Vai trò của phụ nữ với giáo dục:

Nữ nhà giáo - chìa khoá của đổi mới giáo dục

GD&TĐ - Chiếm tỷ lệ áp đảo, nữ nhà giáo là lực lượng vô cùng quan trọng trong ngành Giáo dục. 

NGƯT Lê Thị Hồng Tâm trong giờ dạy học. Ảnh: NVCC
NGƯT Lê Thị Hồng Tâm trong giờ dạy học. Ảnh: NVCC

Cống hiến của các nữ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên càng không thể thiếu trong quá trình triển khai đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.

Lực lượng chủ chốt

Nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động chiếm tỷ lệ gần 80% trong toàn ngành Giáo dục và có mặt ở mọi lĩnh vực công tác, từ quản lý, giảng dạy đến công việc hành chính. Đặc biệt, với giáo dục mầm non, số nữ cán bộ, giáo viên chiếm tuyệt đại đa số.

Công tác tại vùng đặc biệt khó khăn, cô Lường Thị Hồng Nhi - giáo viên Trường Mầm non Tân Long (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) chia sẻ: Đối với trẻ lứa tuổi mầm non, giáo viên đóng vai trò như người mẹ, chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ, dạy trẻ từ những điều nhỏ nhất, quan tâm đến trẻ ở mọi lúc, mọi nơi.

Mỗi lời nói, hành động, cử chỉ của cô có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ, hành vi và sự phát triển của trẻ. Bản năng người mẹ; sự chu đáo, cẩn thận, tỉ mỉ của đặc trưng giới khiến các nữ nhà giáo là lực lượng không thể thay thế trong giáo dục mầm non.

Là giáo viên tiểu học, NGƯT Lê Thị Hồng Tâm - Trường Tiểu học Thị trấn Hạ Hòa (Hạ Hòa, Phú Thọ) cho rằng, mỗi người phụ nữ thiên bẩm đã có sứ mệnh một nhà giáo. Họ là nhà giáo đầu tiên đối với những thiên thần bé nhỏ của mình.

Hơn nữa, với hành trang được đào tạo và chức trách, nhiệm vụ được giao, đội ngũ nữ nhà giáo có vai trò hết sức quan trọng trong công cuộc đổi mới giáo dục, nhất là giai đoạn đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT hiện nay.

Phát huy hài hòa các thế mạnh về giới, mỗi nữ nhà giáo vừa là người trải nghiệm thực tiễn, khơi nguồn sáng tạo, đổi mới và tổ chức thực hiện, kết nối có hiệu quả nhất mối quan hệ hữu cơ giữa gia đình, nhà trường và xã hội, để phát triển mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục.

Cũng khẳng định vai trò quan trọng của nữ nhà giáo, cô Lê Thị Mỹ Dung - giáo viên Trường THPT Hà Trung (Thừa Thiên Huế) nhấn mạnh: Đây là lực lượng góp phần tích cực thực hiện các mục tiêu giáo dục, giữ vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, đào tạo của toàn ngành. Gánh trên vai nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục, các công tác xã hội, nữ nhà giáo còn là người vợ, mẹ trong gia đình, nhưng họ vẫn cố gắng vươn lên hoàn thành tốt chức trách của mình.

Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, các nữ nhà giáo luôn năng động, sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học, giáo dục và quản lý, ứng dụng công nghệ thông tin, say mê nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học công nghệ, thường xuyên tự học, tự nghiên cứu về chuyên môn, ngoại ngữ để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.

“Có thể nói, với đặc thù công việc giảng dạy phức tạp, nhiều khó khăn, cần sự chuyên tâm, cần mẫn, nữ nhà giáo luôn nỗ lực phấn đấu “giỏi việc trường - đảm việc nhà”, trở thành những tấm gương tiêu biểu, góp phần không nhỏ vào phát triển và nâng cao chất lượng GD-ĐT”, cô Lê Thị Mỹ Dung nhận định.

