Vai trò của phụ nữ với giáo dục: Tận dụng thế mạnh của phái nữ

GD&TĐ - Các trường đại học khối STEM có nhiều hoạt động thúc đẩy để hỗ trợ nữ sinh trong NCKH, đổi mới sáng tạo gắn liền với khởi nghiệp...

Dương Thị Thanh Hà cùng các sinh viên trong nhóm nghiên cứu thảo luận phương án thực hiện đề tài. Ảnh: NVCC
Dương Thị Thanh Hà cùng các sinh viên trong nhóm nghiên cứu thảo luận phương án thực hiện đề tài. Ảnh: NVCC

Vượt qua định kiến giới

Đỗ Thị Như Ý - sinh viên lớp 22CDT3, ngành Kỹ thuật Cơ Điện tử thuộc Khoa Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) là một trong số ít nữ sinh tham gia Olympic Cơ học toàn quốc năm 2024 và xuất sắc đoạt giải Ba môn Sức bền vật liệu.

Nhận thấy bản thân nổi trội ở các môn Toán và Vật lí, có tính sáng tạo và yêu thích khám phá, Đỗ Thị Như Ý quyết tâm thi vào Cơ Điện tử - ngành học có vẻ “nam tính” và khô khan, đòi hỏi nhiều sự nỗ lực và kiên trì.

Như Ý có phần chần chừ khi đăng ký tham gia vào đội tuyển dự thi Olympic Cơ học toàn quốc năm 2024 vì không tự tin vào khả năng của mình. Nhưng khi được TS Trịnh Xuân Long - giảng viên môn Sức bền vật liệu, Khoa Cơ khí Giao thông động viên, Ý đã quyết định thử sức. Sức bền vật liệu là môn khó với đa phần sinh viên vì khối lượng kiến thức lớn, nhiều bài toán lạ và khó dễ khiến người học nản chí, áp lực và tâm lý.

Tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) nói riêng và các trường đại học về khoa học kỹ thuật nói chung, không còn hiếm gặp hình ảnh các nữ sinh bản lĩnh, năng động, tự tin, tài năng đi đầu trong các hoạt động từ học tập, nghiên cứu đến cộng đồng.

Đỗ Thị Như Ý chia sẻ: “Các bạn nữ khối ngành STEM hãy luôn tin tưởng vào khả năng của bản thân và nhớ rằng sự kiên trì, nỗ lực không phân biệt giới tính. Các bạn nữ thường có những kỹ năng mềm nổi trội như khả năng giao tiếp, làm việc nhóm và quản lý thời gian nên hãy tận dụng lợi thế này để tạo ra môi trường học tập và làm việc hiệu quả hơn. Đừng ngại ngần tìm kiếm sự hỗ trợ từ thầy cô, bạn bè và gia đình. Và không quên chăm sóc sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần”.

Dương Thị Thanh Hà, Khoa Điện – Điện tử, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) là trưởng nhóm nghiên cứu khoa học với đề tài Nghiên cứu thuật toán chẩn đoán đa vị trí rò rỉ trong đường ống nước và điều chỉnh áp suất đầu ra thông qua công nghệ 4G. Đề tài này đã giành giải Nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Đại học Đà Nẵng.

Theo Dương Thị Thanh Hà, hiện các phương pháp dùng để chống rò rỉ nước chủ yếu quan sát bằng mắt thường. Việc này mất nhiều thời gian và không hiệu quả với các đường ống chôn sâu dưới đất. Cũng có thể dùng máy dò siêu âm để đánh giá độ chính xác vị trí rò rỉ khá cao. Tuy nhiên, thiết bị này có phạm vi phát hiện nhỏ, cần nhiều thời gian để xác định vị trí rò rỉ. Nhóm nghiên cứu của Thanh Hà đề xuất giải pháp xây dựng hệ thống chẩn đoán rò rỉ nước ứng dụng công nghệ 4G để khắc phục các nhược điểm trên.

Nhóm đã nghiên cứu ra một thuật toán để chẩn đoán vị trí rò rỉ trong đường ống dẫn để giảm lượng chất lỏng thất thoát ra bên ngoài môi trường. Phương pháp này sử dụng các cảm biến lưu lượng và áp suất gắn ở hai đầu của nhánh đường ống, từ đó đưa ra chính xác vị trí rò rỉ.

“Vì đề tài hướng đến giải quyết vấn đề thực tế hiện nay, nhóm em làm phần cứng của hệ thống theo chuẩn công nghiệp nên chi phí khi triển khai đề tài sẽ rất cao, không phù hợp với sinh viên. Rất may, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) có hỗ trợ cho những đề tài nghiên cứu khoa học, nhằm tạo điều kiện cho sinh viên phát triển kiến thức và kỹ năng”, Thanh Hà cho biết.

Bắt đầu tham gia nghiên cứu khoa học từ năm thứ 2 với vị trí thành viên dự bị để học hỏi rồi đến thành viên chính thức và trở thành trưởng nhóm, Dương Thị Thanh Hà cho biết phải nỗ lực rất nhiều. “Với môi trường kỹ thuật, sinh viên nam chiếm số đông, việc làm quen với nghiên cứu và học hỏi lúc ban đầu sẽ gặp khó khăn, nhưng mọi người đều nhiệt tình khi mình có thắc mắc.

