Đổi mới chương trình đào tạo giáo viên gắn với giáo dục nghề nghiệp

GD&TĐ - Chia sẻ quan điểm cá nhân, thạc sĩ Huỳnh Thị Kim Tuyến - Trường CĐ Bến Tre - cho rằng: Nên thiết kế chương trình đào tạo giáo viên theo hướng giảm số học phần và thời lượng khối kiến thức giáo dục đại cương, tăng kiến thức giáo dục chuyên nghiệp gắn với thực hành nghề nghiệp, đặc biệt trong đối tượng giáo viên THCS.

Đổi mới chương trình đào tạo giáo viên gắn với giáo dục nghề nghiệp

Cắt giảm một số học phần giáo dục kiến thức đại cương

Đưa ra đề xuất này, theo thạc sĩ Huỳnh Thị Kim Tuyến, tùy theo từng ngành học, các trường nên qui định học khoảng ba trong số năm học phần như qui định trước đây. 

Trong đó có các học phần chủ đạo bắt buộc phải có trong chương trình. Đó là hai học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Các học phần còn lại có thể tùy từng ngành cụ thể để qui định thêm. Đề nghị những ngành đào tạo về khối khoa học xã hội có thể học thêm học phần “Triết học Mác - Lênin”, các ngành đào tạo về khoa học tự nhiên đưa vào chương trình học phần “Những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin”. Trình độ đào tạo sau đại học có thể cần thiết kiến thức học phần “Chủ nghĩa xã hội khoa học”...

Tăng thời lượng giáo dục gắn kết nghề nghiệp

Theo quan điểm truyền thống, chương trình đào tạo giáo viên chú trọng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ chuyên ngành, ít chú ý đến giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, học sinh THCS có thể không thể tiếp tục học văn hóa, vì vậy giáo viên cần được trang bị kiến thức giáo dục nghề nghiệp nhằm định hướng học sinh của mình chọn học nghề phù hợp năng lực bản thân.

Vì vậy, thạc sĩ Huỳnh Thị Kim Tuyến cho rằng, nên có một số học phần giáo dục nghề nghiệp để giúp giáo viên tự tin, năng động hơn, đáp ứng nhu cầu dạy chữ - dạy nghề - dạy người cho học sinh.

Tăng thời lượng thực tế tại doanh nghiệp

Thiết kế chương trình đào tạo giáo viên, bên cạnh các học phần đặc thù như kiến tập, thực tập sư phạm, thạc sĩ Huỳnh Thị Kim Tuyến đề xuất cần bổ sung học phần thực tế tại các doanh nghiệp, phù hợp chuyên ngành, tạo điều kiện cho sinh viên có kinh nghiệm thực tiễn trong lồng ghép giáo dục nghề nghiệp sau này cho học sinh của mình.

Thạc sĩ Huỳnh Thị Kim Tuyến nhấn mạnh: Để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường sư phạm phải chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục phổ thông trong xây dựng, thiết kế chương trình đào tạo giáo viên phù hợp với ngành, địa phương.

Đồng thời, có cơ chế để tổ chức, cá nhân người sử dụng lao động tham gia xây dựng , điều chỉnh, thực hiện chương trình đào tạo và đánh giá năng lực người học.

Về phía Bộ GD&ĐT, thạc sĩ Tuyến kiến nghị: Nghiên cứu, thiết kế chương trình khung cần lưu ý khắc phục tình trạng “bình mới, rượu cũ”, tạo sự mới lạ, hấp dẫn, tạo hứng thú nơi người học. Xây dựng chương trình nên sáng tạo, lựa chọn tối ưu nhất trên mọi phương diện, cân đối về nội dung, chọn lựa hình thức, phân bổ thời lượng phù hợp, ...

Về phía doanh nghiệp, nên tạo điều kiện thuận lợi, có sự liên kết hữu cơ, mật thiết với các trường phổ thông trong định hướng tuyển chọn nhân lực phù hợp, theo hướng đôi bên cùng có lợi.

"Đổi mới chương trình đào tạo giáo viên là tất yếu. Tuy nhiên, nội dung đổi mới tùy theo từng thời điểm có sự khác biệt và được lựa chọn sao cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, khu vực và của Ngành.

Trong đó, cần cân nhắc khi thực hiện thay đổi các học phần thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương. Tất nhiên, đối với bất kỳ cuộc cách mạng nào cũng sẽ có sự tranh cãi, đấu tranh từng bước giữa cũ và mới.

Đổi mới hệ thống giáo dục phải theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức giáo dục, đào tạo, phù hợp cao nhất với nhu cầu người học theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 29" - Thạc sĩ Huỳnh Thị Kim Tuyến.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