Ý tưởng khởi nghiệp từ buổi phỏng vấn xin việc

GD&TĐ - Trong buổi phỏng vấn xin làm công việc rửa chén tại một nhà hàng, một cô gái đã nảy ra một ý tưởng khởi nghiệp. Từ ý tưởng này, cô đã phát triển một doanh nghiệp hàng chục triệu đô la.

Lina Hu (phải) trong một cuộc PV trên TV
Lina Hu (phải) trong một cuộc PV trên TV

Cái khó ló cái khôn

Lina Hu, 52 tuổi, một phụ nữ gốc Trung Quốc hiện ngụ tại Manhattan Beach, California, Mỹ là chủ tịch và giám đốc điều hành của Clipper Corp, công ty chuyên cung cấp đồng phục và các mặt hàng khác cho những công ty bán lẻ, khách sạn, giao nhận và các đồ công nghệ phục vụ ăn uống. Clipper có cơ sở ở Carson, được thành lập vào năm 1994, dự báo thu nhập trong năm nay là 40 triệu USD. Khách hàng của công ty bao gồm Burger King Corp, Target Corp, Home Depot Inc và FedEx Corp.

Tuy nhiên, để đi đến thành công như ngày hôm nay, Lina Hu đã gặp không ít gian truân trên đường mưu sinh nơi xứ người.

Cách đây 23 năm, Lina từ Trung Quốc đến Mỹ với ước mơ tạo ra một cuộc sống tốt hơn cho bản thân. Bà cho rằng sống ở Mỹ, cơ hội thành công của mình sẽ cao hơn ở quê nhà.

Với số vốn tiếng Anh ít ỏi và một ít hiểu biết về văn hóa Mỹ, Lina đăng ký học các lớp tiếng Anh và không ngừng nghiên cứu để có được triển vọng lớn hơn về việc làm. Tuy nhiên, bà liên tục gặp thất bại khi đi xin việc.

Sau khi xin một công việc chăm sóc khách hàng tại AT&T ở Boston thất bại, Hu chuyển đến Los Angeles để gần bạn bè. Bà đã giảm dần các mục tiêu nghề nghiệp của mình và chỉ còn hy vọng trở thành người rửa chén trong một nhà hàng. “Khi cuộc sống đặt bạn vào một tình thế khó khăn, bạn sẽ ngạc nhiên về cách mà bạn có thể sinh tồn được”, Hu nói.

Cuộc phỏng vấn tìm việc đã mang lại cho bà một ý tưởng. Bà kể lại: “Tôi nhìn thấy cơ hội trong khi họ phỏng vấn tôi. Họ đã cho tôi thấy những chiếc đĩa, những vật dụng như chậu, xoong nồi, đồ dùng bằng bạc, bằng đồng cần phải rửa. Tôi nghĩ ‘Trung Quốc có nhiều nhà máy. Họ có thể làm những đồ vật này với giá rẻ và tôi có thể cung cấp chúng cho những nhà hàng ở đây”.

“Nếu tôi cố gắng, tôi sẽ có 60% cơ hội thành công, nhưng nếu không cố gắng, tôi sẽ có 100% cơ hội thất bại. Theo những gì tôi hiểu, nếu bạn có một mục tiêu và tin tưởng vào bản thân, cộng với sự nhiệt tình, kiên trì, tận tụy bạn sẽ thành công”, bà thổ lộ quyết tâm khởi nghiệp.

Mục tiêu của bà là cung cấp chất lượng tốt nhất vượt sự mong đợi của khách hàng trong khi sử dụng một chiến lược về giá, đảm bảo tiết kiệm chi phí về nguyên vật liệu mà không làm giảm chất lượng của dịch vụ. Bà còn tính đến việc cung cấp giá trị cộng thêm cho khách hàng để duy trì sự cạnh tranh.

Tuy nhiên, khi biết ý định khởi nghiệp của bà, nhiều người cho rằng bà sẽ thất bại. Lý do, “Một là, bạn không nói được tiếng Anh. Hai là, bạn không có bất cứ hàng hóa nào trong tay mà chỉ có một ý tưởng. Ba là, bạn là người châu Á và họ không nể trọng bạn”, Hu kể lại những lời can ngăn của bạn bè và nói thêm, “Tuy nhiên, tôi không từ bỏ ý định. Tôi gọi đến tất cả các chuỗi nhà hàng trong nước và nói ‘Tôi có thể cung cấp cho các ông sản phẩm cùng chất lượng nhưng giá thấp hơn’, hoặc ‘Các ông sẽ chỉ bỏ ra cùng một số tiền nhưng có sản phẩm tốt hơn để dùng’. Hầu hết mọi người không trả lời các cuộc gọi của tôi”.

Sự kiên trì của bà cuối cùng cũng mang lại kết quả. Công ty Burger King đã cho bà một cuộc hẹn đầu tiên và cuộc thương thảo kết thúc tốt đẹp. Họ đã có những chiếc nón chơi bóng chày làm ở Nam Phi, nhưng họ đồng ý trở thành khách hàng đầu tiên của bà. Ngay lập tức, Hu trở về Trung Quốc tìm một nhà máy muốn làm công việc này.

