VNEN và yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT

GD&TĐ - Sau 2 năm học triển khai thực hiện tại bậc Tiểu học với những thành công bước đầu, được xã hội ghi nhận, Bộ GD&ĐT đã quyết định tiếp tục triển khai thí điểm Mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) lớp 6. 

VNEN và yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT

Tại Lễ Tổng kết đợt tập huấn triển khai thí điểm Mô hình VNEN lớp 6 (Hà Nội) vừa qua, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có bài phát biểu quan trọng về Mô hình VNEN với việc đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.

Đổi mới toàn diện là đổi mới tất cả những gì liên quan đến GD, từ trong nhà trường đến ngoài nhà trường, từ Mầm non đến ĐH; từ CSVC đến đội ngũ giáo viên; từ phương pháp dạy học đến nội dung dạy học, kiểm tra đánh giá; từ hệ thống GD đến mục tiêu… Tuy nhiên, không thể cùng một lúc đổi mới toàn bộ các yếu tố này, mà phải đổi mới từng bộ phận, từng phần, phải có các bước đi, có giải pháp, có lộ trình phù hợp với từng giai đoạn, từng địa phương, đảm bảo tính khả thi.

Coi trọng sự khác biệt, hướng tới phát triển hài hòa

“Để triển khai Mô hình VNEN, đừng chờ đợi đầy đủ mọi điều kiện. Thực tế, đôi khi chúng ta phải “kiễng chân”, bởi kinh tế xã hội Việt Nam còn ở mức thấp, nên để “đi nhanh”, cần có những bước đi phù hợp, giải pháp phù hợp, tận dụng kinh nghiệm của người đi trước để tránh sai lầm. 

Bậc Tiểu học đã phát triển Mô hình VNEN khá thành công, bậc Trung học cần tận dụng các kinh nghiệm từ Tiểu học. 

Như vậy, cần xác định khó khăn, nhưng khi đã đi đúng hướng thì phải chấp nhận khó khăn để đương đầu, giải quyết, vượt qua khó khăn thì mới thành công, mới tiến vững chắc được. Nếu thấy khó khăn mà dừng lại, hay ngồi chờ hết khó khăn mà không khắc phục, nghĩa là đã thụt lùi”.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển

Trong các yêu cầu đổi mới, hàng đầu là đổi mới quan niệm, nhận thức về mục tiêu của hệ thống GD.

Trước đây, mục tiêu GD là kiến thức, kỹ năng, thái độ. Hệ thống GD coi trọng trang bị kiến thức, kỹ năng cho người học; thì bây giờ phải đổi mới, không chỉ kiến thức kỹ năng mà quan trọng hơn là phẩm chất, năng lực. Có người vẫn hiểu theo cách cũ, lấy kiến thức, kỹ năng, thái độ để giải thích cho năng lực mới; sử dụng kinh nghiệm cũ để giải thích cho cái mới, như vậy là không đúng.

Kiến thức, kỹ năng, thái độ đều quan trọng, nhưng không đủ. Ví dụ, nếu không có động cơ đúng thì việc chiếm lĩnh kiến thức khoa học vẫn có thể được áp dụng vào những điều không tốt. Thái độ đúng chưa đủ, vì có thể chỉ phấn đấu đạt mức độ trung bình, làm thui chột sáng tạo, không có hiệu quả.

Như vậy, điều đầu tiên phải chuyển từ nền GD nặng về trang bị kiến thức kỹ năng sang phát triển phẩm chất và năng lực người học. Lâu nay vẫn nói là GD toàn diện, phát triển toàn diện; nhưng thực tế dù GD có toàn diện thì con người vẫn không phát triển toàn diện được, vì mỗi người có năng lực, khả năng khác nhau; chỉ cần phát triển hài hòa trí thể mỹ, trên cơ sở nền GD chung, mỗi người được phát huy trí tuệ riêng, khả năng, tiềm năng riêng biệt của mình. Điều này rất quan trọng và được phản ánh trong Mô hình VNEN, bởi mô hình này chấp nhận tốc độ học tập khác nhau của HS, coi trọng sự khác biệt của các em; mỗi em có khả năng riêng, không thể yêu cầu đồng đều như nhau được.

