Xoay quanh thú chơi cổ xưa này, ngoài những đam mê thì còn đó những kỳ công trong việc huấn luyện bồ câu đen.
Tương truyền, từ thời nhà Lý một số làng xã được triều đình giao trọng trách huấn luyện chim bồ câu làm phương tiện liên lạc, đưa thư từ biên ải về kinh đô thông tin chiến sự. Sau khi loạn lạc kết thúc, những chú chim bồ câu được dân gian chuyển sang huấn luyện thả đàn, dần thành một hội thi đầy thú vị.
Trò chơi cổ xưa
Nghiêm Xá là 1 trong 7 ngôi làng cổ thuộc tổng Chờ xưa kia. Ngôi làng cổ vẫn giữ nguyên các mỹ tục mà hàng ngàn năm trước cha ông đã tạo dựng. Ngay cả thú chơi chim bồ câu, cũng bắt nguồn từ những cuộc chiến thời nhà Lý. Họ hình thành thú chơi, không đơn giản chỉ là tiêu khiển, mà là nét văn hóa đặc sắc.
Từ làng Nghiêm Xá, Bắc Ninh hình thành các phường chơi chim: Kinh Bắc, Thăng Long, Ba Miền, Bắc Hà, Miền Đông, Yên Phong, Liên Tỉnh, Trung Tâm. Phường chơi hội tụ những người đam mê, có kinh nghiệm, hiểu văn hóa, tôn trọng nền hòa bình.
Sau mỗi mùa thu hoạch, người dân Nghiêm Xá tập trung tại đình làng xem phóng điểu. Dần dần, trò chơi thư giãn ấy được nâng thành hội thi, trở thành nét văn hóa truyền thống của người dân xứ Kinh Bắc.
Họ gửi gắm ước vọng về một mùa màng bội thu, đất nước hòa bình. Từ hội thi phóng điểu, dần hình thành thú chơi nuôi thả chim bồ câu, và được lưu truyền cho đến ngày nay.
“Từ hồi bé tí, chúng tôi đã theo chân những người hàng xóm mê chơi chim ra đồng xem huấn luyện. Càng lớn chúng tôi lại càng am hiểu việc huấn luyện chim và thi phóng điểu”, cụ Phạm Văn Sáng kể.
Vì những thú vị của thú chơi này nên từ trẻ nhỏ đến người già ở Nghiêm Xá đều rất thành thục. Họ thường tham gia các cuộc thi phóng điểu khắp trong Nam ngoài Bắc. Thậm chí, khi chẳng có cuộc thi nào thì người trong làng tự thi với nhau.
Ông Nguyễn Văn Đoàn là một trong những người chơi chim có tiếng. Trong nhà ông treo rất nhiều giấy chứng nhận, bằng khen mà ông gặt hái được trong mỗi cuộc thi. Tuy nhiên ông Đoàn cho rằng, phóng điểu là trò vui dân gian, giải thưởng cũng chỉ mang tính tượng trưng. Điều quan trọng nhất của mỗi người khi tham dự hội thi là cái tâm thanh thoát, không hề có ý nghĩ ăn thua tranh giải.
Ngoài việc đồng áng lao động hàng ngày, trò phóng điểu là thú vui duy nhất của ông Đoàn cũng như rất nhiều lão niên ở Nghiêm Xá. “Mỗi khi nhìn thấy cánh chim bay vút tận trời xanh mà thấy lòng thư thái, quên hết nhọc nhằn lo nghĩ. Ai huấn luyện chim giỏi, còn được người khác tôn trọng, kính nể”, ông Đoàn cho biết.
Tỉ mỉ tuyển chim
Để có những chú chim thi đấu đỉnh cao, những người tuyển chim cũng phải cực kỳ công phu, không khác nào chọn lựa một cầu thủ bóng đá. Ban đầu, người ta phải tập hợp những chú chim mới nở để nuôi theo chế độ đặc biệt. Sau đó, chim đủ tiêu chuẩn mới được đưa đi thi đấu.
Nhiều người chơi chim ở Nghiêm Xá khẳng định, phải coi trò chơi này là môn nghệ thuật. Vì phải rất kỳ công, có óc quan sát phán đoán cộng với may mắn thì mới tuyển được những chú chim ưng ý huấn luyện biểu diễn.
Khi chim nở ra, người ta phải chọn những con có kích cỡ đều nhau. Từ màu mỏ, màu lông, màu chân phải giống nhau, không xuất hiện bất cứ một dị tật nào. Hai tháng sau khi nở, chim bắt đầu ra lông ống thì người chơi phải quan sát xem lông mọc có đều hay không. Nếu chiếc lông nào ra sớm thì phải nhổ đi để đợi những chiếc lông sau ra đều hơn. Trong quá trình này, thấy chú chim nào xuất hiện lông khác màu thì phải loại.
Khi chim bồ câu mọc đủ lông, người nuôi phải đem chim ra sân rồi tung lên trời để chim tập bay. Góc tung thẳng đứng để chim quen với hướng bay theo tiêu chí của đội hình thi chim sau này. Mỗi ngày, người huấn luyện phải thả chim ít nhất một lần ở sân nhà, sau đó để chim tự bay về tổ.