Bên cạnh công tác giảng dạy ở trường, họ phải vượt qua nhiều khó khăn, cân đối thời gian, sắp xếp công việc một cách khoa học, hợp lý để làm tốt vai trò “người thầy đầu tiên” của các con; xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc, chăm sóc bố mẹ, nuôi dạy các con chăm ngoan, học giỏi, hiếu thảo.

Cống hiến không mệt mỏi

Nhận thức được trách nhiệm to lớn của mình trong công tác giáo dục mầm non, cô Lường Thị Hồng Nhi và đồng nghiệp đã cố gắng nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cô chia sẻ: “Địa phương tôi công tác là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Hỷ, phần lớn người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 2 bản người dân tộc Mông xa xôi, khó khăn nhất. Từ trung tâm xã lên đến bản khoảng cách 14km đường đèo núi.

Những ngày mưa nhiều, núi sạt lở, đất tràn ra đường, các cô dắt xe, đi ủng, lội qua bùn đất để đến trường. Ở bản, các em bé Mông chưa biết tiếng Kinh, cô giáo cũng không biết tiếng của trẻ. Trẻ lại chưa ra môi trường xã hội bao giờ nên có nhiều nhút nhát, luôn khép mình. Do đó, ban đầu để giao tiếp được với trẻ, các cô đã phải nhờ người phiên dịch”.

Vì đặc thù địa bàn, hầu như trẻ tự theo các anh chị tiểu học đến trường chứ không có người đưa đón. Những ngày mưa dầm, khi đến lớp, chân tay các em bám đầy đất, mặt mũi lấm lem. Cô giáo đón trẻ tận cổng trường, xách từng xô nước rửa chân, rửa mặt cho trẻ.

Mùa Đông, các em đến trường với đôi chân trần lạnh tím, áo khoác mong manh không đủ ấm, các cô tích trữ từng đôi tất, cái áo từ các nhà hảo tâm để mặc thêm cho trẻ. Trẻ tập tô chữ, học số, đôi tay lóng ngóng, sợ sệt vì chưa bao giờ được cầm đến quyển vở, cái bút, các cô vừa động viên, vừa cầm tay nắn nót…

Cô Lường Thị Hồng Nhi cũng chia sẻ một ngày làm việc bắt đầu từ hơn 6 giờ sáng, kết thúc vào 17 giờ 30 phút chiều với công việc luôn chân, luôn tay đón trẻ, tập thể dục sáng, tổ chức hoạt động học, chơi, ăn trưa, ngủ trưa, ăn chiều, ôn bài hoặc chơi buổi chiều, trả trẻ. Tối về nhà hoặc ngày nghỉ thì lo soạn bài, chuẩn bị đồ dùng đồ chơi, học hỏi bồi dưỡng để phát triển chuyên môn.

chia-khoa-cua-doi-moi-giao-duc-3-4734.jpg
Cô Lường Thị Hồng Nhi và trẻ Trường Mầm non Tân Long (huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên).

“Với sự tận tâm, tận lực trong công việc, tôi và đồng nghiệp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc giáo dục trẻ. Thành quả là trẻ khỏe mạnh, vui vẻ, hoạt bát, có kiến thức, có kỹ năng, được phát triển toàn diện, tự tin “chơi mà học, học bằng chơi”, sẵn sàng bước vào lớp 1.

Riêng tôi cũng được ghi nhận với danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp huyện và chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ…”, cô Lường Thị Hồng Nhi bày tỏ.

Thời gian tới, cô Lường Thị Hồng Nhi khẳng định tiếp tục nỗ lực học hỏi, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn; ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học để trẻ vùng khó được tiếp cận nhiều hơn với những điều bổ ích, mới lạ. Cùng đó, học hỏi, tiếp cận với những phương pháp dạy học tiên tiến để tổ chức hoạt động học tốt nhất; xây dựng môi trường lớp học trở thành lớp học hạnh phúc.