“Họ hỏi tôi về số tiền mà tôi phải trả. Tôi nói với họ ‘Tôi không có tiền. Nhưng tôi sẽ là người bán hàng không ăn lương của các anh. Các ông chỉ trả công cho tôi trong phi vụ này. Các ông làm ra sản phẩm, tôi tìm nơi tiêu thụ’. Khi họ đồng ý, tôi ứng tiền từ Burger King và chuyển cho nhà máy”, bà kể lại.

 Khách hàng thứ hai của Hu là Darden Restaurants, đứng đầu 8 chuỗi nhà hàng ăn uống bình thường, đáng kể là Olive Garden và LongHorn Steakhouse. Khách hàng thứ ba là Yum Brands, nhà điều hành của KFC, Taco Bell và Pizza Hut. Hu luôn chú trọng chất lượng hàng hóa của mình. “Tôi mang những mẫu hàng đến cho họ và cho biết các sản phẩm sẽ y như vậy. Chúng tôi luôn thể hiện mình là những người có trách nhiệm và đáng tin cậy. Họ được tự do kiểm tra với bất cứ phương tiện gì”.

Bí quyết thành công

Hiện nay, Clipper đã tuyển dụng 80 người ở Carson và Atlanta. Các nhà máy của Trung Quốc làm việc với Clipper cũng tuyển hơn 500 lao động. Hu đặt tên công ty của bà theo cuộc cách mạng những chiếc tàu buồm vào thế kỷ 19. Clipper là những con tàu lộng lẫy rộng rãi hơn những chiếc tàu cổ lỗ trước đây, lướt nhanh trên đại dương lập kỷ lục về tốc độ. “Nó tiêu biểu cho tính cách của tôi”, Hu nói, “Không quan tâm đến những trở ngại, chúng tôi luôn tiến về phía trước, vươn tới mục tiêu và đáp ứng những gì chúng tôi đã hứa hẹn”.

“Là nhà quản lý, tôi thích một môi trường làm việc, nơi mà các nhân viên được khích lệ về công việc của chính họ”, Hu nói và thêm rằng bà không muốn những công nhân của mình có tâm lý sợ sai lầm. “Họ biết họ không bị đuổi việc nếu phạm sai lầm. Họ được khuyên là phải rút kinh nghiệm từ sai lầm đó”.

Khi được hỏi về cách mà Lina đã mang Clipper Corporation từ một công ty khởi nghiệp nhỏ đến quy mô như hiện nay, bà cho là có 4 điều: Sự cống hiến; lời cam kết; sự hiểu biết và phân phối tốt.

“Điều mà tôi thích thú nhất là khi đến một nhà hàng và thấy các sản phẩm mà họ sử dụng giúp họ làm việc tốt hơn được làm từ Clipper. Nó khiến tôi hãnh diện rằng Clipper đã góp phần vào thành công của họ”. Bà nói thêm:

“Không có sự cống hiến và hỗ trợ của khách hàng, chúng tôi không thể có doanh nghiệp này. Và không có nhiệt tình, lòng trung thành của nhân viên cùng sự cẩn trọng của họ khi phục vụ khách hàng, chúng tôi cũng không thể hoạt động tốt. Các nhân viên đã giúp đỡ chúng tôi hoàn thành mục tiêu của mình, giúp chúng tôi phân phối hàng hóa, mang lại cho khách hàng những sản phẩm chất lượng cao nhất với giá thành thấp nhất. Các nhân viên của công ty kết hợp với khách hàng, tạo thành lực đẩy cho doanh nghiệp, giúp chúng tôi tiếp tục thành công”.

Người cha vốn là kỹ sư và người mẹ là công nhân nhà máy của Lina Hu luôn khuyến khích con phải đặt mục tiêu cao cả, nhưng “ở Trung Quốc lúc đó, người ta không có nhiều lựa chọn. Bạn không thể chọn những gì bạn muốn, mọi thứ đều có sẵn”.

Hu đã có bằng cử nhân về thống kê và thạc sĩ ngành kinh doanh ở ĐH Zhejiang, miền Nam Thượng Hải. “Thực sự không có những hình mẫu về vai trò phụ nữ trong kinh doanh ở Trung Quốc, nhưng tôi luôn có một ước mơ thành lập công ty của riêng mình”, Hu nói, “Bố tôi là người rất quả quyết. Ông luôn khuyến khích tôi suy nghĩ và có những ước mơ cao xa. Ông thường nói, ‘Đừng bao giờ để ai cản đường con’. Với ông, những gì tôi làm hiện nay, trở thành một doanh nhân, là đã đạt được mục tiêu đặt ra. Ông hãnh diện về tôi”.

Hu đang là ủy viên hội đồng quản trị của ĐH Hampton, Virginia và bà cũng làm việc cho ủy ban tư vấn Bộ Thương mại, đại diện cho các doanh nghiệp nhỏ và thiểu số.

Bà thích đi du lịch và đã đến 85 quốc gia. Bà cũng là người thích chạy bộ. “Tôi là một người chạy bộ có kỷ luật. Tôi chạy mỗi ngày gần 10km. Chạy như là thiền đối với tôi, giúp tôi thư giãn đầu óc”, bà cho biết.

Theo Latimes

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lực lượng chức năng duy trì công tác tuần tra, kiểm soát khép kín địa bàn. Ảnh: TT

Giữ bình yên trên cao nguyên M’Nông

GD&TĐ - Bước vào thu hoạch cà phê niên vụ 2024, người dân trên cao nguyên M’Nông (Đắk Nông) đang hân hoan phấn khởi vì sản phẩm được giá.