6 bước phát triển chương trình đào tạo giáo viên theo hướng phát triển năng lực

GD&TĐ - Phát triển chương trình theo định hướng phát triển năng lực người học là một hướng tiếp cận mới, một giải pháp quan trọng góp phần thực hiện nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

6 bước phát triển chương trình đào tạo giáo viên theo hướng phát triển năng lực

TS Nguyễn Thị Nhị (Trường ĐH Vinh) cho rằng, công việc phát triển chương trình đào tạo cần được thực hiện thường xuyên, liên tục nhằm tạo ra những chương trình mới được cập nhật, đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của xã hội.

Qua nghiên cứu việc phát triển chương trình đào tạo của các nước trên thế giới cũng như ở Việt nam, theo tiến sĩ Nguyễn Thị Nhị, phát triển chương trình đào tạo giáo viên theo hướng tiếp cận năng lực người học tựu chung lại cần có 6 bước.

Bước 1: Khảo sát, đánh giá thực tiễn xã hội hiện tại, trong tương lai, đinh hướng, chiến lược phát triển, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và sắp tới.

TS Nguyễn Thị Nhị phân tích: Phát triển chương trình theo hướng tiếp cận năng lực người học đòi hỏi quá trình điều tra, phân tích và xử lý các thông tin từ nhiều phía, trong đó cần phải xác định được nhu cầu xã hội, yêu cầu cơ bản của chương trình - sách giáo khoa mới sau năm 2015: Hình thành năng lực cho học sinh, chương trình tích hợp, tăng các hoạt động,...

Ngoài ra, cũng cần phân tích đánh giá thực trạng về chương trình giáo dục phổ thông hiện tại về ưu điêm, hạn chế, nguyên nhân. Bên cạnh đó, nhấn mạnh đến nhu cầu thực tế của người sử dụng lao động trên cơ sở dự báo những thay đổi và yêu cầu mới.

Bước 2: Mô tả chân dung của sinh viên sau khi tốt nghiệp chương trình (phẩm chất, năng lực,... người học sau khi tốt nghiệp). Bước này, theo TS Nguyễn Thị Nhị, còn gọi là xây dựng hồ sơ năng lực của sinh viên sau khi tốt nghiệp chương trình đào tạo tương ứng.

Để thực hiện bước này, cần căn cứ vào hệ thống năng lực phẩm chất người giáo viên được xác định trong các văn bản nghị quyết của Đảng, Luật giáo dục, quy định về chuẩn nghề nghiệp của giáo viên ...;

Tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế, truyền thống giáo dục của Ngành; những yếu tố giúp cựu sinh viên thành đạt. Việc mô tả năng lực của người học cần dùng các từ mô tả có thể quan sát được.

Bước 3: Xác định chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo giáo viên

Xác định chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo giáo viên cũng có nghĩa là xác định đích hướng tới của quá trình giáo dục - đào tạo nhằm hình thành, phát triển nhân cách, năng lực chung, năng lực chuyên biệt của người học. 

Dựa vào hồ sơ năng lực của sinh viên sau khi tốt nghiệp, mục tiêu chung của ngành học, xác định chuẩn đầu ra cho chương trình đào tạo.

Một bộ chuẩn đầu ra cần có câu trúc 4 câp độ:

Cấp độ 1: Lĩnh vực cần đánh giá (hay thực hiện). Ở chương trình đào tạo giáo viên thì các lĩnh vực này bao gồm: Kiến thức, kĩ năng cứng, kĩ năng mềm, thái độ.

Cấp độ 2: Tiêu chí (các nội dung cụ thể của một lĩnh vực cần đánh giá/thực hiện)

Cấp độ 3: Chỉ báo (chỉ các dấu hiệu định tính hay định lượng cần thực hiện)

Cấp độ 4: Minh chứng cho việc đạt được chỉ báo đó.

Chuẩn đầu ra của mỗi ngành là khác nhau. Chuẩn đầu ra sẽ là điểm khác biệt mà nhà trường xây dựng cho chính thương hiệu của mỗi ngành, của nhà trường qua năng lực làm việc của sinh viên.

Đó vừa là mục tiêu vừa là động lực để các trường cải tiến hoạt động đào tạo của mình theo định hướng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động.

Bước 4: Nghiên cứu chương trình đào tạo giáo viên hiện hành và phát triển thành chương trình đào tạo mới

Thiết kế chương trình đào tạo bao gồm thiết kế chương trình khung (dựa trên chuẩn đầu ra của chương trình); kế hoạch đào tạo, các yêu cầu và điều kiện bảo đảm nhằm thực hiện chương trình; đề cương chi tiết các học phần (đã được mô đun hóa đến từng tín chỉ).

Ở bước này, phải rà soát lại chương trình hiện hành, với mỗi học phần cần trả lời câu hỏi: Học phần này giúp hình thành năng lực gì cho sinh viên? (chỉ rõ được nội dung chương, mục và đối chiếu với chuẩn đầu ra của chương trình).

Tất cả đề cương học phần cần được đưa ra xem xét lại để lựa chọn, hoặc tái cấu trúc các nội dung từ nhiều đề cương các học phần khác để được một học phần mới có tính tích hợp đối chiếu được với chuẩn đầu ra chương trình.

Chương trình mới theo hướng tiếp cận năng lực người học, do đó chương trình phải thiết kế theo hướng tích hợp. Chỉ có chương trình giáo dục tích hợp mới có thể hình thành năng lực cho người học (học vấn tổng hợp, năng lực giải quyết vấn đề...).

Bước 5: Thực thi chương trình đào tạo: Đưa chương trình đào tạo vào thử nghiệm

Bước 6: Đánh giá chương trình đào tạo. Đánh giá chương trình đào tạo cần thông qua việc lấy ý kiến rộng rãi các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục, đội ngũ giảng viên, sinh viên, người sử dụng lao động,...

TS Nhị nhấn mạnh: Chương trình đào tạo đóng vai trò rất quan trọng trong đảm bảo chất lượng. Việc phát triển chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực người học là vô cùng cần thiết.

Để có được chương trình đào tạo có chất lượng, cần xuất phát từ cách tiếp cận năng lực kết hợp với nhu cầu của người sử dụng lao động, của xã hội. Công tác phát triển chương trình đào tạo phải là công việc được các trường đại học quan tâm đầu tư hơn nữa.

Chương trình đào tạo nói chung, đào tạo giáo viên nói riêng cần phải thường xuyên được cập nhật, nhằm đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Khi thực hiện phát triển chương trình đào tạo nói chung, đào tạo cử nhân sư phạm nói riêng, phải lưu ý đảm bảo độ mềm dẻo cao.

Tính mềm dẻo này thể hiện ở chỗ người quản lý thực thi chương trình cũng như người dạy có quyền được chủ động đề xuất điều chỉnh chương trình trong phạm vi nhất định cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể nhằm đạt được mục tiêu đề ra.

Ngoài ra, tính mềm dẻo còn được hiểu là tạo cơ hội cho người học lựa chọn các môn học cho phù hợp với định hướng nghề nghiệp, năng lực và sở thích của bản thân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