Hé mở thành công của giáo dục Thụy Sĩ

GD&TĐ - Hệ thống giáo dục Thụy Sĩ từ lâu được công nhận là một trong những mô hình hiệu quả, chất lượng và bền vững nhất thế giới.

Một tiết học của trẻ em tiểu học Thụy Sĩ.
Một tiết học của trẻ em tiểu học Thụy Sĩ.

Trong bối cảnh toàn cầu ngày càng quan tâm đến cải cách giáo dục, Thụy Sĩ nổi bật không chỉ nhờ thành tích học sinh, mà còn bởi sự tín nhiệm của người dân dành cho hệ thống trường công.

Trẻ em ở Thụy Sĩ bắt đầu đi học từ rất sớm, thường là 4 - 5 tuổi. Trong 11 năm giáo dục bắt buộc, 2 năm đầu tiên được coi là giai đoạn mẫu giáo. Trong khoảng thời gian này, trẻ được học tập miễn phí tại hệ thống trường công, vốn là xương sống của nền giáo dục quốc gia.

Một trong những điểm khác biệt của Thụy Sĩ là tỷ lệ học sinh theo học tại các trường tư thấp hơn so với nhiều quốc gia phát triển. Điều này không phản ánh sự thiếu lựa chọn, mà là kết quả của niềm tin vào chất lượng của hệ thống trường công.

Trên thực tế, trong nhiều cuộc trưng cầu dân ý, cử tri Thụy Sĩ đã từ chối những đề xuất mở rộng quyền tự do lựa chọn trường học, thể hiện sự đồng thuận xã hội đối với mô hình phân bổ học sinh theo địa bàn. Trường tư chỉ đóng vai trò bổ trợ cho các nhu cầu đặc biệt, như trường dạy bằng tiếng Anh ở khu vực có đông người nước ngoài.

Yếu tố cốt lõi của thành công này nằm ở cấu trúc liên bang. Mỗi bang trong số 26 bang của Thụy Sĩ có quyền tự chủ trong quản lý giáo dục, từ chương trình học đến tuyển dụng giáo viên. Sự phân quyền này tạo ra mức độ gắn kết và chấp nhận cao từ cộng đồng địa phương. Theo khảo sát của OECD, 76% người dân Thụy Sĩ hài lòng với hệ thống giáo dục.

Đáng chú ý, hệ thống giáo dục và đào tạo nghề kép là trụ cột trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Khoảng 2/3 học sinh sau khi kết thúc chương trình phổ thông sẽ lựa chọn học nghề thay vì theo đuổi con đường học thuật truyền thống.

Học sinh được đào tạo lý thuyết tại trường và thực hành tại doanh nghiệp, giúp họ thích ứng nhanh chóng với yêu cầu của thị trường lao động. Đây cũng là lý do Thụy Sĩ luôn giữ tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên ở mức rất thấp.

Tính linh hoạt còn được thể hiện qua khả năng chuyển tiếp trong hệ thống. Học sinh sau khi hoàn thành chương trình đào tạo nghề có thể tiếp tục học lên đại học thông qua kỳ thi passerelle, một cơ chế tạo điều kiện cho người học thay đổi hướng đi mà không bị giới hạn bởi lựa chọn ban đầu.

Từ góc độ đầu tư, Thụy Sĩ dành khoảng 5,6% GDP cho giáo dục, cao hơn mức trung bình của các nước OECD. Kết quả từ các cuộc khảo sát PISA cho thấy học sinh Thụy Sĩ có năng lực vượt trội trong các môn Toán, Khoa học và Đọc hiểu, dù có một số dao động nhẹ theo thời gian.

Tuy nhiên, hệ thống này cũng tồn tại điểm yếu. Các báo cáo đã chỉ ra sự chênh lệch trong cơ hội tiếp cận giáo dục đại học giữa học sinh có và không có nền tảng gia đình học vấn. Đặc biệt, học sinh từ các gia đình nhập cư hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội thấp thường đối mặt với nhiều rào cản hơn. Để khắc phục, chính quyền các bang đã triển khai các biện pháp như hỗ trợ ngôn ngữ, tư vấn hướng nghiệp cá nhân hóa, tăng cường hợp tác với phụ huynh và mở rộng chương trình hội nhập.

Một thách thức lâu dài của hệ thống là quản lý tính không đồng nhất trong lớp học, từ trình độ học tập cho đến bối cảnh văn hóa, xã hội. Điều này đòi hỏi đội ngũ giáo viên không chỉ giỏi chuyên môn, mà còn có kỹ năng sư phạm phù hợp để cá nhân hóa việc giảng dạy.

Sự kết hợp giữa hiệu quả, linh hoạt và bao trùm đã giúp Thụy Sĩ xây dựng một hệ thống giáo dục không chỉ phản ánh giá trị xã hội, mà còn hỗ trợ mạnh mẽ cho phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Đây là minh chứng cho tầm quan trọng của việc thiết kế một nền giáo dục lấy người học làm trung tâm, gắn bó chặt chẽ với thực tiễn và định hướng tương lai.

Hệ thống trường học Thụy Sĩ được xem là hình mẫu lý tưởng. Theo số liệu từ Cục Thống kê Liên bang, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học đã tăng gấp đôi từ năm 1996. Tỷ lệ tốt nghiệp cấp trung học phổ thông của thanh niên dưới 25 tuổi hiện đạt trên 90%. Khoảng cách giới trong giáo dục cũng được thu hẹp, với nữ sinh ngày càng chiếm ưu thế trong các thế hệ mới.

Theo Swissinfo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