9X vùng biên khởi nghiệp từ phụ phẩm nông nghiệp

GD&TĐ - Từ những phụ phẩm “vứt đi” trong nông nghiệp, cô gái 9X ở xứ Sen hồng (Đồng Tháp) đã tận dụng để chưng cất tạo ra sản phẩm mang tên “Hương Đồng Tháp” góp phần tăng giá trị kinh tế cho nông dân.

Đoàn Ngọc Minh Thùy giới thiệu sản phẩm với khách hàng
Đoàn Ngọc Minh Thùy giới thiệu sản phẩm với khách hàng

Làm “sống dậy” các phụ phẩm “vứt đi”

Trong căn nhà xưởng rộng vài chục mét vuông ở gần biên giới Campuchia thuộc phường An Thạnh, thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp), cô kỹ sư Sinh học 27 tuổi Đoàn Ngọc Minh Thùy - Giám đốc Công ty TNHH tinh dầu Hương Đồng Tháp tỉ mỉ chưng cất phụ phẩm nông nghiệp thành các loại hương thơm để chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp.

Dừng tay, Thùy mỉm cười chia sẻ: “Từ nay nông dân quê mình không còn phải lo phụ phẩm nông nghiệp vứt đi nữa rồi, em sẽ mua về đây chưng cất thành hương liệu vừa để giúp họ có thêm thu nhập, quảng bá thêm về du lịch cho quê hương xứ Sen hồng của mình”.

Thùy cho biết, các sản phẩm đều sử dụng nguyên liệu phụ phẩm nông nghiệp có sẵn ở địa phương để chưng cất tinh dầu như vỏ quýt, vỏ bưởi, lá tràm, gạo sen, lá hương thảo, lá bạc hà, lá sả Java, lá sả chanh… Quy trình trích ly tinh dầu truyền thống bằng phương pháp lôi cuốn hơi nước cổ điển, kết hợp quá trình tinh sạch hiện đại giúp loại bỏ hoàn toàn các tạp chất và thu được tinh dầu tinh khiết.

Ví dụ sản phẩm xà bông được sản xuất từ nguyên liệu dầu dừa và xút qua quá trình xà phòng hóa hoàn toàn không còn dấu vết của xút do rửa sạch với nước biển tinh khiết bổ sung thêm tinh dầu Sen Hồng Tháp Mười, Tràm gió Tràm Chim, Bạc Hà Sa Đéc và than tre hoạt tính. Khay xà bông sẽ được ủ 20 ngày trong phòng để đạt được chất lượng tốt nhất.

Hiện nay, Minh Thùy đã sản xuất 23 sản phẩm như: Tinh dầu Bưởi Cao Lãnh, Tinh dầu Tràm gió Tràm Chim, Tinh dầu Quýt Lai Vung, Tinh dầu Hương Thảo Sa Đéc, Tinh dầu Bạc Hà Sa Đéc, Tinh dầu Sả Chanh Sa Đéc, Tinh dầu Sả Java Hồng Ngự… “Các tinh dầu trên sử dụng trong nội thất nhà ở, xe hơi hoặc có tác dụng chăm sóc sức khỏe và làm đẹp như: diệt khuẩn không khí, kháng viêm, kháng khuẩn, thoải mái tinh thần, giảm căng thẳng, hỗ trợ điều trị các bệnh hô hấp, phòng tránh cảm, dưỡng tóc sạch gàu, giảm đau nhức, xua đuổi côn trùng, giảm đau ngứa do côn trùng cắn đốt”, Thùy giới thiệu.

Minh Thùy kể, khi nghiên cứu đề tài tốt nghiệp, có lần đi vào rừng thấy lá thông rơi rụng nên thử lấy chưng cất thành tinh dầu nóng, kết quả, cho hiệu suất tương đối tốt, từ đó nghĩ ra quê hương mình có nhiều phụ phẩm nông nghiệp là nguồn nguyên liệu.

Cụ thể như sả bán ra, lá bỏ đi, mà bỏ cả vườn như vậy nhiều nên thu mua lá về làm tinh dầu. Một số người chưa hiểu tinh dầu là gì, ví dụ nhà bị muỗi, người ta trồng một bụi sả trong nhà, đó là dùng cách truyền thống. Còn bây giờ dùng đèn xông, rồi nhỏ giọt tinh dầu vào thì mùi hương sẽ khuếch tán đuổi muỗi đi luôn.

Cách làm tinh dầu, đầu tiên là chuẩn bị nguồn nguyên liệu sạch, sau đó bắt đầu đun sôi trong bình chưng cất, nước sôi sẽ mang hơi nước và tinh dầu qua ống dẫn đến bồn làm lạnh để ngưng tụ. Vì tinh dầu nhẹ hơn nước nên ngưng tụ ở phía trên mặt nước chưng, từ đó chiết tinh dầu thô đem chưng cất phân đoạn để thu được tinh dầu tinh khiết.

