Bàn chiến lược hợp tác AI, giáo dục, công nghệ giữa Việt Nam và Mỹ

GD&TĐ -  Nhiều chuyên gia, học giả từ Việt Nam và Mỹ cùng bàn luận về vai trò của AI và giáo dục trong định hình tương lai phát triển bền vững.

Toàn cảnh tọa đàm diễn ra tại Đại học Kinh tế TPHCM. Ảnh: UEH
Toàn cảnh tọa đàm diễn ra tại Đại học Kinh tế TPHCM. Ảnh: UEH

Chiều 9/5, tại Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), diễn ra tọa đàm khoa học với chủ đề "Vượt qua biên giới: Trí tuệ nhân tạo, Đổi mới sáng tạo, Giáo dục và Hợp tác công nghệ giữa Việt Nam và Mỹ trong tương lai" (Bridging Frontiers: AI, Innovation, Education and the Future of US-Vietnam Tech Collaboration).

Tọa đàm có sự tham dự của nhiều diễn giả uy tín đến từ Việt Nam và Hoa Kỳ, cùng sự góp mặt của các nhà sáng lập startup, chuyên gia công nghệ, giảng viên, sinh viên và đại diện doanh nghiệp quan tâm đến trí tuệ nhân tạo (AI) và đổi mới sáng tạo.

Chương trình do Trường Công nghệ và Thiết kế UEH (CTD), Trung tâm Ươm tạo Công nghệ và Hỗ trợ Đổi mới Sáng tạo (ISC) và Viện Đổi mới Sáng tạo UEH (UII) đồng tổ chức.

Tọa đàm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai sâu rộng Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

3.jpg
PGS.TS Trịnh Thùy Anh, Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ và Thiết kế UEH phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: UEH

Trong phần trao đổi, các diễn giả lần lượt chia sẻ góc nhìn từ chính trải nghiệm thực tiễn của mình trong việc ứng dụng AI để giải quyết các bài toán lớn của doanh nghiệp.

Từ kinh nghiệm điều hành các dự án AI trị giá hàng tỷ đô la tại Meta, Amazon và các công ty toàn cầu, ông Anthony Tuan Phan đã trình bày về vai trò của nền tảng dữ liệu, đạo đức trong phát triển AI, cũng như tầm quan trọng của việc phát triển đội ngũ kỹ sư AI tại Việt Nam nhằm đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Ông Huy Do, với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư và quản lý công nghệ, phân tích cách các startup công nghệ tại Việt Nam có thể tận dụng nguồn vốn và mạng lưới toàn cầu từ Mỹ để gia tăng năng lực cạnh tranh.

Đồng thời, ông nhấn mạnh các yếu tố cần thiết để xây dựng một hệ sinh thái AI có đạo đức, toàn diện và bền vững.

Ông khẳng định, sự kết nối giữa Việt Nam và Mỹ không chỉ dừng lại ở chuyển giao công nghệ mà còn là chuyển giao tri thức, tư duy quản trị và năng lực lãnh đạo đổi mới sáng tạo.

Tiếp theo là phần trình bày của ông Kenneth Katz – Giám đốc điều hành khu vực châu Á của TAU Investment Management – người mang đến góc nhìn từ phía nhà đầu tư chiến lược quốc tế.

Ông phân tích cách các công ty đầu tư toàn cầu đang định hình lại danh mục đầu tư thông qua công nghệ AI, cũng như tiềm năng hợp tác với startup Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghệ xanh, chuỗi cung ứng thông minh và tự động hóa trong sản xuất.

2.jpg
Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: UEH

Trong phiên thảo luận mở, các diễn giả cùng trao đổi xoay quanh ba trục nội dung lớn:

Thứ nhất, trong hợp tác giữa AI và giáo dục: Làm thế nào để các trường đại học và doanh nghiệp công nghệ phối hợp đào tạo nguồn nhân lực AI chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu toàn cầu?

Thứ hai, về đầu tư và khởi nghiệp xuyên quốc gia: Những mô hình gọi vốn thành công và chiến lược mở rộng thị trường quốc tế dành cho các startup công nghệ Việt Nam.

Thứ ba, tăng cường năng lực sáng tạo và đạo đức AI: Cần làm gì để bảo đảm AI phát triển một cách có trách nhiệm, phục vụ cho các mục tiêu phát triển bền vững?

Không chỉ là một diễn đàn trao đổi học thuật, buổi tọa đàm còn tạo điều kiện để người tham dự – đặc biệt là các nhà sáng lập startup, giảng viên và sinh viên – mở rộng mạng lưới kết nối với các chuyên gia đầu ngành, tìm kiếm cơ hội hợp tác, thực tập và gọi vốn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