Phải vượt qua lực cản từ chính bản thân mỗi giảng viên
Theo PGS.TS Phạm Hồng Quang, giải quyết được vấn đề nhận thức là điểm quan trọng nhất trong việc xây dựng mới chương trình đào tạo giáo viên.
Đây là khâu đột phá vào “thành trì vững chắc” ở các trường sư phạm. thách thức lớn chúng ta phải vượt qua không phải ở năng lực và điều kiện của nhà trường mà chính là phải vượt qua sự cản trở của chính bản thân mỗi người.
Chỉ khi nào tất cả giảng viên thông hiểu, nhận ra giá trị đích thực của sự thay đổi chương trình và quyết tâm thực hiện thì mới có thể bắt tay vào thực hiện các khâu đồng bộ.
Chỉ khi nào sản phẩm là chương trình chi tiết thể hiện rõ mục tiêu của chương trình (dưới dạng có thể đánh giá được) và được người sử dụng nhân lực nghiệm thu thì tính khả thi mới được chấp nhận.
Quy trình và cách làm chương trình phải nhất quán và đồng bộ giữa quản lí và chuyên môn; giữa chỉ đạo của chuyên gia và nhóm nghiên cứu; giữa các khoa chuyên môn với nhau; giữa việc phân tích tình hình giáo dục phổ thông với định hướng đổi mới; giữa lí thuyết về chương trình với nội dung khoa học; giữa hiểu biết của giảng viên về khoa học giáo dục với kinh nghiệm chuyên môn.
Xây dựng bộ phận chuyên trách nghiên cứu, phát triển chương trình
Yêu cầu với giảng viên, quan điểm của PGS.TS Phạm Hồng Quang là: Giảng viên sư phạm phải được bồi dưỡng hệ thống và chuyên sâu về khoa học phát triển chương trình; đồng thời có ngoại ngữ tốt để học tập kinh nghiệm (những xu hướng) của nước ngoài về chương trình giáo dục, kinh nghiệm xây dựng đề cương môn học và quy trình sản xuất học liệu.
Ở mỗi trường đại học, nhất là đại học sư phạm, cần xây dựng bộ phận chuyên trách nghiên cứu và phát triển chương trình để giảm gánh nặng của giảng viên hiện nay đang phải làm quá nhiều việc.
Đồng thời huy động được tiềm lực trong nước và ngoài nước trong xây dựng, phát triển và đánh giá chương trình.
Xây dựng chương trình đào tạo giáo viên theo quan điểm mới chính là một cuộc cách mạng nhận thức trong giáo dục, đòi hỏi quyết tâm cao của cả hệ thống, sự hiểu biết của cả đội ngũ và đặc biệt là sự tham gia tích cực của các chuyên gia giáo dục ở trường đại học và giáo viên phổ thông.
Đầu tư lớn hơn cho các cơ sở đào tạo giáo viên
Nhấn mạnh điều này, PGS.TS Phạm Hồng Quang cũng đặt vấn đề rà soát lại năng lực giảng viên để bồi dưỡng, trọng tâm là các năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học giáo dục.
Trường ĐH SP Thái Nguyên đặt mục tiêu bồi dưỡng giảng viên 100% ở nước ngoài ít nhất 5 năm/lần; yêu cầu tất cả giảng viên phải tham gia đổi mới giáo dục phổ thông theo yêu cầu của chương trình mới; xây dựng chương trình cử nhân sư phạm chất lượng cao đạt chuẩn quốc tế với mục tiêu đào tạo giảng viên sư phạm cho cả nước.
"Với chức năng của người trí thức - chức năng sáng tạo, chức năng phản biện và chức năng giáo dục, giảng viên sư phạm có vị trí tầm quan trọng đặc biệt trong sự nghiệp đổi mới giáo dục của đất nước.
Vì thế, đội ngũ này cần phải được tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của thời đại, được quan tâm đặc biệt trong đào tạo và bồi dưỡng để hoàn thành nhiệm vụ của mình" - Hiệu trưởng Trường ĐH SP Thái Nguyên lưu ý.