Mỗi lần Câu lạc bộ mở lớp học có hàng chục học viên tham gia học tiếng Thái, với độ tuổi từ 35 - 67 tuổi. Lớp học được tổ chức vào các tối thứ 2, 4, 6 tại nhà văn hóa của bản, thời gian từ 20h đến 21h 30’. Tuy nhiên, do sửa chữa nhà văn hóa, nên hơn 1 tháng qua, lớp phải chuyển về học tại nhà của thầy giáo ở đầu bản.
Các thành viên tham gia lớp học không phải đóng học phí, được phát tài liệu và tự trang bị đồ dùng học tập. Giáo viên giảng dạy là người có nghiệp vụ sư phạm. Học viên sẽ hoàn thành kiến thức của giáo trình tập 1 sau 2 tháng. Khi các học viên đã đọc thông viết thạo, giáo viên sẽ tiếp tục dạy giáo trình tập 2 với các bài văn xuôi, thơ ca dân gian của đồng bào dân tộc Thái.
Ông Quàng Quỳnh Đôi, Chủ nhiệm CLB dân tộc Thái bản Nong La cho biết: “Để mở lớp học, chúng tôi đã mượn bảng, 12 bộ bàn ghế của Trường tiểu học -THCS Chiềng Ngần A. Chúng tôi phân công 2 thành viên CLB là giáo viên đã nghỉ hưu trực tiếp đứng lớp.
Theo ông Đôi, CLB còn phối hợp với ông Cà Văn Chung (thành viên mạng lưới bảo tồn tri thức bản địa Việt Nam, trú tại bản Nong La, xã Chiềng Ngần) nghiên cứu, biên soạn giáo án thiết thực với cuộc sống hàng ngày để học viên dễ học, dễ tiếp thu. Việc truyền dạy chữ Thái của CLB không đơn thuần là học viết, học nói, mà còn học cả những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đã có từ lâu đời của dân tộc.
Thầy giáo Quàng Văn Hôm chia sẻ: “Trước đây, tôi là hiệu trưởng Trường tiểu học - THCS Chiềng Ngần A, nghỉ chế độ hưu trí được 12 năm. Tôi được Ban chủ nhiệm CLB tín nhiệm phân công giảng dạy. Lớp học diễn ra trong 2 tháng, các học viên tham gia lớp học sẽ được học viết 19 cặp chữ Thái, tập đọc, ghép vần, hiểu nghĩa từ, câu, đọc thông, viết thành thạo chữ Thái. Học viết, đọc chữ Thái cần sự kiên trì, đam mê, bởi cách phát âm và ghép vần khác nhiều so với tiếng phổ thông, nếu không học thuộc và ghi nhớ chữ cái thì không thể ghép vần và đọc được”.
Là thành viên lớn tuổi đang theo học lớp chữ Thái, bà Tòng Thị Muôn, 65 tuổi, bản Nong La chia sẻ: “Tôi nghĩ, là người dân tộc Thái mà không biết chữ viết, tiếng nói của dân tộc mình là một thiếu sót. Vì vậy, tôi đã đăng ký tham gia lớp học. Ngoài biết đọc, biết viết chữ Thái, tôi còn được hiểu thêm về bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.
Còn chị Lò Thị Liên, công chức xã Chiềng Ngần, là người trẻ tuổi nhất lớp, cho biết: Tuy học chữ dân tộc Thái khó hơn so với tiếng phổ thông, nhưng được các thầy giáo tận tình chỉ bảo, nên tôi đã đọc và viết thành thạo chữ thái. Bên cạnh đó, tôi còn được tìm hiểu thêm về văn hóa Thái, bản sắc dân tộc mình qua những câu chuyện, bài thơ mà thầy giáo chia sẻ.
Hy vọng, những lớp học dạy chữ Thái sẽ tiếp tục được nhân rộng, phát huy hiệu quả hơn với cộng đồng, góp phần bảo tồn và phát huy, bản sắc văn hóa dân tộc.