Cái khó của nghề
Vào nghề từ năm 2007, cô Bùi Thị Thu Hà - giáo viên Trường Mầm non An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội) cùng với các đồng nghiệp thấu hiểu hơn ai hết những nỗi vất vả của nghề. Thời gian đầu vào làm, mức lương hợp đồng của cô Hà chưa đầy 1 triệu đồng/tháng. Sau nhiều năm cố gắng phấn đấu, hiện cô đã vào biên chế và thu nhập dần được cải thiện.
Giáo viên mầm non có nhiệm vụ tạo ra môi trường học tập an toàn, vui vẻ để trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất, trí tuệ, tình cảm và xã hội. Các hoạt động học tập đa dạng, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành giúp trẻ khám phá thế giới xung quanh, rèn luyện kỹ năng vận động, tư duy, sáng tạo. Cô giáo sẽ trao đổi với phụ huynh về tình hình của trẻ, từ đó giúp bố mẹ có định hướng phù hợp trong nuôi dạy trẻ.
Theo cô Hà, hằng ngày, các cô thường có mặt từ 6 giờ 30 phút sáng để chuẩn bị lớp học. Trẻ nhà trẻ hay quấy khóc vì chưa quen lớp, quen cô nên cô giáo phải vô cùng khéo léo, tận tâm, kiên trì để vỗ về, giúp trẻ cảm thấy sự an toàn khi ở bên cô. Trên lớp, trẻ vừa được chơi và tập các kỹ năng cơ bản, tự phục vụ phù hợp với từng lứa tuổi. Cô giáo là người vừa giáo dục, vừa chăm sóc cho trẻ từ việc nhỏ nhất.
Vất vả là vậy, song với tình yêu thương trẻ nên những áp lực đó cũng dần trở thành động lực để các cô tiếp tục yêu nghề, yêu trẻ. Hiện nay, để nâng cao chất lượng giảng dạy, các cô tham gia nhiều khóa học nhằm củng cố kỹ năng sư phạm, đa dạng phương pháp dạy học và tạo hứng thú cho trẻ mỗi khi đến lớp. Không chỉ trong lớp học, trẻ còn được khám phá nhiều điều thú vị ở môi trường bên ngoài.
Gần 30 năm gắn bó với nghề, cô Lê Thu Hoài - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) khẳng định, khối lượng công việc của giáo viên mầm non rất nhiều. Mỗi ngày, thời gian làm việc không chỉ 8 tiếng như viên chức Nhà nước các ngành mà thường kéo dài từ 10 tiếng trở lên. Đó là chưa kể sẽ có những tình huống phát sinh nếu phụ huynh thiếu sự đồng hành, chia sẻ.
“Chứng kiến nhiều trường hợp bố mẹ không đến đón con đúng giờ do tưởng ông bà đón, trẻ phải ở lại lớp đến tối rồi cô lại đưa về tận nhà, gia đình mới biết quên đón con. Không chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, các cô còn phải tham gia nhiều công tác khác, nhất là thời điểm phòng chống dịch bệnh hay phổ cập giáo dục. Hiện, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng, nhưng so với tính chất công việc vẫn có phần chưa tương xứng”, cô Hoài bày tỏ.
Nhấn mạnh thêm vai trò của giáo viên mầm non, cô Lê Thu Hoài cho biết, công tác đảm bảo an toàn bán trú cho trẻ cũng có sự đóng góp quan trọng của lực lượng này. Trong lớp, cô giáo phải biết đặc điểm của từng trẻ, trẻ thích hoặc kiêng món gì để điều chỉnh phù hợp, đảm bảo đủ dinh dưỡng, khẩu phần và định lượng.
Còn những tâm tư
Thầy Lại Công Hoan - Hiệu trưởng Trường Mầm non Vũ Ninh (Kiến Xương, Thái Bình) cho rằng, một trong những vai trò quan trọng của giáo viên mầm non là giúp trẻ phát triển các kỹ năng cơ bản như tự lập, giao tiếp, tư duy logic và tư duy sáng tạo. Giáo viên mầm non cũng hướng dẫn trẻ nhỏ rèn luyện kỹ năng xã hội, như chia sẻ, tôn trọng và làm việc nhóm.
“Tính chất công việc vất vả là vậy, song cơ sở vật chất nhiều trường chưa được đầu tư đồng bộ khiến hiệu quả giảng dạy bị hạn chế. Nhà nước và xã hội cần đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất cho các trường mầm non để cô trò có điều kiện dạy - học tốt hơn. Nhà nước cần quan tâm về chế độ chính sách, phụ cấp, giáo viên mầm non mới yên tâm bám trụ với nghề”, thầy Hoan nói.
Cô H’Phen Êya - giáo viên Trường Mẫu giáo Ea T’ling (Cư Jút, Đắk Nông) luôn mong muốn tạo cho trẻ cảm giác vui vẻ, hạnh phúc và ý nghĩa nhất khi đến trường. Tuy nhiên, khối lượng công việc nhiều từ soạn bài đến chuẩn bị đồ dùng dạy học cho ngày mai nên các cô hầu như không còn thời gian dành cho gia đình.
Đa số trẻ học tập tại trường là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên khả năng tiếng Việt còn nhiều hạn chế. Cô H’Phen Êya tận dụng mọi thời điểm để dạy tiếng Việt cho trẻ. Không chỉ trong giờ học, cô tranh thủ tối đa thời gian, hoàn cảnh để dạy trẻ tiếng Việt những lúc chơi, dã ngoại, chuẩn bị ngủ trưa, giờ phụ huynh đón... mà không quản ngại vất vả.
“Khó khăn là thế, nhưng mức lương nhận so với khối lượng công việc phải hoàn thành chưa tương xứng. Đôi khi nghề giáo chưa được xã hội thấu hiểu khiến chúng tôi cảm thấy chạnh lòng. Chúng tôi rất mong có sự đồng hành, sẻ chia từ phụ huynh, cộng đồng. Lãnh đạo cấp trên tạo điều kiện để giáo viên mầm non có cơ hội được thăng hạng chức danh nghề nghiệp”, cô H’Phen Êya giãi bày.
Cô Đinh Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Trung Sơn Trầm (TX Sơn Tây, Hà Nội) cho hay, lãnh đạo cấp trên nên nghiên cứu để giáo viên mầm non được cải thiện thu nhập, nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi. “Giáo viên trẻ có nhiều lợi thế trong việc bổ sung kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục trẻ, nhất là các phương pháp giáo dục tiên tiến như STEAM, Montessori…
Ngược lại, với giáo viên công tác lâu năm, việc tiếp xúc với công nghệ đôi khi là một rào cản, những động tác múa hát không thể khéo léo được như trước. Do đó, để các cô được nghỉ hưu ở tuổi 55 là phù hợp với thực tế”, cô Đinh Thị Thu Hương phân tích thêm.