ĐBQH: Nhiều dự án bất động sản ‘nhận đặt cọc’ 5-10 năm vẫn chưa triển khai

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Theo ĐBQH Trần Hồng Nguyên, cần có quy định kiểm soát chặt chẽ hơn, hạn chế tình trạng nhận đặt cọc dự án BĐS 5-10 năm nhưng chưa triển khai.

Đại biểu Trần Hồng Nguyên (ĐBQH tỉnh Bình Thuận)
Đại biểu Trần Hồng Nguyên (ĐBQH tỉnh Bình Thuận)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, sáng 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Góp ý về đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, đại biểu Trần Hồng Nguyên (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận) bày tỏ nhất trí với phương án 1 và lập luận được nêu trong báo cáo tiếp thu, giải trình của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Phương án này yêu cầu chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc từ khách hàng khi nhà ở, công trình xây dựng đã có đủ các điều kiện đưa vào kinh doanh và đã thực hiện giao dịch theo đúng quy định của Luật này.

Theo đại biểu Trần Hồng Nguyên, phương án này ít rủi ro hơn đối với khách hàng. Đây là bên yếu thế trong giao dịch bất động sản.

Lý do là việc đặt cọc chỉ được thực hiện khi bất động sản đã đủ điều kiện kinh doanh và 2 bên đã chính thức ký kết hợp đồng, hạn chế phát sinh tranh chấp.

Trong khi đó, thị trường bất động sản thời gian gần đây có nhiều diễn biến phức tạp. Có tình trạng chủ đầu tư các dự án bất động sản lợi dụng hình thức đặt cọc, hợp đồng góp vốn để huy động vốn một cách tùy tiện, gây mất an ninh trật tự.

Thực tế cho thấy, nhiều dự án sau khi nhận đặt cọc sau 5 năm, thậm chí 10 năm nhưng vẫn chưa được triển khai. Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần phải có quy định để kiểm soát chặt chẽ hơn để hạn chế tình trạng này xảy ra.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) đề nghị tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật, nhằm bảo đảm đồng bộ thống nhất với các dự án luật đang trình Quốc hội xem xét thông qua như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) liên quan đến các quy định như quyền và nghĩa vụ của các bên trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng nhà ở, quy định liên quan đến thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp… để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên).

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên).

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, xem xét, quyết định rõ về điều kiện đối với nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai.

Đại biểu đề nghị quyết định cho phép chủ đầu tư bán nhà ở hình thành trong tương lai đối với khu vực hạng mục công trình đã đáp ứng điều kiện có phê duyệt thiết kế các hạng mục công trình hạ tầng chính, thiết yếu đã hoàn thành theo tiến độ.

Đại biểu cũng đề nghị làm rõ nội hàm “yêu cầu hoàn thành tương ứng theo tiến độ dự án”.

Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần quyết định rõ trách nhiệm xây dựng, cập nhật quản lý khai thác cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản, công bố công khai thông tin về nhà ở thị trường bất động sản thuộc hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Cần kết nối, chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu về nhà ở, thị trường bất động sản cho các cơ quan tổ chức theo quy định của pháp luật là thuộc trách nhiệm của Bộ Xây dựng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhóm tác giả nghiên cứu bột vỏ sầu riêng làm thức ăn cho vịt giúp nâng cao năng suất và chất lượng vật nuôi.

Vỏ sầu riêng làm thức ăn cho vịt

GD&TĐ - Thức ăn hữu cơ từ bột vỏ sầu riêng lên men giúp vịt mau lớn, tăng sức đề kháng là sản phẩm của nhóm HS Trường THPT Huỳnh Tấn Phát (Bình Đại, Bến Tre).