Với tinh dầu sả, thông thường một lần chưng cất 20 kg nấu trong vòng 4 tiếng sẽ cho ra khoảng 30 ml tinh dầu”. Thùy cho biết thêm, sản phẩm của Thùy đã được kiểm nghiệm tại Viện Pasteur và với từng mẫu tinh dầu đều được phân tích sắc ký GCMS, tức là phân tích thành phần trong tinh dầu hoàn toàn an toàn cho người sử dụng và không có tạp chất. Ngoài bán tại địa phương, sản phẩm đã có mặt trên cả nước thông qua kênh bán hàng online các phiên chợ sạch cuối tuần ở TPHCM.

Nâng cao giá trị sản phẩm quê nhà

Nói về ý tưởng khởi nghiệp, Thùy cho biết, mình sinh ra giữa Đồng Tháp mênh mông đồng sen, bạt ngàn rừng tràm, “chính hình ảnh ấy đã in sâu rất sâu vào tâm trí, cùng mùi hương hoa sen cuốn hút, khiến tôi tò mò và tự nghĩ: toàn bộ cây sen bộ phận nào cũng được sử dụng để làm thuốc, nấu ăn, làm đẹp. Vậy mùi hương cây sen từ bộ phận nào phát ra? Nó có tác dụng gì không? Câu hỏi ấy đeo đẵng theo tôi từ nhỏ đến giờ”, Thùy chia sẻ.

Lên đại học, Thùy theo học ngành Sinh học của Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM và tham gia phụ phòng thí nghiệm thực vật của trường rồi nghiên cứu chuyên về tài nguyên thực vật có tinh dầu. Trong quá trình nghiên cứu, có lần Thùy về quê nội ở huyện Lấp Vò tìm nguồn nguyên liệu. Thùy nhận thấy rằng nguồn nguyên liệu tại Đồng Tháp rất dồi dào và phong phú.

Hơn thế, Đồng Tháp với bốn mùa cây trái, đến mỗi vụ mùa quýt, bưởi, cam... thì hàng tấn quýt non, bưởi non, cam non bị lặt tỉa bớt đi để nuôi các trái to mọng tròn hơn, phần phụ phẩm này rất ít được sử dụng hay bỏ đi rất uổng phí. Cũng như thế, đối với cây sả, nông dân chỉ thu hoạch phần củ sả đem bán ra chợ để phục vụ nấu ăn, còn phần lá sả vẫn chưa được sử dụng.

Còn rừng tràm bạt ngàn ở Tam Nông cũng như thế, lá tràm vẫn chưa được chú ý để sử dụng mỗi khi rừng được tỉa thưa, mé nhánh hay những lá tràm rụng che lấp hết cả mặt đất. Hay những loài hoa, cây cảnh vốn dĩ rất đỗi bình thường và quen thuộc, sau một thời gian, chúng già đi hoặc lớn lên không thể trưng bày, trang trí cũng thường bị bỏ không chăm sóc nữa.

“Sử dụng triệt để nguồn tài nguyên thiên nhiên và biến những phụ phẩm của nông nghiệp ấy thành những giọt tinh dầu 100% thiên nhiên và nguyên chất để phục vụ cho chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp và hoa không chỉ để ngắm, để trang trí mà còn có nhiều giá trị sử dụng khác là điều tôi quyết tâm làm”, Thùy bộc bạch.

Hơn thế nữa, Thùy muốn bạn bè trong nước và quốc tế khi đến với Đồng Tháp sẽ được trải nghiệm thu hái những sản vật của địa phương, mang chưng cất thành những giọt tinh dầu quý báu và mang về như một món quà kỷ niệm để nhớ vùng đất này.

Dự kiến, Thùy sẽ xây dựng một khu vườn nguyên liệu “Hương Đồng Tháp”. Khu vườn sẽ là một mắt xích trong chuỗi du lịch sinh thái, du lịch của tỉnh.

 Anh Huỳnh Minh Thức - Phó Bí thư Tỉnh Đoàn Đồng Tháp, cho biết: Chúng tôi đánh giá cao ý tưởng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương sản xuất ra hương liệu của Thùy, vì không chỉ giúp người dân tăng thêm thu nhập mà nó còn thể hiện tính sáng tạo và tinh thần khởi nghiệp của tuổi trẻ tỉnh nhà. Ngoài ra, còn giúp bảo vệ môi trường mà các phụ phẩm nông nghiệp có thể gây ra. Thời gian tới, tỉnh sẽ giới thiệu và nhân rộng mô hình này để các bạn đoàn viên thanh niên khác học tập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Xóa định kiến

GD&TĐ - Xóa bỏ định kiến về giới tính trong lựa chọn ngành, trường học, nghề nghiệp là vấn đề đặt ra nhiều năm nay và đã có những chuyển biến tích cực.
Joshua Zirkzee đang nằm trong kế hoạch mua sắm của Arsenal.

Arsenal nhắm tiền đạo của Bayern Munich

GD&TĐ - Theo Mirror, Arsenal muốn mời tiền đạo ngôi sao của Bologna - Joshua Zirkzee một bản hợp đồng đến năm 2029, với mức lương hàng năm là 5 triệu Bảng.