Là sinh viên nữ trong nhóm, em có thuận lợi là cẩn thận và tỉ mỉ hơn trong một số công việc liên quan đến hoàn thành báo cáo và trình bày, giới thiệu đề tài đến với mọi người. Thế nhưng, để hoàn thiện các chi tiết phần cứng thì cần có các kỹ năng gia công về điện và cơ khí. Mà các kỹ năng này, em vẫn bị hạn chế”, Thanh Hà chia sẻ.

Để rèn luyện kỹ năng gia công, Thanh Hà tăng cường thời gian thực hành từ những việc cơ bản đến nâng cao dưới sự giám sát của giảng viên. Bên cạnh đó, trong quá trình hoàn thiện phần cứng của đề tài, em tham gia vào quá trình gia công dưới sự giám sát và hướng dẫn của các bạn nam trong nhóm.

tan-dung-the-manh-cua-phai-nu-3-7113.jpg
Nhóm sinh viên InTE_4105 đoạt giải Nhất tại Vòng chung kết Cuộc thi “Khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên” do Hội Sinh viên Đại học Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: NVCC

Dám ước mơ, nỗ lực thực hiện

Dự án “Màng bọc thực phẩm phân hủy sinh học VSCO WRAP từ BC Kombucha chứa các hợp chất có hoạt tính kháng khuẩn từ lá bàng kết hợp với Anthocyanin từ vỏ khoai lang tím” của nhóm sinh viên InTE_4105 vừa đoạt giải Nhất tại Vòng chung kết Cuộc thi “Khởi nghiệp công nghệ trong sinh viên” do Hội Sinh viên Đại học Đà Nẵng tổ chức.

Điều đặc biệt của đội InTE_4105 là các thành viên đều là nữ sinh viên, đến từ Trường Đại học Bách khoa và Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng). Trần Hoàng Nhã Uyên - nhóm trưởng chia sẻ: “Với đội chỉ toàn sinh viên nữ thì điều thuận lợi trong làm việc là ngoài tư duy sáng tạo, các bạn đều chăm chỉ, tỉ mỉ nên có sự kết hợp ăn ý trong công việc. Việc nghiên cứu và thực hiện dự án chiếm khá nhiều thời gian nên chúng em phải tự sắp xếp, đảm bảo cân bằng giữa làm dự án và học ở trường. Thế nhưng, do chỉ có các thành viên nữ nên chúng em có thể gặp một chút trở ngại trong việc vận hành các thiết bị lớn”.

Nhóm của Nhã Uyên mất khá nhiều thời gian để hiện thực hóa ý tưởng kết hợp các thành phần nguyên liệu tự nhiên nhằm tạo ra dòng sản phẩm màng bọc và dịch nhúng bảo quản hoàn toàn mới, vừa đáp ứng các tiêu chuẩn công nghệ vừa đảm bảo an toàn thực phẩm. Theo Uyên, nghiên cứu trên lý thuyết và thực tế tiến hành không giống nhau và gặp các vấn đề phát sinh. Nhóm đã nhiều lần thất bại khi sản xuất thử nghiệm sản phẩm.

TS Nguyễn Thị Đông Phương - giảng viên Khoa Hóa, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) nhận xét về đội InTE_4105: “Các em chăm chỉ, biết lắng nghe lời góp ý từ giáo viên hướng dẫn, chịu khó trau dồi kiến thức, tích cực tìm kiếm các thông tin mới cũng như luận giải các vấn đề gặp phải trong quá trình nghiên cứu thông qua việc đọc và tìm hiểu các bài báo khoa học. Và vì các em là nữ nên dễ dàng chia sẻ, tâm sự với người hướng dẫn những khó khăn, vướng mắc gặp phải trong học tập và nghiên cứu. Từ đó, tôi có thể nhanh chóng định hướng và đồng hành cùng các em giải quyết các vấn đề đó”.

Trong 4 thành viên của đội InTE_4105 thì có đến 3 sinh viên khối kỹ thuật. “Trình độ ngoại ngữ đầu vào có lẽ chưa bằng các khối ngành khác, dẫn đến việc tiếp cận các báo cáo khoa học bằng tiếng Anh chưa tốt. Do vậy, khi thành lập nhóm nghiên cứu, tôi đã hướng dẫn các em cần chọn lọc, đọc và hiểu các bài báo khoa học, bài tổng quan theo định hướng nghiên cứu được xuất bản bởi các tạp chí uy tín trên thế giới. Phải mất 1 năm để các em có thể tự tin đọc và hiểu các bài báo đó”, TS Nguyễn Thị Đông Phương chia sẻ.

tan-dung-the-manh-cua-phai-nu-1-5933.jpg
Học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) trải nghiệm giáo dục STEM tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NTCC

Khích lệ tinh thần nghiên cứu khoa học

Trần Trương Hoàng Vy - cựu sinh viên khóa 17, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) vừa nhận được thư mời theo học Chương trình học Thạc sĩ Kỹ thuật Môi trường, tại Đại học Chung Yuan Christian, Đài Loan.

