Những kết luận này được thạc sĩ Nguyễn Thị Nhâm (Khoa Địa lí, Trường ĐH Sư phạm - ĐH Thái Nguyên) đưa ra sau khi nghiên cứu việc đào tạo và sử dụng giáo viên ở nhiều nước phát triển.
Tuyển chọn sinh viên tốt nhất vào trường sư phạm
Thạc sĩ Nguyễn Thị Nhâm cho biết, các hệ thống giáo dục có thành tích tốt nhất đã thành công trong việc thu hút các giáo viên giỏi nhất.
Tại Phần Lan, mọi giáo viên mới phải có bằng thạc sĩ. Hàn Quốc tuyển dụng giáo viên tiểu học trong tốp 5% cử nhân giỏi nhất, Singapore và Hàn Quốc tuyên dụng trong tốp 30% giỏi nhất.
Singapore chọn lọc kỹ các sinh viên thi vào ngành sư phạm trước khi đào tạo họ và chỉ tiêu tuyển sinh tương đương với lượng giáo viên thếu trong Ngành. Ngay khi được tuyển chọn, sinh viên sẽ được Bộ Giáo dục thuê và gần như chắc chắn được bảo đảm có việc làm.
Viện Nghiên cứu giáo dục quốc gia Singapore (NIE) nhìn nhận việc tạo nguồn nhân lực giáo viên tốt nhất đã giúp tạo ra những “vụ mùa” học sinh chất lượng nhất.
Tại Singapore, NIE là đơn vị chịu trách nhiệm tuyển chọn và đào tạo đội ngũ giáo viên có chất lượng tốt nhất có thể cho toàn quốc. Lẽ dĩ nhiên, đầu vào là bước quan trọng trước tiên để tuyển lựa giáo viên nguồn.
Các ứng viên sẽ trải qua kỳ thi tuyển chọn giáo viên khắt khe với tỉ lệ chọi khoảng 1/10. Muốn được tuyển, họ phải đạt điểm thi cao nhất trong bài kiểm tra theo tiêu chuẩn Anh, sau đó phải vượt qua cuộc phỏng vấn tổng quát của ban tuyển sinh.
NIE sẽ chịu trách nhiệm cung ứng nhân sự giáo viên cho hệ thống các lớp từ 1-12. Còn một chương trình đào tạo hai năm tại các trường cao đẳng công nghệ sẽ tạo nguồn giáo viên cho các cấp học nhỏ hơn như mẫu giáo, mầm non.
Nhân tố quan trọng đem lại thành công cho các chương trình đào tạo giáo viên của NIE chính là sự hợp tác chặt chẽ “ba bên” giữa NIE, Bộ Giáo dục Singapore và các trường trong nước. Bộ ba này cùng đồng thuận quan điểm trong sứ mệnh cũng như tầm nhìn về việc đào tạo thế hệ “gõ đầu trẻ” có tư duy sáng tạo.
Ở Phần Lan để vào được trường sư phạm, thí sinh phải qua hai vòng thi. Vòng thứ nhất tuyển chọn dựa vào đơn ứng tuyển vào học và các văn bằng thí sinh có được. Sau đó, những thí sinh được chọn sẽ tham gia kỳ thi đầu vào.
Kỳ thi này bao gồm bài kiểm tra viết về kiến thức giáo dục và một cuộc phỏng vấn. Những thí sinh đạt điểm cao nhất sẽ được nhận vào học, chỉ có 10% thí sinh được trúng tuyển.
Chỉ tiêu sinh viên sư phạm bằng với nhu cầu giáo viên
Điều này được thạc sĩ Nguyễn Thị Nhâm dẫn chứng: Singapore chọn lọc kỹ các sinh viên thi vào ngành sư phạm trước khi đào tạo họ và chỉ tiêu tuyển sinh tương đương với lượng giáo viên thiếu trong ngành.
Phần Lan cũng hạn chế chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm, sao cho cung bằng cầu. Cả Phần Lan và Singapore là nơi mà nghề giáo được xã hội kính trọng, dạy học là một nghề cao quý nên tính chọn lọc cao.
Đức luôn đưa ra những kế hoạch dài hạn trong việc đào tạo giáo viên. Hạn chế đến mức tối đa việc thừa giáo viên. Họ đề ra tiêu chí tuyển sinh nghiêm ngặt để tuyển được những ứng viên giỏi nhất.