Tại Trường THPT Hà Trung, cô Lê Thị Mỹ Dung với vai trò Tổ trưởng chuyên môn, kiêm nhiệm Chủ tịch Công đoàn đã không ngừng phấn đấu, đạt thành tích đáng khích lệ. Nhiều năm liền, cô là chiến sĩ thi đua cơ sở; được nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT, Bằng khen của Công đoàn Giáo dục Việt Nam, Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh Thừa Thiên Huế, Giấy khen của Giám đốc Sở GD&ĐT... Năm 2021, cô được vinh danh nhà giáo tiêu biểu tại Hà Nội và được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen.

“Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực trở thành tấm gương đạo đức tự học, sáng tạo, phát huy nội lực để phấn đấu vươn lên; khắc phục khó khăn, chủ động sắp xếp công việc gia đình, động viên giúp đỡ chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp, để ngoài vai trò người mẹ hiền, vợ đảm, sẽ là một giáo viên giỏi, tiếp tục đóng góp sức lực, trí tuệ, tâm huyết cho sự nghiệp trồng người”, cô Lê Thị Mỹ Dung chia sẻ.

PGS.TS Trịnh Thị Phương Thảo là giảng viên cao cấp Khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Thái Nguyên). Năm 2019, cô là đại diện duy nhất của ĐH Thái Nguyên được Trung ương Đoàn vinh danh trong số 75 nhà giáo trẻ tiêu biểu toàn quốc. Cũng năm này, ở tuổi 35, nhà giáo Phương Thảo nhận học hàm PGS và trở thành PGS trẻ nhất ngành Giáo dục học toàn quốc và ĐH Thái Nguyên.

Trên cơ sở hướng nghiên cứu về ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục thời gian gần đây, PGS.TS Trịnh Thị Phương Thảo tập trung nghiên cứu về giảng dạy ở ĐH và phổ thông trong bối cảnh chuyển đổi số. PGS đã có cơ hội tham gia và chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học cấp quốc gia, cấp tỉnh, bộ...

Các đề tài, hướng nghiên cứu tập trung vào lĩnh vực phát triển năng lực số cho học sinh, sinh viên; xây dựng hệ sinh thái giáo dục số; phát triển năng lực nghiên cứu định lượng cho giảng viên khối ngành khoa học giáo dục. Kết quả các nghiên cứu này góp phần xác định mô hình giáo dục số hiện đại, giúp học sinh, sinh viên phát triển kỹ năng cần thiết để hội nhập với thế giới kỹ thuật số.

“Kết quả nghiên cứu cũng được chúng tôi lồng ghép vào các khóa tập huấn, giúp nhiều thầy cô giảng viên tự tin hơn để thực hiện nghiên cứu định lượng. Một số công trình của tôi và đồng nghiệp được công bố trên các tạp chí quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của nhóm nghiên cứu và nhà trường trong cộng đồng học thuật.

Dự định tiếp theo của tôi là phát triển nhóm nghiên cứu, đặc biệt tập trung vào việc xây dựng và áp dụng các mô hình giáo dục số, không chỉ trong phạm vi quốc gia, mà còn mở rộng hợp tác với đối tác quốc tế. Tôi cũng mong muốn tạo thêm nhiều cơ hội cho nữ giảng viên trẻ tham gia vào các dự án nghiên cứu lớn, nhằm khẳng định vai trò của phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục số”, PGS.TS Trịnh Thị Phương Thảo cho hay.

Mong chính sách đặc thù về giới

Theo PGS.TS Trịnh Thị Phương Thảo, hiện nay trường sư phạm vẫn được Nhà nước hỗ trợ thông qua người học, cơ chế đặt hàng và đầu tư về cơ sở vật chất nên điều kiện giảng dạy, nghiên cứu khoa học của giảng viên được nâng lên một mức. Đầu vào các trường sư phạm có xu hướng ngày càng “tốt”, nhiều học sinh có năng lực đã lựa chọn và theo học sư phạm.

