Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã được tổ chức vào các ngày 22, 23, 24 tháng 6/2017 theo đúng phương án thi Bộ GD&ĐT đã công bố tháng 9/2016. Kỳ thi có 865.866 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 2.364 điểm thi với 36.809 phòng thi.
Mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức một cụm thi duy nhất, không phân biệt cụm thi cho thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT và cụm thi để xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Các điểm thi được tổ chức tại các trường và liên trường phổ thông của tỉnh.
Đây là lần đầu tiên các Sở GD&ĐT chủ trì, chịu trách nhiệm chính trong tất cả các khâu tổ chức kỳ thi với hai mục đích. Mặc dù thí sinh được thi tại địa phương nhưng những thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh tự do cũng cần sự giúp đỡ...
Thể hiện đồng tình với cách tổ chức thi như trên, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu cho rằng, học sinh không phải đi quá xa, không phải quá vất vả; kỳ thi trở nên nhẹ nhàng, giảm áp lực, tốn kém đối với thí sinh và xã hội, đạt được mục tiêu và yêu cầu đổi mới công tác thi/tuyển sinh theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
"Cách tổ chức cụm thi như thế này, không chỉ tạo điều kiện cho học sinh không phải đi quá xa. Trong những ngày diễn ra kỳ thi THPT quốc gia 2017, đường phố, giao thông ở Hà Nội vẫn “ổn”, không như mọi năm, cảnh các phụ huynh vật vả, mỏi mệt trước cổng trường cũng ít hơn. Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như vừa rồi là một cố gắng rất lớn của Bộ GD&ĐT, chúng ta cần ghi nhận" – GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu nêu quan điểm.
Cũng theo GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, kỳ thi tổ chức với 2 mục đích là dùng kết quả để xét công nhận tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng là đã giảm rất nhiều áp lực và đỡ tốn kém. Ngoài ra, kỳ thi này còn có ý nghĩa phân luồng rất tốt. Học sinh sau tốt nghiệp THPT có nhiều ngã rẽ, hoặc vào đại học, hoặc đi học nghề... tùy theo khả năng của mình.
Với 2 cách để kiểm soát sự nghiêm túc trong kỳ thi năm nay là sự tham gia của cán bộ, giảng viên trường ĐH về làm công tác thi tại địa phương; mỗi thí sinh trong phòng thi có 1 mã đề khác nhau, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu cho rằng để có được sự nghiêm túc, quy định như vậy, là ổn.
“Nếu Bộ GD&ĐT đi tiên phong, có được giải pháp làm cho cấp dưới phải thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Bộ thì chắc sẽ được xã hội rất hoan nghênh! Tôi nghĩ, nếu quyết tâm, chắc Bộ GD&ĐT sẽ làm được” - GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu nhận định.
Liên quan đến hình thức trắc nghiệm với tất cả các môn, trừ môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu cho rằng: Với yêu cầu, mục đích của kỳ thi THPT thì việc thi theo hình thức trắc nghiệm (trừ môn ngữ văn) và lại có các câu để phân hóa trình độ học sinh là phù hợp. Tôi không tham gia và không tìm hiểu kỹ về các đề thi nên không thể có ý kiến cụ thể; tuy nhiên việc chuẩn bị ngân hàng đề thi đủ lớn để mỗi thí sinh trong phòng thi có đề riêng là rất đáng ghi nhận công lao của những thầy cô đã chuẩn bị tổ hợp câu hỏi cho mỗi đề thi (mặc dù đây không phải là lần đầu ở nước ta). Việc còn có một số thiếu sót như như đã nêu trên báo chí, theo tôi cũng khó tránh khỏi.
Năm nay, thời gian thi cũng được rút ngắn xuống còn 2,5 ngày, theo GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu, thời gian thi rút ngắn, nhất là trong những ngày nóng bức, ai cũng thấy mừng cho các thí sinh và cho xã hội
“Thời gian là cái qúy nhất mà nếu mất đi thì không thể tìm lại được”, vì thế, nếu Bộ GD&ĐT thấy 2 ngày rưỡi vẫn đạt mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia thì rất đáng hoan nghênh, chứng tỏ đã nâng cao được đáng kể hiệu quả sử dụng thời gian, giảm được công sức, tiền bạc cho hàng vạn người, rất đáng được ghi nhận” - khẳng định của GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu
Dẫn lời Nghị quyết 29: “Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học”, nữ giáo sư khẳng định đồng tình với Nghị quyết này.
"Bước đầu, kỳ thi THPT quốc gia vừa rồi đã đi đúng hướng đã nêu trong Nghị quyết. Tôi ủng hộ hướng đổi mới của Bộ GD&ĐT như là đổi mới về thi cử trong thời gian vừa qua. Tiếp tục cách làm như vậy, tôi chắc chắn, những năm sau, Bộ GD&ĐT sẽ còn làm tốt hơn nữa" - GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu nhận định.
GS.TSKH Phạm Thị Trân Châu