Thiết kế lại chương trình đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy học tích hợp

GD&TĐ - Đó là một trong những đề xuất của thạc sĩ Trần Thị Gái (Khoa Sinh học, Trường Đại học Vinh) nhằm đào tạo đội ngũ giáo viên dạy học tích hợp ở trường phổ thông trong bối cảnh mới.

Thiết kế lại chương trình đào tạo giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy học tích hợp

Thiết kế lại chương trình đào tạo giáo viên

Thạc sĩ Trần Thị Gái cho rằng, Các trường sư phạm nhanh chóng sắp xếp, thiết kế lại chương trình đào tạo giáo viên theo hướng tích hợp các môn học mới và phát triển chương trình rèn luyện nghiệp vụ sư phạm để đào tạo sinh viên có khả năng dạy tích hợp một số môn học cùng lĩnh vực.

Chương trình cử nhân đào tạo giáo viên dạy tích hợp là chương trình đào tạo 4 năm. Các khối kiến thức được phân thành:

Khối kiến thức chung: Được thiết kế cho tất cả các ngành, giống như khối kiến thức giáo dục đại học đại cương trong chương trình khung của Bộ GD&ĐT ban hành, bao gồm các kiến thức về Triết học, Kinh tế học, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam... Ngoài ra, các kiến thức chung có thể đưa vào khối này là Ngoại ngữ, Tin học...

Khối kiến thức cơ bản của chương trình: Sẽ được thiết kế riêng theo từng chương trình nhưng theo nguyên tắc cơ bản, cốt lõi, hiện đại nhằm cung cấp cho người học các kiến thức nền tảng để tiếp thu các kiến thức cơ sở trong chương trình.

Khối kiến thức cơ sở cốt lõi của chương trình: Sẽ được thiết kế riêng theo từng chương trình cũng tuân theo nguyên tắc cơ bản, cốt lõi, hiện đại nhằm cung cấp cho người học các kiến thức cơ sở của các khoa học cùng lĩnh vực, để có cơ sở khoa học hoạt động giảng dạy và phát triển chuyên môn của mình sau này.

Khối kiến thức nghiệp vụ sư phạm: Thông thường bao gồm các môn: Tâm lý học, Giáo dục học, Phương pháp dạy và học, Đo lường đánh giá trong giáo dục, các môn Phương pháp dạy bộ môn, Kiến tập và Thực hành sư phạm ... đều được thiết kế theo đặc thù riêng cho mỗi chương trình.

Trong đó, các môn học được modul hoá thành các học phần để có thể dùng chung cho nhiều chương trình và dễ dàng tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ. 

Môn học nào khó tự học thì cho nhiều giờ, môn nào tự học được thì bố trí ít giờ, không lấy phân bố giờ theo khối lượng kiến thức của môn học làm chính. Thiết kế kiến thức rộng, cốt lõi, sâu vừa đủ để có tiềm năng tự học, tự phát triển.

Chú trọng hình thành và phát triển năng lực cho sinh viên sư phạm

Hướng tiêp cận của chương trình giáo dục đổi mới chuyển từ mục tiêu kiên thức sang mục tiêu phát triển năng lực người học.

Bởi vậy, thạc sĩ Trần Thị Gái cho rằng, bên cạnh kiên thức chuyên môn và xã hội, sinh viên sư phạm cần được hình thành và phát triển các năng lực: Năng lực tự học, tự nghiên cứu; năng lực thiết kế các giáo án tích hợp; năng lực tổ chức các hoạt động dạy học; năng lực giải quyết vấn đề một cách chủ động, sáng tạo; năng lực hợp tác...

Bộ môn Rèn luyện nghiệp vụ sư phạm trong thời điểm này có ưu thế năng động trong việc rèn luyện và phát triển năng lực sư phạm cho sinh viên.

Đổi mới đồng bộ nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá

Góp ý tiếp theo của thạc sĩ Trần Thị Gái là đa dạng hóa hình thức tổ chức dạy học đối với sinh viên sư phạm, tăng tính thực tế, thực hành.

Kiểm tra, đánh giá chú trọng đến cả kết quả và quá trình, kết hợp nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá như quan sát, vấn đáp, bài viết kiểm tra, bài luận, hồ sơ học tập.

Bồi dưỡng đội ngũ giảng viên

Song song với việc phát triển chương trình đào tạo thì việc bồi dưỡng giảng viên là rất quan trọng.

Lý giải điều này, theo thạc sĩ Trần Thị Gái, đây chính lực lượng tham gia thực hiện chương trình đào tạo của nhà trường. Bên cạnh việc mỗi cán bộ giảng viên không ngừng học tập, năng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhà trường nên tổ chức các buổi hội thảo, xemina nhằm nâng cao năng lực của giảng viên.

“Chương trình đào tạo giáo viên hiện hành chỉ nhằm đào tạo giáo viên dạy một môn, không có khả năng dạy tích hợp cho một số môn cùng lĩnh vực.

Mặt khác chương trình đào tạo giáo viên hiện hành chú trọng kiến thức và kỹ năng, chưa coi trọng đào tạo năng lực, làm giảm khả năng phát triên nhanh của giáo viên trong thực tiễn hoạt động dạy học.

Vì vậy việc phát triển chương trình đào tạo theo định hướng năng lực, hình thành năng lực dạy học tích hợp là một trong những vân đề mà các trường đại học sư phạm cần quan tâm” - thạc sĩ Trần Thị Gái nêu quan điểm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ TPHCM tìm việc làm tại ngày hội tuyển dụng của các doanh nghiệp Hàn Quốc, tháng 4/2024. Ảnh: HUTECH

Doanh nghiệp 'săn' sinh viên giỏi dịp hè

GD&TĐ - Các trường đại học liên tục tổ chức ngày hội tuyển dụng với hàng trăm doanh nghiệp, hàng nghìn vị trí việc làm hấp dẫn cho sinh viên trong dịp hè.