(GD&TĐ) - Chuyện đến tuổi thì về hưu là một lẽ tưởng như bình thường đối với các cán bộ, công chức đương chức, vậy mà lại là mối quan tâm trăn trở, thậm chí lo lắng tới mất ăn mất ngủ của khá nhiều người. Với riêng ngành Giáo dục, các thầy cô giáo về hưu lại không hẳn như thế, mặc dù họ có những kỉ niệm đẹp và tình yêu với mái trường, với học sinh và bục giảng…
Những buổi chia tay cán bộ quản lý hay là giáo viên về hưu mà tôi đã từng được tham dự luôn để lại cho tôi những ấn tượng đẹp, khác hẳn với những ngành nghề khác; và cho đến lúc ấy, tôi mới thấy nghề dạy học đúng là nghề cao quý.
Ảnh minh họa/internet |
Xin được kể lại một trong những buổi chia tay nhà giáo về hưu sâu sắc và cảm động như thế: Vào cuối tháng tư, trong chuyến đi Quảng Trị làm phóng sự, ghé ngang qua những ngôi trường dọc Đường 9 Khe Sanh, tôi nghe khá nhiều người nhắc tới việc sắp lên trường Đakrông dự liên hoan chia tay Nhà giáo ưu tú Nguyễn Xuân Chiến - Hiệu trưởng của trường có quyết định nghỉ hưu. Đây là dấu hiệu lạ đầu tiên đối với tôi, vì rằng, trong không ít trường hợp, cái sự liên hoan chia tay về hưu là chuyện “cực chẳng đã” với không ít người, mà sao ở đây người ta lại “xôn xao” đến vậy! Dẫu đã từng nghe nhiều giáo viên ca ngợi vị Hiệu trưởng này nào là tốt lắm, tận tụy lắm, đức độ lắm, tôi vẫn tò mò ghé Trường THPT Đakrông coi sự thể ra sao. Tới nơi, hỏi chuyện các giáo viên rằng thầy Chiến sắp về hưu à, thì ai cũng bảo “vâng ạ, buồn lắm cô ạ !”. Tế nhị hơn, một cô giáo là tổ trưởng tổ Văn - Giáo dục công dân ở đây còn xin số điện thoại để rồi nhắn cho tôi một tin vào trong máy: “Cô ơi, trong kỳ thi học sinh giỏi Tỉnh năm nay, trường em có 4 giải Ba và 2 giải KK, vượt qua nhiều trường miền xuôi đó cô ạ. Riêng môn Văn có 3 giải mà lại tới 2 giải ba. Em mừng vì đã thực hiện lời hứa với thầy Hiệu trưởng, trước khi thầy về hưu đã lập được “kỳ tích” tặng thầy”. Tôi nhận ra đây là tin nhắn của cô giáo Hồng Hải, người đã từng có bài viết với nhan đề “Thầy tôi” được đăng trên Giáo dục và Thời đại làm rung động khá nhiều trái tim bạn đọc. Trong đó, có những câu viết về người hiệu trưởng được bà con Vân Kiều mệnh danh là “đại gia” như: “Đại gia gì mà ăn sáng bằng mì tôm Hảo Hảo? Đại gia mà đi chiếc “a còng” cổ lỗ sĩ thế kỉ 17? Đại gia mà ở tập thể, trong phòng có mỗi cái tivi màn hình phẳng LG 21 inch? Đại gia chuyên ăn mắm cà, ăn chuối rừng, sắn rừng do học sinh đồng bào biếu…?
Hỏi, mới biết Hiệu trưởng Trường Đakrông là đại gia tình cảm! Buổi liên hoan chia tay thầy để về hưu mà y như là “đám cưới làng”. Không phải là bà con ruột thịt gì mà có những nhà giáo ở cách xa cả năm, bảy chục ki lô mét cũng về dự; trong số đó có cả những giáo viên cũ của trường đã ra đi từ 5, 7 năm trước. Lại có các bậc phụ huynh người dân tộc thiểu số trèo đèo, lội suối tới trường để “chia tay” thầy giáo Chiến. Rồi lãnh đạo huyện, lãnh đạo các ban ngành của huyện cũng tề tựu đông đủ, lên phát biểu thân tình không một chút kể cả, bề trên. Khi Hiệu trưởng phát biểu, Hiệu trưởng đọc thơ ngẫm về chuyện về hưu, có những câu như: “Ai rồi đến lúc nghỉ hưu/Người về trước, kẻ về sau khác gì/Ra về chớ có nghĩ suy/Thiệt hơn, hơn thiệt quên đi nhẹ lòng” thì không ít cô giáo trẻ (còn lâu mới tới tuổi về hưu) đã sụt sùi nước mắt.
Vinh quang thay nhà giáo về hưu! Tự đáy lòng tôi đã thốt lên câu ấy. Trong khi không ít người lo lắng tới mất ăn, mất ngủ về cái sự nghỉ hưu của mình như đã nêu trên, thì lại có những người về hưu mà lòng nhẹ nhõm, thanh thản, lại được nhận nhiều hoa, nhiều quà như thầy giáo Chiến ở Đakrông, cũng như nhiều nhà giáo khác nữa. Như thế không gọi là vinh quang hay sao?
Hồng Châm