Những tuần tiếp theo, khi chim cứng cáp, người chơi sẽ đem chim ra ngõ tung lên trời, để chim bay thật cao thật xa rồi quan sát xem chim có quay trở lại hay không. Cứ như vậy, địa điểm huấn luyện chim được xê dịch ra ngoài ngõ, ngoài đồng, ngoài xã và thậm chí là ngoài tỉnh để đàn chim quen với địa hình và tự tìm về nhà.
Cường độ huấn luyện chim cũng được tăng cùng với sự phát triển của chim. Những tuần đầu, người chơi chỉ thả chim một vài lần mỗi ngày. Khi chim cứng cáp, người chơi thả chim nhiều hơn với khoảng cách là ngoài ngõ hoặc các vị trí cách nhà khoảng một vài cây số. Nếu địa điểm luyện chim cách xa nhà, thì mỗi ngày chỉ thả một lần để giữ sức cho chim.
Tuy nhiên, không phải ngày nào người chơi cũng có thể luyện chim. Tùy vào thời tiết mỗi ngày mà có phương pháp luyện chim phù hợp. Chẳng hạn trời mưa thì không được phép thả chim, vì nước mưa sẽ làm hỏng bộ lông.
Cụ Nguyễn Huy Chính, người chơi chim lâu năm tiết lộ, việc huấn luyện chim sẽ kéo dài khoảng 4 – 5 tháng trước khi đem đi thi đấu. Những chú chim thi xong sẽ được chọn lựa làm giống, vì chúng thường cho ra đàn chim con đạt chuẩn và dễ huấn luyện hơn.
Chọn 10 lấy 1
Để đạt được thành tích cuộc thi phóng điểu, mỗi năm, ông Nguyễn Văn Đoàn phải chọn lựa 100 chú chim chia thành 10 đội, mỗi đội 10 con. Mỗi đội thả cách nhau 10 – 15 phút để chim tập bay.
Sau tháng đầu tiên của kỳ huấn luyện, ông Đoàn sẽ loại những chú chim bay không đạt tiêu chuẩn. Những chú chim còn lại chia thành 9 đội, tiếp tục bước vào tháng huấn luyện thứ hai. Sau tháng thứ hai, tiếp tục quan sát và loại để chọn ra 1 đội gồm 10 chú chim ưu tú.
Ông Đoàn khẳng định, chọn lựa chim càng kỹ thì khả năng đoạt giải càng cao, kỹ thuật biểu diễn của chim sẽ đẹp và đúng tiêu chuẩn. Tiêu chuẩn của một đội chim thi chuẩn đó là chim phải bay tròn đàn theo phương thẳng đứng sau khi thả, và đạt độ cao theo quy định của hội thi.
Theo quy định, một cuộc thi chim sẽ có ban giám khảo gồm 10 người là các bậc cao niên, có nhiều kinh nghiệm trong việc chơi chim. Sau khi thả, ban giám khảo sẽ quan sát mỗi đội chim bay.
Nếu đội nào bay theo phương thẳng đứng đến độ cao có thể quan sát bằng mắt thường mà cả đàn chụm lại bằng một bàn tay, tròn đàn thì đội đó thắng. Đội thi nào bay xiên sau khi thả thì bị loại ngay lập tức.
Một nguyên tắc đối với hội thi chim đó là không thi chim trắng hoặc có lẫn các màu lông khác. Nguyên nhân vì nếu chơi chim trắng, khi thi đấu rất khó quan sát chấm điểm.
Trong đàn nếu có màu chim nào đó khác thường, những chú chim còn lại sẽ lầm tưởng là đầu đàn, chúng sẽ bay theo và phá hỏng cuộc thi. Vì thế, hàng trăm năm nay trong mọi hội thi phóng điểu ở Bắc Ninh, người ta chỉ chơi chim bồ câu đen.
Phong trào chơi chim bồ câu của người dân Bắc Ninh khá nhộn nhịp, được nhiều tỉnh, thành biết tới. Hàng chục năm trước, khi kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, một số đội chơi chim xuất sắc ở Bắc Ninh được mời về tham dự.
Theo kịch bản, dù các đội chơi chỉ thả một đàn chim bồ câu bay lên, nhưng lại là ấn tượng đặc biệt đối với người dân Hà Nội và khách quốc tế.
Ông Nguyễn Văn Đoàn cho biết, thả chim xong thì chúng tôi ra về. Khi về đến nhà đã thấy đàn chim đậu trên mái nhà. Sở dĩ chim có thể tự tìm về nhà là do quá trình huấn luyện càng xa nhà thì chim nhận diện địa hình càng tốt.
“Chim bồ câu rất thông minh, nếu chúng tôi thả chim vào những ngày gió chướng, bầy chim sẽ về nhà muộn hơn. Lý do là chim sẽ bay vòng để tránh luồng gió, sau đó mới xác định hướng để bay về”, ông Đoàn cho biết.
Ngoài việc tham gia những lễ hội lớn, mỗi năm Nghiêm Xá tổ chức hai lần thi chim vào tháng 4 và tháng 8 âm lịch. Cùng với dân ca quan họ, phóng điểu trở thành nét văn hóa đặc trưng chỉ có ở xứ Kinh Bắc.