Vạn sự như ý

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - So với năm học trước, năm học 2022 - 2023 đã có khởi đầu thuận lợi khi dịch Covid-19 được kiểm soát.

Ảnh minh họa Internet.
Ảnh minh họa Internet.

Trường học ngày khai giảng lại rực rỡ cờ hoa, tíu tít tiếng nói cười, nhộn nhịp những bước chân. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành rất nhiều sự quan tâm, tình cảm, đến thăm, động viên và dự lễ khai giảng trên khắp vùng miền của Tổ quốc.

Năm học mới, bối cảnh mới. Cùng với việc dịch bệnh được kiểm soát, tin vui đầu tiên trước năm học 2022 - 2023 là Quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến 2026; riêng năm học 2022 - 2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập. Quyết định này góp phần tháo gỡ một trong những khó khăn lớn nhất của ngành Giáo dục.

Sau đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 14/CT-TTg, nêu rõ yêu cầu tăng cường điều kiện bảo đảm thực hiện hiệu quả, chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông. Chỉ thị yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT và các địa phương xây dựng cơ chế, chính sách, phương án giải quyết, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ quan có thẩm quyền để giải quyết các khó khăn trong giáo dục; ưu tiên nguồn lực dành cho phát triển GD-ĐT, thực hiện đúng quan điểm “giáo dục là quốc sách hàng đầu”…

Bởi vậy mà, nếu như năm học 2021 - 2022 đặt mục tiêu bảo đảm an toàn trường học, khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học và kiên trì mục tiêu chất lượng; thì năm học mới này, mục tiêu đặt ra là hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng GD-ĐT.

Bên cạnh thuận lợi, năm học 2022 - 2023 cũng còn đó những thách thức. Trong nhiều phát biểu của mình, đặc biệt tại thông điệp năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nhấn mạnh những thách thức này; trong đó có sự vượt lên chính mình để khẳng định chất lượng GD-ĐT và tăng cường, tạo dựng thêm niềm tin về phía xã hội. Có thể nói, giải pháp chỉ có được khi đã rõ hạn chế, khó khăn, cũng như phải bắt đúng bệnh mới có thể kê đơn thuốc vậy.

Để vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu năm học, bên cạnh nỗ lực của toàn ngành, từng cơ sở giáo dục, mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên, ngành Giáo dục rất cần được quan tâm hơn nữa về các điều kiện bảo đảm chất lượng, đặc biệt là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ. GD-ĐT là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, mỗi gia đình, nhà trường và các lực lượng xã hội.

Thư của Chủ tịch nước gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học 2022 - 2023 cũng kêu gọi “toàn xã hội hãy cùng chung tay với ngành Giáo dục”. Ngành Giáo dục rõ ràng không thể đi một mình trên con đường đổi mới. Trong đó, một trong những yếu tố vô cùng quan trọng là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với lĩnh vực GD-ĐT trên địa bàn. Bởi từ thực tiễn, ở đâu, khi nào, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo đối với ngành Giáo dục địa phương thì ở đó triển khai các hoạt động giáo dục thuận lợi, chất lượng giáo dục được cải thiện rõ rệt.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Robot chơi piano của nhóm sinh viên.

Sinh viên chế tạo robot chơi piano

GD&TĐ - Nhóm sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM chế tạo robot có thể chơi hàng trăm bản nhạc khác nhau một cách thuần thục với đàn piano.