Vai trò của phụ nữ với giáo dục:

Những 'bông hoa đẹp' ở vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nhiều cô giáo chấp nhận xa quê, xa nhà, tình nguyện công tác tại địa bàn vùng sâu, xa trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Cô Vũ Thị Cành trong một tiết dạy.
Cô Vũ Thị Cành trong một tiết dạy.

Trong điều kiện sinh hoạt khó khăn, việc đi lại, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn hạn chế..., họ vẫn gắn bó với nghề, nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạt nhiều thành tích trong công tác giảng dạy.

Gặp học trò là thấy khỏe

Cô Vũ Thị Cành (quê Thanh Hóa) đang công tác tại Trường Tiểu học Tân Hải (xã Tân Hải, Phú Tân) - một điểm trường nằm ở vùng sâu, xa tỉnh Cà Mau. Sau khi tốt nghiệp đại học ngành Sư phạm, cô tình nguyện về vùng sâu, xa công tác và được phân công về trường.

“Tôi được thầy cô, các cấp lãnh đạo thông tin điều kiện tại trường, động viên tinh thần, nên cũng chuẩn bị tâm lý, đối mặt. Tuy nhiên, khi về dạy mới thấy rất nhiều khó khăn không thể lường trước được, tôi nghĩ khó 1 nhưng thực tế khó 5. Tôi bị sốc tâm lý một thời gian, có giai đoạn muốn bỏ trường trở về Thanh Hóa dạy”, cô Cành kể.

“Cả nước đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Vì thế, bản thân mỗi giáo viên phải tự đổi mới, không ngừng trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ứng dụng công nghệ thông tin, để có thể dạy tốt. Là giáo viên vùng sâu, tôi càng phải phấn đấu nhiều hơn để không tụt hậu. Nếu giáo viên không nỗ lực dạy tốt thì người chịu thiệt chính là học trò”, cô Vũ Thị Cành chia sẻ.

Dù suy nghĩ thế, nhưng cô Vũ Thị Cành vẫn ở lại trường công tác và đến nay có 22 năm trong nghề. Lý do giữ chân cô bám điểm trường vùng sâu này vì tình thương đối với học sinh lớn hơn so với những khó khăn gặp phải.

“Thời điểm tôi mới về dạy, Tân Hải là xã đặc biệt khó khăn, hạ tầng giao thông chưa phát triển, học sinh đi học chủ yếu bằng phương tiện đường thủy, mùa mưa nhiều em phải lội sình đến trường. Phần lớn học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, điều kiện học tập thiếu thốn. Nhìn hoàn cảnh học sinh như thế tôi rất thương, từ đó không muốn đi nơi khác dạy, mà tình nguyện gắn bó lâu dài để giúp đỡ các em”, cô Cành chia sẻ.

Hiện, cô Vũ Thị Cành mang trong người căn bệnh hiểm nghèo, trải qua nhiều lần phẫu thuật. Hằng ngày, cô phải uống thuốc điều trị, tốn kém. Dù sức khỏe suy giảm, nhưng cô vẫn cố gắng đến lớp dạy đều đặn theo lịch phân công. “Thời điểm bệnh nặng phải phẫu thuật, tôi rất nhớ học trò. Khi sức khỏe ổn định, tôi liền xin quay lại trường tiếp tục giảng dạy. Được đứng trên bục giảng, gặp học sinh tôi cảm thấy vui vẻ, tinh thần phấn chấn, từ đó sức khỏe tốt hơn”, cô giáo vùng sâu bùi ngùi nói.

Thầy Bùi Hoàng Huynh - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Hải cho biết, dù thường xuyên bệnh tật nhưng cô Vũ Thị Cành luôn nỗ lực trong công tác, nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

“Trong quá trình công tác tại trường, cô Cành có nhiều sáng kiến, từng giành danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Cô luôn nắm bắt cơ hội tham gia các lớp tập huấn, khóa đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, đồng thời chịu khó tự học, trau dồi, nâng cao kiến thức, đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong tình hình mới.