Ở những quốc gia mà sinh viên sư phạm nhiều hơn mức nhu cầu giáo viên sẽ khiến cho nghề sư phạm mất giá trị trong xã hội khi mà số sinh viên sư phạm thất nghiệp cao.
Bài học thành công trong đào tạo giáo viên
Thạc sĩ Nguyễn Thị Nhâm cho biết: Sau khi tuyển những sinh viên giỏi, xu hướng chung là “đẩy”sinh viên vào các lớp học và để họ tự xoay sở.
Điều dễ hiểu là, các sinh viên này hầu như không được đào tạo nhiều về công việc cụ thể mà sau này họ giảng dạy. Tuy nhiên, các nước thành công nhất vẫn có nhiều cách để thay đổi vấn đề này.
Singapore dành cho các giáo viên 100 giờ đào tạo mỗi năm và bổ nhiệm các giáo viên có thâm niên giám sát trình độ giáo viên tại mỗi trường.
Tại Nhật và Phần Lan, các nhóm giáo viên dự giờ lớp học của nhau và cùng nhau chuẩn bị các bài giảng. Ở Phần Lan, giáo viên mỗi tuần được nghỉ một buổi chiều để làm việc này.
Ở Boston, nơi có một trong các hệ thống trường công tốt nhất ở Mỹ, các trường lên kế hoạch để những giáo viên dạy cùng một môn có thời gian ngồi lại với nhau để xây dựng bài giảng. Biện pháp này góp phần tuyên truyền các ý tưởng hay.
Mô hình đào tạo giáo viên ở Hoa Kỳ có thời gian 4 hoặc 5 năm và thực hành giảng dạy ở chương trình đào tạo 5 năm được đánh giá là nhiều và tốt hơn. Mô hình đào tạo song song cho giáo viên phổ thông; mô hình đào tạo song song và cả nối tiếp cho giáo viên các trường dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp...
Khả năng chuyên môn của giáo viên được kiểm định qua 1 bài kiểm tra cụ thể hoặc học qua chương trình đào tạo được Ủy ban kiểm định chất lượng giáo viên duyệt.
Về hệ thống và mô hình đào tạo giáo viên ở CHLB Đức, theo TS Nguyễn Văn Cường (Trường ĐH Posdam, Bộ Giáo dục Văn hóa) chịu trách nhiệm về đội ngũ giáo viên, các trường và địa phương chịu trách nhiệm về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Giáo dục phổ thông do bang quyết định, trường đại học có tính tự chủ cao. Lương giáo viên của Đức đứng thứ 3 trên thế giới.
Cấu trúc của hệ thống giáo dục Đức được cho là phức tạp. Giáo dục phổ thông kéo dài 13 năm (xu hướng xuống 12 năm) và có sự phân hóa rõ rệt. Trong các trường THPT đã có đào tạo nghề nghiệp (nghĩa vụ bắt buộc: 9 năm ở trường phổ thông và 3 năm học nghề).
Ở Đức, do người học thích học nghề hơn học đại học nên tỷ lệ kỹ sư thấp (32 kỹ sư/1000 người). Giáo dục nghề nghiệp của Đức chủ yếu là các trường dạy nghề chuyên nghiệp, thời gian học ngắn, chỉ khoảng 1 năm theo mô hình song hành. Chất lượng đào tạo ở các trường này rất tốt, chủ yếu theo mô hình song hành.
Tại Đức, các bang đều có chuẩn đào tạo giáo viên. Chuẩn gồm 4 lĩnh vực năng lực là dạy học, giáo dục, đánh giá, đổi mới và phát triển.
Trước năm 2000, giáo viên Đức được đào tạo trong các trường ĐH Sư phạm nhưng sau năm 2000, giáo viên được đào tạo trong các trường đại học đa ngành và thực hiện theo tiêu chuẩn Châu Âu.
Đức áp dụng mô hình đào tạo song song cho giáo viên phổ thông; mô hình đào tạo nối tiếp cho giáo viên các trường dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp. về chương trình đào tạo, chương trình khung do bang xây dựng, trên cơ sở đó, các trường tự xây dựng chương trình đào tạo.
Chương trình đào tạo giáo viên phổ thông của Đức rõ ràng, cụ thể cho cả 2 cấp trình độ và cử nhân và thạc sĩ, trong đó cử nhân 6 - 8 học kỳ, thạc sĩ 2 - 4 học kỳ.
