Thực hiện mục tiêu trở thành một thành phố khởi nghiệp, trong thời gian qua, Đà Nẵng đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để hình thành môi trường năng động và sáng tạo phát triển khởi nghiệp.
Ấn tượng bước khởi đầu
So với Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hệ sinh thái khởi nghiệp (HSTKN) hiện nay ở thành phố Đà Nẵng còn non trẻ. Trước năm 2015, tại Đà Nẵng gần như không tồn tại bất kỳ một HSTKN nào, có chăng chỉ là một số câu lạc bộ khởi nghiệp nhỏ ít được biết đến và vài cuộc thi về ý tưởng khởi sự kinh doanh trong nội bộ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố.
Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn, với quyết tâm và nỗ lực tham mưu của Hội đồng điều phối Mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng đã có sự vào cuộc mạnh mẽ, cộng với sự thay đổi tích cực trong quan điểm của cộng đồng, tình hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng đã có những khởi sắc đáng kể với sự xuất hiện của các tổ chức ươm tạo mà tiêu biểu nhất là sự ra đời của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng.
“Từ đó, hàng loạt các chương trình ươm tạo, tăng tốc được triển khai đa thu hút một số lượng đáng kể các dự án khởi nghiệp tại Đà Nẵng, cũng như các địa phương lân cận. Hàng loạt các dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp của thành phố bắt đầu gặt hái được những thành quả nhất định. Một số dự án đạt các giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của trong vào ngoài nước (như: AntBuddy, Minh Hong, S&E), một số dự án khác cũng đã thành công trong việc kêu gọi vốn đầu tư (như Zody, Kekate). Nhiều sự kiện về khởi nghiệp với quy mô lớn được tổ chức, mà nổi bật nhất là sự kiện Hội nghị và triển lãm khởi nghiệp vừa mới được tổ chức vào tháng 7 năm 2017, thu hút được một lượng lớn các đối tác khởi nghiệp quan trọng cả trong và ngoài nước, các dự án khởi nghiệp tiềm năng và nhiều đơn vị truyền thông”, TS. Vũ Xuân Trường - Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển, Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵngchia sẻ.
Theo TS. Vũ Xuân Trường, hiện nay, Đà Nẵng đang xác định khởi nghiệp là động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội, Với tư duy dài hạn này, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt và ban hành Đề án phát triển HSTKN thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn 2030; với các mục tiêu và giải pháp hết sức rõ ràng giúp định hình các hoạt động khởi nghiệp. Trong đó, HSTKN Đà Nẵng sẽ phát triển dựa trên 5 trụ cột lớn.
Đó là, xây dựng văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao nhận thức, kiến thức và xây dựng niềm đam mê của học sinh, sinh viên và thanh niên về khởi nghiệp, qua đó thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng tạo.
Hoàn thiện và ban hành các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy khởi nghiệp; đẩy mạnh hoạt động của các vườn ươm doanh nghiệp và xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển khởi nghiệp; thúc đẩy xây dựng và phát triển mạng lưới đào tạo khởi nghiệp nhằm tăng cường kiến thức và kỹ năng khởi nghiệp; tiếp tục mở rộng các liên kết, hợp tác nâng cao năng lực, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước xây dựng và phát triển HSTKN.
Xây dựng chương trình và nội dung đào tạo kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho thanh niên có say mê khởi nghiệp; xây dựng và phát triển các trung tâm, doanh nghiệp tư vấn, kết nối cung cầu công nghệ tham gia vào hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.
Mở rộng hợp tác, nâng cao năng lực, thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước xây dựng và phát triển HSTKN; nhân rộng mô hình hợp tác 3 bên: chính quyền – trường học – doanh nghiệp.
Khơi dậy niềm đam mê khởi nghiệp sáng tạo cho giới trẻ
Hiến kế cho phát triển HSTKN cho thành phố Đà Nẵng, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đều có chung quan điểm: Khởi nghiệp và xây dựng cộng đồng khởi nghiệp sẽ là trụ cột để phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng trong những năm tới.
Vì thế, Đà Nẵng thúc đẩy khởi nghiệp không thể đi theo phong trào, mà cần có chiều sâu, chú trọng vào hỗ trợ thực tế.
Bà Trần Thị Thu Hương – Giám đốc Chương trình đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan, nhìn nhận: “Các khu vực đổi mới sáng tạo mới nổi trên khắp thế giới dù được hình thành theo nhiều cách khác nhau, nhưng đều có điểm chung, đó là chứa đựng 3 yếu tố: Văn hóa bao dung với sự thất bại; tinh tần tượng tôn pháp luật của người dân và mọi chính sách đều đặt con người làm trung tâm”.
Còn bà Cait Moran - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ireland tại Việt Nam, chia sẻ: “Chìa khóa thành công của sáng tạo khởi nghiệp, trước hết nằm ở học đường và giảng đường. Giáo dục và đào tạo đóng vai trò rất quan trọng để hình thành nên ý tưởng khởi nghiệp. Việc tăng cường hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo, tiếp thu các thành tựu và tiến bộ khoa học, công nghệ cũng rất quan trọng. Hợp tác là cơ hội để các bạn tranh thủ thêm các nguồn lực. Sáng tạo khởi nghiệp rất cần một chính sách, một môi trường để các ý tưởng được nuôi dưỡng và đi vào thực tiễn”.
Theo ông Võ Duy Khương - Hội đồng điều phối Mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng, kinh nghiệm của các quốc gia khởi nghiệp cho ta thấy rằng tinh thần khởi nghiệp được khơi dậy mạnh mẽ trong những xã hội mà ở đó họ có nền giáo dục tiên tiến với các trường đại học ưu tú, có nền kinh tế phát triển sôi động với cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh và có sự hỗ trợ thích hợp của chính quyền trong tạo lập HSTKN năng động.
Ở nước ta, hệ thống giáo dục chưa chú trọng việc khơi dậy tinh thần khởi nghiệp cho thế hệ trẻ. Học sinh tốt nghiệp THPT, thậm chí không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học vẫn chưa có ý niệm đầy đủ về lập nghiệp, khởi nghiệp.
Ông Võ Duy Khương bày tỏ: “Tôi tin chắc rằng một khi tinh thần khởi nghiệp, văn hóa khởi nghiệp nở rộ trong các tầng lớp dân cư, đặc biệt là trong giới trẻ thì nó sẽ thực sự trở thành động lực mạnh mẽ nhất thúc đẩy phát triển nền kinh tế - xã hội. Việc thành phố Đà Nẵng xác định khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế - xã hội và phấn đấu xây dựng thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của khu vực là một hướng đi đúng đắn. Đây là một chặng đường dài và đầy khó khăn, cần thiết có sự chung tay, góp sức không chỉ của tất cả các thành tố của HSTKN tại địa phương, mà của cả những đối tác, những chuyên gia và những tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nước và quốc tế”.