Nói như vậy cũng không có nghĩa là để cho em giỏi càng giỏi, yếu càng yếu, mà phải chấp nhận sự khác biệt về tốc độ học, bên cạnh đó vẫn phát huy cao nhất tiềm năng của mỗi người. Trong tự học, trong phương pháp học, phải chú ý đến từng HS một. Điều này sẽ liên quan đến vấn đề kiểm tra đánh giá. Đó là đổi mới căn bản đầu tiên trong GD.

Nhà trường phải là một thể thống nhất các yếu tố hài hòa

Yêu cầu thứ hai về đổi mới căn bản là chuyển từ hệ thống GD kín sang hệ thống GD mở, xây dựng xã hội học tập, tạo cơ chế học tập suốt đời. Đổi mới này cũng được thể hiện trong Mô hình VNEN.

Một hệ thống GD mở cần có sự kết hợp của gia đình, nhà trường, xã hội. Trước đây ta đã nói vậy, nhưng thực tế vẫn là “trăm sự nhờ thầy”, thầy không cần để ý đến môi trường, hoàn cảnh gia đình HS. Nhà trường như vậy giờ đây không còn phù hợp. 

Mọi yếu tố trong nhà trường đều cần gắn bó, phù hợp với địa phương, với gia đình HS. Như vậy không thể đưa những lý do như hoàn cảnh CSVC còn thiếu thốn, cha mẹ HS vùng dân tộc miền núi chưa biết chữ… mà phải biết thích ứng với hoàn cảnh đó, biết vận dụng phù hợp hoàn cảnh để làm GD tốt. Một xã hội học tập, một cơ chế học tập suốt đời cần phải gắn bó với thực tế.

Với việc triển khai Mô hình VNEN ở lớp 6, năm nay mới là thử nghiệm, sẽ phải rút kinh nghiệm, rà soát để năm sau thành công hơn. Năm sau thực hiện sẽ có điều kiện tốt hơn, thuận lợi hơn, nhiều kinh nghiệm hơn, sẽ phải thành công hơn năm nay. 

Chính vì vậy, khi thử nghiệm VNEN ở lớp 6, chúng ta “tự tin đến đâu làm đến đấy”, nhân rộng trong tầm kiểm soát được, hướng dẫn được để đảm bảo chất lượng. Thận trọng, nhưng đừng quá rụt rè trong việc thử nghiệm và mở rộng mô hình, bởi cha mẹ HS đang rất phấn khởi, mong chờ việc áp dụng mô hình này.

Đổi mới căn bản thứ 3 là chuyển từ nền GD mà trọng tâm phát triển là coi trọng số lượng, chú trọng phổ cập GD sang phát triển đột phá về chất lượng. 

Chất lượng ở đây là năng lực, phẩm chất HS; vừa phát triển toàn diện vừa phát triển được mặt mạnh của mỗi người; đáp ứng được nhu cầu nhân lực của công nghiệp hóa – hiện đại hóa trong điều kiện hiện nay. Nhà trường bây giờ cần phải là một thể thống nhất, với tất cả các yếu tố hài hòa với nhau để đảm bảo chất lượng.

Về dạy học tích hợp và dạy học phân hóa

Dạy học tích hợp không chỉ là “ghép các môn học” vào một cách cơ học. Quan trọng không phải là ghép nhiều môn lại, mặc dù điều này giúp hạn chế tình trạng kiến thức trùng lặp hay “vênh” nhau; nhưng mục tiêu quan trọng hơn là giúp các em hình thành khả năng vận dụng kiến thức một cách tổng hợp. 

Năng lực tổng hợp mới là mục tiêu cuối cùng của dạy học tích hợp. Giáo viên cần tổng hợp các kiến thức đã học, đồng thời bổ sung thêm kiến thức từ sách báo, Internet… để có kiến thức phù hợp. Có khả năng tổng hợp kiến thức mới có thể ra đề theo hướng tích hợp.

Trong khi ở cấp dưới chú trọng dạy học tích hợp, thì dạy học phân hóa tập trung ở trung học phổ thông. Dạy học phân hóa còn thể hiện ở việc biết chấp nhận khả năng học tập của từng HS, có em học chậm, có em học nhanh, mức độ đạt được khác nhau; mỗi em có một thế mạnh riêng biệt... 

Như vậy cần tạo điều kiện cho các em phát huy cao nhất năng lực của mình, thậm chí ngay từ những lớp đầu tiên. Đây là một trong những đặc trưng cơ bản của Mô hình VNEN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.