Ở Đức, giáo viên tập sự là giai đoạn 2 của đào tạo giáo viên sau giai đoạn đào tạo đại học. Bồi dưỡng giáo viên do các bang và trường thực hiện với nhiều chương trình, nhiều cấp độ bồi dưỡng đa dạng, có hệ thống tư vấn hỗ trợ, có mạng bồi dưỡng trên internet.
Giáo viên được trả lương rất cao
Không thể có được những giáo viên tốt nhất mà không trả họ lương cao. Thạc sĩ Nguyễn Thị Nhâm dẫn chứng: Singapore mức lương bình quân của giáo viên: 45.755 USD/năm (hơn 910 triệu đồng), mức lương bình quân của giáo viên Mỹ là 44.917 USD/năm (khoảng 900 triệu đồng), mức lương bình quân của giáo viên Hàn Quốc là 43.874 USD/năm (khoảng 877 triệu đồng), mức lương bình quân của giáo viên Hà Lan: 37.218 USD/năm (khoảng 744 triệu đồng).
Ở các nước có chất lượng giáo dục hàng đầu, giáo viên luôn có những chính sách ưu đãi đặc biệt và họ được trả mức lương rất cao xứng đáng với công sức họ bỏ ra .
Tổng thống Mĩ Obama hứa tền cho hệ thống khen thưởng giáo viên sẽ có trong ngân sách của Chính phủ . Các bang ở Mĩ bắt đầu thực hiện chính sách tiền thưởng cho giáo viên giỏi.
Một số nước như Anh, Malasia thực hiện chính sách thưởng và trả lương để giáo viên trở thành giáo viên xuất sắc thay cho việc biến giáo viên xuất sắc thành những nhà quản lí.
Luôn biết xử lý khi gặp vấn đề về chất lượng giáo dục
Thạc sĩ Nguyễn Thị Nhâm cho rằng, các quốc gia thành công nhất đặc biệt ở chỗ không những đã tuyển các giáo viên đảm bảo chất lượng giảng dạy cao nhất mà còn luôn biết xử lý khi chất lượng giáo dục có chuyện.
Trong vài năm qua, hầu hết các nước đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới hình thức kiểm tra - cách phổ biến nhất để kiểm tra chuẩn kiến thức của học sinh.
Các trường ở New Zealand và Anh cũng như xứ Wales cứ 3-4 năm kiểm tra sinh viên một lần và các kết quả kiểm tra được công bố rộng rãi.
Trong khi đó, Phần Lan, nơi hệ thống giáo dục có thành tích vào loại tốt nhất thế giới, không có hệ thống đánh giá chính thức và giữ bí mật kết quả kiểm tra không chính thức.
Thế nhưng các nước đều có cách khi học sinh và các trường bắt đầu có biểu hiện học kém. Các nước có thành tích giáo dục hàng đầu can thiệp sớm và thường xuyên.
Phần Lan có nhiều giáo viên đặc biệt (chuyên dạy cho các học sinh chậm tiến) hơn mọi nước khác với tỷ lệ cứ 7 giáo viên thì có một giáo viên loại này. Hàng năm có khoảng 1/3 học sinh được tham dự các giờ học thêm trong đó chỉ có một học sinh một giáo viên.
Singapore tổ chức các lớp học thêm cho 20% học sinh kém nhất và giáo viên ở lại vài giờ một buổi sau giờ lên lớp để giúp các học sinh này.
Giáo dục nhân cách, kỹ năng sống cho sinh viên sư phạm
Về vấn đề này, theo thạc sĩ Nguyễn Thị Nhâm nhắc đến Nhật Bản. Nhật Bản trở thành một nước có nền giáo dục tiên tiến là nhờ thực hiện tiêu chí “con người = đạo đức”, đề cao tính tự lập và tinh thần kỷ luật.
Chính vì vậy khi đào tạo giáo viên họ có những yêu cầu khắt khe và có những môn học chuyên giảng dạy về các kỹ năng sư phạm.
Cuối khóa học sinh viên sư phạm sẽ có chương trình chứng nhận giáo viên, chương trình đánh giá tổng quát kiến thức chung, kiến thức chuyên môn và kĩ năng sư phạm. Sinh viên đạt chuẩn sẽ được cấp bằng.