Truyền nhân của bà Cầu

Truyền nhân của bà Cầu

(GD&TĐ) - Trẻ trung, xinh đẹp có nhiều lựa chọn cho tương lai nhưng Mai Tuyết Hoa quyết định theo nghiệp hát xẩm. Ngày ấy, trong quan niệm của nhiều người, hát xẩm là thứ hồi ức về những người lang thang, vừa hát, vừa xin tiền.  Vượt qua định kiến, chị đã nỗ lực cùng với sự giúp đỡ của các bậc thầy, Mai Tuyết Hoa trở thành giọng ca số một của điệu xẩm tàu điện. Khi nghệ nhân Hà Thị Cầu vắng bóng, Mai Tuyết Hoa là nghệ sĩ trẻ duy nhất có thể vừa chơi đàn nhị, vừa hát xẩm...

Gia đình không có ai làm nghệ thuật, có chăng là bố yêu thích dân ca, 8 tuổi Mai Tuyết Hoa được bố cho thi vào Trường CĐ Nghệ thuật Hà Nội học sơ cấp đàn nhị. Học xong cao đẳng, chị thi tiếp vào Nhạc viện Hà Nội (Học Viện Âm nhạc Việt Nam), Khoa Nhạc cụ truyền thống. Ngay cả khi đã gắn bó với âm nhạc truyền thống cả chục năm, Mai Tuyết Hoa vẫn cứ nhầm tưởng, xẩm là... "tay gậy, tay ống bơ".

Làm gì để mọi người nghe xẩm?

Phải đến khi về Viện Nghiên cứu Âm nhạc Việt Nam, chị mới nhận ra mình đã lầm. Tại đây, Mai Tuyết Hoa tiếp xúc với những tài liệu nghiên cứu về xẩm, cả những tư liệu viết, băng ghi âm những bài hát của các nghệ nhân xẩm thời trước. Xẩm tuy là một loại hình âm nhạc dân dã, nhưng lại có giá trị về nghệ thuật rất riêng. Người xưa kiếm tiền bằng hát xẩm, có hẳn những phường hát chuyên nghiệp. Xẩm có tám làn điệu chính và có tới hơn 400 bài hát. Rất nhiều trong số đó được "phổ nhạc" từ những bài thơ hay. Mai Tuyết Hoa không ngờ xẩm lại là một kho tàng nhiều điều thú vị đến thế. Lúc ấy nói đến xẩm mọi người gần như lãng quên. Chị tự hỏi: Phải làm gì đó để mọi người hiểu xẩm, nghe xẩm. Mai Tuyết Hoa miệt mài tìm những bài xẩm cổ, tìm những nghệ nhân xẩm để học hát, với sự giúp đỡ nhiệt tình của những người đi trước như nghệ nhân Hà Thị Cầu, các cụ Trùm Nguyên, Thân Đức Chinh - những người hát xẩm nổi tiếng ở phố Khâm Thiên - cùng sự dìu dắt của các nghệ sĩ, nhạc sĩ Thao Giang, NSND Xuân Hoạch...

Truyền nhân của bà Cầu ảnh 1

Khoảng 7 năm nay, người Hà Nội giờ đã dần quen với hát xẩm nhờ sân khấu hát xẩm tại khu vực chợ đêm Đồng Xuân được tổ chức vào những ngày cuối tuần. Để chiếu xẩm ấy sáng đèn thường xuyên, thành nếp phục vụ đông đảo khách nghe trong và ngoài nước phải kể đến sự nỗ lực của NSND Xuân Hoạch, NSƯT Thanh Ngoan, nhạc sĩ Thao Giang... Mai Tuyết Hoa đã đóng góp một cách khá đặc biệt để có được thành công ấy.

Khi Trung tâm phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam và Ban Quản lý chợ Đồng Xuân có ý định tổ chức biểu diễn hát xẩm, không ít người đã phản đối. Nhiều người chưa hiểu về xẩm nên nghĩ rằng tổ chức hát xẩm như thế chả khác nào... khuyến khích cho hát rong xin tiền. Chị đã chủ động đến các cơ quan có chức năng, vừa kéo đàn, vừa hát để thuyết phục. Giờ thì sân khấu hát xẩm đều đặn sáng đèn vào cuối tuần. Tuy vậy, chị vẫn còn nhiều trăn trở: "Hà Nội là mảnh đất nghìn năm, một chiếu xẩm như hiện nay là quá ít ỏi. Mình hy vọng thành phố sẽ đầu tư thêm để những không gian văn hóa như đền Bà Kiệu, đền Bạch Mã... có thêm những hoạt động văn hóa - văn nghệ dân gian, trong đó có xẩm".

Thân gái dặm trường

Để gìn giữ và bảo tồn những điệu hát xẩm, chị tự bỏ tiền túi lặn lội khắp miền quê Bắc Bộ rồi vào tận Thanh Hóa tìm gặp những người hát xẩm xưa để so sánh, đối chiếu. Nghe đâu có người còn biết hát xẩm, là chị lại tìm tới ngay.

“Lần nào tôi cũng xúc động đến ứa nước mắt bởi tiếng đàn và giọng hát buồn da diết của Mai Tuyết Hoa, gợi về những kỷ niệm, những số phận của con người quá khứ trong cảnh ngộ bất hạnh, éo le, cũng có lúc cười ra nước mắt. Mai Tuyết Hoa biểu diễn bằng tất cả trái tim của mình, bằng sự nhập vai thật sự, nhất là khi cô hóa thân vào vai thôn nữ chân quê với bộ váy dụm, áo nâu và khăn mỏ quạ, đôi khi còn đội chiếc nón cời, tay kéo đàn nhị, miệng hát những câu não lòng cùng những ngón vuốt nhấn rung trên phím đàn cò đầy sức truyền cảm tới người nghe thì làm sao không xúc động, không cảm thương!”.

Không chỉ phục dựng những làn điệu xẩm thất truyền, chị còn cải biên những làn điệu hát xẩm để phù hợp với xu thế hiện nay. Ngay khi tiếp xúc với xẩm tàu điện, Mai Tuyết Hoa đã có cảm nhận rất riêng. Xẩm tàu điện bình dân mà vẫn sang trọng, thanh tao. Khi đã "nhận diện" được giá trị của xẩm tàu điện, Mai Tuyết Hoa dành nhiều công sức để khôi phục điệu xẩm này. Đến giờ, chị là giọng ca số một về xẩm tàu điện. Cũng chính chị góp phần làm hồi sinh điệu xẩm độc đáo này và giới thiệu đến công chúng. Ngoài nghệ nhân Hà Thị Cầu, Mai Tuyết Hoa là nghệ sĩ trẻ duy nhất có thể vừa chơi đàn nhị, vừa hát xẩm. “Mai Tuyết Hoa là người đặc biệt vừa chơi đàn cò tốt và vừa hát xẩm, cô có điều kiện đầy đủ nhất trong việc tiếp thu nghệ thuật hát xẩm từ nghệ nhân Hà Thị Cầu”- Tiến sĩ Đặng Hoành Loan, nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc chia sẻ.

Không ít người Nhật đã khóc khi nghe nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa hát tại Festival Nghệ thuật thế giới (tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản tháng 2/2010). Khi Mai Tuyết Hoa đến Quốc hội hát, nhiều ĐBQH cũng không giấu được xúc động. Giọng hát của chị đã chinh phục được Ban Chỉ đạo 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Để có được thành công ấy, chị đã phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt, bỏ qua những lời đàm tiếu của mọi người về “nghề hát xẩm” để khẳng định mình.

Trần Gia Bảo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.