Như vậy sẽ đơn giản hơn nhiều trong việc ra đề, in sao đề thi và coi thi, tránh được sự nhầm lẫn có thể xảy ra trong nhiều khâu” - ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định - đã có những nhận định như vậy về thành công của Kỳ thi THPT quốc gia năm nay.
Hai yếu tố làm nên thành công của kỳ thi
Theo ông Cao Xuân Hùng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Nam Định, kỳ thi năm nay đến thời điểm này được coi là thành công rực rỡ, đây là điều rất đáng mừng vì năm nay kỳ thi có nhiều điểm mới, theo đó Nam Định và các địa phương khác trên cả nước chuẩn bị công tác tổ chức thi, in sao đề thi, coi thi đến thời điểm này là thành công tốt đẹp; Những việc đang tiến hành hiện nay là khẩn trương bắt tay vào công tác chấm thi để kịp thời công bố điểm và xét công nhận tốt nghiệp theo kịp tiến độ đề ra.
Theo ông Cao Xuân Hùng: Nhìn chung năm nay hầu như không có học sinh vi phạm quy chế thi, rất ít em vi phạm, không có phao thi xuất hiện tại trường thi sau mỗi buổi thi. Công tác an ninh đảm bảo kỳ thi được thuận lợi, không có hiện tượng gà bài, ném bài vào phòng thi.
“Tôi cho rằng có hai lý do dẫn đến việc kỳ thi êm ả như năm nay. Thứ nhất đó là công tác tổ chức thi, địa phương và các trường đại học vừa phối hợp, hỗ trợ, giám sát nhau trong tổ chức coi thi, thực hiện nghiêm túc kỳ thi theo quy chế thi; Thứ hai là hệ thống đề các bài thi, công tác đề thi là một công tác khó, phức tạp nhưng đã đảm bảo được tính khách quan rất cao của kỳ thi.
Kỳ thi năm nay đã đảm bảo được tính nghiêm túc rất cao, thể hiện ở việc do tính chất của kỳ thi, bản thân học sinh cũng không muốn có thái độ sai trong trường thi vì kỳ thi bao gồm tính cạnh tranh rất cao của cả kỳ thi ĐH; Tiếp đó là thí sinh không có thái độ sai vì kỷ luật trường thi được giữ nghiêm; Cuối cùng là thí sinh không thể làm sai vì đề thi là các mã đề khác nhau nên không chép được bài của nhau trong phòng thi.
Hơn thế nữa là đề thi cho cả mục đích xét tuyển ĐH nên học sinh nào cũng phải tranh thủ từng phút làm bài của mình để hoàn thành bài thi, không thể giúp thí sinh khác hoàn thành bài thi được. Như vậy kỳ thi đã đảm bảo tính nghiêm túc rất cao”.
Về định hướng tổ chức kỳ thi những năm tới đây, ông Cao Xuân Hùng khẳng định: Lộ trình đổi mới kỳ thi của Bộ GD&ĐT ngày càng hướng đến kỳ thi minh bạch, khách quan, đánh giá đúng năng lực học tập của học sinh và công tác dạy và học của các địa phương. Đương nhiên là học tập phải có thi cử để tạo động lực cho học sinh phấn đấu, nếu bỏ thi cử thì không có gì để đánh giá chất lượng.
Qua kỳ thi, Bộ đánh giá được năng lực học tập của các em và chất lượng giảng dạy của các địa phương ở các vùng miền cả nước. Chính vì vậy vẫn cần có kỳ thi THPT mang tính quốc gia như là một sự cần thiết để tạo động lực cho học sinh phấn đấu học tập trong suốt những năm học phổ thông.
“Kỳ thi THPT quốc gia mấy năm nay được cải tiến tốt như vậy từ đề thi cho đến cách thức tổ chức thi, đánh giá công bằng khách quan, đáp ứng mục tiêu đánh giá kết quả học tập của học sinh. Những năm tới, kỳ thi nên hướng đến thi theo bài tổng hợp chứ không phải ba bài thành phần trong một buổi thi như năm nay. Như vậy sẽ đơn giản hơn nhiều trong việc ra đề, in sao đề thi và coi thi, tránh được sự nhầm lẫn có thể xảy ra trong nhiều khâu. Nam Định đã tổ chức thành công hai năm nay thi vào lớp 10 THPT theo cách này. Theo đó, học sinh thi hai bài thi tổng hợp của lĩnh vực KHXH, KHTN và bài thi Ngoại ngữ” - ông Cao Xuân Hùng nêu rõ.