Ngoài ra, cô Cành hăng hái tham gia các phong trào do trường, ngành Giáo dục tổ chức. Nhiều năm liền được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích trong công tác giảng dạy. Năm học này, cô được trường đưa vào danh sách đề nghị cấp trên xét tặng bằng khen Thủ tướng Chính phủ”, lãnh đạo nhà trường cho biết.

nhung-bong-hoa-dep-o-vung-dat-mui-1-1727.jpg
Cô Lý Hòa Ly chỉ bài tập cho học sinh.

Ngăn dòng bỏ học

Xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời là một trong 2 xã đảo của tỉnh Cà Mau. Đây cũng là vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống.

Cô Lý Hòa Ly có 14 năm gắn bó với Trường PTDTNT THCS Danh Thị Tươi (xã Khánh Bình Tây). Là người Khmer, sinh sống tại địa phương nên hơn ai hết cô hiểu rõ những khó khăn của học sinh nơi đây, đặc biệt là học trò người dân tộc thiểu số. “Ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã nuôi ước mơ trở thành cô giáo, trở về địa phương công tác, đóng góp một phần công sức nhỏ bé trong việc nâng cao trình độ dân trí cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, nữ nhà giáo tâm sự.

Những năm qua, nhờ được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Cà Mau có sự chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, còn một bộ phận người dân do điều kiện khó khăn nên chưa quan tâm đúng mức đến việc học của con em.

“Phần đông học sinh dân tộc thiểu số ở trường đều có cha, mẹ đi làm ăn xa nhà, gửi cho ông bà, người thân chăm sóc. Ông bà lớn tuổi nên ít quan tâm đến việc học của các em và phó thác hết cho giáo viên. Nhiều em nhà xa nhưng không được vào ở nội trú do sau khi đi học phải về nhà phụ giúp công việc gia đình. Một số gia đình vẫn còn tư tưởng cho con nghỉ học sớm để lao động hoặc nếu không được Nhà nước hỗ trợ, tạo điều kiện sẽ không cho con đến trường”, cô Ly phân tích.

nhung-bong-hoa-dep-o-vung-dat-mui-3-9447.jpg
Cô Vũ Thị Cành trên bục giảng.

Nắm bắt được khó khăn về vật chất, sự thiếu thốn tình thương của học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cô Lý Hòa Ly luôn xem học trò như con, cháu trong gia đình. Ngoài dạy kiến thức, cô còn giáo dục các em đạo đức làm người, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng thời, cô thường xuyên chia sẻ, giúp đỡ, động viên trong học tập và cuộc sống để các em không bỏ học giữa chừng.

“Trong các tiết dạy, tôi thường xuyên trao đổi với học sinh bằng ngôn ngữ Khmer để góp phần gìn giữ tiếng nói của dân tộc. Do ít được hỗ trợ từ phụ huynh trong học tập nên nhiều em học yếu, tôi phải phân loại ra năng lực học tập từng nhóm học sinh để có sự kèm cặp, giảng dạy đạt hiệu quả”, cô Ly chia sẻ kinh nghiệm.

Nguyễn Yến Vy - học lớp 7 Trường PTDTNT THCS Danh Thị Tươi cho biết rất thích học môn Toán bởi cô Ly dạy dễ hiểu. Cũng nhờ cô thường áp dụng dạy song ngữ trong tiết học mà khả năng nghe, nói tiếng Khmer của em cải thiện đáng kể. Được cô động viên, Yến Vy luôn nỗ lực hơn trong học tập, để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo.

Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, cô Lý Hòa Ly còn năng nổ, nhiệt tình tham gia các phong trào do trường phát động. Cô Ly hiện kiêm nhiệm vai trò Tổng phụ trách Đội của trường. Cô từng vinh dự nhận Bằng khen của Ủy ban Dân tộc, Bằng khen Bộ GD&ĐT về thành tích trong công tác giáo dục học sinh dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn.

nhung-bong-hoa-dep-o-vung-dat-mui-4-9126.jpg
Cô Lý Hòa Ly giảng bài cho học sinh.

Truyền cảm hứng học tiếng Anh

Tốt nghiệp đại học, từng làm nhân viên văn phòng cho một công ty ở Bình Dương với thu nhập ổn định nhưng cô Nguyễn Phương Thảo bất ngờ rẽ hướng trở thành giáo viên dạy tiếng Anh.

