Theo Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế vào năm 2030; 20 doanh nghiệp hoạt động/nghìn dân; ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10 - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, khoảng 35 - 40% tổng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84 - 85% tổng số lao động; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5 - 9,5%/năm.
Nghị quyết cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển nhanh, mạnh, bền vững, chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế…
Đây là “tham vọng” rất lớn bởi theo số liệu của Cục Thống kê, Bộ Tài chính, nước ta hiện có gần 1 triệu doanh nghiệp, trong đó số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97%, đóng góp hơn 40 triệu việc làm, chiếm 82% tổng số lao động của nền kinh tế; đóng góp 51% GDP và hơn 30% ngân sách Nhà nước. Và so với các tập đoàn lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa có khả năng thích nghi tốt hơn trước những biến động của thị trường.
Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp “không muốn lớn, không chịu lớn” bởi lo ngại về thủ tục hành chính và các chi phí phát sinh trong sản xuất, kinh doanh. Phân tích rõ hơn về vấn đề này, một chuyên gia đã nêu ra ba lý do.
Thứ nhất đó là gánh nặng thuế và chi phí tuân thủ. Thứ hai là những vấn đề liên quan về vốn. Thứ ba là doanh nghiệp khó khăn trong mở rộng quy mô, thiếu lao động chất lượng cao; khó cạnh tranh với các tập đoàn lớn cả về thương hiệu, giá cả và nguồn lực.
Để tháo gỡ một cách cơ bản những khó khăn, vướng mắc, rào cản mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp phải, đồng thời tiếp thêm động lực thúc đẩy doanh nghiệp “muốn lớn” và “chịu lớn”, Nghị quyết 68 đã đi vào giải quyết gốc rễ của vấn đề đó là cải cách thể chế.
Cụ thể, ngay trong năm 2025 cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo.
Yêu cầu giảm thiểu sự can thiệp và xoá bỏ các rào cản hành chính, chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”; từ tư duy “xin - cho”, “không quản được thì cấm” sang tư duy phục vụ... khơi thông các nguồn lực xã hội, thúc đẩy sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nghị quyết 68 cũng xác định hình sự hoá kinh tế là biện pháp sau cùng, không hình sự hoá tranh chấp dân sự, ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và lấy đó là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp.
Đây là cách tiếp cận hiệu quả và văn minh, thay đổi mang tính thiết kế lại mối quan hệ giữa nhà nước và khu vực tư nhân. Nhà nước từ kiểm soát sang kiến tạo, kinh tế tư nhân từ chỗ bị mang nặng định kiến sang được tin tưởng.
Doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng là xương sống của nền kinh tế. Do đó, việc Nghị quyết 68 không chỉ tôn vinh vai trò của doanh nhân trong khởi nghiệp phát triển kinh tế mà còn đặt lên vai họ trách nhiệm mới là dẫn dắt và phụng sự xã hội, trở thành người đại diện cho tinh thần dân tộc trong thời đại cạnh tranh toàn cầu - là tư duy đột phá, cam kết chính trị mạnh mẽ gửi tới cộng đồng doanh nghiệp, hộ kinh doanh rằng phát triển kinh tế tư nhân là chiến lược lâu dài chứ không phải biện pháp tình thế...