Khoa học và hiệu quả hơn
Theo đánh giá của nhà báo Minh Hường (Báo Điện tử VOV), trong những ngày diễn ra Kỳ thi THPT quốc gia 2017, điều dễ nhận thấy là thí sinh dự thi với tâm lý thoải mái, tự tin hơn vì các em đi thi giống như đi học hàng ngày. Phía ngoài điểm thi cũng không còn cảnh phụ huynh “vật vờ” “đội nắng đội mưa” mong ngóng, chờ đợi, hoặc lỉnh kỉnh đồ đạc chờ con như những kỳ thi trước.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ và TPHCM trong những ngày thi đã không còn tái diễn cảnh bến xe quá tải, nhà trọ đắt đỏ, chật chội hay ùn tắc giao thông.
Để đạt được điều đó là do năm nay Bộ GD&ĐT giao cho các địa phương chủ trì tổ chức cụm thi THPT quốc gia. Các điểm thi đều được Sở GD&ĐT địa phương đặt tại các trường hoặc liên trường THPT ở các quận, huyện tùy theo điều kiện thực tế. Với hơn 2.300 điểm thi được bố trí rải đều ở các quận, huyện, thị xã nên thí sinh đến điểm thi rất thuận lợi, không gặp khó khăn gì trong việc đi lại, nghỉ ngơi trong các ngày thi.
Gia đình thí sinh cũng không phải chuẩn bị kinh phí để đưa các em đi thi, vừa tốn kém, vừa mệt mỏi mà dành nhiều thời gian để chăm lo sức khỏe cho con trong những ngày thi.
Một điểm đổi mới trong kỳ thi này là việc tổ chức các môn thi thành 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, đã rút ngắn thời gian thi xuống còn 2 ngày rưỡi thay vì 4 ngày như những năm trước, giảm tốn kém cho thí sinh và xã hội.
Các môn đều thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan (trừ môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận) chính là phương thức hiệu quả để ngăn chặn tình trạng quay cóp, gian lận và tiêu cực khác trong phòng thi. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, kỳ thi năm nay chỉ có 72 thí sinh bị đình chỉ thi, trong khi năm 2016 có trên 300 thí sinh bị đình chỉ thi. Đó là một trong những điểm tích cực rất đáng ghi nhận của kỳ thi năm nay.
“Theo đánh giá chung, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã đạt được mục tiêu của ngành GD&ĐT, của thí sinh và của cả xã hội đó là giảm nhẹ áp lực thi cử, giảm tốn kém nhưng tăng tính khách quan, công bằng. Đây là kỳ thi nhẹ nhàng, êm ả nhất trong nhiều năm qua” - nhà báo Minh Hường cho biết.
Theo ghi nhận của báo GD&TĐ, kết thúc Kỳ thi THPT quốc gia 2017, hầu hết các thí sinh cũng như phụ huynh có con đi thi đều cho rằng với hình thức thi tại chỗ “học sinh trường nào thi tại trường đó” như năm nay thuận lợi cho thí sinh cũng như gia đình, đồng thời giảm các áp lực và sự tốn kém cho xã hội.
Anh Nguyễn Trung Quân, trú tại Đống Đa (Hà Nội) cho biết, trước đây mỗi đợt thi tuyển sinh ĐH, CĐ, gia đình anh đều đón người nhà ở quê xuống trọ để đi thi, rất vất vả và tốn kém, tăng thêm tâm lý căng thẳng không cần thiết cho thí sinh. Năm nay, con đầu anh cũng đi thi THPT quốc gia, mọi việc trong nhà vẫn bình thường như những ngày cháu đi học, có khác là dạy sớm hơn mọi hôm chừng 30 phút. Gia đình không căng thẳng tốn kém, cháu dự thi với tâm lý nhẹ nhàng thoải mái. Từ những điểm tích cực đó, anh Quân cho rằng việc đổi mới hình thức thi như thế này cần được Bộ GD&ĐT tiếp tục duy trì và phát huy.