Cô Thảo đang giảng dạy tại Trường Tiểu học 2 xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), cách quê cô (huyện U Minh) hơn 150 km. Trong khi đó, chồng cô Thảo công tác tại TPHCM, con nhỏ của cô phải gửi cho ông bà ngoại chăm sóc. Cô Thảo hiện ở nhờ nhà người quen để ổn định cuộc sống, yên tâm giảng dạy. Từ nơi cô ở đến trường chạy xe máy khoảng 40 phút, có thời gian qua phà.

Ngoài dạy chính thức, cô Thảo còn dạy tăng cường môn Tiếng Anh cho một điểm trường ở xã Viên An, cách trường cô dạy chính vài chục km.

“Vùng Đất Mũi rất thiếu giáo viên tiếng Anh, vì thế, chúng tôi phải dạy tăng cường liên trường, liên cấp trên tinh thần tự nguyện. Dù đường xa, chạy xe vất vả, mất nhiều thời gian, chi phí, nhưng tôi nghĩ trong điều kiện thiếu giáo viên mình phải có sự sẻ chia, nếu không, nhiều học sinh sẽ không được học tiếng Anh”, cô Thảo nói.

Nói về công việc chuyên môn, cô Thảo cho biết, dạy tiếng Anh đối với học sinh vùng sâu, xa khó hơn nhiều so với dạy các em ở thành thị. Học sinh ở đây không có điều kiện tiếp xúc tiếng Anh từ nhỏ, nên khi học còn bỡ ngỡ, khả năng tiếp thu chậm.

“Ở vùng sâu đâu có trung tâm ngoại ngữ nên phụ huynh không thể cho con học tiếng Anh từ nhỏ, mà nếu có thì cuộc sống khó khăn chưa chắc phụ huynh có khả năng cho con đi học. Mặt khác, gia đình ở nông thôn cũng không biết nhiều tiếng Anh nên về nhà không thể chỉ dạy thêm để các em mau tiến bộ. Do cơ sở vật chất hạn chế, thiếu giáo viên nên trường chỉ tổ chức cho học sinh học môn Ngoại ngữ bắt buộc từ lớp 3, vì vậy, việc truyền đạt kiến thức cho các em cũng hết sức khó khăn”, cô Thảo chia sẻ.

Nhằm giúp học sinh vùng sâu dễ tiếp thu với ngôn ngữ thứ 2, cô Thảo có nhiều sáng tạo trong tiết dạy như chia học sinh thành từng nhóm học phù hợp với năng lực; dạy tiếng Anh thông qua bài hát, trò chơi, mẩu chuyện... Vì thế, không khí học tập trong các tiết học của cô Thảo luôn sôi động.

Chia sẻ về đồng nghiệp, thầy Lê Đức Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học 2 xã Đất Mũi nói, dù mới về trường công tác nhưng cô Nguyễn Phương Thảo rất năng động, nhiệt tình và chịu khó. Trong điều kiện đi lại, sinh hoạt khó khăn nhưng cô luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, cô có nhiều phương pháp giảng dạy tiếng Anh phù hợp với học sinh vùng sâu, thổi làn gió mới trong việc dạy và học ngoại ngữ tại trường.

“Xác định về vùng sâu, xa dạy, tôi đã sẵn sàng tâm lý đương đầu với mọi khó khăn, thử thách từ cuộc sống sinh hoạt, đến công việc chuyên môn. Tôi sẽ cố gắng vượt qua mọi khó khăn để bám trụ, gắn bó lâu dài với học sinh vùng sâu, truyền đạt kiến thức cho các em tốt nhất trong khả năng có thể, nhằm giảm bớt phần nào những thiệt thòi của học sinh trong việc tiếp cận môn Tiếng Anh”, cô Thảo tâm niệm.

Dù còn nhiều khó khăn, hạn chế, nhưng những năm qua chất lượng giáo dục tại tỉnh Cà Mau đã có sự chuyển biến tích cực. Góp phần vào thành tích chung của ngành Giáo dục tỉnh phải kể đến sự đóng góp của những cô giáo vùng sâu, xa luôn tận tâm, nhiệt huyết với sự nghiệp “trồng người” như cô Cành, cô Ly, cô Thảo... Họ chính là những “bông hoa đẹp, ngát hương” trong “vườn hoa” giáo dục vùng Đất Mũi nói riêng, cả nước nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