cũng như các cơ quan chức năng liên quan. Ngoài ra, cần sớm sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn. Có như vậy mới từng bước hạn chế, tiến tới chấm dứt hoàn toàn các dự án “treo”, chậm tiến độ.