Cũng giống như nhiều bạn vừa học xong phổ thông, Trần Trương Hoàng Vy chọn ngành học khá cảm tính. Từ khi bước sang năm học thứ 3 ở trường đại học, Hoàng Vy được chọn trong nhóm sinh viên cùng tham gia nghiên cứu khoa học với TS Phạm Phú Song Toàn. Niềm đam mê và hứng thú với ngành học của Vy dần mở ra trong quá trình được thầy hướng dẫn phương pháp nghiên cứu khoa học, làm việc theo các dự án thực tế.

Thế nhưng, hằng ngày, tiếp cận với hoạt động nghiên cứu rác thải vừa vất vả, vừa phải lặn lộn với bao nhiêu thứ hôi hám, cũng có không ít lần Vy có ý định từ bỏ. “Nhưng sau mỗi thí nghiệm, những thành công của các kết quả nghiên cứu đã mở ra cho em nhiều điều mới mẻ, thú vị. Nhóm cũng đạt nhiều giải thưởng nghiên cứu khoa học cấp trường, giải thưởng Khởi nghiệp - Đổi mới sáng tạo cấp Đại học Đà Nẵng và một số giải thưởng của các tổ chức quốc tế khác. Những giải thưởng này là chất xúc tác giúp em kiên định hơn với con đường nghiên cứu đã chọn”, Hoàng Vy chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp, Trần Trương Hoàng Vy không tham gia ứng tuyển vào các doanh nghiệp mà xin đầu quân làm nghiên cứu viên của Trung tâm Khoa học Môi trường và sự sống. Được làm việc với nhóm nghiên cứu mạnh, trong đó có cả nghiên cứu sinh, học viên cao học…; tham gia nhiều dự án nghiên cứu mà địa bàn trải dài từ Cồn Cỏ, thành phố Huế, đảo Cù Lao Chàm, đảo Thổ Châu (TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang)… đã cho Vy nhiều kinh nghiệm, tích lũy thêm kiến thức, phương pháp nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ ngoại ngữ để chuẩn bị nền móng chắc chắn cho việc gắn bó với khoa học.

Trần Trương Hoàng Vy cho rằng, để có được kết quả tốt nhất định phải có kế hoạch học tập rõ ràng và cố gắng hết mình với kế hoạch đó. Theo đuổi đam mê và quyết tâm với hướng đi bạn đang chọn, có thể sẽ rất khó khăn nhưng tuyệt đối không được bỏ cuộc.

Câu lạc bộ nữ sinh Bách khoa của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đã duy trì hoạt động được hơn 5 năm. Đây là nơi sinh hoạt của các sinh viên nữ khối STEM với mong muốn góp phần thay đổi cách nhìn của xã hội về nữ sinh trong các trường đại học kỹ thuật. Ngoài ra, các thành viên của câu lạc bộ được trang bị kỹ năng, kiến thức áp dụng trong hoạt động nghiên cứu khoa học, học tập, hoạt động xã hội và đổi mới sáng tạo - khởi nghiệp.

Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) có 2 môn học tự chọn gồm Phương pháp Nghiên cứu khoa học và Đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp để sinh viên lựa chọn đăng ký. Dương Thị Thanh Hà đã lựa chọn môn Đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp để theo học.

Môn học này trang bị những công cụ đổi mới sáng tạo áp dụng trong quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm với các chủ đề như: Vai trò đổi mới sáng tạo trong khởi nghiệp công nghệ; Tư duy thiết kế trong nghiên cứu và phát triển; Các bước xây dựng từ ý tưởng công nghệ tới thiết kế sản phẩm dịch vụ và đưa ra thị trường; Làm thế nào chọn lựa công nghệ trong quá trình khởi nghiệp công nghệ để mang sản phẩm và dịch vụ ra thị trường…

Đây là những nền tảng căn bản giúp sinh viên khối công nghệ - kỹ thuật có được năng lực khởi nghiệp cơ bản để có thể tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, câu lạc bộ khởi nghiệp.

TS Nguyễn Thị Đông Phương - giảng viên Khoa Hóa, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) cho biết: “Sinh viên nữ có sự khéo léo, tỉ mỉ và chịu khó. Chính đặc thù về giới là thế mạnh giúp các em kiên trì trong việc theo đuổi các mục tiêu và đam mê trong lĩnh vực nghiên cứu mà các em đã định hướng.

Tuy nhiên, nữ giới muốn theo đuổi ngành kỹ thuật thường phải nỗ lực rất nhiều. Điều này đôi khi làm ảnh hưởng đến các mặt khác của cuộc sống, như thời gian dành cho gia đình, con cái, sở thích cá nhân… Vì vậy, cần phải sắp xếp phân chia công việc hợp lý nhất có thể, có sự cảm thông và ủng hộ, sẻ chia từ phía gia đình”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