Đây là điều kiện để giảng viên có thể triển khai đổi mới công tác giảng dạy, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm… cho sinh viên được thuận lợi hơn. Nhà nước, Bộ GD&ĐT, các trường sư phạm cũng có nhiều chính sách, chế độ khuyến khích nữ nhà giáo trong công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học.

Ngoài những thuận lợi nói trên, PGS.TS Trịnh Thị Phương Thảo cho biết, để thực hiện tốt 2 nhiệm vụ quan trọng là đào tạo và nghiên cứu khoa học, các nữ giảng viên đang đứng trước nhiều áp lực. Về chuyên môn, giảng viên không chỉ giỏi về lĩnh vực mình giảng dạy, mà còn phải gắn việc giảng dạy với giáo dục phổ thông.

Về nghiên cứu khoa học, kết quả nghiên cứu phải được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín, sản phẩm nghiên cứu khoa học phải được ứng dụng vào thực tiễn. Thêm đó, ngoài giảng dạy ở trường, giảng viên còn thường xuyên di chuyển đến các địa phương để thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên, đến trường phổ thông để học tập, trao đổi…; phải thích ứng linh hoạt được ở các điều kiện làm việc khác nhau.

Bên cạnh đó còn áp lực về việc nuôi dạy con cái và cải thiện điều kiện sống cho gia đình... Cũng còn một áp lực ngầm mà ít ai nói đến nhưng vẫn hiện hữu - đó là “phải đẹp”, hay ít nhất phải chỉn chu về mặt hình thức trong mắt xã hội. Nữ giảng viên thường phải đối mặt với những kỳ vọng không chỉ về sự xuất sắc trong chuyên môn, mà còn về việc duy trì hình ảnh cá nhân, vừa phải tài năng, vừa phải tươi tắn. Điều này đôi khi tạo ra gánh nặng vô hình, làm tăng thêm áp lực trong cuộc sống hằng ngày.

Từ những trải lòng này, PGS.TS Trịnh Thị Phương Thảo bày tỏ mong muốn Bộ GD&ĐT và các cấp lãnh đạo quan tâm hơn nữa đến công tác truyền thông để xã hội hiểu đúng về trách nhiệm, khó khăn và những cống hiến của đội ngũ nữ nhà giáo; từ đó có sự đồng thuận, động viên, đồng hành cùng các nữ nhà giáo trong công tác giảng dạy, cuộc sống.

Đầu tư để “trường ra trường, lớp ra lớp”; đặc biệt ở những vùng xa, sâu, biên giới, hải đảo… nhằm tạo điều kiện cho nhà giáo đổi mới phương pháp dạy học. Dành một khoản kinh phí để hỗ trợ việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên.

Với NGƯT Lê Thị Hồng Tâm, gần 30 năm gắn bó với nghề dạy học, cô đã có những cống hiến không mệt mỏi. Chất lượng giáo dục toàn diện của lớp cô chủ nhiệm luôn đạt kết quả cao, có nhiều học sinh giỏi cấp quốc gia, tỉnh, huyện; góp phần xây dựng nhà trường luôn dẫn đầu phong trào thi đua của ngành, huyện.

Bên cạnh nỗ lực của bản thân, cô Lê Thị Hồng Tâm mong muốn đội ngũ nữ nhà giáo tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn xã hội; thể hiện qua các cơ chế, chính sách, đặc biệt có tính đến đặc thù về giới, để tạo môi trường thuận lợi nhất cho nữ nhà giáo cống hiến.

“Giáo viên mầm non không chỉ dạy mà cả nuôi dưỡng. Đặc thù là vậy, nên không chỉ yêu cầu giỏi về chuyên môn, các cô còn phải thực sự yêu thương trẻ mới có thể gắn bó lâu dài với nghề”. - Cô Lường Thị Hồng Nhi

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