Trong những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đội ngũ nữ trí thức ngày càng khẳng định vị trí và tầm quan trọng đối với sự phát triển của ngành Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những trở ngại, thách thức làm hạn chế vị thế, vai trò của họ.
Thay đổi tích cực
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành một số chính sách để trao quyền cho nữ giới nhiều hơn trong tất cả lĩnh vực chính trị - đời sống, nhờ đó đã có sự thay đổi đáng kể với đội ngũ nữ trí thức. Nhiều nữ trí thức đã được tôn vinh trong nước và quốc tế, được nhận các giải thưởng khoa học như: Giải thưởng Nhà nước về Khoa học - Công nghệ, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Vifotex, các giải quốc tế...
“Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới với chỉ tiêu rất đáng kỳ vọng “Tỷ lệ nữ tiến sĩ trong tổng số người có trình độ tiến sĩ đạt 30% vào năm 2025 và 35% vào năm 2030”. Các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển đội ngũ giảng viên nữ như ưu tiên học bổng, tài trợ nghiên cứu và tạo điều kiện làm việc tốt hơn, đang dần được triển khai. Tuy nhiên, tôi vẫn nhận thấy còn thiếu nhiều chương trình để thúc đẩy nữ giới vươn đến những mục tiêu trên”. - GS.TS Nguyễn Thanh Mai
Theo GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, qua nhiều kỳ Đại hội Đảng, khái niệm về “trí thức” được đưa ra và hoàn thiện từ Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2008 “Về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” và gần đây là Nghị quyết số 45-NQ/TW năm 2023 “Về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”.
GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai nhận định, từ quan điểm của Nghị quyết số 45 nêu trên có thể thấy, khi nhắc đến tầng lớp trí thức, cụ thể hơn là đội ngũ nữ trí thức, chúng ta phải hiểu không chỉ gói gọn ở trong giáo dục, đào tạo và khoa học mà còn rộng hơn ở nhiều lĩnh vực chính trị - xã hội.
Riêng với giáo dục và đào tạo, đội ngũ trí thức nữ đã tích cực thúc đẩy gia tăng về số lượng và chất lượng. Cụ thể, thống kê giới tại Việt Nam năm 2022 cho thấy, dân số nữ chiếm hơn 50%, tỷ lệ nữ giảng viên đại học khoảng hơn 50%. Hơn nữa, giáo viên nữ cấp THPT chiếm hơn 65% và con số này tăng dần ở các cấp học nhỏ hơn.
“Theo như tôi tìm hiểu, nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam hiện nay chiếm khoảng 46% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước. Những năm gần đây, nhiều nhà khoa học nữ Việt Nam đã được vinh danh các giải thưởng sáng tạo, khoa học - công nghệ danh giá như Kovalevskaia, L'Oréal - UNESCO…
Nhiều nhà khoa học nữ đã có những công bố nổi tiếng, lọt vào danh sách nhà khoa học có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Nhiều vị trí chủ chốt trong các hoạt động nghiên cứu, quản lý và lãnh đạo tại các cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu đã có sự góp mặt của nữ giới. Những thành tựu trên đáng để kỳ vọng vào sự tham gia nhiều hơn của nữ giới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và khoa học trong tương lai”, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai chia sẻ.
Còn trở ngại
Trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam kiên trì mục tiêu phát triển bền vững, xác định khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Đi cùng với đó là những nỗ lực không ngừng để thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển đội ngũ nhà khoa học nữ. Nữ khoa học, trí thức Việt Nam từng bước trưởng thành và khẳng định vai trò quan trọng. Tuy nhiên, còn không ít trở ngại, thách thức để đội ngũ này sánh kịp với nam trí thức.
Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Lê Ngọc Liễu - giảng viên bộ môn Công nghệ thực phẩm, Khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, dù phải dồn tâm trí, thời gian cho công việc quản lý, giảng dạy, nghiên cứu, sáng tạo để đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”, nhưng hằng ngày, nữ giới vẫn phải hoàn thành thiên chức trong gia đình. Do đó, nhiều người phải có sự hỗ trợ từ gia đình mới hoàn thành tốt công việc của bản thân.
Theo PGS.TS Lê Ngọc Liễu, trên thực tế, chưa thấy nhiều nữ giới làm việc trong lĩnh vực giáo dục ở vị trí lãnh đạo hay người đứng đầu nhóm trong nghiên cứu khoa học. Bà nêu 2 nguyên nhân chính của thực trạng này. Trong môi trường giáo dục, để có chuyên môn cao phục vụ giảng dạy cũng như nghiên cứu khoa học đòi hỏi người đó phải có trình độ tiến sĩ trở lên.
Tuy nhiên, để lấy bằng tiến sĩ phải mất khoảng thời gian khá dài, trong khi đó đội ngũ trí thức nữ cùng lúc phải thực hiện nhiều vai trò, chức năng như làm vợ, mẹ, lo kinh tế gia đình. Cho nên để hoàn tất quá trình học tiến sĩ, phụ nữ khó có thể suôn sẻ như nam giới. Và dù đạt được trình độ tiến sĩ, đây mới là điểm khởi đầu trong nghiên cứu khoa học hay giảng dạy.
“Ngoài ra, chúng ta thường nghe nói nhiều về bình quyền, nhưng trong các chính sách chưa thể hiện rõ vấn đề này. Chẳng hạn, tôi thường viết nhiều đề tài, dự án tại các nước như Bỉ, Anh. Trong đó, đối với đề cương thường yêu cầu phân tích rõ vấn đề bình quyền của nhóm trong đề tài đó.
