Đề xuất vay tín dụng với người học STEM: Chính sách đã đủ mạnh?

GD&TĐ - Cần chính sách, cơ chế thu hút học sinh theo học các ngành khoa học, STEM ngay từ THPT để có thể gia tăng số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao...

Học sinh THPT Bến Tre tham dự Ngày hội STEM/STEAM với chủ đề “Đam mê – Sáng tạo – Ứng dụng”. Ảnh minh họa: INT
Học sinh THPT Bến Tre tham dự Ngày hội STEM/STEAM với chủ đề “Đam mê – Sáng tạo – Ứng dụng”. Ảnh minh họa: INT

Để đón đầu nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cuộc cách mạng khoa học công nghệ và chuyển đổi số quốc gia, chuyên gia cho rằng, cần các chính sách phù hợp, đủ mạnh để thu hút người học vào khối ngành này.

Bổ sung chính sách “xúc tác”

Mới đây, Bộ Tài chính công bố dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán (dự thảo Quyết định). Mức vay tối đa 5 triệu đồng/tháng/người học. Với chính sách này, Chính phủ kỳ vọng sẽ góp phần thu hút nhân lực chất lượng cao, tạo đột phá về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Từng có đề xuất về chế độ, chính sách ưu đãi cho người học thuộc lĩnh vực nêu trên, GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhìn nhận, chính sách tín dụng phần nào hỗ trợ người học trang trải tiền học phí và các chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập, nghiên cứu khoa học tại cơ sở đào tạo. Qua đó, giúp học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh (người học) theo học các ngành STEM yên tâm “đèn sách”; từng bước đáp ứng yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.

Năm 2025, Trường Đại học Công nghệ mở 4 ngành học mới, gồm: Công nghệ kỹ thuật điện tử - viễn thông định hướng thiết kế vi mạch, Công nghệ vật liệu (chương trình Công nghệ vật liệu và Vi điện tử), Khoa học dữ liệu (chương trình Khoa học và Kỹ thuật dữ liệu). GS.TS Chử Đức Trình hy vọng, nếu đề xuất trong dự thảo Quyết định thành hiện thực sẽ trở thành “xúc tác” để thu hút nhiều sinh viên giỏi theo học các ngành này.

Sau khi nghiên cứu dự thảo Quyết định, GS.TS Lê Thanh Sơn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, ở thời điểm hiện tại, mức vay tín dụng 5 triệu đồng/tháng/người học là phù hợp.

Tuy nhiên, để tạo vượt trội, cần bổ sung một số cơ chế, chính sách như: Cấp học bổng cho người học hoặc cho vay không lãi… Đặc biệt, chính sách này cần áp dụng với học viên là thạc sĩ, nghiên cứu sinh. Ngoài ra, Chính phủ có thể áp dụng chính sách ân hạn nợ gốc (không tính lãi) trong khoảng 3 năm kể từ ngày người học tốt nghiệp.

Lý giải cho đề xuất trên, GS.TS Lê Thanh Sơn nêu thực tế, những năm gần đây, việc tuyển sinh các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán gặp nhiều khó khăn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này; trong đó có yếu tố “kén” thí sinh vì đây là những ngành học khó, mang tính kỹ thuật cao, thời gian học dài, vất vả, tiêu chuẩn đầu vào ra đều cao hơn các ngành khác. Vì thế, nhiều học sinh chưa mặn mà để “ứng tuyển”.

Do vậy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) gợi mở, để đáp ứng yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các ngành STEM, cần có đột phá về thể chế, chính sách nhằm thu hút người học; từng bước đáp ứng mục tiêu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, cũng như các mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

can-chinh-sach-dot-pha-2-477.jpg
Giờ thực hành của sinh viên Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NTCC

Nên mở rộng cơ chế

Tín dụng đối với học sinh, sinh viên hiện được áp dụng theo quy định tại Quyết định 05/2022/QĐ-TTg (có hiệu lực thi hành từ ngày 19/5/2022) mức vốn tối đa là 4 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên.

