Hành trình 18 năm vượt khó của nhà giáo tiêu biểu toàn quốc Nguyễn Thị Chuyên

GD&TĐ - 18 năm gắn bó với giáo dục vùng biên, cô Nguyễn Thị Chuyên đã dành trọn tình yêu nghề giáo để xứng đáng với danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc.

Cô giáo Nguyễn Thị Chuyên (áo vàng) trong đợt về Hà Nội dự lễ vinh danh nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024.
Cô giáo Nguyễn Thị Chuyên (áo vàng) trong đợt về Hà Nội dự lễ vinh danh nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024.

Từ vùng quê nghèo đến vùng biên xa xôi

Bằng tình yêu và sự tận tâm, cô giáo Nguyễn Thị Chuyên đã trở thành một trong 251 nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024. Hiện cô đang giảng dạy tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Toong số 1 (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên), là 1/40 đại diện tiêu biểu của khối giáo dục tiểu học trong cả nước được vinh danh Nhà giáo tiêu biểu năm 2024. Hành trình từ một vùng quê nghèo đến miền biên viễn đầy gian khó đã minh chứng cho tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết và tình yêu nghề của cô giáo trẻ.

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Phú Thọ, cô Nguyễn Thị Chuyên đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành giáo viên từ khi còn nhỏ. Sau khi tốt nghiệp trung cấp sư phạm tại Trường Đại học Hùng Vương, cô quyết định nộp hồ sơ lên Điện Biên – vùng đất mà trước đó cô chỉ biết qua những trang sách lịch sử.

Cô Chuyên được phân công về Trường Tiểu học Mường Toong số 1, nay là Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Mường Toong số 1, nơi cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ gần 200 km. Đây là một trong những huyện biên giới xa xôi và khó khăn nhất của cả nước. Hành trình đến nhận nhiệm vụ tại ngôi trường vùng cao đã để lại trong cô những ký ức khó quên. “Cả ngày ngồi trên xe khách, qua những con đường đất quanh co, gập ghềnh, tôi vừa mệt mỏi vừa lo lắng. Nhưng điều làm tôi quyết tâm ở lại là sự hiếu khách và tình cảm nồng hậu của bà con và học trò nơi đây,” cô nhớ lại.

nha-giao-tieu-bieu-1.jpg
Cô Nguyễn Thị Chuyên chụp hình lưu niệm cùng đám trò nhỏ.

Khi mới bắt đầu công tác, cô Chuyên đối mặt với không ít khó khăn. Bất đồng ngôn ngữ với học sinh vùng cao là thử thách lớn nhất. Hầu hết các em đều không nói sõi tiếng Việt, trong khi cô chưa hiểu được tiếng bản địa. “Nhiều khi tôi bất lực vì không thể truyền tải bài giảng, nhưng tôi không cho phép mình bỏ cuộc. Tôi tự học tiếng địa phương, làm quen với phong tục tập quán và tìm cách áp dụng chúng vào việc giảng dạy,” cô chia sẻ.

Nỗ lực ấy không chỉ giúp cô hòa nhập mà còn xây dựng được mối quan hệ thân thiết với học trò và bà con địa phương. Từng câu chuyện nhỏ, từng món quà giản dị từ các em đã trở thành nguồn động viên to lớn cho cô. “Ngày 20/11 năm 2007, dù trời mưa tầm tã, các em vẫn mang bó hoa rừng đến tặng tôi. Dù đã bao năm trôi qua, nhưng hình ảnh những bó hoa chuối đỏ tươi ấy vẫn khiến tôi xúc động mỗi lần nhớ lại.”

Tận tụy trong từng giờ giảng

Đối với cô Nguyễn Thị Chuyên, giảng dạy không chỉ là công việc mà là cả một hành trình gieo mầm tri thức. Với tỷ lệ học sinh người dân tộc thiểu số trong lớp học lên đến hơn 90%, cô luôn tìm cách đổi mới phương pháp giảng dạy để các em dễ tiếp thu hơn. “Tôi dành tình cảm đặc biệt cho các em để chúng cảm thấy được yêu thương, quan tâm. Tôi muốn các em hiểu rằng, dù bố mẹ bận rộn với công việc, nhưng ở trường, các thầy cô luôn sẵn sàng giúp đỡ và yêu thương vô điều kiện,” cô tâm sự.

Nhờ sự tận tụy ấy, lớp học của cô luôn duy trì được tỷ lệ 100% học sinh ra lớp, không có tình trạng bỏ học hay nghỉ học kéo dài. Đây là kết quả không dễ đạt được ở những vùng sâu, vùng xa như Mường Nhé. Ngoài giờ giảng, cô còn đảm nhận vai trò như một người mẹ, người chị, sẵn sàng hỗ trợ học trò từ việc học tập đến cuộc sống hàng ngày.

nha-giao-tieu-bieu-2.jpg
Cô Nguyễn Thị Chuyên (áo trắng) trong hội nghị Tổng kết năm học 2023 - 2024 do huyện Mường Nhé tổ chức.

Không chỉ giới hạn trong công việc giảng dạy, cô Chuyên còn tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, phong trào văn hóa và thể thao tại địa phương. Cô luôn hăng hái trong các chương trình thiện nguyện, đóng góp vào các hoạt động ủng hộ và xây dựng cộng đồng. “Tham gia các hoạt động xã hội giúp tôi cảm nhận rõ hơn trách nhiệm của mình với cộng đồng và với học trò,” cô chia sẻ.

Bên cạnh đó, cô cũng đóng góp nhiều sáng kiến giáo dục được công nhận và áp dụng hiệu quả ở cấp trường và cấp huyện. Những sáng kiến này không chỉ giúp nâng cao chất lượng giảng dạy mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh vùng khó có môi trường học tập tốt hơn.

Gieo chữ giữa núi rừng, nuôi dưỡng ước mơ

Suốt hành trình 18 năm gắn bó với nghề giáo, cô Nguyễn Thị Chuyên đã gặt hái nhiều thành tích đáng tự hào. Cô liên tiếp đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Điện Biên tặng Bằng khen. Đặc biệt, cô đã có nhiều sáng kiến được công nhận và áp dụng thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả giáo dục tại địa phương.

“Khi được vinh danh là Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc, tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào. Đây là sự ghi nhận không chỉ cho cá nhân tôi mà còn cho tất cả thầy cô đang ngày đêm cống hiến ở những vùng khó khăn,” cô bày tỏ.

Từ bó hoa rừng đầu tiên của học trò năm nào đến những phần thưởng danh giá hôm nay, cô Nguyễn Thị Chuyên luôn giữ vững tình yêu và nhiệt huyết với nghề. Cô tin rằng, chính tình yêu nghề và sự tận tâm sẽ là ngọn lửa lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho thế hệ trẻ.

“Làm nghề phải yêu lấy nghề,” cô nói. Đó không chỉ là phương châm sống mà còn là lời khẳng định cho sự lựa chọn của cô suốt gần hai thập kỷ qua – một lựa chọn đã góp phần thay đổi cuộc đời của bao thế hệ học trò vùng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