Cụ thể, phải liệt kê các thành viên tham gia đề tài là nam và nữ, chủ nhiệm đề tài là nam hay nữ... Thực ra, phụ nữ vẫn yếu thế hơn cho nên cần có những chính sách ưu tiên. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình công tác, bản thân chưa thấy quy định cụ thể về vấn đề này”, PGS.TS Lê Ngọc Liễu bày tỏ.
Tương tự, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai cho rằng, xét về mặt cơ hội phát triển, một kết quả nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Nature với tiêu đề “Women are credited less in science than men” vào năm 2023 do Ross và cộng sự thực hiện đã cung cấp nhiều bằng chứng cho thấy phụ nữ trong lĩnh vực khoa học thường ít được công nhận hơn so với nam giới.
Nghiên cứu cũng cho thấy phụ nữ thường bị gạt ra khỏi danh sách tác giả trong các công bố khoa học hoặc bằng sáng chế, ngay cả khi họ đã đóng góp đáng kể. Cụ thể, phụ nữ có khả năng được ghi tên vào các bài báo khoa học thấp hơn 13,24% so với nam giới và nhận được công nhận cho các bằng sáng chế thấp hơn 58,40%.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng chỉ ra các nhà khoa học nữ thường báo cáo rằng những đóng góp của họ bị đánh giá thấp hơn và ít có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp do không được thừa nhận.
Điều này tương đối đúng trong bối cảnh của Việt Nam, khi trong đa số lĩnh vực khoa học, những nhóm nghiên cứu đều có ít sự tham gia của nữ giới và phụ nữ Việt Nam thường phải đối mặt với sự kỳ vọng xã hội về trách nhiệm gia đình và công việc nội trợ. Điều này ảnh hưởng đến sự nghiệp và khả năng tham gia vào các dự án nghiên cứu lớn.
“Về mặt xã hội, phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và khoa học vẫn phải đối mặt với định kiến truyền thống về “giới”, về trách nhiệm gia đình và sự kỳ vọng xã hội. Điều này cũng đặt ra thử thách “giỏi việc nước, đảm việc nhà” khi họ phải đảm nhiệm cả vai trò trong gia đình và sự nghiệp, đôi khi họ phải đưa ra lựa chọn một trong hai.
Điều này vô hình tạo thêm những áp lực lớn, đặc biệt trong nghiên cứu và giảng dạy đòi hỏi sự tập trung cao độ. Với tôi, nếu không có sự quyết tâm của bản thân và ủng hộ từ gia đình, nhất là đồng hành của chồng thì khó lòng có thể hoàn tất luận án tiến sĩ tại Nhật Bản đúng thời hạn để quay về công tác giảng dạy và nghiên cứu”, nữ GS chia sẻ.
Cần có chính sách ưu tiên
Để nâng cao vị thế của nữ trí thức, hướng đến tạo cơ hội bình đẳng cho nữ giới phát triển chuyên môn và sự nghiệp, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai cho rằng, các tổ chức giáo dục và khoa học công nghệ cần nâng cao nhận thức chung về bình đẳng giới, vai trò, thành tựu đóng góp của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
“Tôi rất quan tâm đến việc chuyển giao công nghệ, nên sẽ thuận lợi nếu có cơ chế thúc đẩy thương mại hóa, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giữa các nữ khoa học và nữ doanh nhân”, bà nhấn mạnh.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, một đề xuất của Hội nữ trí thức Việt Nam khá hay đó là xây dựng Giải thưởng chuyên biệt của Nhà nước cho các nhà khoa học nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt các chương trình/đề tài khoa học cấp quốc gia, đồng thời khuyến khích nhà khoa học nữ có thêm nhiều công bố quốc tế.
Chính phủ và các bộ cũng cần có sự tham khảo từ quốc gia trên thế giới và quan tâm hơn trong thực thi chính sách cụ thể đối với nhà khoa học nữ; kể cả những chính sách hỗ trợ chăm sóc trẻ em để giúp phụ nữ có thể tập trung vào sự nghiệp mà không phải hy sinh quá nhiều thời gian cho gia đình.
Đồng thời, Chính phủ và các bộ cần khuyến khích tài trợ cho những dự án, đề tài nghiên cứu về thúc đẩy bình đẳng giới trong đội ngũ trí thức nói chung và nữ trí thức nói riêng trong tất cả lĩnh vực đời sống xã hội. Có như vậy, các mục tiêu về bình đẳng giới hay phát triển bền vững mới có thể hiện thực hóa.
PGS.TS Lê Ngọc Liễu cũng mong muốn, Nhà nước có chính sách ưu tiên đề bạt và bổ nhiệm trí thức nữ tham gia quản lý chuyên môn hoặc lãnh đạo cấp ủy và đoàn thể. Hiện nay, tỷ lệ nữ trí thức tham gia cấp trưởng, phó trong các hoạt động lãnh đạo, quản lý thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo còn thấp.
Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích, tạo điều kiện để nữ trí thức trẻ học các bậc cao hơn về chuyên môn nghề nghiệp sư phạm, học tập lý luận chính trị, Tin học, Ngoại ngữ và các kiến thức cần thiết khác như năng lực lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học... để tạo nguồn kế cận.
“Đặc biệt, Nhà nước cần có chính sách đào tạo sau đại học cho trí thức nữ, trong đó có sự ưu đãi về chế độ phụ cấp, học bổng và quy định độ tuổi linh hoạt so với nam giới để rút ngắn thời gian đào tạo trở thành người cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên, nhà khoa học nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo có chất lượng cao”, PGS.TS Lê Ngọc Liễu đề xuất.
Sau 13 năm hoạt động, Hội Nữ trí thức Việt Nam ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hội Nữ trí thức Việt Nam đã tập hợp, thu hút được gần 6.000 hội viên, phát triển hội viên ở 12 tỉnh, thành phố, 31 viện nghiên cứu, các trường đại học, cơ quan Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước và tư nhân.