Vai trò của phụ nữ với giáo dục: Tạo nguồn từ nhà giáo nữ

GD&TĐ - Nữ nhà giáo có vai trò, đóng góp lớn lao trong sự nghiệp “trồng người”. Tuy nhiên, đâu đó còn định kiến, đánh giá khắt khe đối với họ.

Học sinh Trường THPT Chiềng Khương (huyện Sông Mã, Sơn La) học môn Công nghệ. Ảnh: Hà Hoàng
Học sinh Trường THPT Chiềng Khương (huyện Sông Mã, Sơn La) học môn Công nghệ. Ảnh: Hà Hoàng

Vì vậy, xây dựng đội ngũ nữ nhà giáo năng động, sáng tạo, đảm đang, tự tin trong thời kỳ hội nhập là nhiệm vụ cấp thiết.

Bà Hồ Thị Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị: Đóng góp lớn cho giáo dục và đào tạo

tao-nguon-tu-nha-giao-nu-2-2303.jpg
Bà Hồ Thị Minh.

Phụ nữ đóng góp cho tất cả lĩnh vực hoạt động xã hội của quốc gia; trong đó, nguồn nhân lực ngành Giáo dục phụ nữ chiếm đa số, với gần 74%, đã có đóng góp to lớn cho sự phát triển của giáo dục và đào tạo nước nhà.

Nữ nhà giáo được các cấp quan tâm, tạo điều kiện học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị… Các nữ nhà giáo từ mầm non, phổ thông được học tập, bồi dưỡng theo chương trình chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Còn đội ngũ nữ cán bộ quản lý, giảng viên đại học, cao đẳng được quan tâm tạo điều kiện học tập, tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, tham dự các hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước.

Có thể nói, đội ngũ nữ nhà giáo là lực lượng nòng cốt triển khai thành công các nhiệm vụ chính trị, gương mẫu đi đầu trong phong trào thi đua và cuộc vận động lớn của ngành Giáo dục nói riêng, phong trào thi đua của phụ nữ cả nước nói chung.

Với đặc thù công việc giảng dạy phức tạp, nhiều khó khăn nên cần sự chuyên tâm, cần mẫn, đội ngũ nữ nhà giáo luôn nỗ lực phấn đấu, trở thành những giáo viên, giảng viên vừa hồng, vừa chuyên. Trong đó, nhiều nữ nhà giáo đạt danh hiệu giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua các cấp, những nhà khoa học đầu ngành. Hằng năm, nhiều nữ nhà giáo vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú. Số giáo sư, phó giáo sư là nữ tăng dần hằng năm và ngày càng trẻ hóa.

Đóng góp vào thành tích của giáo dục và đào tạo nước nhà, không thể không kể đến những cống hiến, sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ nữ nhà giáo đang công tác ở vùng núi, đồng bào dân tộc thiểu số và nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Với niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, nữ nhà giáo các tỉnh miền núi, biên giới, hải đảo đã vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ về điều kiện địa lý, sự thiếu thốn cơ sở vật chất, điều kiện sinh hoạt, những trở ngại phong tục, tập quán, ngôn ngữ… để đến các bản làng xa xôi, nơi “thâm sơn cùng cốc” để “gieo chữ”.

Các cô bám trường, lớp, vận động từng học sinh đi học. Các cô chăm sóc, dạy dỗ, giáo dục, đào tạo hàng triệu học sinh mầm non, phổ thông và hàng chục nghìn học sinh, sinh viên con em đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều cô đã hy sinh cả thanh xuân vì sự nghiệp “trồng người”, chỉ với tâm nguyện mang tri thức, khoa học đến với học sinh và nhân dân các dân tộc ở miền núi, vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn.

Không thể kể hết những khó khăn, nhọc nhằn, sự tâm huyết, nỗ lực cố gắng và đóng góp to lớn của đội ngũ nữ nhà giáo, đặc biệt nữ nhà giáo đã và đang công tác ở vùng khó khăn. Gánh trên vai nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục và công tác xã hội, nữ nhà giáo còn là người vợ, mẹ trong gia đình. Họ cố gắng vươn lên hoàn thành tốt thiên chức phụ nữ.

Song, thực tế cho thấy, số nữ nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, nghiệp vụ giỏi chưa nhiều, nữ cán bộ chủ chốt ở các trường đại học, cơ quan quản lý giáo dục chiếm tỷ lệ còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng và những đóng góp to lớn của lực lượng lao động nữ trong ngành. Vẫn còn định kiến, đánh giá khắt khe đối với nữ nhà giáo. Nhiều cô giáo còn mặc cảm, tự ti… Đó là những thách thức, làm cản trở việc thực hiện quyền bình đẳng và sự tiến bộ của phụ nữ trong toàn ngành.

Vì vậy, tạo động lực để xây dựng đội ngũ nữ nhà giáo năng động, sáng tạo, đảm đang, tự tin trong thời kỳ hội nhập là nhiệm vụ cấp thiết của ngành Giáo dục và nữ nhà giáo. Trước yêu cầu của đổi mới giáo dục, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; thời gian tới, đội ngũ nữ nhà giáo cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu để mỗi người là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo.