Theo TS Ngô Quốc Trinh - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải (Hà Nội), đối tượng được thụ hưởng chính sách này là học sinh, sinh viên thuộc thành viên gia đình hộ nghèo, cận nghèo, có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật. Vận dụng cơ chế này, việc Chính phủ áp dụng tín dụng đối với người học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán là cần thiết.

Tuy nhiên, TS Ngô Quốc Trinh cho rằng, so với đời sống kinh tế, xã hội hiện nay thì mức cho vay tín dụng tối đa 5 triệu/tháng/người học hơi thấp. Với mức này, người học khó trang trải, đặc biệt trong bối cảnh giá cả thị trường “leo thang” và học phí của các cơ sở giáo dục đại học sẽ tăng theo lộ trình. Do đó, Chính phủ nên mở rộng cơ chế, áp dụng mức vay từ 5 - 15 triệu/tháng/người học.

TS Ngô Quốc Trinh phân tích, dự thảo Quyết định xác định mục tiêu lớn, trong đó có việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết 57) và Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vì vậy, các chính sách ưu đãi cần tương xứng, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, để khi dự thảo Quyết định chính thức được ban hành sẽ sớm đi vào cuộc sống.

Cùng quan điểm, GS.TS Chử Đức Trình đề xuất, nếu chưa thể miễn học phí, cấp học bổng cho người học theo dự thảo Quyết định thì nên quy định mức trần tối đa về tín dụng (20 triệu đồng/tháng/người học). Trên cơ sở đó, người học lựa chọn mức tín dụng theo nhu cầu cá nhân. Ngoài ra, nên áp dụng chính sách lãi suất cho vay bằng với hộ nghèo trong thời hạn 1 năm (kể từ ngày người học tốt nghiệp).

Dự thảo Tờ trình của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quyết định chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh học các ngành khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán có nêu, qua khảo sát thực tế tại 6 trường đại học tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, học phí đào tạo ngành STEM của các chương trình đại trà khoảng 30 - 50 triệu đồng/năm.

Các chương trình tiên tiến/hợp tác với nước ngoài khoảng 50 - 70 triệu đồng/năm. Các chương trình đào tạo của một số cơ sở giáo dục đại học tư nhân/quốc tế có thể lên tới 200 - 300 triệu đồng/năm hoặc cao hơn. Chi phí sinh hoạt cơ bản của người học theo khảo sát tại 2 thành phố này khoảng 3 - 5 triệu đồng/tháng. Như vậy, mức học phí cao nhất ngành STEM khoảng hơn 1,2 tỷ đồng/khóa học 4 năm. Mức trung bình khoảng 200 triệu đồng/khóa học 4 năm.

Viện dẫn Báo cáo của Bộ GD&ĐT tại Công văn 1392/BGDĐT-GDĐH ngày 28/3/2025 đối với học sinh, sinh viên học các ngành STEM, dự thảo Tờ trình cho hay, mức nhu cầu vay vốn trung bình khoảng 9,5 triệu đồng/tháng, trong đó bao gồm 5 triệu đồng/tháng tiền sinh hoạt phí; 4,5 triệu đồng tiền học phí và chi phí liên quan khác (tương đương học phí/năm khoảng 45 triệu đồng, cả khóa học khoảng 180 triệu đồng).

Với mục tiêu tạo cơ chế đặc thù, thực sự hấp dẫn thu hút học sinh, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh tham gia học các ngành STEM, đáp ứng được nhu cầu đa dạng của người học, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quy định: Mức vốn cho vay tối đa đối với 1 người học bao gồm toàn bộ tiền học phí phải đóng của người học (sau khi trừ các khoản học bổng và hỗ trợ tài chính khác của nhà trường) theo xác nhận của nhà trường và tiền sinh hoạt phí tối đa là 5 triệu đồng/tháng.

TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT cho rằng, cần có chính sách, cơ chế thu hút học sinh theo học các ngành khoa học, STEM ngay từ THPT để có thể gia tăng số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