Vai trò của phụ nữ với giáo dục: Gửi thanh xuân cho núi rừng

GD&TĐ - Nhiều nữ giáo viên đã tình nguyện cống hiến tuổi thanh xuân cho vùng biên miền Tây xứ Thanh. 

Cô giáo Lê Thị Oanh nắn nót từng nét chữ cho học sinh.
Cô giáo Lê Thị Oanh nắn nót từng nét chữ cho học sinh.

Đến nay, người gần đến tuổi về hưu, người đủ điều kiện chuyển công tác nhưng đều xin ở lại.

Ngược lên miền khó

Trong chuyến công tác ở vùng cao xứ Thanh, tình cờ tôi gặp cô Lê Thị Oanh - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Trung Xuân, huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa).

Cô giáo Lê Thị Oanh (53 tuổi), quê ở xã Quảng Trạch, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Năm 1991, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Thanh Hóa, cô Oanh nhận nhiệm vụ lên công tác ở Trường Tiểu học Hiền Kiệt, huyện Quan Hóa. Lúc bấy giờ, cô Oanh vừa tròn 20 tuổi.

Mang theo bầu nhiệt huyết và sức trẻ, khi hiệu trưởng phân công công tác đến bản Ho, bản Cháo, cô Oanh không ngần ngại nhận nhiệm vụ. Nhớ lại những ngày đầu bước chân lên vùng trời Hiền Kiệt (Quan Hóa, Thanh Hóa), cô Oanh nói: “Ngày ấy, tuổi trẻ với tinh thần lạc quan, chúng tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ đến những điểm trường xa xôi và khó khăn nhất. Cứ nghĩ đến việc góp phần giúp trẻ em người dân tộc Thái biết đọc, viết, lòng ai cũng rạo rực”.

Thời điểm khi các cô đến, bản Ho, bản Cháo, nơi đây là chốn “nhiều không”: Không điện, không đường, không hàng quán, không sóng điện thoại... Cuộc sống của người dân vô cùng cực khổ. Muốn xuống trung tâm xã, bà con phải đi bộ vài giờ đồng hồ. Trong khi đó, giáo viên miền xuôi hoặc người các xã trong huyện được điều động lên Hiền Kiệt “cắm bản” đều ở lại nhiều ngày mới xuống “núi” một lần.

Những năm “cắm bản” là thời điểm cuộc sống vô cùng thiếu thốn, bởi người dân rất khó khăn. Có những ngày mùa Đông mưa phùn, gió rét, các cô giáo phải đốt củi trong lớp học để sưởi ấm cho học trò. Vào mùa Đông, thời tiết ẩm ướt, mây mù bao phủ cả bản làng, lớp học thiếu ánh sáng. Nhiều hôm, cô trò phải chờ đến 9 giờ sáng mới có thể dạy học trở lại.

“Khoảng cách từ trường chính vào bản Cháo, bản Ho dài gần chục cây số đường rừng. Giáo viên phải đi bộ nửa ngày. Đi bộ mệt quá, ngồi nghỉ ở bìa rừng một lúc thì phát hiện vắt bám đầy người, ai nấy đều sợ”, cô Oanh kể.

Thế nhưng, được hỏi sao “chết khiếp” vậy mà không về xuôi, cô Oanh cười bảo rằng tình cảm của bà con và học trò đã níu chân cô suốt 30 năm qua. “Học trò ở vùng cao thiệt thòi và đáng thương lắm nhưng rất tình cảm. Từ khi lên đây, tôi học thêm tiếng Thái để giao tiếp và kéo gần khoảng cách cô trò, phụ huynh. Vì thế, tình cảm cô và trò khăng khít hơn, kể cả với bà con đồng bào cũng vậy. Hơn nữa, bây giờ có muốn về xuôi thì cũng chẳng được vì không có điều kiện. Chi bằng, cố gắng vài năm nữa rồi xin về hưu trước tuổi”, cô Oanh bộc bạch.

Năm 1994, cô Oanh được chuyển về Trường Tiểu học và THCS Trung Xuân và gắn bó cho đến nay. Giờ đây, mái tóc đã điểm thêm màu phấn trắng, ở tuổi sắp về hưu nhưng cô Oanh vẫn lặn lội vào bản xa xôi, heo hút động viên học trò tới lớp.

gui-thanh-xuan-cho-nui-rung-3-5746.jpg
Cô Oanh ở một mình trong dãy nhà công vụ của Trường Tiểu học vàTHCS Trung Xuân (Quan Sơn, Thanh Hóa).

Yêu thương trò như con

Cô giáo Ông Thị Lan (46 tuổi) quê ở phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) cũng tự nguyện rời xa chốn phồn hoa để lên huyện biên giới Mường Lát dạy học.