Trên hết, các cô giáo cần tiếp tục khắc phục khó khăn, chủ động sắp xếp công việc gia đình, động viên giúp đỡ nhau, nỗ lực học tập và công tác tốt, để ngoài vai trò người mẹ hiền, vợ đảm, các cô sẽ là những nhà giáo, nhà quản lý giỏi, tinh thông nghiệp vụ, bản lĩnh và giàu lòng yêu nghề, đóng góp sức lực, trí tuệ, tâm huyết cho sự nghiệp trồng người.

Tôi mong, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam thường xuyên quan tâm, chăm lo đến nhà giáo và lao động nữ, tổ chức phong trào thi đua cho phụ nữ, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nữ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, cần quan tâm, động viên giúp đỡ những nữ nhà giáo ở miền núi, vùng sâu, xa; nữ nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn, ổn định cuộc sống gia đình, yên tâm công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Bà Tăng Thị Ngọc Mai - nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh: Hoàn thiện chính sách về công tác cán bộ với nhà giáo nữ

tao-nguon-tu-nha-giao-nu-3-3962.jpg
Bà Tăng Thị Ngọc Mai.

Để nâng cao vai trò, vị thế của nữ nhà giáo, theo tôi cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, nhằm nâng cao nhận thức, sự ủng hộ của cán bộ, viên chức, công chức trong các cơ sở giáo dục, đào tạo và cơ quan quản lý giáo dục về vai trò của phụ nữ trong các hoạt động giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao nhận thức về công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Tạo điều kiện, cơ hội cho nữ nhà giáo tiến bộ và phát triển. Mặt khác, xây dựng quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo từng giai đoạn, trong đó cần ưu tiên nữ nhà giáo. Qua đây, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn để đưa vào quy hoạch lãnh đạo trường và lãnh đạo các đơn vị quản lý giáo dục các cấp.

Tôi cũng mong, ngành Giáo dục và các cơ quan hữu quan tiếp tục xây dựng đội ngũ nữ nhà giáo, cán bộ khoa học có trình độ cao và các nữ nhà giáo làm cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu của cơ sở giáo dục và đào tạo, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Cùng đó, tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình hành động vì sự tiến bộ phụ nữ.

Đặc biệt, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về công tác cán bộ đối với nhà giáo nữ. Tạo điều kiện cho nhà giáo nữ phát triển, phấn đấu vươn lên trong sự nghiệp… Ngoài ra, cần ban hành chính sách, chương trình, đề án dành riêng cho công tác nữ nhà giáo. Quan tâm đến công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho nữ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Mặt khác, tăng cường công tác thi đua khen thưởng, kịp thời khuyến khích, động viên các tập thể và cá nhân nữ cán bộ viên chức có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý, chuyên môn nghiệp vụ và các hoạt động xã hội. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục cần ban hành văn bản hướng dẫn kịp thời, tổ chức lồng ghép các tiêu chí liên quan đến bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ vào hoạt động cụ thể. Trên cơ sở đó, có thể đưa ra mô hình thí điểm, hoạt động thực tiễn để các trường tham khảo thực hiện.

Ông Võ Văn Mai - Phó Giám đốc, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ, Sở GD&ĐT Nghệ An: Khích lệ nữ nhà giáo vượt khó

tao-nguon-tu-nha-giao-nu-4-1871.jpg
Ông Võ Văn Mai.

Nhằm phát huy lợi thế và động viên, khích lệ các nữ nhà giáo vượt qua khó khăn, gắn bó với ngành Giáo dục, tôi cho rằng, yếu tố căn cốt là nâng cao hiệu quả trong công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới trong toàn ngành, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Muốn vậy, cần làm tốt một số giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, làm tốt công tác truyền thông - tuyên truyền về mục đích, vai trò, tầm quan trọng của công tác vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới cho toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và người học.

Thứ hai, làm tốt công tác quy hoạch cán bộ nữ giữ các trọng trách của ngành Giáo dục; trong đó có các nữ giáo viên, giảng viên. Quy hoạch công tác phụ nữ phải sát, phù hợp với từng đối tượng, vùng, miền, phát huy được tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cao nhất của các tầng lớp phụ nữ vào sự phát triển của ngành.

Thứ ba, phải xây dựng được nguyên tắc cụ thể và giám sát thường xuyên các cơ sở giáo dục về hoạt động trong công tác vì sự tiến bộ của nữ nhà giáo. Lắng nghe phản hồi từ các cơ sở giáo dục và đào tạo trong quá trình chỉ đạo, thực hiện để có những cải tiến tích cực trong công tác đối với nữ nhà giáo.

Thời gian tới, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ ngành Giáo dục tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm:

1. Triển khai chủ trương, chính sách, pháp luật, chương trình liên quan tới công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới trong ngành Giáo dục.

2. Triển khai Đề án đưa việc giảng dạy bình đẳng giới vào các trường sư phạm và hệ thống bài giảng chính thức trong các cấp học.

3. Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, ban hành Kế hoạch truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030.

4. Ban hành các văn bản hướng dẫn hoạt động năm 2024.

5. Tăng cường thực hiện giải pháp cụ thể để đạt các mục tiêu tại Quyết định số 383/QĐ-BGDĐT ngày 26/1/2022 của Bộ GD&ĐT ban hành Kế hoạch hành động vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