Năm 1999, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), cô Lan xin dạy hợp đồng tại Trường Tiểu học Quảng Nham 2 (Quảng Xương). Gần 20 năm theo đuổi nghiệp “trồng người”, dù đồng lương giáo viên dạy hợp đồng khá ít ỏi, nhưng ngày ngày cô Lan không quản ngại nắng, mưa đến trường với quãng đường xấp xỉ 20 km.

“Thu nhập thấp, con cái còn nhỏ, nhiều lúc bản thân cũng thấy nản lòng. Thế nhưng, tôi chỉ nghĩ một điều rằng, mình bỏ cuộc thì nhiều đứa trẻ nơi đây sẽ mất đi cơ hội học tập. Vì vậy, vợ chồng tôi cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, theo đuổi nghề mình đã chọn và chờ cơ hội để thi vào viên chức ngành Giáo dục”, cô Lan tâm sự.

Năm 2018, huyện Mường Lát có đợt tuyển dụng viên chức ngành Giáo dục, cô giáo Lan đã làm hồ sơ đăng ký dự tuyển. Khi trúng tuyển viên chức, cô Lan được phân công về dạy ở Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát).

Quãng đường từ nhà đến trường hơn 200 km, nên chiều thứ 6 hằng tuần, cô Lan lại lên xe khách về với gia đình ở TP Sầm Sơn và trở lại trường vào chiều Chủ nhật.

“Có nhiều hôm tôi phải đi chuyến xe khách cuối cùng từ TP Thanh Hóa lên Mường Lát vào lúc 20 giờ tối và lên đến trường lúc gần 1 giờ sáng. Biết là vất vả vì đường xa, nhưng mình đã chọn nghề rồi thì phải gắn bó. Hơn nữa, khi lên nhận công tác ở ngôi trường này, mới thấy thương học sinh. Nhiều em có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn và đáng thương”, cô Lan bộc bạch.

Năm học 2023 - 2024, học sinh của cô là em Lộc Phúc Thịnh (lớp 1) người Thái bị bệnh máu trắng. Em Thịnh mồ côi mẹ từ lúc 2 tuổi, phải ở với ông bà ngoại tuổi cao sức yếu. Bố của Thịnh cũng bị bệnh Basedow và thần kinh.

Là cô giáo chủ nhiệm, nhìn học sinh bị bệnh, có lúc ngất lịm ở bàn học trên lớp, cô Lan rất trăn trở vì không biết phải làm gì để giúp trò. Bởi, cứ 2 tháng, cậu trò nhỏ phải đi bệnh viện truyền máu 1 lần.

“Có lần, thấy em yếu quá, tôi phải gọi điện cho người nhà đưa đi truyền máu. Thế nhưng, gia đình bảo không có tiền. Tôi đã báo cáo hiệu trưởng và xin kêu gọi hỗ trợ từ giáo viên, học sinh trong trường, đồng thời, vận động bạn bè của mình giúp đỡ”, cô Lan chia sẻ.

Tuy nhiên, với số tiền 2 triệu đồng quyên góp được vẫn chưa đủ 1 chuyến xe chuyển Thịnh đi cấp cứu tại bệnh viện tỉnh, nên cô phải bỏ tiền cá nhân trả thêm để kịp đưa em xuống bệnh viện trong đêm.

Hiện tại, cô Lan vẫn theo sát để giúp đỡ Thịnh trong khả năng của mình. Đồng thời, cô xin được nhà xe miễn vé cho em mỗi khi đi truyền máu.

“Từng nuôi con nhỏ nên mỗi lần sắp đến kỳ truyền máu, nhìn da của cháu xanh xao, nhợt nhạt, người yếu dần đi lại khiến tôi lo lắng. Hơn nữa, cháu không có sự chăm sóc của mẹ, lại mắc bệnh như thế nên thương lắm”, cô Lan tâm sự.

Thầy Lê Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 (Mường Lát, Thanh Hóa) cho hay, cô giáo Ông Thị Lan có chuyên môn tốt và rất yêu nghề, thương học sinh. Từ khi lên nhận công tác, nhà trường phân công cô làm thư ký hội đồng, tổ trưởng chuyên môn. Cô Ông Thị Lan cũng là giáo viên giỏi cấp huyện.

“Từ khi về nhận công tác ở trường, không những giáo viên, học sinh quý mến, mà cô Lan còn được cả người dân địa phương quý trọng”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý 1 đánh giá.

Thầy Cao Văn Vinh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Trung Xuân, huyện biên giới Quan Sơn (Thanh Hóa) cho biết, hơn 30 năm công tác tại vùng miền núi gian khó, cô Lê Thị Oanh luôn là tấm gương trong chuyên môn và cuộc sống. Nhiều năm liền cô là giáo viên giỏi cấp huyện, tỉnh. Trong cuộc sống, cô gương mẫu, sống gần gũi với đồng nghiệp, học sinh và bà con dân bản. Học sinh và dân bản gọi cô với cái tên trìu mến “mẹ Oanh”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